TP. Hồ Chí Minh: Tiểu thương phổ cập kiến thức phòng chống hàng giả

Các tiểu thương là những người trực tiếp nhận biết rõ nguồn gốc, tác hại của việc kinh doanh hàng giả vì thế công tác chống hàng giả phải được bắt đầu từ sự nhận thức và hợp tác của người kinh doanh.

Ông Nguyễn Văn Bách - quyền Cục trưởng cục QLTT TP. Hồ Chí Minh - phát biểu tại Hội nghị truyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong phòng, chống hàng giả, hàng nhái cho 220 tiểu thương của chợ Bến Thành và Trung tâm thương mại Sài Gòn Square, quận 1, TP. Hồ Chí Minh, tổ chức ngày 21/11.

Theo ông Bách, hội nghị này nhằm hưởng ứng “Ngày phòng, chống hàng giả, hàng nhái” 29/11 và triển khai nhiệm vụ công tác quản lý thị trường năm 2019 của Tổng Cục QLTT. Nội dung hội nghị tập trung tuyên truyền, phổ biến kịp thời các văn bản pháp luật và các hoạt động liên quan đến công tác xử lý vi phạm các hàng vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng nhái trên địa bàn.

Ông Nguyễn Văn Bách - quyền Cục trưởng Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại hội nghị

Cục QLTT TP.Hồ Chí Minh thống kê, trong 10 tháng năm 2019, lực lượng QLTT thành phố đã kiểm tra 20 chợ truyền thống và trung tâm thương mại trên địa bàn, phát hiện 280 vụ hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, tịch thu 9.459 sản phẩm, trị giá hàng vi phạm 1,1 tỷ đồng và xử phạt vi phạm hàng chính hơn 1,9 tỷ đồng. Những con số thống kê nêu trên chỉ phản ánh một phần nhỏ về tình trạng hàng giả, hàng nhái đang lưu thông trên thị trường, gây áp lực lớn cho nền sản xuất trong nước và quyền lợi của người tiêu dùng.

Đại diện nhãn hàng Cavil Klein (CK) và LEVI’S tại Việt Nam, bà Nguyễn Phương Thảo cho biết, trong giai đoạn năm 2017-2018, cơ quan chức năng và nhãn hàng LEVI’S tại Việt Nam đã xử lý 109 vụ liên quan đến hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, tịch thu 9.909 sản phẩm với 14.700 nhãn mác trên thị trường Việt Nam. Năm 2019, nhãn hàng này cũng đã xử lý 80 vụ, tịch thu 9.108 sản phẩm và 73.300 nhãn mác trên cả nước. Tương tự, trong giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2019, nhãn hiệu CK đã xử lý 7.857 sản phẩm, 6.910 nhãn mác giả nhãn hiệu tại thị trường Việt Nam. Bà Thảo nói rằng, tình trạng hàng hóa giả mạo các nhãn hiệu CK và LEVI’S tại Việt Nam hiện nay là rất phổ biến, mặc dù doanh nghiệp đã rất tích cực trong việc cung cấp thông tin, tập huấn cho các lực lượng lượng chức năng về hàng thật, hàng giả và áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nhưng vẫn chưa đẩy lùi được hàng giả.

Bà Phạm Thị Ngọc Dung - đại diện Công ty Luật Quốc tết BMVN, cơ quan bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của nhãn hàng Lacoste và nhãn hàng kem đánh răng Sensodyne của Tập đoàn GSK - cho biết, trong năm 2019, cơ quan chức năng đã thu giữ khoảng 6.000 sản phẩm giả thương hiệu Lacoste. Riêng nhãn hàng kem đánh răng Sensodyne cơ quan chức năng thu giữ nhiều vụ vi phạm, có vụ lên đến hàng nghìn týp hàng giả. Bà Dung nêu, trong kinh doanh ai cũng muốn có lợi nhuận nhưng lợi nhuận cũng tùy mức để chọn lựa. Chẳng hạn nhưng mặt hàng kem đánh răng, khi người tiêu dùng sử dụng hàng giả thì họ tiếp cận rất gần với nguy hiểm cho sức khỏe, thậm chí là mắc phải ung thư, bệnh nhân không chỉ là người dưng mà biết đâu là người thân của mình.

Những sản phẩm giả nhãn hiệu Lacoste trưng bày tại hội nghị

Ông Võ Hưng Sơn - Trưởng phòng quản lý sở hữu trí tuệ Sở Khoa học và Công nghệ TP.Hồ Chí Minh - nhìn nhận, để kết luận một sản phẩm thật giả phải qua một quy trình giám định ngặt nghèo, nhất là khâu chất lượng. trong khi đó hàng giả thì muôn hình, vạn trạng nên rất khó kết luận. “Hàng giả hiện nay xuất hiện nhiều, nhất là các mặt hàng thời trang như quần áo, giày dép, đồng hồ, túi xách, mắt kính, mỹ phẩm. Ngoài chợ, trung tâm thương mại, nhiều địa chỉ trên internet hiện nay đã công khai quảng cáo hàng giả với đủ loại sản phẩm, thậm chí các trang thương mại điện tử chính thống có sự quản lý của nhà nước vẫn tràn ngập hàng giả và cơ quan chức năng xử lý nhưng không hết”, ông Sơn nhận xét.

Ông Trần Văn Sự - đại diện Hiệp hội Chống hàng giả của các nhà đầu tư nước ngoài (VACIP) - cho biết, trên thị trường Việt Nam tình hình mua bán hàng giả, hàng nhái ngày càng diễn ra phức tạp, đặc biệt là tại các chợ truyền thống, các trung tâm thương mại. Hiện tại, người tiêu dùng khó nhận biết hàng thật, hàng giả. Phần lớn hàng giả đều có xuất xứ Trung Quốc nhưng rất nhiều loại hàng hóa được gắn nhãn Made in Vietnam, gây ảnh hưởng lớn đến các sản phẩm sản xuất, gia công tại Việt Nam. Ông Sự cho rằng, hàng giả ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người tiêu dùng do giá bán cao hơn giá thành sản xuất, sức khỏe bị đe dọa do sản xuất lén lút, không được kiểm soát chặt về mặt chất lượng, nhất là các loại thuốc, thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm.

Để góp phần làm trong sạch thị trường, ông Nguyễn Văn Bách đề xuất, các tiểu thương kinh doanh trước hết là phải thực thi đúng quy định pháp luật, việc này không chỉ làm đúng luật mà còn góp phần tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, đồng thời tiếp sức cho nền sản xuất hàng hóa trong nước phát triển và đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.

Trần Thế

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tp-ho-chi-minh-tieu-thuong-pho-cap-kien-thuc-phong-chong-hang-gia-128699.html