Trần Nữ YênKhê: 'Là nghệ sĩ, phải chọn con đường khó nhất'

Trần Nữ YênKhê (*) bay một chuyến bay dài từ Los Angeles (Hoa Kỳ) đến Sài Gòn để tham gia buổi trò chuyện với người thưởng lãm. Đan xen giữa lễ khai mạc triển lãm nghệ thuật White Blank của chị vào cuối tháng 10.2023 và buổi trò chuyện tại Galerie Quỳnh vào tháng 12.2023 là những chuyến bay cùng chồng, đạo diễn Trần Anh Hùng trong loạt sự kiện của phim The Taste of Things, bộ phim do YênKhê chỉ đạo mỹ thuật điện ảnh, thiết kế phục trang vừa lọt vào danh sách đề cử rút gọn cho giải Oscar 2024 Phim quốc tế xuất sắc nhất.

Trần Nữ YênKhê xuất hiện một cách nền nã, tối giản, trong cuộc phỏng vấn với Người Đô Thị về triển lãm điêu khắc - hội họa của chị, công việc chỉ đạo mỹ thuật điện ảnh và tất nhiên, không thể không nhắc đến tên của Trần Anh Hùng.

"Với tôi, câu hỏi quan trọng hơn lời giải"

Các tác phẩm trong triển lãm hội họa, điêu khắc White Blank đều thể hiện trên chất liệu truyền thống là giấy dâu tằm, vải lanh thô, hay tác phẩm Borderline của chị trưng bày ở bảo tàng Guimet là sơn mài. Sang Pháp lúc mới một tuổi, từ khi nào chị cảm nhận được phần Việt Nam trong bản thể của mình? Trong hội họa, điêu khắc, lẫn trong công việc phụ trách mỹ thuật trong phim của Trần Anh Hùng, thể hiện bản sắc Việt Nam với chị là một nhu cầu hay sứ mệnh?

Tôi không cần nhấn mạnh phần Á Châu trong mình. Đó là bản chất của tôi rồi. Khi lựa chọn chất liệu cho tác phẩm, tôi không dựa vào ý nghĩa hay mong muốn làm cho mọi thứ trở nên Á Đông hơn. Tôi dựa vào chất lượng của sự biểu đạt. Những chất liệu đó có mang cho mình điều gì đặc biệt, đủ để mình có thể biểu đạt, thể hiện cảm xúc hay không.

Khi tôi đang thực hiện những tác phẩm này cũng là lúc cả thế giới rơi vào đại dịch Covid-19. YênKhê cũng như rất nhiều người trên thế giới không hiểu chuyện gì đang xảy ra, tại sao lại có thể xảy ra như thế. Tôi bắt đầu đọc lại những cuốn sách theo mình từ năm 18 tuổi. Đó là Picasso, Matisse và Bacon… Tôi bắt đầu đặt ra câu hỏi cho bản thân, một cách thành thực, chân phương và chung thủy với chính mình nhất.

Với tôi, câu hỏi quan trọng hơn lời giải. Tôi không bận tâm đến những gì người khác nghĩ, vì nếu làm vậy, kết quả của sáng tạo nghệ thuật có khả năng sẽ trở thành một sản phẩm, không còn là tác phẩm. Tạo ra sản phẩm là chúng ta đang phản hồi những yêu cầu từ bên ngoài, nhắm đến sự hoàn hảo. Nghệ thuật thì không đi cùng sự hoàn hảo. Đặt ra câu hỏi đúng cho chính mình là việc rất khó vì trong đời, ai cũng muốn né tránh việc khó. Ai cũng tìm cách đi con đường dễ chịu. Nhưng là nghệ sĩ, phải chọn con đường khó nhất. Phải đối diện với những vấn đề của chính bản thân một cách trực diện. Có như thế mới mang lại cho mình những cảm xúc đặc biệt.

