Trung Quốc trình làng 'quái vật Bột Hải'

Hình ảnh về chiếc thủy phi cơ bí ẩn được lan truyền trên mạng xã hội cho thấy Trung Quốc đang thử nghiệm một 'quái vật biển' mới, thách thức cả radar lẫn sóng lớn.

 Một trong những bức ảnh được đăng trên mạng xã hội Trung Quốc được cho là chụp phần sau của một tàu vũ trụ lớn có cánh trên mặt đất trên một cầu tàu ở biển Bột Hải của Trung Quốc. Ảnh: Handout.

Một trong những bức ảnh được đăng trên mạng xã hội Trung Quốc được cho là chụp phần sau của một tàu vũ trụ lớn có cánh trên mặt đất trên một cầu tàu ở biển Bột Hải của Trung Quốc. Ảnh: Handout.

Tuần qua, mạng xã hội Trung Quốc lan truyền hai bức ảnh được cho là ghi lại hình ảnh của chiếc thủy phi cơ lướt mặt nước (WIG – wing-in-ground-effect craft), một trong số đó cho thấy rõ hình dáng chiếc máy bay đang nổi trên mặt nước biển. Một số cư dân mạng gọi đây là “quái vật Bột Hải” - gợi nhớ đến hình tượng “quái vật biển Caspi” nổi tiếng của Liên Xô, theo SCMP.

Bức ảnh còn lại cho thấy phương tiện đang đậu trên cầu tàu, hướng lưng về phía ống kính. Chiếc WIG này sở hữu thân máy bay giống thuyền, phần đuôi thiết kế hình chữ V nối liền, phía trên gắn bộ cân bằng ngang – một cấu trúc phổ biến của các dòng WIG.

Ở mỗi đầu cánh có gắn phao nổi và trên cánh dường như lắp 4 động cơ song song. Dù nhiều nguồn cho rằng đây là động cơ phản lực, trang quân sự The War Zone lại nhận định có thể là động cơ cánh quạt.

WIG - hay còn gọi là ekranoplan theo tiếng Nga - vận hành theo nguyên lý “hiệu ứng mặt đất”: khi bay thấp gần mặt đất hoặc mặt nước, luồng không khí dưới cánh tương tác với bề mặt phía dưới tạo ra áp suất tĩnh lớn hơn và giảm lực cản, giúp phương tiện bay ổn định hơn và tiết kiệm nhiên liệu.

Chiếc WIG nổi tiếng nhất từng được phát triển là nguyên mẫu “quái vật biển Caspi” của Liên Xô vào những năm 1960. Với chiều dài tới 92 m và trọng lượng cất cánh tối đa 544 tấn, nó từng là phương tiện bay lớn và nặng nhất thế giới lúc bấy giờ.

Với khả năng bay thấp trên bề mặt phẳng như mặt biển hoặc mặt đất, các phương tiện WIG không chỉ tiết kiệm nhiên liệu mà còn có thể mang tải trọng lớn hơn so với máy bay truyền thống.

Đồng thời, chúng di chuyển nhanh hơn tàu thủy, thích hợp cho vận chuyển hàng hóa tốc độ cao trên biển. So với trực thăng, WIG cũng chịu được điều kiện thời tiết và sóng gió tốt hơn.

Đặc biệt, do chỉ hoạt động cách mặt nước vài mét, các phương tiện này khó bị radar phát hiện và nằm ngoài tầm bắn của nhiều hệ thống phòng không thông thường - một ưu thế đáng kể cho nhiệm vụ quân sự.

Sau vụ tai nạn của “quái vật biển Caspi” năm 1980, một số quốc gia đã phát triển các dự án WIG, nhưng không dự án nào có quy mô tương đương. Năm 2023, Trung Quốc lần đầu công bố nguyên mẫu WIG do Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Tàu thủy Trung Quốc (thuộc Tập đoàn Đóng tàu Quốc gia Trung Quốc) phát triển.

Mẫu WIG này được mô tả phù hợp với nhiệm vụ tìm kiếm - cứu nạn và vận tải hành khách giữa các đảo ở Biển Đông, đạt tốc độ tối đa 240 km/h và có thể bay liên tục 6 giờ với trọng lượng cất cánh tối đa 4,5 tấn.

Song song đó, Trung Quốc cũng đang phát triển các loại thủy phi cơ thông thường - có thể cất, hạ cánh trên cả mặt nước và đường băng truyền thống. Tiêu biểu là AG600 - máy bay lưỡng cư lớn nhất thế giới, với trọng lượng cất cánh lên tới 60 tấn và khả năng chở 12 tấn hàng hóa - hiện đã bước vào giai đoạn sản xuất hàng loạt.

Chiếc WIG vừa xuất hiện trên biển Bột Hải có quy mô tương đương AG600, cho thấy tiềm năng trở thành lực lượng nòng cốt trong vận tải thiết bị và hậu cần tốc độ cao trên biển, vượt trội mẫu tiền nhiệm về tầm hoạt động và tải trọng.

Trong khi đó, Mỹ cũng không đứng ngoài cuộc đua. Tháng 4 vừa qua, Washington công bố kế hoạch phát triển WIG mang tên Liberty Lifter, với mục tiêu chế tạo phương tiện có tải trọng 25 tấn. Mẫu trình diễn đầu tiên dự kiến bay thử vào giai đoạn 2028-2029.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://znews.vn/trung-quoc-trinh-lang-quai-vat-bot-hai-post1567456.html