TP HCM đề xuất mức thu phí sử dụng vỉa hè: Đồng loạt tiến ra vỉa hè

Với mức thu phí sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè quá rẻ, việc nhiều tổ chức, cá nhân đồng loạt tận dụng tầng hầm vào việc khác hoặc trả lại mặt bằng đang thuê làm bãi giữ xe cho khách để đồng loạt "tiến ra mặt đường" xin đóng phí sử dụng tạm vỉa hè, lòng đường là khó tránh khỏi.

Vấn đề chiếm dụng lòng lề đường làm nơi buôn bán, để xe… gây mất trật tự an toàn giao thông, gây kẹt xe và mất mỹ quan đô thị… tuy đang bức xúc từng ngày, từng giờ, nhưng cũng phải mất đến 2 tháng sau khi chính quyền TP HCM có quyết định cho phép sử dụng tạm một phần vỉa hè, lòng đường của hàng trăm tuyến đường đô thị trên địa bàn, liên Sở Tài chính - GTVT mới thống nhất được vấn đề thu phí để đưa ra lấy ý kiến đóng góp của xã hội. Theo đó, tại thành phố sẽ có trên 366 ngàn mét vuông diện tích vỉa hè, lòng đường được cho sử dụng tạm có thu phí (Dự kiến một năm sẽ thu về hơn 42,56 tỷ đồng). Khoản thu này sau khi được để lại một phần phục vụ hoạt động, số còn lại sẽ nộp vào ngân sách để dùng làm kinh phí duy tu bảo dưỡng đường lòng đường, vỉa hè. Mức thu phí sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè được chia làm 2 mục đích sử dụng: Nếu làm bãi đậu xe, buôn bán kinh doanh… tại quận 1 sẽ thu 46 ngàn đồng/m2/tháng, còn tại huyện Cần Giờ, chỉ có 1 ngàn đồng/m2. Với mục đích sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè làm nơi tập kết vật liệu, xây dựng công trình, mức phí thấp hơn, từ 5-30 ngàn đồng/m2/tháng... Chiếm dụng vỉa hè, lòng đường làm nơi buôn bán, kinh doanh. Sáng 8/10, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP HCM đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp cho vấn đề này. Tuy đa số đại biểu đều đồng tình với chủ trương cho phép sử dụng tạm một phần lòng đường, vỉa hè có thu phí. Song, các đại biểu cũng nêu ra nhiều vấn đề cần giải quyết một cách rốt ráo, cho phép sử dụng tạm phải đi đôi với việc quản lý chặt chẽ bởi nếu không "Thành phố sẽ rất luộm thuộm". Theo liên Sở Tài chính và GTVT, mức phí nêu ra trong dự thảo được 2 sở này căn cứ vào thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính với 2 cách tính: Mức 3% trên doanh thu thu được từ hoạt động sản xuất kinh doanh có sử dụng lề đường hoặc tính theo đơn giá thuê đất do UBND thành phố quy định. Với mức phí như vậy, đại diện cho bà con tiểu thương buôn bán ở khu vực chợ Soái Kình Lâm, ông Tứ cho rằng, đối với hộ dân buôn bán, mức phí 21 ngàn đồng/m2/tháng là không thành vấn đề và giúp bà con yên tâm buôn bán. Nhưng đối với những hộ dân nghèo sử dụng tạm một phần vỉa hè để buôn bán hàng ăn uống lặt vặt kiếm sống hoặc chỉ bán hàng ăn 5 - 6 tiếng vào buổi tối thì cần xem xét lại. Ông Khoa, một người dân ở khu vực chợ Thị Nghè - quận Bình Thạnh băn khoăn, mặc dù cho sử dụng tạm nhưng phải tùy chỗ để cho thuê bởi ở những khu vực có chợ như chợ Thị Nghè, có cho thuê hết cả lòng đường thì những người buôn bán cũng sẵn sàng thuê. Đề cập đến vấn đề này, ông Âu Dương Kim, đại diện Ban An toàn giao thông thành phố cũng lo lắng khi cho rằng: Để góp phần bảo đảm an toàn giao thông, phòng tránh kẹt xe và chấn chỉnh việc chiếm dụng lòng lề đường… trước đây thành phố cũng đã có quy định các tổ chức, cá nhân khi kinh doanh phải tự thu xếp chỗ để xe cho khách. Với mức thu phí sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè quá rẻ như vậy, việc nhiều tổ chức, cá nhân đồng loạt tận dụng tầng hầm vào việc khác hoặc trả lại mặt bằng đang thuê làm bãi giữ xe cho khách để đồng loạt "tiến ra mặt đường" xin đóng phí sử dụng tạm vỉa hè, lòng đường là khó tránh khỏi. Với việc thu phí xe ôtô dừng đậu dưới lòng lề đường, ông Kim cũng đưa ra ý kiến là phải quy định thời gian cho một lượt gửi xe bởi ôtô chiếm diện tích lớn, nếu để chủ xe gửi từ sáng tới tối mà chỉ phải trả 5 -10 ngàn là quá rẻ

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/xahoi/2009/10/120743.cand