Trục lợi đất công, không thoát kết đắng (Bài cuối): Triệt 'mầm' tham nhũng

Để ngăn ngừa, tiến tới triệt 'cái gốc' tham nhũng trong lĩnh vực này cần bịt kín những 'kẽ hở' để không thể tham nhũng, tiêu cực, đồng thời thẳng tay loại bỏ những cán bộ sai phạm để cảnh tỉnh, răn đe đối với những người đã và đang có ý định thực hiện hành vi tiêu cực, tham nhũng.

Trục lợi đất công, không thoát kết đắng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh thi hành lệnh bắt tạm giam Lê Văn Khánh, nguyên Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường, kiêm Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai huyện Thường Xuân. Ảnh: P.V

Khó khăn trong xử lý sai phạm

Đối với các vụ án liên quan đến đất đai, quá trình điều tra, thu thập tài liệu gặp không ít khó khăn do lĩnh vực quản lý, quy hoạch và sử dụng đất đai được điều chỉnh bởi nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, trong đó có nhiều văn bản quy phạm pháp luật còn bất cập và chưa thống nhất, dẫn đến tình trạng “lách luật”, làm cho việc xử lý hành vi phạm tội này không hề dễ dàng. Trung tá Lương Ngọc Hải, Đội trưởng Đội hướng dẫn, điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu, môi trường, Công an tỉnh cho biết: "Đất đai là lĩnh vực chuyên ngành, trong những trường hợp cần thiết phải trưng cầu giám định tư pháp khi giải quyết vụ án, vụ việc. Do đó, cơ quan điều tra phải trưng cầu cơ quan tài nguyên và môi trường để tiến hành giám định. Kết luận giám định của giám định viên là nguồn chứng cứ để làm cơ sở giải quyết vụ án, nhưng trong một số trường hợp, nội dung kết luận của giám định viên chưa thật sự cụ thể, rõ ràng và mang tính chất viện dẫn điều luật, gây khó khăn cho cơ quan điều tra đánh giá tài liệu, chứng cứ. Đặc biệt, hầu hết đối tượng thực hiện hành vi phạm tội ở lĩnh vực này là những người có chức vụ, quyền hạn và nhiều mối quan hệ trong xã hội. Họ hiểu biết rất rõ về chính sách, về luật, về lĩnh vực mình chỉ đạo; có chuyên môn trong quản lý, quy hoạch và sử dụng đất đai. Vì thế, sau khi thực hiện hành vi vi phạm, các đối tượng thường tìm cách “bọc lót”, che chắn vi phạm rất kỹ lưỡng, gây nhiều khó khăn cho việc phát hiện, điều tra, xét xử. Có những trường hợp mới, cơ quan chức năng bắt đầu hoạt động tố tụng, các đối tượng đã dùng mọi mối quen biết để can thiệp, nhờ vả nhằm mục đích dừng hoạt động điều tra, không bị xử lý.

Anh Hoàng Văn Tiến, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Yên Định, cho biết: Việc xử lý và khắc phục sai phạm trong lĩnh vực đất đai rất khó và phức tạp do hệ thống văn bản pháp luật về đất đai còn chồng chéo, trình tự, thủ tục xử lý vi phạm mất nhiều công đoạn, nhiều thời gian, nhân lực và chi phí. Các trường hợp vi phạm chủ yếu diễn ra từ nhiều năm trước, phần lớn đã hình thành tài sản cố định trên đất nên rất khó để giải quyết. Đặc biệt, nhiều trường hợp không có khả năng thực hiện nghĩa vụ tài chính nên không hợp tác, không phối hợp, thậm chí còn chống đối cơ quan chức năng tiến hành xử lý.

Một thách thức rất lớn đối với lực lượng chức năng hiện nay chính là sự tinh vi, phức tạp, khó phát hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực của các đối tượng phạm tội. Sự phức tạp không chỉ thể hiện ở số người vi phạm, mức độ thiệt hại mà còn là sự móc nối, câu kết chặt chẽ giữa người có chức vụ, quyền hạn với người thực thi nhiệm vụ. Trong khi đó, Luật Đất đai lại nhập hai chức năng quyết định các vấn đề về đất đai và thực thi quyền quản lý đất đai cho một chủ thể là UBND cấp huyện và cấp tỉnh, đây là “lỗ hổng” lớn nhất dẫn đến không thể phát hiện tham nhũng kịp thời. Mặt khác, các quy định pháp luật như Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp... còn có những vấn đề chưa thống nhất dẫn đến nhiều vướng mắc trong quá trình điều tra, xử lý các vụ án.

