Tri thức văn hóa đọc lan tỏa trong mọi cộng đồng

Bắt đầu triển khai từ tháng 6-2020, dự án sách nói do Hội người mù quận Hoàn Kiếm đã và đang hiện thực hóa sứ mệnh là 'đại sứ' văn hóa đọc giúp người khiếm thị hòa nhập với cộng đồng.

Hồ hởi kể cho chúng tôi về ý tưởng dự án sách nói của mình, anh Hoàng Văn Lý - Chủ tịch Hội người mù Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, nhận thấy nhu cầu đọc sách của người khiếm thị đặc biệt là từ cuộc thi “Gia đình đọc sách – Kết nối yêu thương” do Vụ Thư viện (Bộ VH-TT&DL) tổ chức.

Trong cuộc thi, một hội viên nữ trong hội là em Lê Hải Anh đã giành giải 3 chung cuộc và giải Cống hiến. Cuộc thi không chỉ khẳng định những giá trị tốt đẹp mà sách và văn hóa đọc mang lại, nó còn tạo sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình của những người khiếm thị ở Việt Nam.

Trải qua 1 tháng thực hiện, dự án “Đồng hành cùng người khiếm thị” đang tiến hành sản xuất các đầu sách nói, chuyển định dạng sách in sang dạng văn bản tiếp cận với người khiếm thị. Hiện, dự án đang thực hiện cho 19 đầu sách và được 70 tình nguyện viên là các bạn trẻ trong các tổ chức hội thiện nguyện, các sinh viên chia nhóm thực hiện.

Buổi tập huấn kỹ năng sản xuất các đầu sách nói cho các tình nguyện viên tham gia dự án. Ảnh: NVCC

Điều khác biệt ở dự án không chỉ dừng lại ở sách nói, còn là sự đồng cảm, thấu hiểu giữa những người mắt sáng với những người kém may mắn. Tham gia dự án, nhiều tình nguyện viên bày tỏ niềm yêu thích với công việc thiện nguyện này. Họ không chỉ góp tiếng nói, việc làm ý nghĩa mà còn cơ hội được hiểu về chữ nổi, hiểu về những khó khăn của những người không may mắn có đôi mắt sáng.

Đó còn là những đầu sách được những người khiếm thị gửi đến. Bởi thế, những đầu sách được làm ra từ chính mong muốn của những người khiếm thị ngày càng có ý nghĩa khi có thể đáp ứng được những điều mà họ đang cần.

Thông qua dự án sách nói, anh Hoàng Văn Lý mong muốn lan tỏa văn hóa đọc tới mọi người, trong đó, những người khiếm thị có cơ hội tiếp cận tri thức văn hóa để dễ dàng hòa nhập với cộng đồng. Mục tiêu hướng tới của dự án sẽ xây dựng một phần mềm điện tử sách nói trên thiết bị số.

Thời gian qua, có nhiều dự án sách nói được nhiều đơn vị triển khai, song cũng có nhiều những phần mềm sách lậu tràn lan, các đầu sách chưa hướng tới đối tượng đặc thù. Chính vì vậy, dự án sách nói này chính là ý tưởng tiên phong mà chưa có cấp hội tại TP Hà Nội thực hiện.

Chia sẻ những khó khăn về dự án sách nói, đó hoàn toàn là dự án phi lợi nhuận, ngoài khó khăn về nhân sự thì vấn đề bản quyền sách cũng nan giải. Do chưa liên hệ được với đơn vị xuất bản sách, tác giả để xin phép chuyển sách nên anh Hoàng Văn Lý hiện chỉ chuyển định dạng sách đã xin phép. Với mục tiêu sẽ sản xuất 100 đầu sách nói trong năm 2020, anh Hoàng Văn Lý mong muốn nhận được cái gật đầu từ các đơn vị xuất bản, phát hành để dự án sách nói nhanh chóng triển khai đến cộng đồng người khiếm thị.

Là tác giả đầu tiên đóng góp đầu sách cho dự án, tác giả tập truyện ngắn “Chạm tay tới bình minh” Trần Nữ Vương Linh đã chủ động việc tự đọc sách và tự chuyển sách sang định dạng audio, cài đặt âm thanh. Bên cạnh việc nhận được ủng hộ từ các tác giả, dự án còn có sự đồng hành là các Cty về thiết bị số. Dự kiến, buổi ra mắt dự án sách sẽ chính thức diễn ra vào đầu tháng 8-2020.

Trong sự kiện, dự án sẽ giới thiệu với cộng đồng ít nhất 10 sản phẩm sách nói và tiếp tục trao tặng các thiết bị công nghệ cho người khiếm thị. Sau dự án sách nói, dự án sách kỹ thuật số (Dasy book) tích hợp văn bản, âm thanh sẽ được ra mắt.

Trong khuôn khổ hoạt động dự án “Đồng hành cùng người khiếm thị”, thời gian qua diễn ra nhiều hoạt động thiện nguyện bên lề. Đó là hỗ trợ chương trình gia sư miễn phí cho các em nhỏ là con của hội viên khiếm thị, gây quỹ trao tặng điện thoại thông minh, radio đọc thẻ nhớ giúp người khiếm thị thuận lợi hơn khi tiếp cận với kho tàng tri thức của nhân loại cũng như phục vụ cho cuộc sống hòa nhập của họ. Ngày 3-7 vừa qua, dự án đã trao tặng 6 chiếc điện thoại thông minh với tổng giá trị 16.400.000 đồng cho những người khiếm thị có hoàn cảnh khó khăn nhưng giàu nghị lực và luôn tích cực đóng góp vào những hoạt động cộng đồng.

Tất cả các máy điện thoại được trao tặng trong đợt này đã được cài đặt sẵn công cụ hỗ trợ giọng nói, ứng dụng đọc báo, ứng dụng kho sách, ứng dụng hỗ trợ người khiếm thị đặt xe công nghệ, sử dụng xe buýt…. Đây là những ứng dụng rất hữu ích cho việc hỗ trợ người khiếm thị có được một cuộc sống bình đẳng, hòa nhập với xã hội. Với khẩu hiệu: “Sẻ chia yêu thương để nhân lên hạnh phúc”, ngày 27-6, Hội người mù Hoàn Kiếm phối hợp với hội bác sĩ tình nguyện tổ chức chương trình khám sức khỏe và phát thuốc miễn phí cho 200 hội viên khiếm thị trong địa bàn quận Hoàn Kiếm.

Vi Giáng

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/tri-thuc-van-hoa-doc-lan-toa-trong-moi-cong-dong-200406.html