Trực thăng khổng lồ Mi-26T2V hoàn toàn "mất tích" kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt trên đất Ukraine, tuy nhiên sắp tới có thể nó sẽ được sử dụng nhiều hơn trong một số nhiệm vụ đặc biệt.
Nhìn lại lịch sử của Mi-26, vgày 14/12/1977, phi công thử nghiệm - Anh hùng Liên Xô Gurgen Karapetyan đã lần đầu tiên đưa chiếc trực thăng vận tải siêu nặng Mi-26 Halo lên không trung. Bốn năm sau, nó đã bay qua các căn cứ quân sự ở Tây Đức.
Mi-26 được coi là cỗ máy độc nhất vô nhị khi nó thiết lập tới 14 kỷ lục thế giới, bao gồm việc nâng 25 tấn lên độ cao 4.100 mét, 20 tấn lên độ cao 4.600 mét, 15 tấn lên độ cao 5.600 mét và 10 tấn lên độ cao 6.400 mét.
Việc chế tạo mô hình trực thăng Mi-26 bắt đầu vào năm 1972. Quá trình phát triển đi kèm với thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, vì các nhà thiết kế phải tạo ra từ đầu cánh quạt chính và cánh quạt đuôi, hộp số chính đi kèm động cơ mới.
Năm 1980, Mi-26 đã vượt qua các cuộc thử nghiệm cấp nhà nước, và vào tháng 6/1981, cuộc trình diễn công khai đầu tiên của chiếc trực thăng siêu nặng đã diễn ra tại triển lãm hàng không vũ trụ ở Le Bourget.
Chuyến bay đến Paris mất khoảng 17 giờ, máy bay quá cảnh ở Vilnius, Warsaw, Berlin và Frankfurt am Main, và gây ra sự ngạc nhiên xen lẫn thích thú từ những binh sĩ thuộc phía đối lập.
Thậm chí sự xuất hiện của trực thăng vận tải quân sự cỡ lớn của Liên Xô trên bầu trời Tây Đức đã gây náo loạn trong giới quân sự và ngoại giao, nhất là khi chiếc Mi-26 bay ngay trên các căn cứ tên lửa hạt nhân của NATO.
43 năm sau, Mi-26 được thay thế bằng phiên bản mới của trực thăng siêu nặng - Mi-26T2V. Nguyên mẫu được sản xuất tại Rostov-on-Don có tổ hợp thiết bị vô tuyến điện tử mới nhất, giúp nó bay cả ngày lẫn đêm, có thể sử dụng chế độ lái tự động.
Tổ hợp đối kháng điện tử tích hợp trên chiếc trực thăng theo quảng cáo có khả năng đẩy lùi cuộc tấn công của tên lửa dẫn đường bằng radar hoặc đầu dẫn hồng ngoại. Vào tháng 10/2020, Mi-26T2V đã vượt qua thành công các bài kiểm tra cấp nhà nước.
Mặc dù vậy, trong khuôn khổ chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, trực thăng khổng lồ Mi-26T2V chưa từng được sử dụng một lần nào, thực tế trên có liên quan đến khả năng vận động của nó.
Mi-26T2V là chiếc trực thăng vận tải hạng nặng với kích thước đồ sộ, đương nhiên khả năng vận động của máy bay là tương đối kém.
Mặc dù có sức tải rất lớn nhưng Mi-26T2V không thể dùng để đổ quân, bởi trong nhiệm vụ này cần những trực thăng đa dụng càng linh hoạt càng tốt. Do vậy dễ hiểu tại giai đoạn đầu của chiến dịch, khi lính dù Nga liên tục đổ bộ từ máy bay lên thẳng thì Mi-26T2V vẫn vắng bóng.
Nhưng trong tình hình hiện nay, khi cuộc chiến đã bước sang giai đoạn mới và quân Nga đang gặp khó khăn với công tác tiếp vận, bởi hệ thống đường bộ cũng như đường sắt bị hư hỏng, những chiếc Mi-26T2V có thể trở nên rất hữu ích.
Nhờ khả năng chở hàng chục tấn đạn dược, cẩu được những khẩu trọng pháo cỡ lớn, trực thăng Mi-26T2V theo dự báo sẽ sớm được Lực lượng Hàng không vũ trụ Nga triển khai cho nhiệm vụ chi viện chiến trường.
Bạch Dương