Trạm trộn bê tông 'ngang nhiên' mọc trên đất nghĩa trang

Báonhận được thông tin phản ánh của người dân sống trên địa bàn phường Dương Nội, La Khê và Vạn Phúc, quận Hà Đông (Hà Nội) về việc trạm trộn bê tông 'ngang nhiên' mọc trên đất nghĩa trang và xả thải gây ô nhiễm môi trường.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Công lý, số các trạm trộn bê tông này là của Công ty TNHH TPQ Việt Nam và Công ty cổ phần bê tông Vạn Phúc, đi vào hoạt động khoảng một năm nay. Các trạm này trực tiếp xả thải ra môi trường, nước rửa xe trộn bê tông cũng được thải xuống kênh mương khu vực được người dân trồng rau màu.

Người dân quận Hà Đông phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường của các trạm trộn bê tông

Theo một người dân sản xuất nông nghiệp tại khu vực La Cả, phường Dương Nội, quận Hà Đông cho biết, từ ngày các trạm bê tông này hoạt động đã xả thải ngay trên đất nông nghiệp đang canh tác của bà con. Việc này đã làm nguồn nước đã bị nhiễm bẩn và hóa chất, cây cối chậm phát triển, các lá rau thường bị bám đầy bụi bẩn.

Chị Nguyễn Thị L, thường xuyên đi qua đây bức xúc: “Trạm trộn này thường xuyên hoạt động, tiếng máy gầm rú, khói bụi, nước thải chảy tràn lan ra đồng. Nhiều xe chở bê tông mang lô gô TPQ và bê tông Vạn Phúc chạy ầm ầm khiến đường xuống cấp, ngày mưa đường bẩn, bùn. Đặc biệt xe chở bê tông lao từ trong ngõ ra đường Tố Hữu còn gây mất an toàn giao thông”.

Theo quan sát của phóng viên, đúng như người dân phản ánh, mỗi lần xe trọng tải lớn chở cát, đá, xe bồn trộn bê tông có lôgô TPQ và bê tông Vạn Phúc ra vào đều cuốn theo lượng bụi “khổng lồ” gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Lúc này, người dân đi ngang qua đều phải dừng lại lấy tay che mặt hoặc cố vượt lên thật nhanh để tránh.

Bãi thải, khu vực để vật liệu xây dựng của công ty.

Theo quy định để một trạm trộn bê tông đi vào hoạt động, khu vực để vật liệu phải làm cao tường rào ngăn với khu dân cư, lắp đặt hệ thống che chắn khu cabin buồng trộn, trồng cây xanh ngăn bụi. Đặc biệt phải tưới nước đường giao thông, cải tiến làm mới, vệ sinh thường xuyên các túi lọc bụi cho hệ thống bơm xi măng để hạn chế bụi phát tán ra môi trường. Tuy nhiên theo quan sát của phóng viên, các đơn vị này đã để cát, đá, xi măng, phế thải…ngay trên nền đất và không được che chắn gì.

Không chỉ ảnh hưởng đến khu vực sản xuất nông nghiệp và các khu dân cư, theo quan sát của phóng viên các trạm trộn bê tông còn nằm sát trường Quốc tế Nhật Bản (36 Tố Hữu, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông). Điều này đã gây ra bụi, khí thải, tiếng ồn đã làm ảnh hưởng lớn đến công tác dạy và học của cán bộ giáo viên, học sinh nhà trường.

Khi đi tìm tính pháp lý của khu đất này, PV nhận thấy, tại Quyết định số 496/QĐ-TTg của thủ tướng Chính phủ ngày 8/4/2014 về việc Phê duyệt Quy hoạch nghĩa trang Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có nêu: “Cải tạo, nâng cấp, mở rộng nghĩa trang Hà Đông, quận Hà Đông với quy mô hiện có là 3,65 ha lên 7,4 ha đến năm 2015 theo hướng cải tạo thành công viên nghĩa trang, sử dụng hình thức cát táng, phục vụ nhu cầu nhân dân trên địa bàn quận Hà Đông”.

Ngay sau đó, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 146/KH-UBND ngày 13/8/2014. Trong đó nêu rõ: Nghĩa trang Hà Đông (phường Vạn Phúc, La Khê - quận Hà Đông) sẽ được mở rộng từ 3.65 ha (diện tích nghĩa trang cũ) và mở rộng thêm 3.75 ha nữa. Có thể nói việc ban hành Kế hoạch này của UBND thành phố Hà Nội là theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Việc này còn “đáp ứng yêu cầu đầu tư xây dựng nghĩa trang, nhà hỏa táng cho từng năm từ nay đến năm 2020, giải quyết nhu cầu an táng của nhân dân Thủ đô đến năm 2020”.

Để tiếp tục hướng dẫn các quận, huyện thực hiện theo quy hoạch đã được phê duyệt, đến ngày 14 tháng 2 năm 2017, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1103/QĐ-UBND về phê duyệt quy hoạch chi tiết khu công viên nghĩa trang S4 4-2, tỷ lệ 1/500 (địa điểm là các phường Vạn Phúc, La Khê, quận Hà Đông và phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm).

Trong quyết định cũng nêu rõ “Giao Chủ tịch UBND quận Hà Đông, Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm, Chủ tịch UBND phường Vạn Phúc, Chủ tịch UBND phường La Khê, Chủ tịch UBND phường Đại Mỗ chịu trách nhiệm: Kiểm tra, quản lý, giám sát xây dựng theo quy hoạch, xử lý các trường hợp xây dựng sai quy hoạch theo thẩm quyền và quy định của pháp luật”.

Có thể nói quy hoạch đã có, chỉ đạo của thành phố đến từng quận, từng phường cũng đã cụ thể những không hiểu vì lý do gì các trạm trộn bê tông này vẫn ngang nhiên hoạt động và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi, trách nhiệm của cơ quan chức năng ở đâu? Có hay không "sự chống lưng" phía sau để trạm trộn hoạt động vô tư như hiện tại?.

Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.

Nguyên Khánh

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/camera-24h/tram-tron-be-tong-ngang-nhien-moc-tren-dat-nghia-trang-270572.html