Tránh lạm dụng thuốc giảm đau xương khớp

Các bệnh về xương khớp khá phổ biến ở Việt Nam, tập trung nhiều vào độ tuổi trung niên. Bệnh xương khớp không chữa khỏi hoàn toàn và tùy thuộc vào tình trạng bệnh của mỗi người từ đó có phác đồ điều trị phù hợp. Để cắt cơn đau do căn bệnh này gây nên, nhiều người đã lạm dụng thuốc giảm đau mà không biết rằng việc sử dụng loại thuốc này tuy hiệu quả nhanh nhưng về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến nhiều bộ phận khác trong cơ thể.

Bác sĩ Trần Cảnh Toàn thăm khám bệnh nhân bị bệnh xương khớp -Ảnh: H.N

Từ năm 25 tuổi, chị Phan Thị Hoài ở thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, đã bị đau khớp. Cấp độ đau tăng dần theo độ tuổi của chị. Đến năm 30 tuổi, chị bị tràn dịch khớp gối nhưng không phát hiện ra nên cơ thể ngày một gầy yếu, không thể đứng lên, ngồi xuống. Điều đáng nói, trước những cơn đau do căn bệnh này gây nên, chị thường xuyên sử dụng thuốc efferalgan 500mg mua ở tiệm thuốc tây.

Chỉ đến khi ra Hà Nội chữa trị, phát hiện đúng bệnh và được hút dịch khớp gối cùng phác đồ điều trị thích hợp, cơ thể của chị mới dần khỏe trở lại. Tuy nhiên, được một thời gian, chị lại vật vã với những cơn đau khớp, cứ trái gió trở trời, cơ thể lại đau nhức. Trước khi làm xét nghiệm ở bệnh viện trung ương chẩn đoán viêm khớp cột sống thể hỗn hợp, chị Hoài cũng đã sử dụng nhiều loại thuốc giảm đau khiến dạ dày bị tổn thương.

Chị cho biết: “Do sử dụng một thời gian dài nên khi phát hiện, dạ dày của tôi đã bị viêm loét, phải điều trị gấp. Theo các bác sĩ, việc sử dụng thuốc giảm đau trong các bệnh lý xương cơ khớp cần phải có chỉ định nhằm đảm bảo an toàn, phù hợp và hiệu quả cho người bệnh. Đặc biệt là các bệnh nhân cao tuổi, nhiều bệnh kèm, nếu lạm dụng thuốc giảm đau nguy cơ gặp tương tác thuốc và các phản ứng có hại của thuốc cao”.

Bác sĩ Trần Cảnh Toàn khuyến cáo: Đối với trẻ em dưới 16 tuổi không được sử dụng thuốc aspirin vì có thể ảnh hưởng tới não và gan do cơ thể và sự phát triển của trẻ em khác nhiều so với người lớn. Đối với phụ nữ có thai và cho con bú không nên sử dụng các loại thuốc có thể ảnh hưởng tới thai nhi hoặc chất lượng sữa mẹ, trong đó có các loại thuốc liên quan đến giảm đau, hạ sốt, kháng viêm. Đối với người cao tuổi cần hết sức thận trọng tác dụng phụ với các thành phần của thuốc do có thể giai đoạn này chức năng gan thận và đường tiêu hóa không còn khỏe như thời trẻ. Do vậy, cần phải lựa chọn chính xác loại thuốc giảm đau và liều lượng sử dụng chính xác để tránh các biến chứng không mong muốn.

Theo Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Vĩnh Linh Trần Cảnh Toàn, các bệnh lý cơ xương khớp thường là bệnh lý mạn tính, khó điều trị khỏi hoàn toàn. Bệnh này chiếm tỉ lệ cao ở các nước phát triển và đang phát triển.

Theo thống kê của Hội Cơ xương khớp Việt Nam, tỉ lệ người mắc bệnh xương khớp ở nước ta đứng top đầu của thế giới với trên 30% người trên 35 tuổi và 60% người trên 65 tuổi. Tại BVĐK khu vực Vĩnh Linh, trong 5 năm (2019 - 2023), bệnh lý cơ xương khớp đến khám và điều trị chiếm tỉ lệ 32,6%, chủ yếu là đối tượng trên 50 tuổi (86,72%).

