Tránh sữa bò, uống sữa gì?

Cho đến nay chưa có nghiên cứu nào khẳng định sữa bò tốt cho con người và có thể sử dụng số lượng lớn trong đời. Trước nhiều luồng thông tin trái chiều về sữa bò, sữa có tiêm kích hoomon sinh trưởng, sữa giả tràn lan thị trường, để đảm bảo an toàn và dinh dưỡng, mọi người có thể chuyển sang sữa thảo mộc. Các mẹ cũng có thể làm sữa thảo mộc cho bé uống nếu nhà có con nhỏ.

Những nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, hầu hết trong sữa bò đều tồn dư một lượng thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu và 52 loại vi khuẩn, vi rút và kháng sinh mạnh. Đường và lactozo có trong sữa bò có thể gây rối loạn tiêu hóa. Sữa của những con bò bị tiêm hoocmon sinh trưởng có thể gây dị ứng. Vì thế, Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Mỹ đã đưa ra khuyến cáo không nên cho trẻ dưới 12 tháng tuổi uống sữa bò.

Đặc biệt, giới khoa học cũng tìm ra nhiều bằng chứng chứng minh sữa gây hại nhiều hơn lợi cho người lớn khi uống. Tờ New York Times dẫn nghiên cứu của GS Aaron E. Caroll (Khoa nhi, ĐH Y dược Indiana), dùng sữa sau giai đoạn thơ ấu không giúp ích nhiều, thậm chí có thể có hại cho người dùng.

Năm 2014, JAMA Pediatrics công bố kết quả khảo sát trong hơn 20 năm với 100.000 phụ nữ và đàn ông, uống sữa không hề giúp giảm tỉ lệ rạn xương ở người trưởng thành. Một nghiên cứu khác ở Thụy Điển cho thấy sữa tăng nguy cơ rạn xương ở phụ nữ trên 39 tuổi. Tạp chí Y học Anh cho rằng, lượng protein quá cao trong sữa bò còn trở thành tác nhân đẩy mạnh quá trình loãng xương.

Sữa thảo mộc phần lớn làm từ các loại họ đậu giàu dinh dưỡng, khi kết hợp với các loại hạt (hạnh nhân, óc chó, gạo lứt) và rau củ quả (bí ngô, khoai…) thì vừa tốt cho sức khỏe, vừa có hàm lượng dinh dưỡng cao, lại dễ uống. So về mặt nào đó, sữa thảo mộc (làm từ thực vật) là lựa chọn thay thế an toàn hơn hẳn sữa dê, sữa bò.

1. Sữa thảo mộc Kokkoh

Ảnh minh họa

Đây là loại sữa ngũ cốc do GS người Nhật Bản George Ohsawa phát triển, dùng thay thế sữa bò để bổ sung chất dinh dưỡng cho người lớn, trẻ em, phụ nữ mang thai và cho con bú. Sữa thảo mộc Kokkoh được chế biến từ hàng chục loại hạt (gạo lứt đỏ, nếp lứt, kê, sen, vừng…) và đậu (đậu nành, đậu đỏ, đậu xanh…) theo tỷ lệ cân bằng âm dương. Cụ thể: gạo lứt: 45%, đỗ tương: 10%, đỗ đỏ: 10% và các loại hạt, cốc: nếp lứt đỏ, ý dĩ, kê (hạt kê nhỏ, kê ta, chứ kê to thường dành cho chim), đỗ xanh, đỗ đen, hạt sen, vừng, mỗi loại có tỷ lệ 5%.

Các loại hạt này phải ngâm nước (từ 30 phút đến 2 tiếng tùy loại) và hấp chín trước khi rang riêng từng loại để đảm bảo giữ được dưỡng chất tự nhiên, mùi vị thơm ngon của từng thành phần. Riêng vừng chỉ cần đãi sạch rồi rang chín là được.

Sau đó xay nhuyễn các nguyên liệu thành bột mịn, để nguôi rồi bảo quản trong lọ hoặc túi tráng nhôm. Khi sử dụng, với trẻ em dưới 2 tuổi, hòa bột với nước và đun trên bếp từ 20 – 30 phút cho chín đều để trẻ dễ tiêu hóa. Còn người lớn, chỉ cần cho nước sôi vào khuấy đều với bột đến khi mịn là được. Có thể thêm muối vừng hoặc miso, bơ vừng, đường đen… rồi uống.

