Trung Quốc 'rót' thêm 47,5 tỷ USD vào quỹ đầu tư chip

Ngày 27/5, Bộ Tài chính Trung Quốc cùng loạt ngân hàng, doanh nghiệp hoạt động tại nước này công bố khoản đầu tư 47,5 tỷ USD vào giai đoạn thứ ba của Quỹ đầu tư công nghiệp mạch tích hợp quốc gia Trung Quốc (Big Fund).

Theo Reuters, một trong những lĩnh vực chính quỹ này sẽ tập trung vào là thiết bị sản xuất chip. Dữ liệu trên cổng thông tin Tianyancha cho thấy, Bộ Tài chính Trung Quốc là cổ đông lớn nhất trong giai đoạn mới nhất của quỹ với 17% cổ phần. Ngân hàng phát triển vốn Nhà nước Trung Quốc (China Development Bank Capital) là cổ đông lớn thứ hai với 10,5% cổ phần.

17 pháp nhân khác được liệt kê là nhà đầu tư, bao gồm 5 ngân hàng lớn: Ngân hàng Công thương Trung Quốc, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc, Ngân hàng Trung Quốc và Ngân hàng truyền thông Trung Quốc, mỗi bên đóng góp khoảng 6%.

Lần đầu tư này lớn hơn cả hai giai đoạn trước cộng lại. Quỹ đầu tư công nghiệp mạch tích hợp quốc gia Trung Quốc được thành lập năm 2014 với số vốn đăng ký giai đoạn đầu là 19 tỷ USD và giai đoạn thứ hai vào năm 2019 với 28,17 tỷ USD.

Đến nay, quỹ đã cung cấp tài chính cho các hãng sản xuất chip lớn nhất của Trung Quốc là Semiconductor Manufacturing International 0981.HK Corporation và Hua Hong Semiconductor 688347.SS, cũng như cho nhà sản xuất bộ nhớ flash Yangtze Memory Technologies và một số công ty và quỹ nhỏ hơn.

Nhờ đó, Trung Quốc đã có một số bước tiến lớn trong ngành bán dẫn. Theo CNBC, tập đoàn SMIC của Trung Quốc hiện làm chủ quy trình đóng gói 7nm, có thể sản xuất lượng lớn chip phức tạp cho smartphone cao cấp như Huawei Mate 60 và Pura 70.

Tuy nhiên, tiến độ trên được đánh giá là vẫn đi sau TSMC của Đài Loan (Trung Quốc) và Samsung của Hàn Quốc. Ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc vẫn phải vật lộn để khẳng định vai trò trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là với các dòng chip tiên tiến.

Giới chuyên gia cho rằng, khả năng sản xuất chip của Trung Quốc bị giới hạn do phụ thuộc vào hệ thống quang khắc mà ASML của Hà Lan đang là nhà cung cấp chính.

Theo thống kê của Qichacha, đơn vị chuyên cung cấp thông tin về các công ty Trung Quốc cho thấy, kể từ năm 2019 đến nay, hơn 22.000 doanh nghiệp liên quan đến chip bán dẫn tại Trung Quốc đã ngừng hoạt động. Trong đó, riêng năm 2023 ghi nhận số lượng kỷ lục là 10.900 doanh nghiệp. Con số này tương đương 30 công ty đóng cửa mỗi ngày trong năm, cho thấy tình trạng cạnh tranh khốc liệt trong lĩnh vực thiết kế và sản xuất bán dẫn.

Ngay sau khi công bố thông tin trên, cổ phiếu của các công ty bán dẫn lớn của Trung Quốc đã tăng vọt trong phiên giao dịch 27/5. Cổ phiếu của nhà sản xuất chip Semiconductor Manufacturing International Corp (SMIC) đã tăng tới 5,4% trên thị trường Hồng Kông (Trung Quốc). Cổ phiếu của công ty chip Hua Hong Semiconductor Ltd cũng ghi nhận mức tăng hơn 6%.

Hà Anh

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/trung-quoc-rot-them-475-ty-usd-vao-quy-dau-tu-chip-post35041.html