Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm?
Quân đội Hàn Quốc cho biết vũ khí mà Triều Tiên phóng sáng 19/10 là một tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM). Trong khi đó, phía Nhật Bản tuyên bố Triều Tiên đã phóng tới hai tên lửa đạn đạo.
Ảnh: Yonhap
Theo Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS), tên lửa được phóng từ vùng biển phía đông thành phố Sinpo của Triều Tiên lúc 10 giờ 17 phút ngày 19/10.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nói rằng Triều Tiên đã phóng tới hai tên lửa chứ không chỉ một. Tuy nhiên, phía Hàn Quốc chưa giải thích về thông tin này.
Theo JCS, tên lửa bay được quãng đường 590km, đạt độ cao khoảng 60km. Đáng chú ý, Triều Tiên có thể đã phóng tên lửa trên từ một tàu ngầm.
Trước đó, Bình Nhưỡng từng tuyên bố phát triển thành công SLBM nội địa. Nhưng các quan chức quân sự Hàn Quốc cho rằng Triều Tiên dường như mới chỉ phóng thành công tên lửa đạn đạo từ sà lan, không phải phóng từ tàu ngầm.
Vụ thử SLBM gần đây nhất của Triều Tiên được tiến hành hồi tháng 10/2019, khi một tên lửa Pukguksong-3 được phóng từ sà lan dưới nước.
Kim Dong-yup, một cựu sĩ quan hải quân Hàn Quốc, hiện là giáo sư tại Viện Viễn Đông (Đại học Kyungnam ở Seoul), cho biết vụ thử ngày 19/10 có thể liên quan đến một số loại SLBM mới như Pukguksong-4, Pukguksong-5, hoặc một loại SLBM nhỏ hơn vừa được trưng bày tại triển lãm quốc phòng ở Bình Nhưỡng.
Vụ phóng ngày 19/10 được tiến hành sau khi giới chức tình báo Mỹ và Hàn Quốc phát hiện một số dấu hiệu bất thường gần Sinpo, nơi Triều Tiên đang lắp ráp tàu ngầm 3.000 tấn có khả năng phóng SLBM.
Theo Yonhap, đây là vụ phóng tên lửa thứ 8 của Triều Tiên trong năm nay. Trước đó, Triều Tiên đã phóng một tên lửa siêu thanh mới, được gọi là Hwasong-8, vào ngày 28/9.
Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ đã chỉ trích vụ phóng mới nhất của Triều Tiên, kêu gọi quốc gia này “kiềm chế các hành vi gây bất ổn”.
Vụ phóng diễn ra khi các đặc phái viên Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản đang nhóm họp ở Washington để thảo luận về những nỗ lực chung trong việc đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán phi hạt nhân hóa.