Trân quý Thầy, người dạy tôi sự chịu khó, thủy chung và tử tế

'Chăm chỉ, chịu khó, cầu thị, thủy chung và tử tế', 10 chữ ấy, Thầy đã căn dặn tôi ở quán bún bò trên đường Trương Định, TP Huế vào những ngày đầu tôi chập chững bước chân vào nghề báo...

Tôi gặp Thầy lần đầu tiên vào năm 2010 khi một lớp ngành sư phạm khoa tôi học chia tay mái trường Đại học. Ấn tượng về Thầy chỉ là người cùng quê, thân thiện và sinh viên nào từng dạy, Thầy cũng nhớ tên.

Rồi tiếp đó, Thầy dạy tôi một bộ môn chuyên ngành sư phạm. Tôi yêu những tiết giảng của Thầy không phải vì đã gặp Thầy, Thầy cùng quê mà những điều Thầy dạy nó hiện thực và hữu ích với sinh viên chúng tôi vô cùng.

Ra trường, tôi bỏ sư phạm chọn nghề báo. Và Thầy chính là người giúp tôi chọn tờ báo đầu tiên, cũng là người đầu tiên giúp tôi trong nghiệp vụ. Không chỉ vậy, Thầy chính là người định hướng, giúp đỡ để tôi phải biết sống như thế nào với nghề, tư cách đạo đức thế nào để tôi trở thành người phóng viên với 10 chữ dạy nêu trên ấy.

Ảnh minh họa

Thầy bảo, với Thầy nghề báo chỉ là cuộc chơi thuần túy nhưng với tôi, là cả cái nghiệp nên với nghề, phải đạt 10 chữ ấy. Chăm chỉ nghĩa là, phải luôn luôn tự bản thân mình làm việc; chịu khó là chịu đựng cố gắng vượt qua những gian nan, thử thách; cầu thị là cái gì không biết thì hỏi; thủy chung là trung thành, hi sinh với tờ báo, người "sếp" mình đã chọn, và tử tế chính là sống có ích, để mọi người luôn quý mến.

4 năm theo nghề, những bài viết của tôi Thầy đều đọc, tôi biết điều đó nên sau mỗi bài báo như vậy, tôi đều gọi điện cho Thầy, không phải để nghe những lời khen chê mà chỉ mong Thầy cho lời khuyên cho bước tiếp theo. Và Thầy luôn giúp đỡ cho tôi lời khuyên hữu ích.

Mới đây, trong một đêm mưa ở Huế, tôi đã không may gặp tai nạn giao thông. Cú va chạm khiến đầu đập xuống đường, bất tỉnh. Tôi bị chấn thương sọ não, xuất huyết dưới nhện, rạn cổ và gãy xương đòn. Trong cơn thập tử nhất sinh ấy, tôi lúc tỉnh lúc mê, điều tôi nhớ trong là hình ảnh bên cạnh của anh em bạn bè, đồng nghiệp, sự chăm sóc của gia đình, người mình thương yêu và Thầy. Tôi nhớ điều đặc biệt ấy, là cái hôn của Thầy trong một lần thăm nom.

Tối hôm đó, tuy vẫn còn mê man do trí nhớ bất ổn nhưng tôi đã khóc. Những ngày sau đó, dù đang chịu cơn đau quằn quại do tai nạn nhưng nghĩ về điều ấy, nước mắt tôi vẫn rơi về đêm bởi sự trân quý.

Chính cái hôn trán động viên, sự quan tâm ấy, cùng những lời động viên của anh em, bạn bè, đồng nghiệp và sự tận tình của các y bác sỹ của bệnh viện Trung ương Huế đã giúp tôi có nghị lực chịu đau chấp nhận vô vàn mũi tiêm, tự tay lôi tháo ống cung cấp dinh dưỡng ở mũi để tự ăn cháo nhà nấu và tự mình cố gắng giúp mình trấn tĩnh vượt qua các đêm mất ngủ từ 1h cho đến sáng trên giường bệnh...

Hơn nửa tháng, tôi được chuyển xuống khoa Ngoại thần kinh, để rồi chưa đến 1 tháng sau, tôi được xuất viện về nhà tĩnh dưỡng, sức khỏe có chiều hướng hồi phục tích cực.

Hôm nay, dù chưa trở lại công việc viết lách bởi bác sĩ khuyên nên nghỉ ngơi để não bộ ổn định nhưng còn vài ngày nữa là đến 20/11, ngày Nhà Giáo Việt Nam và tôi vẫn muốn viết một điều gì đó để thể hiện sự kính yêu những người thầy, người cô đã dìu dắt, nâng đỡ mình trong cuộc đời. Và Thầy chính là người tôi nghĩ đến và muốn viết, muốn nói: Kính biết ơn, yêu quý Thầy!

Lê Công Thành

Nguồn ANTT: http://antt.vn/tran-quy-thay-nguoi-day-toi-su-chiu-kho-thuy-chung-va-tu-te-215927.htm