Trung Quốc bị Mỹ hất cẳng trong dự điện án hạt nhân ở Romania

Đại sứ Mỹ tại Bucharest thông báo Hoa Kỳ sẽ ký một hợp đồng để tài trợ xây dựng hai tổ máy mới của nhà máy điện hạt nhân ở Romania, thay cho Trung Quốc.

Nhà máy điện hạt nhân Cernavoda củ Rumania

Một "thỏa thuận hợp tác liên chính phủ nhằm hiện đại hóa một lò phản ứng hạt nhân và xây dựng hai lò phản ứng mới tại nhà máy Cernavoda" (phía đông nam) sẽ được ký kết tại Washington bởi Bộ trưởng Năng lượng Romania Virgil Popescu và người đồng cấp Mỹ Dan Brouillette, Đại sứ Mỹ tại Bucharest Adrian Zuckerman nói trong một tin nhắn video.

Theo ông, "dự án tổng trị giá 8 tỷ đô la này sẽ là khuôn mẫu" cho sự hợp tác kinh tế giữa hai nước trong tương lai.

Một thỏa thuận tài trợ của Mỹ bao gồm cả Cernavoda và các dự án khác, sẽ được ký với Ngân hàng Exim, ông Zuckerman cho biết, đồng thời đánh giá đây là "gói tài chính quan trọng nhất mà Romania từng nhận được".

Được AFP hỏi, Bộ Năng lượng Romania cho biết chi tiết về sự hợp tác này sẽ được công khai sau khi hai văn kiện được ký kết.

Vào tháng 6, Bucharest đã phá vỡ thỏa thuận với Tổng công ty Điện hạt nhân Trung Quốc (CGN) trong việc xây dựng hai lò phản ứng mới, trong bối cảnh mối lo về các đầu tư của Trung Quốc vào châu Âu ngày càng gia tăng.

CGN là ứng cử viên duy nhất cho việc xây dựng tổ máy số 3 và 4 của Cernavoda trong cuộc gọi đấu thầu do Bucharest đưa ra vào năm 2014. Nhưng tập đoàn Trung Quốc kể từ đó đã bị đưa vào "danh sách đen" các công ty bị Hoa Kỳ cáo buộc đã tìm cách ăn cắp các công nghệ của Hoa Kỳ để sử dụng cho mục đích quân sự.

Công ty Nuclearelectrica, phần lớn thuộc sở hữu của nhà nước Romania, đã cam kết tìm kiếm các nhà đầu tư khác, và chính phủ Rumania khẳng định sẽ ký với "một đối tác trong EU hoặc NATO".

Romania đã vật lộn trong mười năm để bắt đầu dự án Cernavoda, cơ sở hạt nhân duy nhất của nước này. Sáu công ty châu Âu - GDF Suez, Iberdrola, CEZ, RWE, Enel và ArcelorMittal - đã ký một thỏa thuận với Nuclearelectrica vào năm 2008, lần lượt rút khỏi vì những bất ổn xung quanh tương lai của nhà máy điện.

Hai lò phản ứng đang hoạt động tại Cernavoda cùng nhau cung cấp khoảng 17% nhu cầu điện của Romania.

Nh.Thạch

AFP

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/trung-quoc-bi-my-hat-cang-trong-du-dien-an-hat-nhan-o-romania-580388.html