Trăng hạ huyền ''gói u sầu giấu biệt giữa sao khuya'

Đọc 'Trăng hạ huyền', tập thơ của Nguyễn Đức Tiên trước hết ta bắt gặp một sự nuối tiếc quá khứ, sự biết ơn- lòng tri ân và những nỗi buồn man mác.

Lặn trong nửa kiếp bể đời

Ta nghe rõ tiếng khóc cười nhân sinh

Nẫu buồn trước những u linh

Xiết bao oan nghiệt bóng hình trầm ai

Xót thương vạ vật đêm dài

Khóc cho nước mắt chảy ngoài buồng tim...

(Bể đời)

Buồn, hiển nhiên là một thuộc tính tâm lý nằm trong “bảy tính” vốn có của con người. Như trái đất có ngày, phải có đêm, màu sắc có gam nóng bên gam lạnh, cuộc đời có niềm vui và nỗi buồn, mà thường là buồn nhiều hơn vui.

Cho nên, kiệt tác văn chương được cả dân tộc xưa cũng như nay- từ vị Hoàng đế chí tôn mê Thúy Kiều của thế kỷ trước, đến đất hỏa tuyến- những chàng trai lớp bảy lại ngâm Kiều sau những đợt giao tranh đều yêu thích mới là một tiếng kêu “đứt ruột”.

Nguyễn Trãi- tác giả một áng “Thiên cổ hùng văn” khi đón mùa đẹp nhất trong năm, cũng than thở: “Thức xuân một điểm não lòng nhau”. Có phải vì sầu bi mà họ kém vĩ đại đi đâu. Phải chăng chính vì mang những nỗi buồn sâu sắc đó mà thiên tài lại càng nhân bản, thân thiết với chúng ta hơn?

Vậy thì ai có thể đứng mãi trên tư thế kiễng gót, trái tự nhiên! Ngẫm cho cùng, nỗi buồn không chỉ là một thực trạng tâm lý khác với niềm vui, nó còn như búi rơm lót ổ cho niềm vui, như lòng trắng trong quả trứng hạnh phúc làm sáng giá thêm niềm vui đích thực. Đã chẳng có những giọt lệ vỡ òa và sung sướng đó sao? Như thế thì nỗi buồn trong “Trăng hạ huyền” có gì xa lạ với ta-nhất là nỗi buồn vì tiếc nuối dĩ vãng, nhớ lại những bến cũ ngày qua, quê hương bản xứ đã thuộc dạng tâm trạng nằm lòng của nhân loại. Ở “Trăng hạ huyền” nỗi buồn và sự tri ân quá khứ có một vẻ đẹp lắng đọng riêng:

Em dầu nắng sớm mưa mai

Cành quê lá trổ hình hài cũng quê

Hương xuân nhè nhẹ theo về

Đượm trong ánh mắt câu thề bờ vai

Năm dài thì tháng thêm dài

Đời tươi như thể hoa nhài tinh sương...

(Bóng xuân)

Ở “Trăng hạ huyền” nỗi buồn không phải là đáng sợ, mà là cảnh báo giúp ta khỏi sa vào cuộc quay cuồng trong những nẻo mê lộ của đời sống thực tại hôm nay, chớ dại dột phung phí quỹ thời gian hạn hẹp quý giá của mình vào những ảo vọng vòng tròn AQ vô nghĩa.

Những gam màu trắng, tím, hồng, xanh được tác giả nhắc nhiều trong trong tập “Trăng hạ huyền” là thuộc gam màu lạnh. Cũng giá lạnh, quạnh quẽ như: “Tan cuộc chơi ta ngồi nhìn lại/Những gương mặt bè bạn thân quen/Đứa khổ nghèo đứa giàu sang/Đứa làm quan và thằng làm lính”, làm ta nhớ lại, làm ta liên tưởng đến một “tinh cầu giá lạnh- một vì sao trơ trọi cuối trời xa” của Chế Lan Viên ngày trước! Nỗi cô quạnh ấy càng gây ấn tượng mạnh hơn vì bối cảnh gợi cảm của nó, ở đấy cả vũ trụ cùng hòa nhập với nỗi niềm của nhà thơ:

Khi ta buồn ta muốn làm thơ

Để trí óc ta không còn trống rõng

Thấy sương bay, thấy nghìn con sóng

Vỗ lòng ta nhịp khúc mơ hồ

Khi ta buồn ta mơ giấc mơ

Bước cùng em trên thảo nguyên xanh thẳm...