Trần Nữ YênKhê vẽ tranh trên giấy dâu tằm. Ảnh: Galerie Quỳnh

Việc đặt câu hỏi là điều quan trọng nhất, chứ không phải là đáp án. Điều tôi chú ý nhất lúc ban đầu là những câu hỏi đúng. Tôi đang cảm thấy gì? Tôi đang muốn thể hiện gì? Tôi muốn mang lại thứ gì? Chất liệu nào là phù hợp để diễn tả những điều này? Thành thật với bản thân là vô cùng quan trọng. Nghệ sĩ luôn phải đối diện với chính mình, vì vậy lòng dũng cảm cũng quan trọng không kém, đặc biệt khi ta đối diện với áp lực từ người khác khi theo đuổi giấc mơ. Để đi con đường của mình, ta cần can đảm để đi theo linh cảm, chấp nhận hy sinh và giữ nguyên ý chí ban đầu.

Đối với tôi, nghệ sĩ phải làm việc, nỗ lực, cố gắng và thử cả đời. Tôi không có mục tiêu cụ thể nào trong hành trình nghệ thuật. Là nghệ sĩ, với tôi hành trình chính là mục tiêu của mình, là lặn sâu vào cảm xúc bên trong, một quá trình nội tại có phần ích kỷ. Nó bắt đầu với sự tự vấn, khám phá những suy nghĩ, cảm xúc bên trong rồi chuyển hóa thành biểu cảm nghệ thuật. Nếu đặt ra mục tiêu, nó sẽ là dấu chỉ của sự kết thúc.

Mười tám tuổi, tôi học trường Ecole du Louvre, sau đó học tại Ecole Camondo, một trường kiến trúc và thiết kế nội thất ở Paris. Làm thế nào để không bị ảnh hưởng bởi những cách thức thể hiện đã có trong lịch sử là điều khó nhất của một nghệ sĩ. Có người cả đời chỉ đi tìm cách thể hiện và rồi đến cuối đời vẫn chưa tìm được. Tôi nghĩ, với triển lãm lần này, tôi đã tìm được ngôn ngữ riêng của mình. Tất nhiên, có người sẽ cảm được cách thể hiện của tôi, có người không. Điều đó cũng bình thường vì cuộc đời là thế.

Bên cạnh là một diễn viên điện ảnh, chỉ đạo mỹ thuật, thiết kế phục trang, chị còn âm thầm thực hành nghệ thuật xuyên suốt hơn ba thập kỷ qua. Tại sao chị chọn thời điểm này để làm triển lãm?

Tôi không chọn thời điểm này. Thời điểm này chọn tôi. Tôi đã dành phần lớn thời gian cho hai con Cao Phi và Lãng Khê, rồi làm phim với anh Hùng. Tất cả mọi việc tôi đều đặt ra những tiêu chuẩn, đòi hỏi khắt khe. Nếu dễ dãi, cách đây 20 năm, tôi đã làm triển lãm đầu tiên rồi.

Tháng 10.2018, hội đồng gồm 15 giám đốc bảo tàng và nhà giám tuyển đã quyết định đưa tác phẩm Borderline của Trần Nữ YênKhê vào bộ sưu tập của bảo tàng quốc gia Pháp. Ảnh: TLNV

Tôi gặp Quỳnh ở Paris, cho Quỳnh xem tác phẩm điêu khắc. Tôi rất vui lòng đồng ý khi Quỳnh đề xuất tôi trưng bày các tác phẩm tại phòng tranh. Một tháng sau đó, tôi quyết định thêm tranh vẽ vào cùng với các điêu khắc. Đối với tôi, điều quan trọng nhất trong triển lãm này là có thể tạo nên một ngôn ngữ độc nhất của chính mình. Đây cũng thách thức lớn nhất đối với một nghệ sĩ. Những bức họa đầu tiên của nhân loại đã được vẽ vào 40.000 năm trước.

Đến nay, toàn bộ diện tích tường trên thế giới cũng không thể treo hết mọi tác phẩm đã và đang có trên đời. Tôi yêu Matisse. Tôi yêu Barnett Newman, Kline và Rothko…, tất cả nghệ sĩ biểu đạt trừu tượng của New York. Làm sao tôi có thể tạo nên ngôn ngữ cá nhân để bộc lộ cảm xúc của chính mình mà không trùng lặp với những người tôi ngưỡng mộ? Nhiều người hỏi tôi, tại sao bây giờ mới trưng bày tác phẩm? Tại sao không phải 20, 30 năm trước? Bởi vì lúc đó tôi chưa sẵn sàng. Lúc đó, tôi có những mối bận tâm khác.

