Từ chối uống rượu, tôi bị khách của sếp bỉ bôi: 'Em nhạt thế'
Ép tôi uống rượu không được, vị khách quý của sếp hằn học bảo 'em nhạt thế', khiến sếp tôi sầm mặt, thể hiện sự ghét bỏ trong suốt buổi tiệc.
Tôi là phụ nữ, nhưng vẫn cảm thấy câu chuyện của các tác giả nam trong bài “Sợ hãi những trận uống rượu đến ngất đi khi công tác miền núi” và “Ám ảnh những lần bị sếp ép uống rượu đến ngộ độc” như nói hộ lòng mình. Vì tôi cũng là nạn nhân của cái “văn hóa” ép rượu kỳ quái vẫn đang thịnh hành trong xã hội chúng ta.
Từng có một chỗ làm bình an, vui vẻ nhưng lương thấp, tôi đổi qua công việc khác có môi trường năng động và thu nhập tốt hơn rất nhiều, nhưng lại phải chấp nhận một điều rất dở, đó là hay phải đi tiếp khách cùng sếp. Đó là khách hàng lớn, đối tác quan trọng, hay những nhân vật có quyền lực, có mối quan hệ mà doanh nghiệp chúng tôi cần tranh thủ sự ủng hộ, hợp tác của họ. Các bữa tiếp khách ấy luôn được thiết kế để có những nam nhân viên giỏi uống và nữ nhân viên ngoại hình đẹp, giao tiếp ổn và cũng phải biết uống rượu bia. Tôi thường xuyên có mặt còn vì vị trí công việc liên quan mật thiết.
Tôi hiểu “luật bất thành văn” của những buổi giao tế như vậy nên luôn “biết điều”, uống vừa đủ để khách hài lòng và sếp không mất mặt, cố gắng khôn khéo để bớt được chén nào hay chén ấy. Đàn ông trên bàn tiệc cũng lắm kiểu người. Người lịch thiệp thì chỉ cần tôi vui vẻ cụng ly, uống vài chén bày tỏ tâm ý là được. Nhưng cũng không ít vị khách coi phụ nữ trên bàn tiệc như yếu tố mua vui, nên ép uống một cách khả ố, thậm chí là tàn nhẫn. Có những nhóm khách còn hùa nhau tung hứng, ép tôi uống theo kiểu “đánh hội đồng”, khiến mấy ngày sau đó tôi vật vờ kiệt sức vì cơ thể bị đầu độc. Và hơn cả là cảm giác tổn thương vì không được tôn trọng, phải cố tự an ủi rằng tính chất công việc nó vậy, cứ coi là buồn vui của cuộc mưu sinh.
Không phải lúc nào tôi cũng đủ khỏe để uống rượu nhiều như vậy, nhưng khi công việc đến thì vẫn phải đi, vẫn phải nâng cốc và dốc cạn. Thường nếu tôi cáo mệt thì các quý anh dù không hài lòng cũng chẳng nài ép lộ liễu, hơn nữa chuyện uống nhiều uống ít đôi khi không bằng thái độ, mà tôi dĩ nhiên sẽ giữ thái độ tốt để bù lại.
Thế nhưng không phải khách nào cũng biết điều như vậy. Nhiều anh mặt nặng mày nhẹ, hết mỉa mai lại quay sang trách móc kiểu “em coi thường anh”, rồi lại dạy dỗ, chỉ giáo rằng “em phải biết thả lỏng ra”, “đừng cứng nhắc quá”… Có lần, do mới ốm dậy, cực kỳ mệt nên sau mấy chén cho phải phép, tôi nhẹ nhàng từ chối khi ông khách quý của sếp cố gắng ép nài. Tôi tin là mình nói đủ khéo léo, đủ dễ nghe, nhưng ông ta vẫn không chịu, vấn cố nhét cốc whisky vào tay tôi và nhìn chằm chằm chờ đợi, tỏ ý nếu tôi chưa uống thì ông ta sẽ chưa chịu quay sang chỗ khác.
Chính cái kiểu ép người quá đáng ấy khiến tôi không muốn cả nể nữa mà dứt khoát đặt cái ly xuống. Ông khách cười nửa miệng, buông mấy chữ: “Em nhạt thế, em mới đi làm à?”. Còn sếp tôi sầm mặt, nhìn tôi với ánh mắt lạnh tanh rồi từ đó đến cuối buổi xem tôi như vô hình, ghét bỏ ra mặt. May là hôm sau nghĩ lại, sếp cũng thông cảm và không trách nữa.
Không ít phụ nữ mà tôi biết cũng gặp cảnh bị cánh đàn ông ép uống rượu trong những bữa tiệc xã giao, và rồi sau đó, có những vị khách mượn hơi men hoặc lợi dụng lúc chị em chuếnh choáng để ôm vai bá cổ, đụng chạm, quờ quạng. Kiểu tình huống đó khiến những con người đang có mặt trở nên xấu xí trong mắt nhau, khiến mối quan hệ cũng trở nên thấp kém hơn.
Và văn hóa ẩm thực, văn hóa giao tiếp bị làm hoen ố. Chén rượu, vốn được coi là “tinh túy của hạt gạo”, giúp con người vui hơn, sảng khoái hơn nếu dùng vừa đủ, lại bị ghét oan chỉ vì lối ép uổng có phần man rợ này.
Bạn nghĩ gì về vấn đề này? Hãy chia sẻ ở box bình luận bên dưới.
Bạn từng chứng kiến hay có những trải nghiệm tồi tệ về nạn ép uống rượu bia? Theo bạn, có cách nào để chấm dứt tệ nạn này hay để tránh né, từ chối khi bị ép uống? Hãy chia sẻ câu chuyện, quan điểm và ý kiến của bạn ở box bình luận phía dưới hoặc địa chỉ email tamsu@vtc.gov.vn.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/tu-choi-uong-ruou-toi-bi-khach-cua-sep-bi-boi-em-nhat-the-ar639939.html