Truyền tải thông điệp sống tích cực đến cộng đồng

Gần 2 năm nay, hình ảnh anh Từ Quang Tú (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) bị cụt chân trái nhưng thường xuyên đi thăm hỏi, tặng nhu yếu phẩm, tiền, xe lăn cho người khuyết tật, bị bệnh hiểm nghèo đã không còn xa lạ với cộng đồng mạng.

Anh Từ Quang Tú bên chiếc xe ba gác và gạo, mì chuẩn bị đi tặng cho người khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh

Những việc làm tốt đẹp của anh Tú đã tạo được sức lan tỏa lớn, truyền cảm hứng cho không chỉ người khuyết tật, mà cả những người bình thường.

Nắm tay nhau vượt biến cố

Cách đây 13 năm, chàng thanh niên vạm vỡ, khôi ngô Từ Quang Tú từ Thái Bình vào Đồng Nai lập nghiệp, gặp và quen chị Nguyễn Thị Thảo (quê tỉnh Quảng Bình). Sau đám cưới vào tháng 6-2015, anh Tú nghỉ công việc ở ngân hàng ra ngoài buôn bán trái cây, còn chị Thảo tiếp tục làm điều dưỡng tại Bệnh viện Tâm thần trung ương 2.

Đi lên với 2 bàn tay trắng nhưng có sức khỏe và ý chí, anh Tú không quản ngại làm bất kỳ việc gì để có thu nhập, chuẩn bị tương lai tốt đẹp cho gia đình nhỏ. Mọi việc đang thuận lợi thì trớ trêu thay, trong một lần đi buôn sầu riêng từ miền Tây về Đồng Nai hồi tháng 4-2018, anh Tú bị bạn cùng buôn hãm hại, cướp tài sản. Cuộc sống gia đình anh Tú đảo lộn hoàn toàn vì người trụ cột gia đình vĩnh viễn mất đi chân trái, còn chân phải bị thương nặng.

Những ngày cuối năm 2023, lịch trình của anh Từ Quang Tú dày đặc. Hôm thì anh lên TP.HCM để nói chuyện, chia sẻ câu chuyện của mình với 150 người khuyết tật, hôm thì đi trao xe lăn cho người khuyết tật ở tỉnh Bình Dương, ở TP.HCM, tối cuối tuần lại đi phát xôi và tiền mặt cho 30 người vô gia cư ở TP.Biên Hòa.

Kẻ thủ ác gây tai họa cho gia đình anh sau đó bị xử phạt 4 năm tù giam. Tòa án yêu cầu người này phải bồi thường cho anh Tú 500 triệu đồng, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện.

Nhớ lại thời điểm khó khăn đó, anh Tú tâm sự: “Tai nạn ập đến quá bất ngờ khiến cả gia đình không đủ sức để gánh nổi. Trong 1 tuần, tôi phải trải qua 4 lần phẫu thuật. Tôi rơi vào trạng thái tuyệt vọng, nhiều lần muốn rời bỏ thế gian để vợ con đỡ khổ, nhưng những lời an ủi, động viên, tình yêu thương của vợ đã vực tôi dậy. Vợ nói chỉ cần tôi khỏe lại để vợ con nhìn thấy tôi thì xem như cô ấy sinh thêm một người con, có khó khăn, vất vả đến đâu cũng sẽ cố gắng vượt qua”.

Để có tiền chữa trị cho chồng, chị Thảo đã phải bán đi căn nhà mà 2 vợ chồng tích cóp mua được trước đó, ra ngoài thuê phòng trọ để ở. Trong căn phòng trọ nhỏ, kinh tế gia đình luôn thiếu trước hụt sau, chỉ có tình yêu thương là luôn đong đầy. Hàng ngày, chị Thảo vừa chăm sóc chồng và con nhỏ, vừa đi làm lo kinh tế gia đình. Trời không phụ lòng người, sau gần 2 năm tích cực điều trị, nỗ lực tập vật lý trị liệu, tập lực cơ, anh Tú đã bình phục và có thể đi lại được.

Vốn là “chân chạy”, lại không muốn tạo gánh nặng cho vợ, anh Tú đã rũ bỏ mặc cảm của bản thân, quyết định hành nghề chạy xe ba gác để kiếm thêm thu nhập.

Dù còn nhiều khó khăn nhưng các thành viên trong gia đình anh Từ Quang Tú luôn yêu thương nhau

“Anh Tú đăng bài viết lên mạng xã hội, nói nhận chở hàng nhưng không bê được đồ vì bị cụt chân. Nhiều người sau đó đã gọi điện cho anh nhờ anh chở hàng, chuyển chỗ trọ, dù anh đến trễ mấy họ cũng chờ. Thời điểm đó, nhiều người gọi quá nên anh làm không hết việc, chạy suốt ngày đêm, da đen nhẻm, sụt ký. Thấy thương anh quá nên tôi khuyên anh nghỉ ngơi, nhưng anh không chịu nghỉ” - chị Thảo kể lại.

Anh Từ Quang Tú có 2 kênh TikTok đạt 4 triệu và 1,7 triệu lượt likes có tên là Tú cụt chân 88 và Tú cụt chân 88 nick 2. Ngoài ra, trang Facebook Từ Quang Tú của anh có 50 ngàn người theo dõi.

