TP Thủ Đức kiến nghị Thanh tra Chính phủ đối thoại với người dân khiếu nại ở Thủ Thiêm

Kết luận 1169 năm 2021 của Thanh tra Chính phủ tái khẳng định thửa đất các hộ dân thuộc tổ 5, khu phố 3, phường Thủ Thiêm còn khiếu nại là nằm trong ranh quy hoạch, thu hồi đất là đúng quy định. Tuy nhiên, các hộ dân không đồng tình nên TP Thủ Đức kiến nghị đoàn công tác của Quốc hội cùng Thanh tra Chính phủ có buổi tiếp xúc chính thức với người dân để địa phương có cơ sở giải quyết.

Sáng 1.3, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM giám sát tại TP Thủ Đức về việc thực hiện quy định về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thời gian từ 1.7.2016 đến 1.7.2021.

Tại buổi làm việc, ông Hoàng Tùng, chủ tịch UBND TP Thủ Đức (TP.HCM) thừa nhận TP.HCM có 10 vụ khiếu nại, tố cáo thì TP Thủ Đức có đến 4 vụ.

Một trong những vụ việc khiếu nại phức tạp, đông người, kéo dài là vấn đề của Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Dù đã được Thanh tra Chính phủ ban hành hai bản kết luận từ năm 2018 đến nay, vụ việc vẫn chưa tìm ra hướng xử lý dứt điểm.

Ông Hoàng Tùng, chủ tịch UBND TP Thủ Đức tại buổi làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM.

Ông Hoàng Tùng, chủ tịch UBND TP Thủ Đức tại buổi làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM.

Năm 2018, Thanh tra Chính phủ đã ban hành kết luận 1483 về việc xác định một phần đất 4,3 ha trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã bị thu hồi chưa đúng quy định. Sau bản kết luận đầu tiên, TPHCM đã tổ chức khắc phục, trả lại quyền lợi hợp pháp cho 331 hộ dân còn khiếu nại. Dự kiến, tháng 6.2022, việc giải quyết quyền lợi cho 331 trường hợp này mới hoàn tất.

Kết luận 1169 năm 2021 của Thanh tra Chính phủ tái khẳng định thửa đất các hộ dân thuộc tổ 5, khu phố 3, phường Thủ Thiêm còn khiếu nại là nằm trong ranh quy hoạch, thu hồi đất là đúng quy định. Tuy nhiên, các hộ dân không đồng tình nên TP Thủ Đức kiến nghị đoàn công tác của Quốc hội cùng Thanh tra Chính phủ có buổi tiếp xúc chính thức với người dân để địa phương có cơ sở giải quyết.

Theo chủ tịch UBND TP Thủ Đức, hiện TP.HCM đã có dự thảo 10 nội dung liên quan đến các chính sách đối với người dân thuộc 5 khu phố, 3 phường của Thủ Thiêm. Vướng mắc còn lại là nguồn vốn giải quyết bổ sung cho 3.000 hộ dân với tổng kinh phí 1.400 tỉ đồng.

Đối với bản kết luận 1483 liên quan đến khu đất 4,3 ha, 60% hộ dân tại đây đã đồng thuận. Hiện tại, UBND thành phố Thủ Đức đang xem xét, giải quyết cho khoảng 12 hồ sơ còn lại liên quan đến vấn đề thừa kế và khiếu nại ranh đất.

Chủ tịch UBND TP Thủ Đức thông tin thêm hiện nay TP Thủ Đức đang là bị đơn của khoảng 400 vụ kiện khác nhau gồm các vụ kiện UBND và Chủ tịch UBND các thời kỳ.

Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cho rằng TP Thủ Đức có thể kiến nghị thêm việc sửa đổi bổ sung những vấn đề khúc mắc vào điều luật trong thời gian tới. Theo bà Tuyết, phần lớn việc khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân tại thành phố Thủ Đức tập trung ở khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng, tranh chấp đất đai. Đây là những lĩnh vực khó do quá trình quản lý đất đai nhiều thời kỳ, mỗi giai đoạn có quy định khác nhau dẫn đến bất cập.

Bà Tuyết yêu cầu TP Thủ Đức tập trung làm tốt phần việc được giao để giải quyết dứt điểm các vụ khiếu nại đông người. Đối với các vụ việc đơn lẻ, UBND TP Thủ Đức cần chỉ đạo phòng ban, đơn vị giải quyết trong thời gian sớm nhất.

