Trả lời của Nam Định: Lò đốt rác cỡ nhỏ chỉ là giải pháp tình thế!

Đại diện cho hai Sở NN-PTNT, TN-MT thừa nhận một số lò đốt rác cỡ nhỏ của tỉnh không đạt chuẩn nhưng không thể đóng cửa.

Ông Nguyễn Sinh Tiến - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, Chánh văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Nam Định. Ảnh: Dương Đình Tường.

Khó có thể đóng cửa ngay

Sau khi NNVN đăng tải loạt bài “Rác thải bủa vây nông thôn” trong đó có hai bài liên quan đến Nam Định là: “Nam Định, trăm lò rác có nguy cơ phát thải dioxin” thì chính quyền tỉnh này đã chủ động mời đại diện của báo đến làm việc.

Ông Nguyễn Sinh Tiến - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, Chánh văn phòng Điều phối Nông thôn mới cho biết mặc dù là địa phương thu ngân sách thấp nhưng tỉnh vẫn tập trung đầu tư cho nông thôn mới mà nhất là vấn đề môi trường nông thôn:

“Những gì mà báo phản ánh vừa qua là đúng thực trạng nhưng chúng tôi muốn giải thích thêm rằng Nam Định đất chật, người đông, trước kia ở nông thôn mỗi xã có một bãi chôn lấp rác nhưng sau này do lượng quá nhiều mới triển khai đốt bằng lò cỡ nhỏ.

Mỗi xã có một lò đốt rác như thế chỉ là giải pháp tình thế bởi thực tế đã thấy nhiều bất cập nhưng để mà có tiền đầu tư lò đốt cấp huyện, cấp tỉnh ngay thì thực sự khó.

Cách đây 3 tháng, ông Nguyễn Phùng Hoan - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì cuộc họp với các huyện để đôn đốc vấn đề môi trường nông thôn trong đó có khâu quy hoạch chung rồi kêu gọi xã hội hóa việc xử lý rác. Mô hình đầu tiên ở huyện Nam Trực hình thành nhờ sự vào cuộc của doanh nghiệp với quy mô xử lý cho 10 xã, đang hoạt động khá hiệu quả…”

Quay trở lại với những tồn tại của các lò đốt rác cỡ nhỏ, ông Tiến cho hay tâm lý chung của người dân là không muốn có bãi rác đặt ở quê mình nên ngay từ khâu quy hoạch đã gặp khó khăn.

Được dân xã này ủng hộ thì lại bị dân xã khác phản đối: “Khi chưa thực hiện được lò đốt rác quy mô cấp tỉnh, cấp huyện thì đối với những lò xã thế hệ cũ kiểu như của Hải Hậu sẽ phải khắc phục, sửa chữa để hạn chế ô nhiễm.

Trong dự thảo của đề án phân bổ kinh phí nông thôn mới giai đoạn 2020-2025, mỗi huyện sẽ phải chọn ra 1 xã để thực hiện bài bản từ phân loại rác tại nguồn đến vận chuyển, thu gom, xử lý.

Dự kiến mỗi xã thí điểm sẽ được hỗ trợ 200 triệu, mỗi hộ sẽ được hỗ trợ 1 nắp đậy hố rác hữu cơ di động giúp giảm tải lượng rác trước khi vào lò đốt.

Không những thế, trên các tuyến kênh mương bắt đầu có mô hình tự quản mà xuất phát điểm là từ huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu. Các công ty thủy nông ở đây đã bỏ ra mỗi năm khoảng 1 tỉ cộng thêm kinh phí của huyện để khoán bảo vệ môi trường ở những đoạn kênh, mương chảy qua, quy trách nhiệm cụ thể về cho từng thôn, xóm ”…

Bà Trần Thị Kim Phượng - Phụ trách Phòng Kiểm soát Ô nhiễm trực thuộc Sở TN-MT Nam Định. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bà Trần Thị Kim Phượng - Phụ trách Phòng Kiểm soát Ô nhiễm trực thuộc Sở TN-MT thì khẳng định công tác thu gom rác thải nông thôn trên địa bàn tương đối tốt, mọi vấn đề chỉ phát sinh ở khâu xử lý bằng lò đốt.