Cảm xúc của chị ra sao khi dành thời gian để trò chuyện với người xem về triển lãm của mình?

Tôi rất vui vì đây là lần đầu tiên tôi có cơ hội trò chuyện cùng mọi người ở Sài Gòn. Tổ chức triển lãm cá nhân đầu tiên tại đây thực sự là một cột mốc quan trọng đối với tôi. Một khi tác phẩm được hoàn thiện, tôi muốn chia sẻ với mọi người, biến chúng trở thành của mọi người. Vậy nên khi tôi hoàn tất, tôi cảm thấy chúng đã trở thành một dạng sống mới, chúng không còn trong tầm kiểm soát của tôi nữa. Tôi cho chúng biểu hiện, và sau đó, chúng có đời sống riêng.

Trong buổi khai mạc triển lãm, mọi người được chụp ảnh, quay phim nhưng không lâu sau đó, phòng tranh yêu cầu khách không được làm việc này nữa, chị có thể chia sẻ lý do?

Tôi nghĩ việc thưởng thức hội họa, điêu khắc qua social media là không phù hợp. Galerie Quỳnh nhận thấy quay phim, chụp ảnh cũng có thể gây ảnh hưởng đến tác phẩm vì mọi thứ đang sắp đặt một cách đan xéo nhau, chỉ cần một sự vô ý nhỏ cũng có thể va chạm tác phẩm. Phòng tranh sẵn sàng cung cấp hình ảnh cho khách tham quan nếu cần. Tôi nghĩ mọi người nên dành thời gian để thưởng thức tác phẩm chứ không nên biến thành việc đi quay phim, chụp ảnh. Tôi muốn tạo ra một không gian nghệ thuật nơi khán giả có thể soi mình vào và đối thoại với những cảm xúc riêng tư.

Từ trái: vợ chồng đạo diễn Trần Anh Hùng và Trần Nữ YênKhê giao lưu với khán giả về bộ phim The Taste of Things tại Liên hoan phim quốc tế Tokyo 36, tháng 10.2023. Ảnh: Lam Phong

Vừa rồi, tôi đi Vatican với gia đình, thật dở khi Vatican cho thuê các laptop có sẵn app trên đó, cứ đi đến đâu đưa laptop ra thì thông tin tác phẩm hiện ra. Trong đời sống hiện nay không thể né tránh công nghệ, mạng xã hội được nhưng tôi không sử dụng mạng xã hội một cách chủ động, tích cực bởi vì tôi thấy cách giao tiếp trên mạng xã hội không phù hợp với mình.

Đối với tôi, nó như một cái thùng rác, có quá nhiều thứ không cần thiết với cuộc sống của mình. Lẽ dĩ nhiên cũng có nhiều cái hay như những nhà hoạt động xã hội, nhờ mạng xã hội mà mang lại nhiều điều tích cực, hiệu quả. Nhưng đa số là những điều rất vớ vẩn, không cần thiết. Tương tự như điện ảnh, xem phim thì không xem qua điện thoại, máy tính, mà phải xem trên màn ảnh rộng. Với điêu khắc, hội họa, phải đến xem trực tiếp. Tôi không muốn khán giả thưởng thức tác phẩm của mình thông qua social media kiểu như tiktok.

Nếu đặt mục đích là đẹp thì khán giả sẽ biết ngay đó là giả vờ

Chuyển sang việc làm cố vấn, chỉ đạo mỹ thuật trong phim của Trần Anh Hùng, chị có tiếng nói riêng hay làm theo yêu cầu của đạo diễn?

Tôi hoàn toàn có tiếng nói riêng.