Tại Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh, khi chất vấn Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Sỹ Nghiêm về lĩnh vực đất đai, nhiều đại biểu cũng đã chỉ rõ: Một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa thực sự quan tâm, thiếu quyết liệt trong công tác quản lý đất đai và xử lý các trường hợp vi phạm. Việc buông lỏng quản lý, xử lý vi phạm thiếu kiên quyết, chưa tương xứng với mức độ vi phạm, không đủ tính răn đe, ngăn chặn, nhất là trong việc khắc phục hậu quả do vi phạm đất đai gây ra càng làm tăng số đối tượng vi phạm. Trong thực tiễn, việc tăng cường kiểm tra, giám sát, siết chặt kỷ cương kỷ luật để phát hiện ra những sai phạm chưa được thực hiện kịp thời. Hầu hết các vụ án tham nhũng về đất đai thường chỉ bị phát hiện sau khi hành vi tham nhũng đã hoàn thành, vì vậy việc xử lý khó khăn hơn và thiệt hại cũng nặng nề hơn.

Tham nhũng nói chung và tham nhũng liên quan đến đất đai nói riêng là rào cản cho sự tăng trưởng, phát triển bền vững. Đảng và Nhà nước đã khẳng định quyết tâm chính trị và hành động quyết liệt không khoan nhượng trên mặt trận “nóng bỏng” này. Do đó, để phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai hiệu quả, việc rà soát, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về đất đai có ý nghĩa quan trọng nhằm khắc phục những bất cập hạn chế, đồng thời “bịt” những kẽ hở trong chính sách đất đai, không để các tổ chức, cá nhân lợi dụng.

“Cuộc chiến” không ngừng nghỉ

Cuộc đấu tranh chống tham nhũng tuy đã và đang được triển khai rất quyết liệt nhưng còn phức tạp và lắm gian nan. Cùng với cả nước, những năm qua, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực tại Thanh Hóa nói chung, PCTN lĩnh vực đất đai nói riêng đã tạo được nhiều dấu ấn nổi bật nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự nỗ lực, cố gắng, quyết tâm của các cơ quan tham mưu và cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là sự nỗ lực rất cao của các cơ quan, đơn vị có chức năng PCTN.

Không thể xóa “tận gốc” tham nhũng, đặc biệt là tham nhũng đất đai trong một thời gian ngắn. Vì vậy, trong đấu tranh PCTN dù đạt được nhiều kết quả rất tích cực nhưng không thể chủ quan, nóng vội hay thỏa mãn mà trái lại phải rất kiên trì và bền bỉ. Cùng với quyết tâm cao của Ban Chỉ đạo Trung ương, Thanh Hóa đã và đang quyết liệt triển khai các giải pháp PCTN. Trong đó, việc thành lập Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực tỉnh Thanh Hóa do đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng ban đã cho thấy quyết tâm chính trị mạnh mẽ của Thanh Hóa trong đấu tranh với các hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Cùng với đó, để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quản lý đất đai, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 17/CT-UBND về việc chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh. Trong đó, yêu cầu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai và hạn chế thấp nhất những vi phạm pháp luật về đất đai trên địa bàn tỉnh. Mới đây, ngày 17-5-2023, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tiếp tục ban hành Quyết định số 1646/QĐ-UBND về thành lập Tổ công tác đánh giá công tác PCTN cấp tỉnh năm 2022. Tổ công tác có nhiệm vụ thu thập thông tin, tài liệu thực hiện việc đánh giá công tác PCTN bảo đảm chính xác, khách quan để chỉ rõ những mặt được và chưa được, từ đó đề ra các giải pháp chấn chỉnh một cách hiệu quả.

Một vụ tham nhũng có thể làm tha hóa số lượng lớn cán bộ, làm cho các ngành, các địa phương bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Do đó, để làm trong sạch bộ máy, Thanh Hóa đã kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa và chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi tham nhũng, tiêu cực, hành vi bao che, tiếp tay, dung túng cho tham nhũng, tiêu cực hay can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng, tiêu cực. Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra các lĩnh vực, địa bàn dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, những vấn đề nhạy cảm, nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận được tăng cường. Trong đó, coi trọng vai trò giám sát của Nhân dân, bởi những phản ánh, kiến nghị kịp thời của Nhân dân đã giúp các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sớm phát hiện các hành vi tham ô, lãng phí. Trên thực tế, thực hiện Quyết định 217, Quyết định 218 của Bộ Chính trị, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân đã vào cuộc tích cực, tổ chức và thực hiện các hoạt động giám sát hằng năm rất hiệu quả. Các ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng ở cơ sở thường xuyên được kiện toàn, hoạt động của các ban đã phát huy vai trò trong việc phát hiện thiếu sót trong hoạt động của cơ quan Nhà nước, nhất là những thiếu sót, vi phạm trong thực hiện các dự án, chương trình có nguồn vốn Nhà nước để đề xuất với cấp có thẩm quyền sớm khắc phục, chấn chỉnh khi có dấu hiệu vi phạm.