Nam Định hiện có 109 lò đốt rác cỡ nhỏ, hầu hết chung một công nghệ là ủ rác rồi tự sinh nhiệt, đốt 24/24h. Mức phí rác do tỉnh ban hành tối đa 8.000 đồng/khẩu/tháng nhưng đa số các xã không thể thu tới đó nên chỉ đủ trả lương công nhân thu gom, vận hành lò chứ không đủ cho việc xử lý để đảm bảo theo quy chuẩn môi trường dù Sở đã có hướng dẫn.

Phần lớn lò được đầu tư trước khi Quy chuẩn 61 ra đời. Việc quan trắc khí thải, môi trường xung quanh do các chủ đầu tư (hầu hết là cấp xã) phải tự bỏ chi phí, tự chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, do kinh phí để quan trắc các chỉ tiêu phức tạp như dioxin, furan rất lớn, khoảng mấy chục triệu một mẫu nên từ trước đến nay không có xã nào kham nổi…

Đầu năm 2019, Nam Định có văn bản gửi Bộ NN-PTNT về hướng xử lý môi trường cho nông thôn trong đó có lò đốt rác cỡ nhỏ: “Từ văn bản pháp luật (Quy chuẩn 61) đi vào cuộc sống rất là khó bởi kinh phí đầu tư chỉ có bấy nhiêu nên chúng tôi cần thêm thời gian.

Bây giờ nếu như một ngày mà không xử lý bằng lò đốt chắc chắn là rác thải sẽ bừa bãi lên ngay…”.

Lối thoát duy nhất

Chị Lê Thị Nhạn ở xóm 4, xã Thọ Nghiệp, huyện Xuân Trường nhắc đi nhắc lại với tôi rằng: “Tôi mê cái mô hình xử lý rác tại chỗ này lắm!”.

Đầu năm nay gia đình chị được hỗ trợ một cái nắp đậy hố rác di động cộng với ít chế phẩm sinh học để xử lý chất thải hữu cơ.

Sở dĩ gọi là hố rác di động bởi chúng có thể đào ở bất cứ đâu tại vườn, sâu khoảng ½ m, có miệng vừa đủ để chụp cái nắp đậy lên trên.

Mọi thứ phụ phẩm của rau cỏ, chất thải hữu cơ được chị bỏ xuống đó, cứ 10 ngày lại xịt men vi sinh vào 1 lần để vừa khử mùi, vừa dễ phân hủy. Chừng vài tháng đầy hố, lấp đất lại, đào một hố khác.

Hố rác hữu cơ di động tại nhà một người dân ở xã Thọ Nghiệp, huyện Xuân Trường. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nhờ có hố rác di động mà cỡ 70% lượng rác thải của gia đình chị được giảm bớt so với trước, giờ chỉ còn là túi nylon, đồ nhôm, nhựa mới phải chuyển ra cho đội thu gom của xóm. Do được phân loại ngay tại gia, xử lý gần hết tại vườn nên khi đốt khói lò cũng bớt đen, bớt nhiều mùi khó chịu.

Anh Lê Văn Thực - Chủ tịch xã Thọ Nghiệp thông tin địa phương có 23 xóm thì 2 xóm đang thí điểm thực hiện phân loại rác tại nguồn và xử lý rác hữu cơ bằng hố rác di động như gia đình chị Nhạn.

Về chuyện nhiều lò đốt rác của các xã lâm vào tình cảnh nhếch nhác, bẩn thỉu, vận hành sai cách thì anh lý giải: “Nếu xã bỏ ngân sách ra xây lò đốt thì thu phí rác không đủ chi cho vận hành nên tình trạng phổ biến là đốt trong lò thì ít, đốt ngoài lò là nhiều. Để tránh bài học nhãn tiền đó, ngay từ đầu chúng tôi đã phải “nói khéo” để doanh nghiệp họ chịu vào cuộc.