Lan tỏa Trạm gạo 0 đồng, Xe lăn 0 đồng

Anh Tú tâm sự, bản thân anh chưa từng nghĩ anh có thể sống và đi lại được sau vụ tai nạn kinh hoàng đã diễn ra. Do vậy, anh muốn sống và làm những việc tốt đẹp, giúp đỡ những người khó khăn hơn mình như một cách để trả nợ cuộc đời.

Trong quá trình chạy xe ba gác, gặp công nhân, sinh viên nghèo, anh chở miễn phí. Trên đường đi, gặp những người khuyết tật, bị cụt tay, cụt chân, đi lại khó khăn, anh cũng giúp đỡ họ, khi thì biếu họ 50-100 ngàn đồng, khi thì tặng hộp cơm, chai nước, vài ký gạo. Thấy người đi đường bị hết xăng xe, xe hư, anh hỗ trợ chở họ đến những nơi gần nhất để đổ xăng, sửa xe hoặc chạy đi mua xăng giúp họ.

Anh Từ Quang Tú và mạnh thường quân tặng xe lăn điện cho chị Nguyễn Thị Hạnh ở P.Long Bình (TP.Biên Hòa)

Từ năm 2021, do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, anh Tú chuyển hướng hợp tác với một đơn vị viễn thông để livestream bán sim điện thoại trên TikTok. Số tiền thu được từ bán hàng trên mạng, anh Tú dành ra một phần để thực hiện chương trình Trạm gạo 0 đồng cho người khuyết tật, người nghèo. Mỗi tháng, vào mùng 4, anh Tú đi trao tặng khoảng 200kg gạo, 40 thùng mì tôm và tiền mặt cho người khuyết tật, người nghèo.

Quá trình tiếp xúc với người khuyết tật, thấy nhiều người có hoàn cảnh quá khó khăn, anh Tú ấp ủ dự định sẽ tìm cách giúp đỡ để trao tặng xe lăn tay cho họ, giúp họ có thể đi lại mưu sinh, giảm bớt gánh nặng cho bản thân, gia đình và xã hội.

Trong năm 2022, anh Tú đã trao tặng 14 chiếc xe lăn tay cho người khuyết tật. Mỗi lần tặng xe lăn, anh Tú đều quay video clip, chụp hình để đăng tải công khai trên mạng xã hội. Việc làm này sau đó nhận được sự chung tay của nhiều mạnh thường quân trong và ngoài nước. Nhờ đó, anh Tú có thêm nguồn lực để mua xe lăn điện tặng cho người khuyết tật. Trong 2 tháng cuối năm 2023, anh Tú đã trao tặng 10 xe lăn điện, 250kg gạo, 40 thùng mì, 10 thùng sữa, 60 đôi giày cho người khuyết tật và học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM.

Cách đây vài ngày, anh Tú đã trao tặng một chiếc xe lăn điện cho chị Nguyễn Thị Hạnh, 35 tuổi, ngụ P.Long Bình (TP.Biên Hòa). Anh Tú cho hay, chị Hạnh quê ở tỉnh An Giang, bị tai biến cách đây 5 năm, do không có người thân nên chị đi lang thang nhiều nơi để mưu sinh. Cách đây hơn 1 tháng, chị Hạnh đến khu công viên Tam Hiệp, được người dân xung quanh tìm cho một phòng trọ để ở. Chị đi bán vé số nhưng bị kẻ lưu manh cướp giật vé số và điện thoại. Sau khi biết hoàn cảnh của chị Hạnh, anh Tú đã đến tận nơi để tìm hiểu thông tin, hỗ trợ chị Hạnh 1 triệu đồng và đăng thông tin lên Facebook để kêu gọi sự chung tay của mạnh thường quân.

Anh Từ Quang Tú thăm hỏi, tặng gạo, mì tôm cho một người khuyết tật bán vé số ở ngã tư Lạc Cường (TP.Biên Hòa)

Kết quả, anh Tú kêu gọi được 11 triệu đồng. Số tiền này anh đã mua 1 chiếc xe lăn điện, còn lại 4 triệu đồng tiền mặt trao cho chị Hạnh để chị làm vốn đi bán vé số. Nhận được chiếc xe lăn, chị Hạnh rất vui mừng, liên tục khóc và gửi lời cảm ơn đến anh Từ Quang Tú cùng mạnh thường quân.

Khi được hỏi lý do vẫn đang phải đi ở trọ, chật vật mưu sinh nuôi 2 con nhỏ nhưng tháng nào cũng trích thu nhập để giúp đỡ người khuyết tật, anh Tú chia sẻ: “Đúng là cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhìn lên thì mình chưa bằng ai, nhưng nhìn xuống vẫn còn nhiều người khó khăn hơn mình. Nếu mình có thể giúp họ có kế sinh nhai, cuộc đời họ sẽ bớt khổ, gia đình họ và xã hội sẽ bớt đi một gánh nặng. Mình có ít thì giúp ít, có nhiều giúp nhiều, mong sao qua đó có thể truyền tải được thông điệp sống tích cực đến với người khuyết tật, tạo động lực giúp họ vượt qua khó khăn, vươn lên để có được cuộc sống tốt đẹp hơn”.

Hạnh Dung

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/bao-xuan-2023/202402/truyen-tai-thong-diep-song-tich-cuc-den-cong-dong-ba63021/