(Buồn vui)

Phải nói rằng, trong “buồn vui”, Tác giả đã dùng nhiều câu, nhiều từ thật đắt. Nó cho ta cảm nhận cả cái cay nghiệt của thời gian, lẫn sự dằn vặt của thân phận và cả phải dùng đến “men cay” để làm dịu nỗi buồn đau vô cớ. Đây không chỉ là kĩ xảo ngôn từ, mà còn như hiện thân được nỗi nhân thế đã phả khắp không gian.

Hoa bắp lay tự nó có gì mà buồn, nhưng vào câu thơ của Hàn Mạc Tử thì “Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay” nó lại thật buồn. Cũng tương tự, “Trăng hạ huyền” vào thơ của Nguyễn Đức Tiên bỗng mang một ý vị không ngờ- nó thấm đẫm tâm sự bùi ngùi riêng của lứa tuổi đã chín, đã từng trải nghiệm bao nông nỗi đường đời của anh:

Ngày xuân lật giở trang

Kiều Mà xem số phận có điều rủi may

Biết đâu giữa lớp sách dày

Mấy dòng tay bấm lòng này tâm giao

Thương cho một đấng anh hào

Lại đem thân xác gởi trao vì tình...

(Bói Kiều)

Phải, ở độ chín cuộc đời rồi, cái “Trăng hạ huyền” kia mới phụ họa được thật ăn ý với những nỗi đau trầm ngâm của con tạo xoay vần chưa thể có ở trục tuổi ba mươi đổ lại. Và không ít người ở tuổi “Tri thiên mệnh” trở lên sẽ thầm cảm ơn tác giả “Trăng hạ huyền”.

Lứa tuổi này có thể không mang trái tim hừng hực của lớp trẻ, nhưng ráng chiều nhiều khi còn lộng lẫy say đắm lòng người hơn cả ban mai, thì trái tim của tuổi chín lắm lúc còn mang tần số nhịp đập, nồng độ đam mê cao hơn cả trái tim tuổi xanh.

Then chốt không ở thời điểm lứa tuổi, mà ở trình độ nhận biết cuộc sống, ở bản lĩnh tâm hồn. Biết sống hết mình, thì “ngũ thập niên tiền, nhị thập tam” còn trao đón dạt dào hơn cả kẻ đôi mươi mà ơ hờ chai sạn. Chỉ có quán tính tồn tại sinh vật, dao động theo hối đoái thị trường:

Đừng buồn nhé một lời như trăn trối

Thế là đem chia nửa quả tim đau

Lành một nửa cũng vừa cho thổn thức

Cho một đời dành lại những xưa sau...

(Đừng buồn nhé)

Khó mà phân biệt được đây là độ say theo cái đẹp kiểu lý ngư vọng nguyệt, hay giọng ngẩn ngơ than tiếc vì cái đẹp cứ như lời đánh đố trớ trêu, luôn tuột khỏi tầm tay. Để rồi “Thôi lỡ bước người về theo mộng mị”, đến “Gói u sầu giấu biệt giữa sao khuya”.

Đây là gam màu của kỷ niệm, đẹp một cái đẹp ẩn hiện như thực như hư, nhưng cũng gợi buồn làm sao. Cái gam màu vàng lạnh ấy nó muốn làm tê giá thêm trong ta một khoảnh khắc “Mai xa rồi ngày tháng có hay” nó vừa run rẩy một nỗi xao xuyến và niềm tin của thi sĩ:

Buồn trôi mấy áng mây mù

Sao che ngăn nỗi mùa thu sương dày

Khuyết hao rồi lại tròn đầy

Tàn trăng xin hẹn lại ngày đầy trăng...

