Tranh luận về ranh giới khi chỉnh sửa tác phẩm kinh điển

Các sách của Agatha Christie, Roald Dahl, Ian Fleming đang bị kiểm duyệt lại, cắt bỏ những ngôn từ mang tính xúc phạm. Một số độc giả đặt câu hỏi về ranh giới của công tác này.

Hình minh họa: Suzy Hazelwood/Pexels.

Trong các ấn bản mới của bộ sách thiếu nhi nổi tiếng của Ursula K. Le Guin, các từ như "nhàm chán", "đần độn" và "ngu ngốc" sẽ bị lược bỏ. Trong tiểu thuyết của Agatha Christie, các thuật ngữ như “Phương Đông”, “Gypsy” và “bản địa” đã bị loại bỏ và các phiên bản sửa đổi của loạt sách James Bond của Ian Fleming, người ta cũng cắt hết những cụm từ phân biệt chủng tộc và phân biệt giới tính. Trong các tác phẩm kinh điển của Roald Dahl, biên tập viên cũng xóa hết các tính từ như “béo”, “xấu xí”, các từ chỉ giới tính và màu da của nhân vật.

Theo New York Times, khi tin tức về việc các tác phẩm kinh điển bị chỉnh sửa lan ra, câu hỏi về cách các tác phẩm này được cập nhật cho phù hợp với độ nhạy cảm của công chúng ngày nay đã gây chia rẽ văn đàn.

Văn đàn dậy sóng

Những nỗ lực kiểm duyệt hiện nay đang thu hút cái nhìn gay gắt của công chúng.

Các nhà xuất bản và các đơn vị làm sách trở thành tâm điểm của một cuộc tranh luận sôi nổi trong khi họ đang vật lộn xem làm thế nào để vừa bảo tồn ý định ban đầu của tác giả, vừa đảm bảo rằng tác phẩm của họ tiếp tục gây được tiếng vang và bán được.

Các nhà xuất bản đang vật lộn xem làm thế nào để vừa bảo tồn ý định ban đầu của tác giả, vừa đảm bảo rằng tác phẩm của họ tiếp tục gây được tiếng vang và bán được.

Ông James Prichard, chắt của Agatha Christie, đồng thời là chủ tịch và giám đốc điều hành của Agatha Christie Ltd, cho biết: “Bà cố của tôi không cố ý xúc phạm bất kỳ ai. Tôi nghĩ chúng ta không cần phải loại bỏ thứ gọi là 'ngôn từ gây xúc phạm' trong sách vì thành thật mà nói, tôi chỉ quan tâm đến việc mọi người có thể thưởng thức những câu chuyện của Agatha Christie mãi mãi”.

Khi chỉnh sửa tác phẩm, những người làm xuất bản phải cân nhắc rất kỹ về tác động kinh tế và văn hóa có thể xảy đến. Các tác giả như Dahl, Christie và Fleming đều đã bán được hàng tỷ bản sách, đã tạo ra những thương hiệu phim béo bở.

Vào năm 2021, Netflix đã mua Roald Dahl Story Company, giành được quyền sở hữu các tác phẩm kinh điển như The BFG với giá 1 tỷ USD. Trong mắt người làm kinh doanh, để các tác phẩm nguyên vẹn với đầy đủ cụm từ mang tính xúc phạm và đôi khi là phân biệt chủng tộc trắng trợn có thể khiến khán giả hiện đại xa lánh và làm tổn hại đến danh tiếng cũng như di sản của tác giả.

Nhưng công tác chỉnh sửa cũng tồn tại nhiều rủi ro. Các nhà phê bình cho rằng việc chỉnh sửa sách sau khi tác giả đã qua đời là một sự sỉ nhục đối với quyền tự do sáng tạo của tác giả. Người ta cho rằng ngay cả một nỗ lực có chủ đích tốt cũng có thể mở ra cơ hội cho nhiều thay đổi mang tính lạm dụng.

