Trung Quốc khởi đóng hàng không mẫu hạm thứ 3
Theo các nguồn thạo tin về Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) Trung Quốc, nước này đã bắt đầu đóng tàu sân bay thứ 3 với các hệ thống phóng máy bay công nghệ cao tại một xưởng đóng tàu ở Thượng Hải từ năm ngoái.
Một nguồn tin cho hay, Tập đoàn đóng tàu Giang Nam Thượng Hải đã được cấp phép để bắt đầu đóng tàu sân bay trên sau khi các nhà lãnh đạo quân đội Trung Quốc nhóm họp ở Bắc Kinh tiếp sau các kỳ họp thường niên của Ủy ban toàn quốc Hội nghị Hiệp thương Chính trị nhân dân Trung Quốc hồi tháng 3/2017.
Nguồn tin tiết lộ, “xưởng đóng tàu vẫn đang đóng thân tàu, vốn được dự kiến mất khoảng 2 năm. Việc đóng tàu sân bay mới sẽ phức tạp hơn và thách thức hơn so với 2 tàu sân bay trước”.
Trung Quốc vẫn đang tìm cách xây dựng một lực lượng hải quân trên biển có thể hoạt động khắp toàn cầu và hỗ trợ bảo vệ an ninh biển của nước này, song tới nay Bắc Kinh mới chỉ có một tàu sân bay đó là tàu Liêu Ninh – tàu chiến cũ mua lại của Ukraine - được tân trang và đi vào hoạt động từ năm 2012.
Theo nguồn tạo tin về Hải quân PLA, các chuyên gia đóng tàu và kỹ thuật viên từ Thượng Hải và Đại Liên đang phối hợp đóng tàu sân bay thứ ba này. Tin cho biết, tàu này sẽ có độ giãn nước lớn hơn tàu Liêu Ninh từ 80.000-100.000 tấn.
Các nguồn tin còn khẳng định rằng, tàu sân bay mới mang tên CV-18 sẽ sử dụng một hệ thống phóng máy bay hiện đại hơn các hệ thống cất cánh theo kiểu “trượt tuyết” vốn được sử dụng cho hai tàu sân bay trước đó.
Tất cả các nguồn tin đều cho rằng quá sớm để nói khi nào tàu sân bay thứ ba này của Trung Quốc sẽ được hạ thủy, song Bắc Kinh có kế hoạch sở hữu nhóm tàu sân bay chiến đấu gồm 4 chiếc đi vào hoạt động tới năm 2030.
Tàu sân bay đầu tiên do Trung Quốc thiết kế và đóng là tàu Type 001A được cho là sẽ đi vào hoạt động đầy đủ trong năm nay.
Một nguồn tin nêu rõ, “Trung Quốc đã thành lập một đội ngũ đóng tàu sân bay hùng mạnh và chuyên nghiệp từ đầu năm 2000 – khi nước này quyết định tân trang cho tàu Varyag (tàu mua lại của Ukraine) để khi hạ thủy đổi tên thành Liêu Ninh. Trung Quốc đã thuê nhiều chuyên gia Ukraine làm cố vấn kỹ thuật”.