Từ phong trào đến đỉnh cao

Tại Bình Dương vừa khai mạc giải bóng đá thành phố mới Bình Dương - Cúp Becamex IDC năm 2024 với con số đăng ký tham dự đến choáng ngợp: 176 đội bóng - vượt xa kỷ lục 155 đội của năm ngoái.

Đây là lần thứ 17 giải đấu này được tổ chức và những con số nói trên cho thấy sức sống mãnh liệt của bóng đá phong trào và phần nào cũng lý giải được sự ổn định của phần đỉnh cao. CLB Becamex Bình Dương lên chơi V-League từ năm 2005, đến nay đã 4 lần vô địch quốc gia, chỉ đứng sau Hà Nội FC về số danh hiệu và chưa khi nào phải lo lắng chuyện xuống hạng.

Để tổ chức một giải phong trào thi đấu sân 11 người phức tạp hơn nhiều so với sân “phủi” 7 người vốn đang rất phổ biến hiện nay. Thế nên, việc Bình Dương duy trì được giải đấu suốt 17 kỳ tổ chức rất đáng được xem là hình mẫu trong công tác xây dựng nền tảng bóng đá ở các địa phương. Mặc dù hiếm có cầu thủ phong trào phát triển tài năng để chơi chuyên nghiệp nhưng chính các giải đấu có quy mô như ở Bình Dương có tính kết nối cộng đồng rất cao, thúc đẩy mạnh mẽ niềm đam mê bóng đá của cộng đồng.

Không nói đâu xa, hệ thống giải bóng đá phong trào sân 11 người tại TPHCM đang không còn được tổ chức thường xuyên dù đi đâu cũng thấy sân cỏ nhân tạo phục vụ bóng đá “phủi”. Bóng đá TPHCM nói chung và bóng đá hệ phong trào của thành phố đông dân nhất cả nước nói riêng từng có một quá khứ rất hào hùng. Nhưng trong nhiều năm, giải hạng A vô địch toàn thành đã bị ngưng trệ vì thiếu kinh phí và thiếu cả đội chơi. Thế nên ngay cả việc tham gia giải hạng ba toàn quốc vốn dành cho các CLB bán chuyên thì hiện TPHCM cũng thiếu đội tham gia hoặc chỉ cử đại diện chứ không qua sàng lọc từ hệ thống thi đấu thường niên. Cũng vì thế không chỉ giảm số đội dự V-League (còn 1 CLB), hạng nhất (0) mà ngay cả hạng nhì, hạng ba thì TPHCM cũng chỉ có không quá 2 đội tham dự. Các quận huyện cũng không duy trì được đội bóng chính quy, kể cả các huyện ngoại thành.

Chính tại TPHCM từng có trường hợp một cầu thủ phong trào trở thành tuyển thủ chuyên nghiệp là Giang Thành Thông (khoác áo CLB Công an TPHCM và SHB Đà Nẵng). Cũng từ sân chơi phong trào 11 người mới có một bầu Hưng dám bỏ tiền xây dựng trung tâm bóng đá Thành Long rồi sau đó đầu tư luôn cả đội hạng nhất TPHCM hay các đội bóng 100% tư nhân như Đá Mỹ Nghệ, Hải An United, Sách Thành Nghĩa… từng tham gia giải hạng nhì, hạng nhất quốc gia. Nói cách khác, bóng đá phong trào 11 người từng là niềm tự hào của thành phố.

Mặc dù không dễ nhưng có lẽ việc khôi phục lại các giải đấu theo hình thức chính quy, có phân cấp là một trong những bước đi cần được tính đến trong nỗ lực tìm lại thời hoàng kim cho bóng đá TPHCM. Các trung tâm bóng đá cộng đồng, các “lò” đào tạo vừa và nhỏ không thiếu, thậm chí nhiều nhất nước, rồi chương trình bóng đá học đường cũng sâu rộng nhưng vấn đề nằm ở đầu ra sau lứa tuổi U15 thì TPHCM hiện không có. Đó là điều đáng tiếc, nhất là khi “người hàng xóm” Bình Dương vẫn đang làm được.

YẾN PHƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tu-phong-trao-den-dinh-cao-post741331.html