2. Sữa hạt sen và khoai lang mật

Đơn giản hơn, mọi người có thể dùng hạt sen và khoai lang mật để làm sữa thực vật vừa thơm ngon lại giàu dinh dưỡng. Hạt sen được dùng làm vị thuốc quý trong Đông y, vị ngọt, sáp, có tác dụng chữa mất ngủ, kém ăn, đầy bụng, chậm tiêu, mất nước… Còn khoai lang chứa nhiều chất xơ, vitamin, chất chống oxy hóa, giàu protein – protein trong khoai lang đặc biệt vì có khả năng ức chế ung thư ruột kết và trực tràng ở người, vi chất sắt… nên rất có lợi cho sức khỏe con người.

Để làm 1 lít sữa hạt sen và khoai lang mật, cần chuẩn bị 100 gr hạt sen và 200gr khoai lang mật. Khoai lang gọt vỏ, xắt thành miếng nhỏ. Đun 1 lít nước với hạt sen (đã ngâm 45-60 phút) đến khi sôi khoảng 15 phút thì cho khoai lang vào nấu chung. Khoai lang hơi mềm thì tắt bếp, cho vào máy xay nhuyễn và lọc bã. Sữa thành phẩm có vị ngọt bùi của khoai lang, hương sen thơm nhẹ, rất dễ uống.

3. Sữa hạt sen, bí ngô

Các mẹ có thể thay khoai lang mật thành bí ngô, nấu cùng hạt sen để làm sữa thực vật cho bé uống. Sữa này dùng được cho cả nhà. Bí ngô giàu hàm lượng sắt, vitamin, muối khoáng và các axit hữu cơ tốt cho xương và mắt, có lợi cho tim mạch, sự phát triển não bộ, tẩy giun và tăng cường hệ thống miễn dịch cho cơ thể.

Chuẩn bị 100gr hạt sen, 100gr bí ứng, bí ngô, hạt sen tươi, 1 khoanh dứa và vài hạt kỷ tử cùng 500ml nước. Các bạn cũng nên ngâm hạt sen 45-60phút trước khi nấu. Tiếp đó cho tất cả vào nồi ninh đến khi bí và hạt sen bở ra là được. Vớt bỏ dứa và kỷ tử, xay và lọc bí, sen là đã có món sữa thực vật thơm ngon. Nếu muốn uống ngọt hơn, có thể pha thêm đường.

4. Sữa hạt sen, kê vàng

Theo Tây y, hạt kê có nhiều vitamin cần thiết (nhất là vitamin B1, B2, A, E, protein) và các khoáng chất phốt pho, mangan, sắt, đồng vì thế tốt cho việc tăng cường sức khỏe não bộ, cải thiện suy giảm trí nhớ, ngăn ngừa cứng động mạch và điều tiết lại quân bình âm dương của thần kinh dinh dưỡng.

Viện Dinh dưỡng Ấn Độ cũng cho biết, kê có tác dụng lợi tiểu, ngừa sỏi thận, tiêu chảy, tiểu đường, chống hôi miệng, các loại nấm da trên cơ thể và cải thiện tình trạng chán ăn, buồn nôn cho các thai phụ ốm nghén.

Làm sữa hạt sen, kê vàng cũng rất đơn giản mà lại tăng cường sức khỏe, đảm bảo an toàn. Nguyên liệu cần chuẩn bị gồm: kê vàng, hạt sen, đường, muối hạt, nước.

Kê được rửa sạch và ngâm nước ấm trong 6 tiếng. Hạt sen tươi ngâm khoảng 1 tiếng trước khi nấu, hạt sen khô cần ngâm lâu hơn. Sau đó đun sôi kê và hạt sen, các bạn nhớ hớt bọt để sữa không bị váng. Khi sôi, giảm nhỏ lửa và để sôi liu riu khoảng 15 phút rồi tắt bếp, bắc nồi ra ngoài. Xay hạt sen và kê đến khi nhuyễn, thêm đường, lại xay tiếp và lọc bỏ bã. Bạn có thể thêm cốt dừa hay vani để sữa thơm, hấp dẫn hơn. Sữa kê - hạt sen rất mịn, uống nóng hay mát đều ngon. Với trẻ nhỏ, nên dùng sữa ấm. Đặc biệt, bạn cũng có thể làm theo cách này nhưng nấu đặc thành cháo để cho trẻ ăn dặm.