Suzanne Nossel, giám đốc điều hành của PEN America cho biết: “Chúng ta cần nghĩ về tiền lệ mà ta đang đặt ra và điều gì sẽ xảy ra nếu có người với hệ tư tưởng không tốt cầm bút lên và bắt đầu gạch bỏ mọi thứ".

Những chỉnh sửa này cũng có thể "tẩy trắng" hồ sơ văn học và lịch sử khi xóa đi bằng chứng về định kiến chủng tộc và văn hóa của tác giả, đồng thời làm xói mòn khả năng của văn học trong việc phản ánh địa điểm và thời gian mà nó được tạo ra.

Các tác giả Ian Fleming (trên cùng bên trái), Agatha Christie (trên cùng bên phải), Ursula Le Guin (dưới cùng bên phải) và Roald Dahl (dưới cùng bên trái. Ảnh: NYT.

Tất nhiên, còn có khả năng những độc giả yêu mến tác phẩm gốc sẽ bất bình mà phản ứng.

Hồi tháng 2, nhiều người hâm mộ Dahl đã phẫn nộ trước thông tin nhà xuất bản của ông ở Anh đã thay đổi hàng trăm từ trong sách của ông.

Tờ Telegraph đưa tin đầu tiên, cho biết những thay đổi được thực hiện sau khi người ta bắt đầu đánh giá tác phẩm của tác giả vào năm 2020. Họ đã thuê công ty tư vấn Inclusive Minds, đơn vị hoạt động nhằm thúc đẩy “sự hòa nhập và khả năng tiếp cận trong văn học thiếu nhi”, để đánh giá các tác phẩm.

Ngay lập tức, văn đàn dậy sóng. Salman Rushdie gọi các quyết định chỉnh sửa là "kiểm duyệt vô lý" và đăng tweet nói "nhóm sở hữu di sản của Dahl nên thấy xấu hổ". Nhà văn Philip Pullman nói rằng thà để sách của Dahl ngừng in còn hơn là thay đổi chúng mà không có sự đồng ý của tác giả.

Văn đàn phản đối dữ dội đến nỗi nhà xuất bản Puffin của Dahl đã thông báo rằng họ sẽ in các văn bản không bị chỉnh sửa cho những độc giả thích bản gốc.

Chỉnh sửa đến đâu là đủ?

Làm thế nào để xử lý ngôn ngữ xúc phạm - đặc biệt là các thuật ngữ và hình ảnh phân biệt chủng tộc - trong các văn bản cổ từ lâu đã trở thành một vấn đề gây đau đầu cho người làm sách cho thiếu nhi.

Khoảng một thập kỷ trước, một ấn bản của Huckleberry Finn đã thay thế một cụm từ phân biệt chủng tộc bằng từ “nô lệ”, vì lo ngại rằng một từ xúc phạm như vậy sẽ khiến các trường học ngừng nhắc đến cuốn tiểu thuyết.

Trong trường hợp cực đoan hơn, có những đầu sách đã bị ngừng lưu hành. Năm 2007, cuốn Tintin ở Congo của Hergé đã bị loại khỏi danh mục sách cho trẻ em trong các thư viện và hiệu sách vì lo ngại trước yếu tố phân biệt chủng tộc, dẫn đến sự phổ biến của cuốn sách tại Mỹ bị giảm sút.

Gần đây, 6 cuốn sách của Dr. Seuss bị ngừng xuất bản chứa đựng những mô tả khuôn mẫu nghiêm trọng về chủng tộc và sắc tộc (đơn cử, cuốn sách thiếu nhi đầu tiên của tác giả này xuất bản lần đầu năm 1937 - And to Think That I Saw It on Mulberry Street - có một khắc họa châm biếm thô thiển về một người đàn ông châu Á).

