Truy nã cựu Trưởng phòng Tàu sông Cục Đăng kiểm Việt Nam

Cựu trưởng Phòng Tàu sông Đỗ Trung Học có hành vi nhận hối lộ hơn 2,8 tỷ đồng để cấp 38 thông báo năng lực cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa, phục hồi phương tiện thủy nội địa.

Ngày 23/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đang thụ lý điều tra vụ án hình sự “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Môi giới hối lộ”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các Chi cục Đăng kiểm trên địa bàn cả nước.

Cựu trưởng phòng đã trốn ra nước ngoài

Trong vụ án này, cơ quan điều tra xác định ông Đỗ Trung Học (63 tuổi, quê Hải Phòng) trong thời gian giữ chức vụ Trưởng Phòng Tàu sông thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam, đã nhiều lần nhận tiền hối lộ từ Nguyễn Xuân Hào (33 tuổi, quê Quảng Ngãi, đăng kiểm viên Chi cục Đăng kiểm Long An).

Theo đó, ông Học đã nhận từ ông Hào tổng số tiền hơn 2,8 tỷ đồng để cấp 38 thông báo năng lực cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa, phục hồi phương tiện thủy nội địa cho 38 xưởng đóng tàu trên địa bàn tỉnh Long An.

Thành phần hồ sơ xin cấp thông báo năng lực cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa, phục hồi phương tiện thủy nội địa của 38 xưởng đóng tàu nói trên không đúng, đủ theo quy định, hồ sơ được lập và hiện trạng cơ sở vật chất, cơ cấu tổ chức không phù hợp. Tuy nhiên, ông Học vẫn ký xét duyệt và trình ký cấp thông báo để hưởng lợi số tiền nêu trên.

 Ông Đỗ Trung Học đang bị truy nã.

Ông Đỗ Trung Học đang bị truy nã.

Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Đỗ Trung Học về tội “Nhận hối lộ”, quy định tại khoản 4, Điều 354 Bộ luật Hình sự. Các quyết định và lệnh trên đã được VKSND TP.HCM phê chuẩn.

Ngày 23/12/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã phối hợp với Công an quận Ba Đình và Công an quận Đống Đa (TP Hà Nội) thi hành bắt bị can để tạm giam đối với bị can Học.

Tuy nhiên, bị can Học đã bỏ trốn và đang ở nước ngoài, nên cơ quan điều tra ra quyết định truy nã. Theo Công an TP.HCM, bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay người đang bị truy nã đến Cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc UBND nơi gần nhất.

Sau khi bắt hoặc tiếp nhận đối tượng truy nã phải báo ngay cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM (268 Trần Hưng Đạo, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1) hoặc liên hệ điều tra viên Đỗ Chí Dũng.

38 xưởng đóng tàu “chung chi” để làm hồ sơ

Theo kết luận điều tra, 38 chủ cơ sở đóng tàu tại Long An đã liên hệ bị can Phạm Hoài Hà (giám đốc Chi cục Đăng kiểm Long An) để được hướng dẫn cấp thông báo năng lực.

Ông Hà đã giới thiệu bị can Nguyễn Xuân Hào (đăng kiểm viên Chi cục Đăng kiểm Long An) tiến hành lập hồ sơ của 38 cơ sở đóng tàu này.

 Ông Phạm Hoài Hà thời điểm bị khởi tố, bắt tạm giam.

Ông Phạm Hoài Hà thời điểm bị khởi tố, bắt tạm giam.

Quá trình lập hồ sơ tại Long An, ông Hào đã nhận của chủ các cơ sở đóng tàu với số tiền từ 30 triệu đồng đến 150 triệu đồng/xưởng, trọn gói đến khi được cấp thông báo năng lực.

Sau đó, ông Hào đã gửi các hồ sơ này ra Cục Đăng kiểm Việt Nam tiến hành đánh giá. Quá trình đánh giá, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã cử ông Lê Ngọc Tú (phó trưởng Phòng Tàu sông) đánh giá các hồ sơ tại Long An.

Thời điểm này, bị can Đỗ Trung Học là người soát, xét hồ sơ và yêu cầu ông Hà phải đưa tiền để duyệt hồ sơ. Ông Học cung cấp số tài khoản của cá nhân và của Nguyễn Thành Lê (giám đốc Công ty cổ phần tư vấn và thiết kế công nghiệp tàu thủy Vietship) để ông Hà chuyển tiền.

Sau khi Đỗ Trung Học yêu cầu đưa tiền thì Phạm Hoài Hà đã yêu cầu Nguyễn Xuân Hào đưa tiền, đồng thời đưa tài khoản của Nguyễn Thành Lê và Đỗ Trung Học để Hào chuyển tiền vào.

 Ông Nguyễn Thành Lê thời điểm bị khởi tố, bắt tạm giam.

Ông Nguyễn Thành Lê thời điểm bị khởi tố, bắt tạm giam.

Từ tháng 1/2021 đến tháng 12/2021, ông Hào 8 lần chuyển tiền vào tài khoản của Nguyễn Thành Lê, 4 lần chuyển tiền vào tài khoản của ông Học với tổng số tiền hơn 4,1 tỷ đồng. Trong đó, hơn 2,8 tỷ đồng để cấp thông báo năng lực xưởng, số còn lại để ông Học làm hồ sơ thiết kế.

Quá trình điều tra, cơ quan công an xác định các hồ sơ đánh giá các cơ sở tại Long An không đủ điều kiện để cấp thông báo năng lực theo quy định. Cụ thể, không có quy trình hàn, công nhân không có chứng chỉ thợ hàn; mặt bằng sản xuất không phải đất sản xuất kinh doanh mà là đất nông nghiệp; bến chuyên dùng không được cấp phép; chưa có giấy phép xây dựng; không có kỹ sư làm việc, không có hợp đồng với kỹ sư; không có ký kết hợp đồng với nhà thầu phụ.

Tuy nhiên, bị can Lê Ngọc Tú, Đỗ Trung Học vẫn đề xuất ông Trần Kỳ Hình ký cấp thông báo năng lực cho các cơ sở đóng tàu này hoạt động trái pháp luật.

Hoàng Thuận/Tiền Phong

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/truy-na-cuu-truong-phong-tau-song-cuc-dang-kiem-viet-nam-post1476902.html