Trí thức hiến kế
Tại cuộc gặp mặt đại biểu trí thức vào ngày 22-12-2024, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh bày tỏ mong muốn nhận được nhiều hiến kế có giá trị cao của giới trí thức, giúp thành phố phát triển.
Mong muốn của đồng chí Bí thư Thành ủy cũng là nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân. Đất nước chuyển mình bước vào kỷ nguyên mới, rất cần những hiến kế có giá trị cao, giá trị thực chất của hiền tài để tăng cường nguồn lực hội nhập và phát triển.
Hiện, nước ta có số lượng trí thức rất hùng hậu. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến cuối năm 2023, cả nước có khoảng 9.000 giáo sư, phó giáo sư, khoảng 24.000 tiến sĩ và hơn 100.000 thạc sĩ... Tuy nhiên, số lượng và chất lượng chưa thực sự song hành với nhau. Các công trình công bố trên những ấn phẩm khoa học quốc tế của Việt Nam so với các nước phát triển còn rất khiêm tốn. Chỉ số ảnh hưởng của các công trình nghiên cứu khoa học của Việt Nam cũng thấp hơn nhiều so với một số nước trong khu vực, như Thái Lan, Malaysia, Singapore... Thực trạng này cho thấy, một bộ phận không nhỏ trong giới trí thức thiếu sản phẩm, công trình nghiên cứu, hoặc có nhưng chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu.
Như thế cũng là một dạng lãng phí! Thực tiễn đang đặt ra những yêu cầu bức thiết đối với trí thức, phải có những hiến kế thực chất, những công trình khoa học có giá trị cao, tạo động lực, nguồn lực mới cho đất nước.
Để làm được điều đó, đội ngũ trí thức, trước hết là những trí thức đầu ngành, phải tiên phong đổi mới tư duy, cải cách, sắp xếp bộ máy tinh gọn để tập trung nghiên cứu chuyên sâu. Đã đến lúc phải nói không với những công trình, sản phẩm làng nhàng, thẩm định xong thì “đắp chiếu”, vừa lãng phí thời gian, nhân lực, vừa tốn kém tiền của...
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/tri-thuc-hien-ke-808449