TRAO ĐỔI THƯƠNG MẠI ĐIỆN GIỮA VIỆT NAM VÀ CÁC NƯỚC ASEAN CÓ THỂ THÚC ĐẨY SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO
Tại Hội thảo đào tạo chuyên sâu về biến đổi khí hậu và chuyển dịch năng lượng diễn ra chiều 13/7 tại tỉnh Quảng Ninh, nhiều ĐBQH, chuyên gia cho rằng, bằng cách tăng cường trao đổi thương mại điện với các nước ASEAN, Việt Nam có thể đáp ứng nhu cầu về điện hiệu quả, đồng thời thúc đẩy sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo.
Chiều 13/7, tại tỉnh Quảng Ninh, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Đại sứ quán Australia tại Việt Nam tổ chức cho Đoàn Đại biểu Quốc hội ở các Ủy ban của Quốc hội tham gia Hội thảo đào tạo chuyên sâu về biến đổi khí hậu và chuyển dịch năng lượng.
Tham dự Hội thảo có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi cùng đại diện lãnh đạo, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tại các Ủy ban của Quốc hội; Ngài Ben Davis – Quyền tham tán Kinh tế Đại sứ quán Australia tại Việt Nam cùng các giảng viên của Đại học Quốc gia Australia.
Đề cập về Biến đổi khí hậu, chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam và ASEAN, TS.Đỗ Nam Thắng - Đại học Quốc gia Australia cho biết, dự kiến, nguồn cung cấp năng lượng chính ASEAN sẽ tăng lên 1.589 triệu tấn dầu tương đương vào năm 2040, gấp 2,5 lần so với năm 2017. Tốc độ tăng tiêu thụ điện hàng năm là 4%, gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng của toàn bộ thế giới.
Lượng khí thải nhà kính (GHG) của Việt Nam tăng khoảng 10% mỗi năm, nhanh nhất trong các quốc gia ASEAN. Việt Nam đứng thứ 2 trong ASEAN về lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Khí thải nhà kính tăng nhanh sẽ gây ô nhiễm môi trường, gây thiệt hại lớn đến sự phát triển kinh tế, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Chính vì vậy, Việt Nam và các nước trong ASEAN cần có những giải pháp hữu hiệu để thảm thải khí nhà kính.
Tuy nhiên, theo TS.Đỗ Nam Thắng, ASEAN và Việt Nam đang đối mặt với những thách thức trong việc đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng mà vẫn đảm bảo bền vững. Một trong những trở ngại mới nổi là sự ra đời của cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) từ Liên minh Châu Âu. Để giải quyết hiệu quả vấn đề này, việc tăng tốc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo và áp dụng định giá carbon là rất quan trọng.
Bằng cách thúc đẩy thương mại điện xuyên biên giới, nhất là trao đổi thương mại điện với các nước ASEAN, Việt Nam có thể đáp ứng nhu cầu về điện một cách hiệu quả, đồng thời tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo. Với các chiến lược đúng đắn và nỗ lực chung, việc đạt được 100% năng lượng tái tạo cho ASEAN và Việt Nam là hoàn toàn khả thi.
Với giải pháp trên, bày tỏ sự băn khoăn về trao đổi thương mại điện giữa các nước ASEAN, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi cho biết, ở các nước Châu Âu đã có hệ thống mạng lưới truyền tải điện kết nối với nhau. Tuy nhiên, ở các nước ASEAN, hệ thống truyền tải điện còn chưa đồng bộ về kết nối. Vậy nguyên tắc đàm bán mua bán điện giữa các nước trong khối này được thực hiện và hệ thống điều độ vận hành như thế nào? Nội dung này cũng là sự băn khoăn của nhiều ĐBQH muốn được làm rõ hơn.
Giải thích rõ hơn về nội dung trên, ông Lê Anh Đức – cán bộ quản lý cấp cao Chương trình Năng lượng, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam cho biết, Châu Âu có một thị trường năng lượng tích hợp chung với cơ sở hạ tầng lưới điện được phát triển đồng đều và tích hợp mạnh mẽ giữa các quốc gia. Việc trao đổi mua bán điện giữa các quốc gia được thực hiện theo các quy định, tiêu chuẩn vận hành chung rõ ràng và minh bạch. Ngoài sự tương đồng về cơ chế quản lý, sự bổ trợ trong cơ cấu nguồn năng lượng giữa các quốc gia cũng là các yếu tố thúc đẩy sự phát triển của thị năng lượng chung Châu Âu.
Những năm qua, các nước ASEAN cũng đã có nhiều trao đổi, thảo luận thông qua nhiều diễn đàn, hội nghị và nhóm làm việc ở các cấp trong khuôn khổ hợp tác năng lượng ASEAN. Việc làm này nhằm thúc đẩy kết nối lưới điện, trao đổi mua bán điện đa phương trong khu vực. Tuy nhiên, trao đổi thương mại điện giữa các nước còn nhiều khó khăn do mức độ phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng, cơ chế quản lý thị trường năng lượng, các tiêu chuẩn và quy định giữa các nước còn nhiều khác biệt và chênh lệch. Việc mua bán điện giữa các nước hiện nay chủ yếu trên cơ sở song phương, và mới chỉ có một dự án thực hiện mua bán điện đa phương giữa Lào, Thái Lan, Malaysia và Singapore nhưng cũng còn nhiều hạn chế do vẫn dựa chủ yếu trên các cơ sở hạ tầng kết nối hiện có giữa các các quốc gia này.
Trong khuôn khổ Hội thảo, các giảng viên, chuyên gia và ĐBQH còn trao đổi xung quanh việc đảm bảo cung ứng điện cho người dân khi thực hiện chuyển dịch năng lượng; đảm bảo môi trường và các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính…/.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=77918