Xã tiếng là có 14.000 dân nhưng 4.000 người đi làm ăn xa tết mới về, 3.000 người đi làm ăn vài tháng mới về nên thu chỉ được 3.000 đồng/khẩu/tháng, còn lại thì thu 6.000 đồng/khẩu/tháng nhưng cũng có một số người không đóng.

Không như tiền điện, tiền nước, ai không nộp là cắt, rác họ không nộp phí mà không tổ chức thu gom có khi còn bị vứt lung tung nên vẫn phải vừa giải thích, vừa động viên.

Tổng cộng, phí rác của xã thu được gần 50 triệu/tháng trong khi đó riêng vận hành lò đã là hơn 60 triệu/tháng khiến cho doanh nghiệp đang phải lấy từ khoản khác để bù vào.”.

Hệ thống phân loại rác bằng máy trước khi đưa vào lò ở xã Thọ Nghiệp, huyện Xuân Trường. Ảnh Dương Đình Tường

Có lẽ chỉ duy nhất Thọ Nghiệp có sân bóng được lập trên nền của bãi rác cũ, ngay sát ống khói của lò đốt rác mới dựng. Hai thứ tưởng như đối nghịch nhau như nước với lửa ấy lại hoàn toàn hòa hợp, bởi không sạch sẽ thì sẽ không một ai đến đây để chơi thể thao cả. Mới đầu doanh nghiệp đã trồng hơn 300 cây bóng mát trên khuôn viên của bãi rác nhưng chúng đều chết hết vì ô nhiễm.

Đá bóng ngay trên nền bãi rác cũ, cạnh lò đốt rác mới xây ở xã Thọ Nghiệp, huyện Xuân Trường. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cứ như anh Trần Văn Trường - Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Phát cho biết thì đơn vị mình đã đầu tư tổng cộng hơn 9 tỉ đồng vào các hạng mục từ cải tạo bãi rác cũ thành sân bóng đến lắp đặt lò đốt rác theo công nghệ cải tiến.

Lúc đầu, anh trăn trở mãi với chuyện rác chưa qua phân loại sau đó mới chợt nghĩ đến cái máy tuốt lúa nó phân loại được rơm với thóc nhờ trọng lượng thì tại sao mình không sáng chế ra cái máy “tuốt rác”, biết phân loại nylon, các bao bì nhẹ với những thứ phế liệu nặng hơn.

Vốn có tay nghề cơ khí, sau 4 - 5 tháng ròng thử nghiệm anh cũng làm ra cái máy như thế với cơ chế băng tải chuyền rác lên, xé nát bao bì, tự thổi các thứ nhẹ như nylon, vỏ bọc sang một bên, các thứ hữu cơ sang một bên. Rác hữu cơ được phơi qua rồi tận dụng luôn làm nguyên liệu để ủ lò giúp cho bên trong lúc nào cũng có lửa cháy, không phải châm lại.

Toàn bộ hệ thống khói lò được xử lý cưỡng bức qua các bể nước vôi nên về cảm quan là chấp nhận được với chỉ toàn là khói trắng như hơi nước. Anh Trường cũng đang thử nghiệm dùng rác hữu cơ để sản xuất phân bón, tiếc rằng chưa mấy thành công về mặt chất lượng.

Trái ngược với số đông các lò đốt rác do xã đầu tư, quản lý đang rất nhếch nhác, bẩn thỉu, vận hành sai cách và thường hay hỏng hóc là số ít các lò do doanh nghiệp đầu tư, tự quản lý, hoạt động khá quy củ tuy nhiên vẫn trong giai đoạn phải bù lỗ vì mức phí rác thu rất thấp.

Bạn đang đọc bài viết Trả lời của Nam Định: Lò đốt rác cỡ nhỏ chỉ là giải pháp tình thế! tại chuyên mục Phóng sự của Báo Nông Nghiệp Việt Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư baonongnghiepdientu@gmail.com hoặc số điện thoại, Zalo, Viber: 0369024447.

Dương Đình Tường

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/tra-loi-cua-nam-dinh-lo-dot-rac-co-nho-chi-la-giai-phap-tinh-the-d259638.html