Sự thật là lâu nay, các văn bản cũ vẫn thường xuyên được biên tập, soát lỗi mỗi lần tái bản, nhưng những năm gần đây, các nhà xuất bản và công ty phát hành đã bắt đầu kiểm định một cách có hệ thống các tác phẩm văn học kinh điển, lọc ra những đoạn văn có thể gây khó chịu cho người đọc. Các nhà xuất bản cho biết trong nhiều trường hợp, sự kiểm duyệt này chỉ can thiệp một số ít từ và không làm ảnh hưởng đến nội dung cuốn sách.

Một số người trong ngành xuất bản coi nỗ lực làm cho các tác phẩm cũ trở nên toàn diện hơn là một dấu hiệu của sự tiến bộ, với điều kiện là những thay đổi đó được thực hiện cẩn thận, chứ không phải là chỉ lược bỏ các từ ngữ xúc phạm một cách thiếu suy nghĩ mà không tính đến sự thiên vị tinh vi và phổ biến trong thế giới quan của nhà văn.

Hannah Gómez, người giám sát một nhóm biên tập viên nhạy cảm tại Kevin Anderson & Associates, cho hay: “Tôi nghĩ đó là một phương pháp tốt, giống như cách người ta vẫn cập nhật sách giáo khoa. Vấn đề là người kiểm duyệt phải nhìn nhận tính chính xác và độ nhạy cảm văn hóa là những yếu tố dễ thay đổi".

Một số tác giả, khi phải đối mặt với những lời chỉ trích về những phân đoạn gây xúc phạm, cũng đã phải chọn cách chỉnh sửa sách của chính họ. Dahl, vào những năm 1970, đã biên tập lại tác phẩm Charlie and the Chocolate Factory.

Nhưng, khi tác giả đã qua đời, việc chỉnh sửa tác phẩm trở nên phức tạp hơn.

Cuối năm 2022, Theo Downes-Le Guin, con trai của nhà văn Le Guin, đã rất bất ngờ khi nhận được email từ một nhà xuất bản, xin phép thực hiện các thay đổi đối với bộ truyện Catwings.

Ông này đã phải suy nghĩ rất nhiều trước khi đưa ra quyết định rằng các chỉnh sửa sẽ phục vụ lợi ích cho độc giả. Trong các ấn bản mới, được Simon & Schuster's Atheneum Books phát hành vào mùa thu tới, một số từ như "nhàm chán", "đần độn" và "ngu ngốc" sẽ bị lược bỏ và một ghi chú đã được thêm vào để cảnh báo người đọc về bản cập nhật.

Downes-Le Guin nói: “Một chút sắc thái ngôn ngữ sẽ bị mất đi, nhưng đồng thời, chúng tôi cũng sẽ thu về được một thứ, đó là khả năng không xúc phạm độc giả".

Ở Việt Nam, tên của tác phẩm này cũng được thay đổi cho phù hợp với thời đại. Ảnh: NXB Trẻ.

Đối với những sửa đổi trong tiểu thuyết của Christie, ông James Prichard, chắt của Agatha Christie đã lược bỏ các cụm từ mà ông nghĩ có thể gây khó chịu. Ông cho rằng các chỉnh sửa đều không đáng kể, hầu hết là liên quan đến những lập luận kém tinh tế.

Ông nói: "Những từ ngữ chúng tôi loại bỏ đều là những từ mà tôi không muốn nói ra và bạn cũng không muốn in ra". Đó là các từ như "Phương Đông", những mô tả về sắc tộc của người hầu da đen và người Nubia.

Trước đây, sách của Agatha Christie cũng từng bị sửa đổi vì thiếu nhạy cảm chủng tộc. Đó là tựa cuốn Mười người da đen nhỏ, đổi thành Và rồi chẳng còn ai. Ông Prichard cho rằng trường hợp này đã chứng minh được sự cần thiết của công tác sửa chữa, nếu không, "có lẽ cuốn sách sẽ hoàn toàn không thể xuất bản được nữa".

Lê Lam

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tranh-luan-ve-ranh-gioi-khi-chinh-sua-tac-pham-kinh-dien-post1419549.html