“Theo điều tra thì đại đa số các bệnh nhân này đều có tiền sử tự điều trị bằng thuốc giảm đau tại nhà, trong đó ghi nhận nhiều trường hợp phải nhập viện điều trị các bệnh loét dạ dày, suy gan cấp, giảm chức năng thận. Thậm chí có trường hợp gây thủng dạ dày phải can thiệp phẫu thuật”, bác sĩ Toàn cho biết.

Trong một số trường hợp, người bệnh còn có sự nhầm lẫn về chức năng điều trị của thuốc. Bị bệnh gút nhiều năm, mỗi lần lên cơn đau, anh Nguyễn Văn Mạnh (52 tuổi), ở thị xã Quảng Trị mua thuốc colchicine để sử dụng. Colchicine được sử dụng để ngăn chặn hoặc điều trị cơn gút cấp tính, hoạt động bằng cách làm giảm sưng và giảm sự tích tụ các tinh thể axit uric gây đau ở các khớp bị ảnh hưởng. Khi uống vào, cơn đau gút giảm đi nhanh chống nên anh Mạnh nghĩ đó là một loại thuốc giảm đau được dùng cho các bệnh khác.

Vì thế, những lúc đau đầu, sốt... anh đều sử dụng như liều thuốc giảm đau vì colchicine luôn có sẵn trong nhà. Chỉ trong một đợt khám bệnh, tình cờ hỏi bác sĩ, anh mới biết colchicine không phải là thuốc giảm đau và không nên sử dụng để làm giảm các cơn đau do nguyên nhân khác. Để giảm nguy cơ bị các tác dụng phụ nghiêm trọng của thuốc này thì không được tăng liều hoặc dùng trong một thời gian dài hơn chỉ định của bác sĩ.

Cũng theo bác sĩ Toàn, các bệnh về cơ xương khớp ít gây tử vong nhưng gây đau đớn kéo dài cho người bệnh và có thể gây tàn phế. Các loại thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) là những thuốc thường được lựa chọn trong điều trị loại bệnh này do có tác dụng giảm đau, hạ sốt, kháng viêm. Tuy nhiên NSAID là một trong yếu tố gây ra loét dạ dày, tá tràng và xuất huyết tiêu hóa thông qua ức chế tổng hợp prostaglandin, làm giảm sức chống đỡ của niêm mạc dạ dày, tá tràng.

Bên cạnh đó, theo một số nghiên cứu, nhóm thuốc giảm đau opioid có thể làm tăng tần suất gãy xương ở người già trên 60 tuổi, nếu sử dụng liều lượng trên 50mg thì tác dụng phụ gãy xương tăng cao hơn và rõ rệt hơn trên đối tượng này. Paracetamol và ibuprofen có thể gây tổn thương thận nếu sử dụng trong thời gian dài hoặc được sử dụng trên những người đã có chức năng thận giảm. Những thuốc giảm đau opioid như codein, morphin, tramadol được sử dụng trong những trường hợp đau mãn tính hoặc đau kéo dài.

Đây là những thuốc giảm đau gây nghiện, nếu lạm dụng và sử dụng trong thời gian dài sẽ gặp khó khăn khi ngưng thuốc. Việc sử dụng NSAID trong điều trị như thế nào để đạt hiệu quả tốt nhất và hạn chế tác dụng phụ không mong muốn là vấn đề cần được quan tâm đúng mức.

Bên cạnh việc dùng thuốc theo đơn của bác sĩ, hoạt động thể chất phù hợp sẽ giúp kiểm soát viêm xương khớp hiệu quả, giảm đau đớn. Kết hợp giữa dùng thuốc và tập luyện đúng cách sẽ giúp cải thiện tình trạng bệnh, phục hồi chức năng cho bệnh nhân viêm xương khớp. Người bệnh viêm xương khớp cần lựa chọn phương pháp tập luyện phù hợp, trong đó các bộ môn yoga, bơi lội và đi bộ... được bác sĩ khuyến khích tập luyện để cải thiện tình trạng đau xương khớp.

Thủy Ba

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/tranh-lam-dung-thuoc-giam-dau-xuong-khop/183997.htm