5. Sữa yến mạch

Yến mạch giàu protein, chất xơ nên có tác dụng thúc đẩy tiêu hóa, bài trừ độc tố trong cơ thể, làm cho da trở nên trơn mịn và sáng bóng. Vì thế yến mạch được coi là siêu thực phẩm thiên nhiên. Sữa yến mạch dễ làm nhất trong số các loại sữa thảo mộc vì không phải nấu. Để làm 1 lít sữa yến mạch, bạn chỉ cần chuẩn bị 100g yến mạch cán nguyên hạt, 1 lít nước đun sôi còn ấm.

Cách làm: Ngâm yến mạch trong nước đun sôi để ngoại, nếu là yến mạch cán mỏng, vụn thì chỉ cầm ngâm 4 tiếng, nếu không phải ngâm qua đêm. Sau khi ngâm, rửa sạch yến mạch với nước đun sôi cho bớt nhớt. Yến mạch rửa sạch rồi cho vào máy xay cùng 1 lít nước đã chuẩn bị đến khi nhuyễn, mịn là được. Có thể cho thêm vani hoặc bột quế và mật ong để sữa thơm, ngọt hơn. Lọc bỏ bã, có thể cho phần bã yến mạch cúng ít nước vào xay lại lần nứa rồi lọc hết những xác vụn nhỏ. Lọc càng kỹ, sữa yến mạch càng ngon.

6. Sữa đậu nành

Với những ai bị dị ứng sữa bò, các sản phẩm từ bơ sữa hay chỉ đơn giản muốn đổi khẩu vị, sữa đậu nành cũng là lựa chọn hợp lý vì đây là đồ uống dễ làm tại nhà và được chứng minh rất có lợi cho sức khỏe. Trung bình, một cốc sữa đậu nành 250ml có chứa 25-31% canxi, 11-31% vitamin D, 89-125 calo, 5g chất béo (trong đó 0.4g bão hòa), 6-10g protein, 1-5 g đường.

Theo các nghiên cứu, lượng triglyceride và lipoprotein trong máu những người thường xuyên uống sữa đậu nành thấp hơn so với người không uống. Ngoài ra, sữa đậu nành giàu Omega 3 và 6, chất chống oxy hóa và phyto-hoocmon, có khả năng cải thiện mỡ máu, ngăn chặn nguy cơ đột quỵ, hỗ trợ sự liên kết các mạch máu và bảo vệ các mạch máu khỏi bị vỡ, co giãn, ngăn ngừa ung thư tuyến tiền liệt, cải thiện bệnh loãng xương, ngăn các triệu chứng tiền mãn kinh.

Làm sữa đậu nành nguyên chất cực đơn giản, chỉ cầm chuẩn bị 200gr đỗ tương, 100gr đường trắng, 1 lít nước sôi để nguội và 1 tấm vải lọc là làm được1 lít sữa đậu nành thành phẩm thơm ngon, bổ dưỡng.

Bạn nên lựa đỗ tương loại ngon (hạt đỗ tròn bóng, không bị sâu) và ngâm ngập trong nước khoảng 8 tiếng để đỗ nở ra. Nên đổ ngập gấp 3-4 lần đỗ để hạt đỗ nở ra hết. Chú ý không ngâm quá lâu đỗ sẽ bị chua, hỏng. Sau khi ngâm thì vớt đỗ ra rửa sạch, đãi bỏ vỏ đỗ đến khi nước trong là được. Cho đỗ vào máy, đổ xâm xấp nước và xay đến khi các hạt đỗ bị vụn ra.

Xay xong thì dùng vải lọc, vắt bỏ bã, chỉ lấy phần nước. Sau đó đổ nước sữa đậu nành vào nổi, đun trên bếp nhỏ lửa. Vừa đun vừa khuấy nhẹ, đảo đều tay để sữa ở đáy nồi không bị cháy. Đến khi sữa trong nồi sôi là được. Sữa đậu nành thành phẩm có thể uống luôn, nếu ai thích ngọt thì pha thêm chút đường trắng, bỏ thêm đá cũng rất ngon.

Lưu ý: đun sôi sữa đậu nành mới uống nếu không sẽ dễ buồn nôn, đi ngoài hoặc bị ngộ độc, không đánh trứng cùng sữa đậu nành, chỉ pha sữa đậu nành với đường trắng (đường đỏ có nhiều axit hữu cơ làm mất chất dinh dưỡng của đậu nành, ảnh hưởng tới sự hấp thu và tiêu hóa của cơ thể), không nên uống thuốc cùng sữa đậu nành, không uống quá nhiều cùng một lúc...

Minh Phương

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/doi-song-suc-khoe/tranh-sua-bo-uong-sua-gi