Tranh chấp tài sản lan rộng khi 'Tỷ phú giày vải' - Tông Khánh Hậu qua đời

Cái chết của tỷ phú ngành đồ uống Tông Khánh Hậu không chỉ khép lại một chương huy hoàng trong cuộc đời của doanh nhân Trung Quốc, mà còn mở ra một cuộc tranh chấp tài sản ồn ào và gieo rắc hoài nghi về khả năng kế thừa ở các gia đình tài phiệt kinh tế.

Gần hai thập kỷ giữ vị trí người giàu nhất Trung Quốc, tỷ phú Tông Khánh Hậu - người sáng lập tập đoàn nước giải khát Wahaha được biết đến như biểu tượng của giới doanh nhân tự thân, một tấm gương vượt khó đi lên từ con số không.

 Tông Khánh Hậu - biểu tượng của giới doanh nhân tự thân thế hệ đầu của quốc gia tỷ dân - Ảnh: Baidu.

Tông Khánh Hậu - biểu tượng của giới doanh nhân tự thân thế hệ đầu của quốc gia tỷ dân - Ảnh: Baidu.

Ông nổi bật với lối sống giản dị đến mức khó tin: không dùng điện thoại thông minh, văn phòng làm việc vài chục mét vuông, tiêu dùng cá nhân không quá 50.000 nhân dân tệ mỗi năm và luôn mang giày vải truyền thống, hình ảnh khiến ông được truyền thông trìu mến gọi là “tỷ phú giày vải”.

Tuy nhiên, khi ông qua đời vào tháng 2/2024 ở tuổi 79, đế chế mà ông gây dựng từ năm 1987 bỗng chao đảo. Chỉ 17 tháng sau tang lễ, Sina và Sohu hai hãng tin lớn của quốc gia tỷ dân đồng loạt đưa tin về một vụ kiện thừa kế chưa từng có tiền lệ: Ba người mang họ Tông - Tông Kế Xương, Tông Tiệp Lệ và Tông Kế Thịnh đệ đơn kiện tại cả tòa án Hong Kong (Trung Quốc) lẫn Hàng Châu, tuyên bố là con ngoài giá thú của ông Tông và yêu cầu được chia phần di sản khổng lồ để lại.

Theo hồ sơ pháp lý, ba nguyên đơn khẳng định có quan hệ huyết thống với Tông Phức Lệ - người con gái duy nhất được ông Tông công khai và là người đang nắm toàn quyền điều hành Wahaha. Họ yêu cầu tòa phong tỏa khối tài sản trị giá 1,8 tỷ USD đang được giữ tại ngân hàng HSBC Hong Kong và yêu cầu chia lại ba quỹ tín thác có tổng giá trị lên đến 2,1 tỷ USD, vốn được cho là lập dưới sự chỉ đạo của ông Tông từ năm 2003. Ngoài ra, họ còn đòi quyền sở hữu 29,4% cổ phần Wahaha (ước tính trị giá gần 6 tỷ USD) hiện do Tông Phức Lệ nắm giữ.

Phía nguyên đơn cho rằng, cố tỷ phú từng dặn dò thiết lập các quỹ tín thác và yêu cầu chuyển đổi tài sản sang USD để dành cho ba người con chưa được công khai. Tuy nhiên, họ cáo buộc Tông Phức Lệ đã không thực hiện ý nguyện của cha, giữ lại toàn bộ tài sản và cố tình trì hoãn phân chia. Tài liệu được gửi tới tòa án cho thấy, đến tháng 5/2024, đã có 1,1 triệu USD bị rút khỏi một trong các quỹ tín thác.

Tông Phức Lệ - con gái duy nhất được công nhận hợp pháp của ông Tông Khánh Hậu ở thời điểm hiện tại. Ảnh: Sipa USA.

Tông Phức Lệ - con gái duy nhất được công nhận hợp pháp của ông Tông Khánh Hậu ở thời điểm hiện tại. Ảnh: Sipa USA.

Trong phiên xét xử sơ bộ tại Hong Kong (Trung Quốc), luật sư đại diện cho Tông Phức Lệ khẳng định không có bằng chứng pháp lý nào cho thấy ông Tông từng lập quỹ tín thác cho ba người con ngoài giá thú. Họ cũng bác bỏ hoàn toàn các cáo buộc liên quan đến hành vi giữ lại hoặc chiếm đoạt tài sản.

Đến thời điểm hiện tại, ba nguyên đơn vẫn chưa đưa ra kết quả xét nghiệm ADN hay giấy tờ chứng minh mối quan hệ huyết thống với cố tỷ phú.

Bloomberg dẫn lời Thẩm phán Gary Lam của tòa án Hong Kong (Trung Quốc), thừa nhận vụ việc rất phức tạp, khi một phần tranh chấp đang được xử lý song song tại Hàng Châu, nơi đóng trụ sở tập đoàn Wahaha. Ông bày tỏ lo ngại về khả năng đưa ra phán quyết tại Hong Kong (Trung Quốc) mà không gây ảnh hưởng đến vụ kiện ở Trung Quốc đại lục. Từ đó đặt ra những thách thức pháp lý không nhỏ trong việc phân xử di sản xuyên biên giới.

Theo nhận định của một số chuyên gia pháp lý, vụ việc có thể kéo dài và ít nhiều gây ảnh hưởng đến hình ảnh cũng như hoạt động kinh doanh của Wahaha – thương hiệu lâu đời với hơn 160 công ty con và từng nằm trong nhóm doanh nghiệp dẫn đầu ngành hàng tiêu dùng tại Trung Quốc.

Cuộc tranh chấp thừa kế cũng thu hút sự chú ý đặc biệt của giới đầu tư. Một số đối tác phân phối đã tạm thời điều chỉnh kế hoạch nhập hàng từ Wahaha trong bối cảnh chờ đợi thêm thông tin rõ ràng về cơ cấu sở hữu và định hướng quản trị sắp tới của tập đoàn.

Vụ việc cũng phần nào cho thấy những thách thức mà nhiều doanh nghiệp gia đình lớn đang đối mặt, đặc biệt trong việc phân định rạch ròi giữa tài sản cá nhân và tài sản doanh nghiệp, cũng như xây dựng cơ chế chuyển giao phù hợp cho giai đoạn hậu sáng lập.

Hiện tại, bà Tông Phức Lệ vẫn giữ vai trò lãnh đạo cao nhất tại Wahaha. Cho đến nay, bà chưa đưa ra bất kỳ phát ngôn chính thức nào liên quan đến vấn đề đang được dư luận quan tâm.

V.Đ

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/tranh-chap-tai-san-lan-rong-khi-ty-phu-giay-vai-tong-khanh-hau-qua-doi.html