TP Buôn Ma Thuột thúc đẩy hợp tác với Pháp để phát triển đô thị xanh và thông minh

Từ ngày 12-14/12, Đoàn Ủy ban nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk do ông Vũ Văn Hưng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố dẫn đầu, đã có chuyến thăm và làm việc tại Pháp. Mục đích là để thúc đẩy trao đổi kinh nghiệm với các đối tác Pháp và quốc tế về các vấn đề quy hoạch đô thị hướng tới mục tiêu phát triển xanh và bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay cũng như mục tiêu của Việt Nam hướng tới cân bằng carbon năm 2050.

Đoàn UBND thành phố Buôn Ma Thuột tại buổi làm việc cùng AFD. (Ảnh: MINH DUY)

Đoàn UBND thành phố Buôn Ma Thuột tại buổi làm việc cùng AFD. (Ảnh: MINH DUY)

Đoàn đã có các buổi làm việc với Cơ quan quy hoạch thành phố Paris (APUR), Cơ quan phát triển Pháp (AFD), Trung tâm về Doanh nghiệp, vùng và thành phố của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp.

Trao đổi với các đối tác Pháp và OECD, ông Vũ Văn Hưng giới thiệu về kế hoạch phát triển thành phố Buôn Ma Thuột trong 5 năm tới, hướng tới mục tiêu xây dựng đô thị xanh, thông minh và bền vững và trở thành trung tâm của vùng Tây Nguyên, tăng cường hợp tác quốc tế và xây dựng thương hiệu Thành phố Cà phê.

Đại diện APUR chia sẻ kinh nghiệm xây dựng thủ đô Paris trở thành một thành phố hấp dẫn và đáng sống. (Ảnh: KHẢI HOÀN)

Đại diện APUR chia sẻ kinh nghiệm xây dựng thủ đô Paris trở thành một thành phố hấp dẫn và đáng sống. (Ảnh: KHẢI HOÀN)

Ông Olivier Richard, Giám đốc phụ trách nghiên cứu và quan hệ quốc tế của APUR, đã chia sẻ những kinh nghiệm trong quy hoạch thành phố Paris và đại đô thị Paris, những bài học qua các giai đoạn và các thách thức để giữ được tính hấp dẫn và đáng sống của thành phố trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nóng lên toàn cầu.

Từ hơn 20 năm nay, thành phố Paris đã đã được tái quy hoạch để thích ứng với biến đổi khí hậu, tập trung vào giảm tiêu thụ năng lượng, chuyển đổi năng lượng hướng tới năng lượng xanh, biến đổi thành phố trên nền di sản cũ bằng cách cải tạo các tòa nhà ở hai tầng trên cùng. Bên cạnh đó, thành phố Paris cũng có chính sách quy hoạch để tái cân bằng giữa phía Đông và phía Tây thành phố, giữa trung tâm và khu vực ngoại biên bằng các chính sách khuyến khích và thúc đẩy xây dựng các tòa nhà văn phòng tích hợp với khu dân cư ở phía Đông.

Ngoài ra, để tạo ra cân bằng xã hội, thành phố cũng khuyến khích việc xây dựng các khu nhà ở xã hội với chi phí thấp nhưng có chất lượng tốt thông qua các công cụ về quy hoạch và cấp phép cho các dự án về nhà ở tại các khu vực trung tâm. Thành phố cũng tiến hành quy hoạch lại giao thông và không gian công cộng, mở rộng khu vực giao thông cho xe đạp và người đi bộ, thúc đẩy các dự án xanh hóa thành phố để tăng diện tích xanh tại khu vực trung tâm.

Ông Adrien Fischer, cán bộ AFD phụ trách Việt Nam (áo vest xanh), nhấn mạnh thành phố Buôn Ma Thuột cần có tầm nhìn chiến lược dài hạn với nhiều mục tiêu đồng thời được lồng ghép cùng nhau trong công tác quy hoạch đô thị. (Ảnh: MINH DUY)

Ông Adrien Fischer, cán bộ AFD phụ trách Việt Nam (áo vest xanh), nhấn mạnh thành phố Buôn Ma Thuột cần có tầm nhìn chiến lược dài hạn với nhiều mục tiêu đồng thời được lồng ghép cùng nhau trong công tác quy hoạch đô thị. (Ảnh: MINH DUY)

Tại buổi làm việc với Đoàn thành phố Buôn Ma Thuột, đại diện của AFD đã trao đổi về các ưu tiên hỗ trợ vốn phát triển của AFD đối với Việt Nam nói chung trong giai đoạn tới. Theo đó, AFD hướng đến các dự án giúp tăng cường khả thích chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu.

