Trả hồ sơ, điều tra bổ sung vụ án lừa dối khách hàng của ông Lê Thanh Thản
Sáng 10-8, sau hơn nửa giờ xét hỏi ông Lê Thanh Thản, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Bemes và một số bị hại tại phiên xử vụ lừa dối khách hàng, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân TP Hà Nội bất ngờ tuyên bố trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Theo tòa, do một số vấn đề chưa thể làm rõ được tại tòa, hội đồng xét xử đề nghị điều tra bổ sung và đề nghị những người liên quan tiếp tục cung cấp chứng cứ cho cơ quan tố tụng để phục vụ quá trình điều tra bổ sung.
Khai tại tòa, bị cáo Thản nói ông là người chịu trách nhiệm chính, điều hành các hoạt động kinh doanh, xây dựng tại Công ty Bemes. Năm 2010, doanh nghiệp bắt đầu triển khai xây dựng dự án tổ hợp chung cư cao cấp Bemes ở quận Hà Đông. Khoảng 2 năm sau đó, công trình hoàn thành.
Theo ông Thản, về quy hoạch công trình triển khai đúng 3 lock gồm C1, C2, C3. Trong đó, lock 2 là khách sạn, văn phòng cho thuê. Thời điểm đó, bị cáo và công ty nghĩ không làm được khách sạn, nên đề nghị UBND TP Hà Nội cho phép chuyển công năng sang xây căn hộ.
Ông Thản nói sau đó công ty bắt tay xây dựng ngay mà không làm các thủ tục tiếp theo, nên dẫn đến sai phạm, chứ không phải sai về quy hoạch và công năng. "Đại gia điếu cày" cũng cho rằng, kết cấu tòa nhà theo quy hoạch là đúng. Còn diện tích xây dựng và số tầng xây dựng, bị cáo không còn nhớ.
Thi công xong phần móng, Công ty Bemes triển khai ký hợp đồng chuyển nhượng với khách hàng. Sau 3 lần giao dịch, doanh nghiệp bàn giao nhà cho cư dân. Bị cáo khai quá trình chuyển nhượng, công ty đã khẳng định làm được tất cả các thủ tục, dù chưa được phê duyệt.
"Hiện nay, chủ đầu tư tiếp tục đề nghị TP Hà Nội chấp thuận, cấp sổ đỏ cho cư dân. Đó cũng là mong muốn duy nhất của chúng tôi", ông Thản nói trước tòa.
Về cáo buộc thu lời bất chính hơn 481 tỷ đồng, ông Thản cho rằng điều này chưa hợp lý lắm. Bị cáo lý giải công ty đã nộp 60 tỷ đồng tiền sử dụng đất, 60 tỷ đồng tiền hóa đơn cùng 50 tỷ đồng mua dự án. Đó là chưa nói đến việc doanh nghiệp bỏ vật liệu ra để xây dựng. Bị cáo đề nghị hội đồng xét xử xem xét tình tiết này.
Khi chủ tọa hỏi phương án giải quyết, ông Thản nói hiện nay, phía bị cáo đã thỏa thuận thanh toán tiền cho 13 hộ dân dựa trên hợp đồng chuyển nhượng. Doanh nghiệp đang cố gắng tiếp tục khắc phục bằng cách đề nghị chính quyền Hà Nội giữ lại các căn hộ, còn công ty sẽ đàm phán các thủ tục tiếp theo.
Sau phần trả lời của ông Thản, chủ tọa thẩm vấn một số bị hại. Chị Đinh Thị N. (ở tòa CT6C) kể lại: khi lên văn phòng giao dịch để ký hợp đồng, chị được giới thiệu về tòa nhà. Về pháp lý, lúc đó chủ đầu tư nói và ghi trong hợp đồng là khi bàn giao nhà xong, chủ đầu tư sẽ hỗ trợ làm thủ tục cấp sổ đỏ. Tuy nhiên, khi người dân làm đề nghị cấp sổ, phía Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội lại trả lời rằng, do tòa nhà xây dựng sai phạm nên không được cấp sổ.
"Tôi đề nghị hội đồng xét xử xem xét giải quyết vấn đề dân sự ngay trong phiên tòa này, không tách ra vụ việc khác để chúng tôi không phải đi khiếu kiện thêm một lần nữa", chị N. kiến nghị và đề nghị được bồi thường theo giá trị căn hộ thực tế hiện tại.
Khác với chị N., một cư dân đề nghị bị cáo bồi thường ở mức giá khác cao hơn, ở mức 34 triệu đồng/m2. Người này cho rằng tòa CT6C ở vị trí thuộc quận Hà Đông, đẹp hơn các tòa khác, nên phải bồi thường mức giá cao hơn.
Còn một người mua lại căn hộ tại CT6C cho biết, năm 2017 đã mua lại căn hộ tại CT6C Kiến Hưng với giá hơn 1 tỷ đồng. Tại tòa, bị hại này đề nghị bị cáo bồi thường số tiền ông đã nhận chuyển nhượng nhà.
Trước những đề nghị trên, chủ tọa đề nghị ông Thản nêu quan điểm. Đứng trước tòa, vị "đại gia điếu cày" hứa hẹn sẽ tiếp tục thỏa thuận, đàm phán với cư dân mức bồi thường hợp tình, hợp lý.