Trách nhiệm và quyền lợi

Thời gian qua, trên địa bàn Hà Nội có một số dự án gặp khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Hệ lụy lớn nhất của chậm giải phóng mặt bằng là dự án không đạt tiến độ đề ra. Đặc biệt, có dự án có ý nghĩa lớn với đời sống dân sinh nhưng bị kéo dài nhiều năm gây lãng phí, tốn kém công sức, ngân sách nhà nước, gây phiền hà cho người dân.

Nguyên nhân vướng mắc chủ yếu liên quan đến cơ chế, chính sách giải phóng mặt bằng mà điển hình là có nơi, có lúc việc định giá chưa phù hợp; gặp khó khăn trong xác định nguồn gốc đất; việc bố trí nhà tái định cư có lúc chưa hợp lý… Đáng nói, vẫn có số ít hộ dân trong diện giải phóng mặt bằng ở một số dự án chưa tích cực hợp tác, có kiến nghị, đòi hỏi chưa đúng quy định. Để xảy ra tình trạng này, trách nhiệm trước hết thuộc về chính quyền địa phương. Trong đó, phải kể đến việc có nơi làm chưa tốt công tác tuyên truyền vận động; công tác quản lý đất đai còn buông lỏng…

Nhận thức rõ những khó khăn đặt ra, thành phố Hà Nội luôn xác định công tác giải phóng mặt bằng có vai trò quan trọng đối với từng dự án đầu tư xây dựng cơ bản nói chung và việc giải ngân vốn đầu tư công nói riêng. Vì vậy, ngoài các chỉ đạo chung, thường xuyên, UBND thành phố và các ngành chức năng, địa phương đã, đang nỗ lực tháo gỡ từng khó khăn, vướng mắc cụ thể về giải phóng mặt bằng đối với mỗi dự án nhằm bảo đảm tiến độ đề ra.

Để làm tốt hơn việc này, nhiệm vụ quan trọng xuyên suốt là việc thông tin, tuyên truyền các quy định pháp luật liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng phải tiếp tục được đẩy mạnh. Cùng với tổ chức hội nghị chuyên đề, các địa phương có dự án giải phóng mặt bằng cần lồng ghép những nội dung liên quan vào các kỳ cuộc sinh hoạt của cấp ủy, chính quyền và đoàn thể chính trị - xã hội; đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống phát thanh; công khai thông tin ở trụ sở UBND, nhà văn hóa khu dân cư… Các biện pháp tuyên truyền cần giúp người dân tiếp cận được thông tin chính xác, nhanh và thuận tiện nhất.

Đối với những nơi đang có vướng mắc, cấp ủy, chính quyền địa phương cần chú trọng công tác dân vận, vận động để người dân hiểu và chủ động chấp hành các chủ trương, quy định trong giải phóng mặt bằng. Việc này phải vừa khôn khéo, vừa kiên quyết; đặc biệt là người đứng đầu phải quan tâm, sâu sát. Mọi công việc, nhất là khâu xác định nguồn gốc đất, áp giá đền bù cần làm cẩn trọng, đúng quy trình thủ tục, tránh gây khiếu nại, tố cáo không đáng có.

Bên cạnh tiếp tục nâng cao trách nhiệm, tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng, chính quyền cấp xã, cấp huyện cần kịp thời báo cáo khó khăn, vướng mắc (nếu có) với cấp, ngành có thẩm quyền để phối hợp xử lý, khắc phục kịp thời. Các sở, ngành chức năng tiếp tục nghiên cứu tham mưu các cơ chế linh hoạt, ưu tiên bố trí đủ vốn, chuẩn bị tốt quỹ nhà tái định cư để đáp ứng tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án của địa phương.

Các chủ đầu tư, nhà thầu dự án khi nhận bàn giao mặt bằng cũng phải tập trung cao độ nhân lực, vật lực, triển khai dự án, công trình đúng tiến độ. Phải kiên quyết không để mặt bằng đã nhận bàn giao bị hoang hóa, tái lấn chiếm. Người dân có đất trong diện giải phóng mặt bằng cần tìm hiểu rõ thông tin, tích cực ủng hộ chủ trương của Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án triển khai đúng tiến độ.

Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án vừa là trách nhiệm, vừa là quyền lợi của các cá nhân, tập thể liên quan, góp phần cho Thủ đô phát triển.

Chí Kiên

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/984363/trach-nhiem-va-quyen-loi