AFD nêu bật bối cảnh chung của Việt Nam vẫn trong giai đoạn phát triển đô thị, các thành phố chưa đạt đến độ bão hòa về phát triển đô thị, dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu, có mục tiêu phát triển đầy tham vọng về trung hòa carbon 2050.

Đại diện AFD chia sẻ về kinh nghiệm triển khai các dự án về quy hoạch đô thị với các địa phương của Việt Nam, nhấn mạnh các địa phương cần có tầm nhìn chiến lược dài hạn, lồng ghép với mục tiêu chống biến đổi khí hậu, tăng khả năng thích ứng, các rủi ro trong tương lai trong bối cảnh phát triển kinh tế của thành phố.

Đại diện OECD chỉ ra một số thách thức trong công tác triển khai kế hoạch chuyển đổi số tại các đô thị. (Ảnh: KHẢI HOÀN)

Đại diện OECD chỉ ra một số thách thức trong công tác triển khai kế hoạch chuyển đổi số tại các đô thị. (Ảnh: KHẢI HOÀN)

Về phía OECD, đại diện của Trung tâm doanh nghiệp, vùng và thành phố của tổ chức giới thiệu về Chương trình của OECD về các thành phố thông minh và phát triển bền vững. Trong quá trình trao đổi, hai bên đã chia sẻ về tính cần thiết của sự tham gia và đồng thuận của người dân trong các dự án về chuyển đổi số của các thành phố, các thách thức lớn của quá trình chuyển đổi số trong bối cảnh hiện nay.

Đại diện OECD nhấn mạnh 3 thách thức lớn: i) Khoảng cách về khả năng tiếp cận với Internet do khác nhau về tốc độ phát triển hạ tầng số; ii) Vấn đề về năng lực sử dụng phương tiện số hóa: làm thế nào để giúp nhóm người có năng lực thấp tiếp cận và sử dụng công nghệ số, tăng hiệu quả của công nghệ số với các nhóm người khác nhau, ở các thành phố vừa và nhỏ, iii) An toàn, an ninh mạng: vấn đề bảo mật các thông tin cá nhân và lo lắng về bảo mật cũng là vấn đề gây trở ngại đối với quá trình chuyển đổi số tại các thành phố. Các thành phố phải phát triển năng lực quản lý dữ liệu.

Bên cạnh đó, đại diện OECD cũng nêu bật thách thức kết hợp chuyển đổi số và chuyển đổi sinh thái. Theo đó, chuyển đổi số có thể góp phần thúc đẩy chuyển đổi sinh thái với các công nghệ mới giúp tiết kiệm năng lượng, giao thông số, tuy nhiên, hạ tầng chuyển đổi số cũng tạo ra thách thức với chuyển đổi sinh thái vì tiêu dùng rất nhiều năng lượng.

Theo đại diện OECD, chính quyền thành phố Buôn Ma Thuột cần xem xét kết hợp chuyển đổi số và chuyển đổi sinh thái, trong đó có việc phát triển năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo, nhằm đáp ứng nhu cầu của các chương trình chuyển đổi số.

Đoàn công tác của UBND thành phố Buôn Ma Thuột tại trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp. (Ảnh: KHẢI HOÀN)

Đoàn công tác của UBND thành phố Buôn Ma Thuột tại trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp. (Ảnh: KHẢI HOÀN)

Đoàn Ủy ban nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột cũng có buổi làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, bày tỏ mong muốn Đại sứ quán tiếp tục hỗ trợ thành phố trong hợp tác quốc tế và xây dựng, quảng bá thương hiệu Thành phố cà phê của thế giới.

KHẢI HOÀN - MINH DUY Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Pháp

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tp-buon-ma-thuot-thuc-day-hop-tac-voi-phap-de-phat-trien-do-thi-xanh-va-thong-minh-post850554.html