Sỹ Hưng

Thanh tra Chính phủ từng kiến nghị Thủ tướng nhiều vấn đề về sử dụng đất đai tại Thủ Thiêm

Trước đó, vào ngày 22.7.2021, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông báo số 1169/TB-TTCP về kết quả kiểm tra liên quan khiếu nại ranh quy hoạch 5 khu phố thuộc 3 phường thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Trong văn bản này, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ủy ban Nhân dân (UBND) TP.HCM kiểm tra, rà soát những tổ chức, cá nhân có vi phạm liên quan đến việc chuyển nhượng, quản lý, sử dụng đất đai tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, có biện pháp giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.

Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND TP.HCM, kiểm điểm xử lý trách nhiệm của tập thể và cá nhân liên quan đến các vi phạm, khuyết điểm về việc phê duyệt sơ đồ điều chỉnh các khu vực không bán nhà thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn Quận 2 chưa đúng quy định; phê duyệt quy hoạch chi tiết Khu đô thị mới Thủ Thiêm tỷ lệ 1/2.000 của Kiến trúc sư trưởng Thành phố có sự sai sót về vị trí giới hạn theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Tài chính; Thanh tra Chính phủ phối hợp, hướng dẫn UBND TP.HCM xử lý các nội dung liên quan đến khiếu nại của người dân về ranh giới quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm theo đúng quy định của pháp luật.

Theo Thông báo số 1169/TB-CP của Thanh tra Chính phủ, qua kiểm tra, đối chiếu bản đồ do nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Viết Thanh lưu giữ về quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm với hai bản đồ mà các cơ quan của UBND thành phố cung cấp cho Thanh tra Chính phủ là trùng khớp với nhau về ranh quy hoạch.

Từ đó có thể khẳng định việc xác định ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm tại Thông báo số 1483/TB-TTCP ngày 4.9.2018 của Thanh tra Chính phủ được Thủ tướng Chính phủ đồng ý, trong đó Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra khoảng 4,3 ha nằm ngoài ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm theo Quyết định số 367/TTg ngày 4.6.1996 của Thủ tướng Chính phủ là đúng quy định và thực tế.

Như vậy, có cơ sở khẳng định các bản đồ do nguyên Chủ tịch UBND thành phố Võ Viết Thanh luu giữ và 2 bản đồ do các cơ quan của UBND TP.HCM cung cấp cho Thanh tra Chính phủ là bản đồ để xác định về ranh quy hoạch được UBND TP.HCM trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 367/TTg ngày 4.6.1996 phê duyệt quy hoạch xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Việc cơ quan phê duyệt không bắt buộc phải ký, đóng dấu vào bản vẽ quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm được lập trước ngày 7.8.2005 là phù hợp với quy định và thực tế tại thời điểm đồ án quy hoạch xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm được lập, thẩm định và phê duyệt.

Cũng theo Thanh tra Chính phủ, căn cứ vào Bản đồ hành chính Quận 2 (nay thuộc thành phố Thủ Đức), trên cơ sở đối chiếu với ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm cho thấy vị trí, ranh giới nhà, đất của các hộ dân khiếu nại đều nằm trong ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Việc người dân căn cứ vào những việc làm không đúng của UBND TP.HCM về sơ đồ khu vực không bán nhà thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn Quận 2 kèm theo Quyết định số 255/QĐ-UB-QLĐT để khiếu nại về ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thu Thiêm là không có cơ sở để xem xét giai quyết.

Tuy nhiên, theo Thanh tra Chính phủ, Quyết định số 13585/KTST-QH ngày 16.9.1998 của Kiến trúc sư trưởng TP.HCM phê duyệt quy hoạch chi tiết Khu đô thị mới Thủ Thiêm tỷ lệ 1/2000 có sự sai sót về vị trí giới hạn.

Mặc dù việc làm không đúng, thiếu trách nhiệm nêu trên của Kiến trúc sư trưởng TP.HCM không làm thay đổi thực tế ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã được kết luận tại Thông báo số 1483/TB-TCT ngày 4.9.2018 của Thanh tra Chính phủ.

“Việc xác định ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã được Thanh tra Chính phủ kết luận và được công khai tại Thông báo số 1483/TB-TTCP chỉ có khoảng 4,3 ha thuộc Khu phố 1, phường Bình An, Quận 2 (nay là Khu phố 1, phường An Khánh, thành phố Thủ Đức theo Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14 ngày 9.12.2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TP.HCM). Quyết định số 255/QĐ-UB-QLĐT ngày 15.1.1998 của UBND TP.HCM không thuộc thành phần hồ sơ, bản vẽ của đồ án quy hoạch xây dựng đô thị nên đây không phải là cơ sở pháp lý để xác định ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm,” Thông báo số 1169/TB-CP của Thanh tra Chính phủ nêu rõ.

Trần Xuân Tình (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/tp-thu-duc-kien-nghi-thanh-tra-chinh-phu-doi-thoai-voi-nguoi-dan-khieu-nai-o-thu-thiem-33910.html