Khi tôi làm cố vấn mỹ thuật cho phim của anh Hùng, anh cho tôi hoàn toàn tự do làm việc, không cần họp hay thảo luận. Thời gian tiết kiệm đó rất cần thiết để anh tập trung làm các việc khác. Khi mọi người bắt đầu làm việc, tôi cũng bắt đầu làm việc, tôi không làm việc trước mọi người, không đọc kịch bản quá nhiều lần vì như thế sẽ làm cảm xúc mình không còn nhạy bén nữa.

Để không phải trao đổi mà giao hoàn toàn cho chị việc mỹ thuật trong phim, anh Hùng đã có sự tin tưởng tuyệt đối nơi chị?

Đúng vậy.

Mất bao lâu để anh tin tưởng chị hoàn toàn như vậy?

Bắt đầu từ Mùi đu đủ xanh. Lúc đó, tôi vẫn đang học ở trường mỹ thuật. Anh Hùng nói rất rõ ràng, chính xác điều anh cần và tôi vẽ ra căn nhà - bối cảnh chính của phim. Từ lúc đó anh đã tin tưởng tôi. Sau đó, tới phim Xích lô, những bối cảnh liên quan đến căn phòng của Lương Triều Vỹ là do tôi đảm nhận, phim này tôi có vai khá nặng nên không tham gia mỹ thuật cho phim nhiều. Trong Mùa hè chiều thẳng đứng, tôi làm ít hơn vì Lãng Khê mới hai tuổi.

Sang tới Rừng Na Uy, tôi phụ trách tất cả mỹ thuật, bối cảnh của phim. Với phim này, toàn bộ quay trong studio. Phim này tôi không dựa vào những thứ đã có để biến đổi nó mà mình phải tạo ra, sản xuất mới tất cả mọi thứ, tôi vẽ đến 90% nội thất, bối cảnh phim. Tiếp đó Vĩnh cửu, The Taste of Things, tôi cũng đảm nhận hết việc chỉ đạo mỹ thuật, thiết kế bối cảnh, phục trang.

Với bộ phim mới nhất The Taste of Things đang tranh cử Oscar 2024, có khó khăn nào lớn với chị không?

Áp lực khủng khiếp nhất là thời gian. Dự án này anh Hùng đã bắt đầu cách đây bảy năm. Sau đó, vì “dính” hai năm Covid-19, nên ngân sách của phim giảm xuống gần như 2/3. Tôi chỉ có 25 ngày để chuẩn bị cho phim. Nếu làm phim đương đại với thời gian đó thì đã quá khó rồi, đây lại là một phim thời thế kỷ XIX. Tôi phải đi cấp cứu hai lần vì kiệt sức trong 25 ngày này. Với phim này, Trần Anh Hùng “nợ” tôi 10 năm.

Các khung hình trong những bộ phim mà chị chịu trách nhiệm mỹ thuật đều rất đẹp. Đẹp có phải là mục đích chính trong công việc của chị?

Không. Dĩ nhiên là không. Cái đẹp chỉ là kết quả của cái đúng. Nếu sự diễn tả của mình đúng với cảm xúc của cảnh đó thì kết quả sẽ đẹp. Nếu từ đầu đã có mục tiêu làm ra cái đẹp, nó sẽ giả, sẽ không mang cảm xúc thật từ đầu. Khán giả sẽ nhận thấy đó là sự giả vờ ngay. Làm chỉ đạo mỹ thuật là phải xác định đúng cảm xúc của cảnh, từ đó thể hiện nó, từ màu của tường đến tóc của diễn viên, vải, trang phục của nhân vật. Nếu đặt mục đích là đẹp thì mọi thứ chỉ như trang trí, minh họa.

Để đi được đường dài, vợ chồng cần nâng đỡ nhau

Có mặt trong buổi khai mạc triển lãm của chị, mẹ chị - dịch giả Hồng Hạnh, một người Quảng Nam đã đúc kết rất ngắn gọn về sự nghiệp của vợ chồng chị: “Chồng nâng đỡ vợ, vợ nâng đỡ chồng. Hai đứa nhìn về một hướng, làm việc tích cực”. Chị nghĩ gì về nhận xét này của mẹ?

