Triều Tiên sẵn sàng cho phép các thanh sát viên quốc tế đến bãi thử hạt nhân

Triều Tiên được cho là đã sẵn sàng đón các thanh sát viên quốc tế đến bãi thử hạt nhân Punggye-ri, động thái được cộng đồng quốc tế hoan nghênh.

Một đường hầm ở bãi thử hạt nhân Punggye-ri bị thổi bay trong quá trình tháo dỡ. Ảnh: Reuters

Ngày 31-10, hãng thông tấn Yonhap dẫn nguồn tin cơ quan tình báo Hàn Quốc cho biết, Triều Tiên đang chuẩn bị cho phép các thanh sát viên quốc tế tới bãi thử hạt nhân Punggye-ri.

Theo nguồn tin, dù Bình Nhưỡng đã dừng các vụ thử tên lửa và hạt nhân trong năm ngoái, nhưng nước này không đồng ý để các thanh sát viên quốc tế đến bãi thử Punggye-ri, đã bị tháo dỡ hồi tháng 5, dẫn đến những chỉ trích rằng hành động dừng các vụ thử chỉ đơn thuần là phô diễn và có thể thay đổi. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trước đó tiết lộ chính quyền của nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã nhất trí cho phép các thanh sát viên quốc tế quan sát “một sự tháo dỡ vĩnh viễn” những cơ sở tên lửa then chốt và đưa ra thêm những biện pháp như đóng cửa khu tổ hợp hạt nhân chính Yongbyon để đổi lại những biện pháp “có đi có lại” từ Mỹ.

Tín hiệu lớn từ Triều Tiên

Không những vậy, Triều Tiên còn cho thấy nhiều thiện chí hơn nữa trong việc thực thi Tuyên bố Panmunjom với Hàn Quốc. Một số nguồn tin quân đội Hàn Quốc và Mỹ hôm 31-10 cho biết, Triều Tiên có dấu hiệu rút các khẩu pháo bờ biển mà nước này bố trí trên các đảo tại Hoàng Hải, 2 ngày sau khi hai miền Nam-Bắc thực thi nội dung nhất trí về việc cấm các hành vi thù địch trên Hoàng Hải.

Quân đội Triều Tiên bố trí pháo bờ biển trong các đường hầm, với lối vào có thể đóng mở. Trước đây, các lối vào này được để mở, nhưng lần này, Triều Tiên dường như chặn lối vào các đường hầm này bằng cửa sắt. Quân đội Hàn Quốc và Mỹ đang tiếp tục giám sát chặt chẽ các khẩu pháo bờ biển của Triều Tiên có tầm bắn vươn tới các đảo phía tây bắc của Hàn Quốc. Bình Nhưỡng bố trí khoảng từ 250-300 khẩu pháo bờ biển ở khu vực các đảo trên Hoàng Hải cỡ nòng 130mm (tầm bắn 27 km) và cỡ nòng 76,2mm (tầm bắn 12 km). Một số nơi được bố trí lựu pháo mặt đất cỡ nòng 152mm (tầm bắn 27 km). Trong số đó, có khoảng 50-60 khẩu có thể uy hiếp trực tiếp tới vùng ven biển và các đảo phía tây bắc của Hàn Quốc. Được biết, Triều Tiên đã tiến hành rút các khẩu pháo này trước và sẽ rút tiếp các khẩu pháo còn lại trên khu vực Hoàng Hải. Điều này cho thấy Triều Tiên đã chính thức thực thi nội dung nhất trí với Hàn Quốc về việc dừng các hành vi thù địch trên Hoàng Hải.

Theo “Biên bản nhất trí thực thi Tuyên bố Panmunjom trong lĩnh vực quân sự” được lãnh đạo hai miền Nam-Bắc thông qua ngày 19-9, Bình Nhưỡng phải rút pháo bờ biển trên Hoàng Hải từ ngày 1-11.

Thêm hy vọng mới

Những tín hiệu khả quan trong mối quan hệ liên Triều đã khiến Tập đoàn Hyundai của Hàn Quốc có kế hoạch quay lại Triều Tiên sau những thảm kịch và tổn thất lớn. Hyundai hy vọng thị trường mới nổi của Triều Tiên có thể giúp họ đảo ngược tình thế hiện nay.

Đối với gã khổng lồ Hyundai, Triều Tiên là một câu chuyện về những cơ hội bị mất - và bi kịch. Năm 2003, trước khi Hyundai được mở một khu công nghiệp ở Triều Tiên, giám đốc điều hành phía sau dự án đã tự tử, cáo buộc tập đoàn đã thực hiện một khoản thanh toán bí mật 500 triệu USD cho miền Bắc để lót đường. 5 năm sau, một khu nghỉ mát của Hyundai ở miền Bắc đã bị đóng cửa sau khi một binh sĩ Triều Tiên bắn súng vào một du khách Hàn Quốc. Cả hai dự án từ lâu đã bị đóng cửa, động thái tượng trưng cho những khó khăn mà Cty Hàn Quốc phải đối mặt khi làm kinh doanh ở phía bên kia biên giới.

Tuy nhiên, khi mối quan hệ trên bán đảo Triều Tiên ấm dần, Hyundai, bị thu hút bởi lời hứa về lao động rẻ và tăng trưởng chưa được khai thác ở miền Bắc, đang chuẩn bị quay trở lại. Các nhà điều hành và nhà đầu tư của Hyundai hy vọng vào một cam kết của Seoul và Bình Nhưỡng về việc mở lại khu công nghiệp Kaesong và khu nghỉ mát núi Kumgang như một phần của sự ấm lên ở giữa hai nước láng giềng.

Một số giám đốc điều hành Hyundai nói với Reuters rằng, với họ, lực lượng lao động dồi dào của Triều Tiên, nguồn lực khổng lồ và tiềm năng tăng trưởng là một cơ hội không thể bỏ qua. Ngoài ra, Triều Tiên cũng có tầm tượng trưng quan trọng với gia đình Hyundai. Người sáng lập Hyundai Chung Ju-yung sinh ra trong một gia đình nông dân ở Asan, Triều Tiên và đặt tên Cty con của tập đoàn theo tên nơi ông đã sinh ra.

KHẢ ANH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_197586_.aspx