(Đầy trăng)

Ta cảm động đón nhận cái đẹp được kết tinh trong sợi tóc gom sương- hiện thân của bao đêm thao thức quyện kết với sự từng trải phong phú đường đời của tác giả được biểu hiện trong “Trăng hạ huyền”. Cái đẹp kỳ ảo lâng lâng khi “Ta ngậm ngùi nuối tiếc chút thơ ngây/ Màu áo trắng chờn vờn như ảo mộng”. Và nếu cho phép được chọn “hoa hậu” ở đây thì tôi sẽ bầu đoạn quyến rũ này:

Chồng chành con sóng bờ xa

Em đi bỏ ánh trăng tà hanh hao

Bỏ quên câu hát bờ ao

Giếng khô đá lạnh vườn thao thức buồn...

(Người về bến xưa)

Ở những câu lục bát nhường như xuất thần này ta thấy tập trung nhiều nét sở trường trong bút pháp Nguyễn Đức Tiên, đậm nét nhất là nồng độ vừa cuộn trào, vừa lắng sâu của hoài niệm quá khứ. Theo tôi, trong một nhân cách chân chính, hoài niệm không chỉ là những “rêu phong phủ dày” đơn thuần dị tích. Nó còn là nguồn năng lượng, là ắc quy, là bệ phóng cho hiện tại.

Có thể bạn đọc còn phát hiện ra nhiều chiều cạnh khác trong hồn thơ Nguyễn Đức Tiên. Chẳng hạn, ý vị; triết học ở những câu chữ chợt không chợt có. Chẳng hạn góc nhìn hòa đồng thiên lý nhân tâm- nhất là một trái tim nhân hậu, nhạy cảm mà ta có thể ghi nhận rải rác suốt trong tập thơ này. Chỉ nêu một ví dụ:

Biết ghét biết yêu tạo hóa cho người

Mặc nhân thế sẵn lòng tráo trở

Tim hãy giữ cho mình nhịp thở

Đừng một ngày hóa đá xanh xao...

(Nói với tim mình)

Cũng với bè trầm của nỗi buồn, của lòng tri ân, “Trăng hạ huyền” còn lấp lánh không ít tia xanh hấp dẫn reo vui. Thật ra, khó mà phân biệt được rạch ròi đâu là nỗi buồn, đâu là vẻ đẹp trong thơ Nguyễn Đức Tiên. Trời trong xanh, chợt mưa dội, gió gào “Mưa về xối ướt lòng ta/Gót mềm hiên lạnh âm ba dội trào/Xô đi ngày tháng hư hao/Em về phương ấy gió gào bên đây”. Sắc thái biến hóa đa dạng ấy của thiên nhiên thu hút thị giác, đồng thời một nỗi buồn bất chợt về sự đổi thay quá mau chóng cũng nhói lên trong đáy dạ. Nhưng thôi, mỗi người một khẩu vị. Riêng tôi nghĩ, chỉ với hai vỉa lớn tâm tình trong “Trăng hạ huyền’ đã rọi sáng cho ta, thông cảm với ta, đối thoại cùng ta - “nỗi buồn thân phận” và “vẻ đẹp cõi người”.

Nguyễn Đức Tiên đã có thể đón nhận thêm không ít bầu bạn tri ân. Cặp bè trầm chủ đề này trong bản giao hưởng thơ riêng của anh trình làng, đó là một sứ điệp kết tinh nhiều ngẫm nghiệm thiết thân nhân bản. Nó mang đậm dấu ấn của độ chín và sức trẻ của một tâm hồn hằng khao khát đón đợi những đợt sóng “Nếu không còn bóng trăng gầy/Còn đâu hò hẹn với ngày hè sang”, nó chia sẻ cùng ta những điều đau đáu, đôi chút bâng khuâng, một thoáng bồng bềnh “Tuyệt mù nửa thực nửa hư/ Biển ôm ấp núi sương mù giăng giăng”, trong cuộc đời ta đi tìm mình, đồng thời là cuộc đời ta đi tìm bạn, ta đến với nhau chứa chất bao nỗi đau, niềm vui, bao vẻ đẹp chiều sâu kỳ diệu trên cõi đời này.

Phan Sáu

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/van-hoa-the-thao/trang-ha-huyen--u-sau-giau-biet-giua-sao-khuya/184518.htm