Rất đúng. Tôi nghĩ để đi được con đường dài với nhau phải có sự nâng đỡ đó. Chúng tôi gặp nhau khi tôi 17, 18 tuổi. Đến nay đã ba mươi mấy năm. Hai người phải nuôi cảm xúc hằng ngày, chứ không đơn giản.

Truyền cho nhau cảm hứng mỗi ngày là việc cần được nuôi dưỡng, nếu không ta sẽ đi vào lối mòn của một vòng xoay nhàm chán. Bởi vậy, anh Hùng và tôi, từ cả hai phía, đều luôn luôn phải mang lại cho nhau sự tươi mới, thú vị, khơi gợi những cuộc trò chuyện, và với chúng tôi thì đó luôn là những cuộc trò chuyện về nghệ thuật. Điều này vô cùng cần thiết, để hai người có sự giao tiếp thường xuyên, và để nuôi dưỡng những kế hoạch chung cho tương lai. Nếu không có điều đó, sẽ không còn những mới mẻ, không còn bất ngờ, không còn đợi mong. Nhàm chán là điều khủng khiếp nhất.

Trần Nữ YênKhê và Trần Anh Hùng trong không gian triển lãm nghệ thuật White Blank tại TP.HCM (tháng 10-12.2023). Ảnh: Galerie Quỳnh

Có phải vì cùng đam mê nghệ thuật nên tình yêu của anh chị bền vững?

Đúng. Nhưng với cả những người không làm nghệ thuật cũng cần xây dựng sự giàu có nội tâm, vẻ đẹp bên trong để giữ tình yêu của mình.

Chị nghĩ sao khi mọi người gọi chị là "Nàng thơ vĩnh cửu" của Trần Anh Hùng?

Người ta nói thế thì cứ để người ta nói thế đi (cười).

Trong gia đình chị, ai là người có nhiều nguyên tắc hơn?

Tôi không biết nhưng cả hai đều cố gắng để không có nhiều định kiến, nguyên tắc vì như vậy sẽ không linh động, sẽ không làm được việc. Mình phải mở ra tất cả các cánh cửa trong tâm trí để đón nhận mọi thứ. Tôi không có những quy tắc cứng nhắc vì đối với tôi, cứng là chết.

Giống như trong tác phẩm điêu khắc của mình, tôi muốn đem đến cảm giác của một chất liệu được định hình bởi luồng gió, sự uyển chuyển. Trong tiếng Việt, nó được gọi là “khí” - một quan niệm về dao động liên quan tới triết lý Phật giáo, rằng không có gì tồn tại vĩnh viễn. Đây là lý do tôi đặt tên cho tác phẩm điêu khắc lớn là Impermanence (Vô thường).

Dịch giả Hồng Hạnh cùng vợ chồng con gái và hai cháu ngoại Cao Phi - Lãng Khê, tại buổi khai mạc White Blank. Ảnh: Galerie Quỳnh

Chị có thể chia sẻ một chút về hai con?

Cả Lãng Khê và Cao Phi đều đang trong quá trình xây dựng bản thân, tìm kiếm chính mình, một giai đoạn vô cùng tế nhị nên tôi không muốn nói về con mình.

Chị có bao giờ quan tâm cách mà người ta giới thiệu chị: một người Pháp gốc Việt, một người Pháp, hay một người Việt Nam?

Tôi không quan tâm điều đó. Người ta nhìn thấy mình sẽ biết mình là người Á châu. Nhưng tôi không có biên giới nào cả, không phải là đại sứ của đất nước nào cả, tôi chỉ là một nghệ sĩ, nói về bản thân mình mà thôi. Tôi không tự vấn về gốc gác, căn tính, hay quá khứ của tôi, rằng tôi là người Việt hay người Pháp. Tôi không có ý định kể chuyện. Thứ duy nhất tôi muốn bày tỏ trong nghệ thuật là cảm xúc.

Trâm Anh

_________

(*) Đây là cách viết tên theo yêu cầu của nhân vật.

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/tran-nu-yenkhe-la-nghe-si-phai-chon-con-duong-kho-nhat-42507.html