Ngoài “kẽ hở” về cơ chế, chính sách thì sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên được cho là nguyên nhân chính dẫn đến tham nhũng, tiêu cực. Do đó, để triệt mầm tham nhũng, cần chú trọng xây dựng “văn hóa liêm chính” để cán bộ “không dám và không thể tham nhũng”. Trước những con số nhức nhối về nạn tham nhũng trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thì việc tập trung xây dựng “văn hóa liêm chính” càng trở nên cấp bách và phải làm cho bằng được để hình thành “văn hóa nêu gương”, “nói đi đôi với làm”, văn hóa “trọng liêm sỉ, danh dự” trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Chúng ta không thiếu những cán bộ trong sạch, liêm khiết, do đó cần thẳng tay loại bỏ những cán bộ sai phạm để cảnh tỉnh, răn đe đối với những cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đã và đang có ý định thực hiện hành vi tiêu cực, tham nhũng.

Để đấu tranh có hiệu quả với tội phạm về kinh tế, tham nhũng, Công an Thanh Hóa đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch phòng, chống vi phạm trong lĩnh vực xây dựng, quản lý đất đai, đồng thời tham mưu với UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo trong việc xác định khởi điểm, quyết định phê duyệt giá đất, hủy các quyết định phê duyệt giá đất các dự án trên địa bàn tỉnh. Chủ động phối hợp với các ban, sở, ngành và UBND các huyện, thị, thành phố tăng cường công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng và công tác phối hợp điều tra, xác minh các tổ chức, cá nhân vi phạm để xử lý, kiên quyết không bỏ lọt tội phạm. Lực lượng cảnh sát kinh tế toàn tỉnh sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc tham nhũng, sai phạm kinh tế nghiêm trọng, phức tạp với quan điểm tích cực, khẩn trương, rõ đến đâu xử lý đến đó, không phân biệt người có hành vi phạm tội là ai, đã có dấu hiệu phạm tội phải khởi tố, điều tra và đã kết luận có tội thì phải truy tố, xét xử.

Bám sát nhiệm vụ được giao, ngoài thanh tra theo chương trình, kế hoạch đã đề ra, Thanh tra tỉnh luôn chú trọng đến việc thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm, khi có đơn thư tố cáo, tập trung vào các ngành, lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao, nhất là trong lĩnh vực đất đai. Cùng với đó, ngành thanh tra cũng đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước về PCTN trong phạm vi quản lý; phát hiện sớm để ngăn chặn, xử lý có hiệu quả tình trạng tham nhũng vặt, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp liên quan đến đất đai; đồng thời tăng cường phối hợp với các cơ quan tư pháp trong công tác thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc tham nhũng đạt hiệu quả cao nhất.

Các chính sách được ban hành không thể bao phủ toàn bộ các góc cạnh của cuộc sống nên khi đi vào thực hiện không thể tránh khỏi những bất cập, tồn tại. Luật Đất đai hiện hành ở thời điểm những năm đầu tiên sửa đổi đã đáp ứng được nhiệm vụ chính trị của đất nước. Tuy nhiên, trước sự phát triển nhanh về kinh tế - xã hội, thị trường bất động sản, đầu tư công... hiện nay thì Luật Đất đai hiện hành đã bộc lộ nhiều “lỗ hổng” dẫn đến tình trạng vi phạm ngày càng gia tăng, tạo ra những hệ lụy rất xấu và nghiêm trọng cho xã hội. Do đó, việc sửa đổi Luật Đất đai và một số dự án luật liên quan sắp tới được kỳ vọng sẽ “bịt” kín các “lỗ hổng” trong quản lý, để đất đai thực sự là nguồn lực quan trọng phục vụ phát triển đất nước.

PCTN là “chống giặc nội xâm”. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng và vô cùng khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải tiến hành một cách kiên quyết, kiên trì, liên tục ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động, có trọng tâm, trọng điểm. Với quyết tâm chính trị mạnh mẽ, tham nhũng, tiêu cực nói chung, tham nhũng trong lĩnh vực đất đai nói riêng nhất định sẽ bị ngăn chặn, đẩy lùi.

Nhóm phóng viên

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/truc-loi-dat-cong-khong-thoat-ket-dang-bai-cuoi-triet-mam-tham-nhung/191432.htm