TP.HCM công nhận 3 quận không còn hộ nghèo thu nhập dưới 21 triệu đồng/năm

Sau Q.6 và Q.5, UBND TP.HCM công nhận Q.3 không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của TP.HCM.

Chủ tịch UBND Q.3 Võ Khắc Thái trao tặng bồn chứa nước cho người nghèo - Ảnh: Đình Phú

Ngày 2.4, UBND TP.HCM công nhận Q.3 không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của TP.HCM giai đoạn 2016 - 2020 trước thời hạn (mức thu nhập bình quân đầu người trên 21 triệu đồng/người/năm). Trước đó, Q.3 đã hoàn thành mục tiêu đưa hơn 2.500 hộ nghèo (chiếm 5,46% tổng số hộ dân) ra khỏi diện nghèo.

UBND TP.HCM giao UBND Q.3 tiếp tục tập trung chỉ đạo và có kế hoạch hỗ trợ, chăm lo cho các hộ mới vượt chuẩn nghèo tổ chức sản xuất, làm ăn, ổn định cuộc sống, không để tái nghèo và đảm bảo giảm nghèo bền vững.

Trước đó, trong tháng 1.2018, UBND TP.HCM đã công nhận Q.6 là quận đầu tiên của TP.HCM không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của TP.HCM. Tiếp đó, công nhận Q.5 không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của TP.HCM.

Theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành, tiêu chí về thu nhập, chuẩn nghèo ở khu vực nông thôn là 700.000 đồng/người/tháng (8,4 triệu đồng/người/năm); khu vực thành thị 900.000 đồng/người/tháng (10,8 triệu đồng/người/năm).

Là TP trực thuộc trung ương, với tổng thu ngân sách hơn 350.000 tỉ đồng/năm (chiếm khoảng 1/3 thu ngân sách cả nước, 20% GDP quốc gia), TP.HCM đã nâng chuẩn nghèo thu nhập bình quân đầu người lên 21 triệu đồng/người/năm. Trường hợp nào thu nhập dưới 21 triệu đồng/năm mới thuộc diện hộ nghèo. TP.HCM cũng đã áp dụng tiêu chí tiếp cận đo lường nghèo đa chiều với tiêu chí mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản, bao gồm 5 dịch vụ: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin. Chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản gồm 10 chỉ số: Tiếp cận các dịch vụ y tế; BHYT; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; hố xí/nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; tài sản phục vụ tiếp cận thông tin.

TP.HCM là địa phương đầu tiên trong cả nước khởi xướng chương trình xóa đói giảm nghèo (nay là chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá) từ năm 1992 gắn liền với từng bước xây dựng và phát triển về kinh tế - xã hội của thành phố.

Từ năm 1992 - 2015, chương trình giảm nghèo thành phố được chia ra làm 4 giai đoạn (giai đoạn 1: 1992-2003; giai đoạn 2: 2004-2008; giai đoạn 3: 2009-2013; giai đoạn 4: 2014-2015), có 7 lần nâng chuẩn hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập, gắn liền với tên gọi của chương trình được thay đổi và chất lượng các hoạt động giảm nghèo được từng bước nâng lên cho phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và thực trạng về mức sống của người dân thành phố theo từng giai đoạn phát triển của chương trình.

Đến nay TP.HCM không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo chung của cả nước. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 19.000 hộ thuộc diện chuẩn nghèo của thành phố (thu nhập dưới 21 triệu đồng/năm).

Đình Phú

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/thoi-su/tphcm-cong-nhan-3-quan-khong-con-ho-ngheo-thu-nhap-duoi-21-trieu-dongnam-948623.html