Tránh thiếu điện, giải pháp tốt nhất là dùng tiết kiệm và hiệu quả

Nếu tập trung nguồn đầu tư cho phát triển các dự án điện gió và mặt trời thì giai đoạn sau năm 2020 Việt Nam sẽ không lo thiếu điện.

Sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050, mức tăng trưởng năng lượng sơ cấp thực tế đạt cao hơn mục tiêu Chiến lược đề ra, tỷ lệ năng lượng mới và tái tạo (bao gồm cả thủy điện lớn) đã đáp ứng mục tiêu, đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế và đời sống.

Năng lượng phụ thuộc nhiên liệu nhập khẩu

Theo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), trong giai đoạn 2011-2015, tổng công suất đặt nguồn điện toàn quốc tăng bình quân 12,8%/năm, cao hơn mức tăng trưởng phụ tải cực đại cùng giai đoạn là 9,6%/năm. Trong đó, công suất đặt nguồn điện năm 2015 đạt 39.350 MW (tăng 1,8 lần so với năm 2010) đứng thứ 2 trong các nước ASEAN. Năm 2017, tổng điện sản xuất và mua đạt 192,45 tỷ kWh, tăng 8,6% so với năm 2016, điện thương phẩm đạt 174,05 tỷ kWh, tăng 8,92% so với năm 2016.

Tuy nhiên, vẫn còn một số mục tiêu chưa đạt phải kể đến như năng lực lọc dầu không đáp ứng mục tiêu Chiến lược, dự trữ chiến lược xăng dầu quốc gia chưa đạt yêu cầu (theo mục tiêu là bảo đảm mức dự trữ chiến lược xăng dầu quốc gia đạt 45 ngày tiêu thụ bình quân vào năm 2010 và 60 ngày vào năm 2020 nhưng hiện nay mới là 30 ngày, và hệ thống dự trữ quốc gia chưa có kho dự trữ riêng)…

Chuyên gia năng lượng Nguyễn Văn Vy, Phó Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam.

Bên cạnh đó, trong Chiến lược đặt ra mục tiêu liên kết lưới điện khu vực cấp điện áp 500kV từ năm 2010-2015 nhưng trên thực tế việc mua bán điện với Trung Quốc, Lào và Campuchia chủ yếu được thực hiện qua các đường dây 220kV. Mục tiêu của Chiến lược đề ra là, việc liên kết hệ thống khí thiên nhiên khu vực từ năm 2015-2020 nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được liên kết hệ thống khí tự nhiên khu vực…

Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thừa nhận, hạn chế về nguồn cung năng lượng sơ cấp trong nước dẫn đến sự phụ thuộc ngày càng tăng vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu, đặc biệt nhiên liệu cho phát điện. Khi Việt Nam trở thành quốc gia nhập khẩu tịnh năng lượng và tỷ trọng của năng lượng nhập khẩu trên tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp tăng lên sẽ tác động lớn đến an ninh năng lượng quốc gia.

“Thách thức về các tác động môi trường của các hoạt động cung cấp năng lượng sẽ ngày càng gia tăng do nhu cầu năng lượng trong nước tăng nhanh, đi kèm với sự gia tăng nhanh chóng về tỷ trọng các nguồn nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là than trong cơ cấu nguồn cung năng lượng cũng là những áp lực không nhỏ…”, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo nhận định.

Theo chuyên gia năng lượng Nguyễn Văn Vy, Phó Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam, mặc dù các nguồn năng lượng, trong đó có điện, từ nay đến năm 2020 không đáng lo ngại, nhưng giai đoạn sau năm 2020, với hàng loạt các công trình, dự án đang chậm tiến độ cho thấy nguy cơ thiếu điện khá rõ ràng đòi hỏi các cơ quan quản lý cần tính toán lại.

Nếu tập trung nguồn đầu tư cho phát triển các dự án năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió và mặt trời thì giai đoạn sau năm 2020 Việt Nam sẽ không lo thiếu điện, bởi công nghệ xây dựng các nguồn điện từ gió và mặt trời có tiến độ hoàn thành rất nhanh.

Tuy nhiên, ông Vy cho rằng, cần phải có cơ chế để thúc đẩy sự phát triển các dự án năng lượng tái tạo. “Điện mặt trời có thể xây dựng rất nhanh nếu có cơ chế đặc biệt và sớm phê duyệt. Ước tính từ lúc lập tự án cho đến khi đưa vào vận hành chỉ trong 1 năm”, ông Vy chỉ rõ.

Công nghệ tiết kiệm năng lượng là tối ưu

Theo các chuyên gia, mặc dù công nghệ điện gió và mặt trời đang ngày càng tiến bộ, giá đầu tư điện mặt trời giảm rất nhanh trong thời gian qua. Tuy nhiên, việc ứng dụng trong thực tiễn Việt Nam vẫn còn rất nhiều vấn đề, trong đó có việc đảm bảo an ninh, an toàn của hệ thống điện.

Do đó trước mắt, việc đấu nối các nguồn điện năng lượng tái tạo với hệ thống điện quốc gia vẫn còn nhiều hạn chế, vì vậy đầu tư công nghệ tiết kiệm năng lượng, tăng cường sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vẫn là giải pháp tối ưu nhất, giúp giảm áp lực đầu tư các nguồn năng lượng mới hiện nay.

Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ khoa học và Công nghệ.

Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ khoa học và Công nghệ cho rằng, Việt Nam đã và đang phải nhập khẩu năng lượng sơ cấp cho sản xuất điện, do đó cần thiết phải đa dạng hóa các nguồn cung cấp năng lượng mới, năng lượng tái tạo để nâng cao năng lực, hiệu quả, tính bền vững và thích ứng cho ngành năng lượng quốc gia cũng như thực hiện các cam kết quốc tế hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững. Sự phát triển của công nghệ năng lượng mới đang đặt Việt Nam trước nhiều thách thức và thời cơ để hướng tới mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.

Theo ông Tùng, một trong những giải pháp quan trọng để tận dụng thời cơ này là đẩy mạnh hơn nữa hoạt động ứng dụng các công nghệ sử dụng năng lượng hiệu quả đồng thời làm chủ các các công nghệ mới, bền vững như công nghệ điện gió và điện mặt trời.

“Điều này hoàn toàn khả thi với sự vào cuộc đồng bộ của 3 nhà: Nhà quản lý, doanh nghiệp và nhà khoa học. Cùng với đó là sự phối hợp, hợp tác, chuyển giao công nghệ từ các quốc gia phát triển và các hiệp hội năng lượng quốc tế…”, ông Tùng lạc quan./.

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/kinh-te/tranh-thieu-dien-giai-phap-tot-nhat-la-dung-tiet-kiem-va-hieu-qua-794341.vov