Từ thế hệ Baby Boomers đến Millennials làm sao gắn kết hiệu quả?

Hầu hết các doanh nghiệp đều có lớp nhân sự đa thế hệ cùng làm việc. Mỗi thế hệ lại có lối tư duy riêng biệt, phong cách làm việc và cách giao tiếp khác nhau. Điều này đòi hỏi nhà quản lý phải tinh tế để nhận biết và phát huy thế mạnh của từng nhóm để đạt hiệu quả công việc tốt nhất.

Độ tuổi khác nhau, gắn kết khác nhau

Nghiên cứu của Dale Carnegie về sự gắn kết của nhân viên cho thấy rằng, nhân viên tuổi trung niên (40-49 tuổi) ít gắn kết hoặc không gắn kết với tổ chức. Điều này có thể do áp lực bên ngoài từ cuộc sống gia đình hoặc do họ đã đạt được những cảm xúc cao nhất trong sự nghiệp của mình.

Ngược lại, nghiên cứu còn cho thấy rằng, nhân viên với độ tuổi trẻ hơn (tầm 30 tuổi) và nhân viên từ 50 tuổi trở lên thường gắn kết hơn. Điều này có thể do kỳ vọng tươi trẻ của sự nghiệp mới, hoặc do họ đã đạt được các mốc quan trọng trong sự nghiệp (đối với những người lao động lớn tuổi). Ít nhất 66% tỷ lệ nhân viên là không hoàn toàn có sự gắn kết. Quan trọng hơn là mức độ gắn kết của cấp quản lý có kinh nghiệm thường rất thấp.

Trong một khảo sát khác của Anphabe thực hiện hồi năm 2016, có đến 85% Giám đốc nhân sự được phỏng vấn thừa nhận với mức độ từ nhẹ nhàng đến nghiêm trọng, trong doanh nghiệp của họ đang có “cuộc chiến ngầm” giữa các thế hệ, nhất là thế hệ X và Y.

Làm sao để gắn kết?

Theo khảo sát của Dale Carnegie, 61% tỷ lệ nhân viên thuộc thế hệ Baby Boomers thường gắn kết khi được đóng góp vào trong quá trình quyết định của công ty. Trong khi đó, 38% tỷ lệ nhân viên thuộc thế hệ X bộc lộ sự tự tin trong khả năng lãnh đạo với người giám sát của họ là những nhân viên hài lòng với người đó.

Còn đối với thế hệ Y, 60% tỷ lệ nhân viên cảm thấy có sự tác động lên định hướng của công ty là những người gắn kết với công ty.

Từ nghiên cứu về những đặc điểm tính cách của từng thế hệ, Dale Carnegie đã chỉ ra cho các nhà lãnh đạo các cách để gắn kết với từng thế hệ.

Với thế hệ Baby Boomers, họ là những người muốn cảm thấy mình độc đáo và khác biệt so với đồng nghiệp của họ. Do đó, khi làm việc cùng thế hệ này, nhà lãnh đạo cần:

Cung cấp cho họ các nguồn lực và cho họ tham gia vào việc đưa ra quyết định. Họ thích một môi trường làm việc có sự hợp tác và đồng thuận. Họ cảm thấy quan trọng khi bạn đưa họ vào quá trình ra quyết định.
Đánh giá cao đạo đức làm việc tốt đẹp, sự sẵn sàng làm việc nhiều giờ và mong muốn chứng minh bản thân của họ. Nhìn nhận họ một cách công khai. Họ thích được ca ngợi trước những người khác.
Giao tiếp trực diện và đối mặt. Mang lại cho họ những phản hồi liên tục đi kèm với bằng chứng

Đối với thế hệ X, họ là những người ưa tự do hoạt động không theo kiểu quản lý truyền thống. Vì thế, nhà lãnh đạo cần:

Cung cấp cho họ khoảng không gian được sáng tạo để hoàn thành nhiệm vụ và mục tiêu. Cho phép họ có cơ hội lựa chọn sử dụng tài nguyên và sự sáng tạo của riêng mình để đạt được thành công. Mời họ tham gia vào nhiều dự án và trao quyền ưu tiên cho họ để họ cảm thấy có quyền kiểm soát.
Cung cấp các nhiệm vụ đầy thử thách. Cho phép cơ hội học các kỹ năng mới và cung cấp nhiều trách nhiệm khác nhau. Nhóm này rất thích các cơ hội học tập và các chương trình đào tạo. Họ biết rằng việc duy trì khả năng của họ hiện tại là rất quan trọng cho thành công nghề nghiệp của họ, vì vậy việc đầu tư vào các chương trình đào tạo có thể xây dựng dựa trên sự hài long trong công việc và sự tham gia.
Người quản lý cần phải truyền đạt rõ ràng con đường sự nghiệp của từng nhân viên và điều chỉnh mục tiêu nghề nghiệp của họ phù hợp với mục tiêu của công ty. Trong quá trình giao tiếp, trao đổi cố gắng tạo ra các câu hỏi như: “Bạn nghĩ cách tiếp cận tốt nhất là gì?” Và “Bạn dự định giải quyết vấn đề này như thế nào?” Những nhân viên này cảm thấy được đánh giá cao khi bạn cần và hỏi ý kiến cũng như ý tưởng của họ. Cho họ thấy được cách làm việc của họ tạo ra sự khác biệt trong tổ chức.
Tập trung lắng nghe và tôn trọng ý kiến của họ. Cung cấp phản hồi mang tính xây dựng và trực tiếp về quá trình phát triển của họ. Họ cần phải biết được những gì họ đang làm đúng và họ cần phải cải thiện những việc gì. Điều này đi đôi với mong muốn tự phát triển, cải thiện và gắn kết của họ.

Trong khi đó, thế hệ Y hay còn có cách gọi khác là Millennials là những người lớn lên trong thời đại công nghệ. Họ là những người nhân viên có sự quen thuộc nhất với sự thay đổi của công nghệ và đa nhiệm. Việc sử dụng rộng rãi phương tiện truyền thông xã hội là một trong những khác biệt đáng kể so với các thế hệ cũ. Xuất hiện vào thời kỳ chuyển đổi giữa các giá trị, họ bị thu hút với các tổ chức có sứ mệnh tiến tới mục tiêu vĩ đại hơn là trọng tâm kinh doanh vì lợi nhuận. Millennials coi trọng việc cân bằng gia đình và công việc, vì vậy để làm việc tốt với nhóm này, nhà lãnh đạo cần:

Huấn luyện họ trực tiếp và họ sẽ nhận thức vấn đề nhanh chóng. Vẽ hình ảnh trực quan để thu hút, thúc đẩy và truyền cảm hứng cho họ. Sử dụng các hình thức điện tử khác nhau để giao tiếp với họ.
Tìm hiểu những đặc điểm tích cách và thể hiện sự tôn trọng và quan tâm đến cuộc sống cá nhân. Đồng thời, tập trung vào giá trị và mục tiêu cá nhân của họ, cố gắng điều chỉnh những mục tiêu đó phù hợp với mục tiêu của công ty.
Truyền đạt tầm nhìn tổng thể và kế hoạch phát triển của công ty.
Tích cực thách thức khả năng, sự sáng tạo và sở thích của họ. Thế hệ Y muốn được thử thách. Chỉ định cho họ các dự án mà từ đó họ có thể học hỏi. Họ thích trải nghiệm những điều mới mẻ. Khuyến khích họ sử dụng công nghệ và phương tiện mới nhất. Kích thích mở rộng suy nghĩ và sự sáng tạo của họ.
Tạo một môi trường làm việc nhóm tích cực, thân thiện, vui vẻ và có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng. Thế hệ Y thích làm việc song song cùng với những người khác. Thường thì các đồng nghiệp của họ trở thành bạn bè của họ. Mang lại cho họ công việc vừa đầy thử thách vừa có ý nghĩa. Cho họ thấy được cách làm việc của họ tạo ra sự khác biệt và điều đó quan trọng đối với mục tiêu của đội ngũ và công ty. Mang lại cho họ sự linh hoạt, và họ sẽ trung thành với bạn. Tôn trọng cuộc sống cá nhân của họ, mối quan tâm gia đình và các vấn đề sức khỏe, họ sẽ đem lại cho bạn với sự tôn trọng như một nhà lãnh đạo.
Tạo môi trường làm việc nơi mà các phản hồi đối ứng được khích lệ diễn ra. Cho nhân viên thế hệ Y thấy được rằng cánh cửa của bạn luôn mở cho họ. Nhận nhìn họ thường xuyên với phản hồi tích cực. Sự nhận nhìn cá nhân từ người quản lý trực tiếp là một động lực rất hiệu quả dành cho họ.

Lê Dung

Nguồn Doanh Nhân Online: https://doanhnhanonline.com.vn/baby-booomers-x-y-gan-ket-the-he-sao-cho-hieu-qua/