Toyota gặp thách thức ở Trung Quốc, doanh số toàn cầu tháng 4 sụt giảm

Doanh số và sản lượng toàn cầu tháng 4 của Toyota cùng giảm so với một năm trước, do bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến giá cả căng thẳng ở Trung Quốc và sự suy giảm ở thị trường Nhật Bản.

Gần 40% số xe Toyota bán ra trong tháng 4 là xe hybrid xăng lai điện. Chỉ có 2% là xe điện. Ảnh: Bloomberg

Gần 40% số xe Toyota bán ra trong tháng 4 là xe hybrid xăng lai điện. Chỉ có 2% là xe điện. Ảnh: Bloomberg

Xe hybrid là lực kéo cho doanh số tháng 4

Doanh số toàn cầu tháng 4 của Toyota đã giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước do mức giảm doanh số 27% ở Trung Quốc - thị trường ô tô lớn nhất thế giới - và mức giảm 14% ở Nhật Bản. Trong khi đó, thị trường Mỹ và châu Âu mang lại tăng trưởng hai con số cho doanh số của hãng xe Nhật.

Gần 40% số xe Toyota bán ra trong tháng 4 thuộc dòng xe hybrid xăng lai điện. Chỉ có 2% là xe thuần điện.

Toyota cho biết doanh số bán hàng tại Trung Quốc vẫn giảm ngay cả khi hãng này tổ chức các sự kiện khuyến mại tại các cửa hàng trên toàn quốc.

Không riêng Toyota, nhiều nhà sản xuất ô tô khác cũng đang bị mắc kẹt trong cuộc chiến giá cả khốc liệt tại thị trường ô tô Trung Quốc. Các hãng ô tô Nhật Bản phải đối mặt với áp lực rất lớn khi thị trường chuyển hướng sang xe điện và các dòng xe plug-in hybrid do các thương hiệu Trung Quốc sản xuất.

Còn tại Nhật Bản, doanh số bán hàng của Toyota bị ảnh hưởng do việc tạm dừng sản xuất mẫu xe lai Prius ở nhà máy Tsutsumi để kiểm tra chất lượng và tạm dừng một phần hoạt động sản xuất của một dây chuyền tại nhà máy Toyota Auto Body chuyên sản xuất xe tải nhỏ Noah và Voxy. Hãng xe Nhật cũng phải đối mặt với hậu quả từ vụ bê bối tại công ty thành viên Daihatsu.

Theo công bố của Toyota, sản lượng toàn cầu của hãng này đã giảm 4,0% trong tháng 4, do sản lượng suy yếu ở các thị trường như Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và Mexico vượt trội hơn mức sản lượng tăng ở Mỹ và Ấn Độ.

Trong tháng 2 và tháng 3, Toyota đã buộc phải liên tục ngừng sản xuất tại nhà máy ở Tijuana, Mexico, nơi hãng xe Nhật Bản sản xuất dòng xe bán tải Tacoma.

Dự báo lợi nhuận giảm 20%

Trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2024, Toyota đã lập kỷ lục về sản lượng và doanh số bán hàng trong bối cảnh các vụ bê bối không làm giảm nhu cầu và các vấn đề về nguồn cung chất bán dẫn đã dịu bớt, tờ Japan Times đưa tin.

Doanh số bán hàng toàn cầu của Toyota, bao gồm cả sản phẩm của Daihatsu và Hino, trong năm tài chính vừa qua đã tăng 5% so với một năm trước, lên 11,1 triệu xe. Và đây là lần đầu tiên hãng xe Nhật Bản vượt doanh số 10 triệu xe.

Trong khi đó, sản lượng trong năm của Toyota cũng tăng 4,5% lên 11,2 triệu xe, do nhu cầu tăng mạnh mẽ ở Bắc Mỹ, châu Âu và Ấn Độ. Sản lượng của hãng xe Nhật cũng được duy trì ổn định ở thị trường quê nhà, mặc dù đã tạm dừng xuất xưởng vào nửa cuối năm sau khi Daihatsu bị phát hiện thao túng kết quả kiểm tra an toàn va chạm trong hơn 30 năm.

Lợi nhuận hoạt động của Toyota đã tăng vọt 78% trong quý I/2024, nâng tổng lợi nhuận hoạt động của cả năm tài chính đạt 5,35 nghìn tỷ yên (tương đương 34,5 tỷ USD). Với kết quả này, Toyota trở thành công ty Nhật Bản đầu tiên đạt tới 5 nghìn tỷ yên lợi nhuận hoạt động, theo truyền thông Nhật Bản.

Tuy nhiên, đầu tháng 3 vừa qua, Toyota đưa ra dự báo lợi nhuận của hãng này sẽ giảm 20% trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2025, với lý do đầu tư vào nhà cung cấp và chiến lược của họ ước giảm sau khi công ty đạt được mức lợi nhuận khủng trong quý thứ tư của năm tài chính trước đó.

Cụ thể, Toyota ước tính lợi nhuận hoạt động trong năm tài chính hiện tại sẽ đạt tổng cộng 4,3 nghìn tỷ yên, giảm 20% so với năm trước do hãng này dự định đầu tư vào "vốn con người", bao gồm hỗ trợ chi phí lao động tại các nhà cung cấp và đại lý, cũng như chiến lược "đa hướng" của mình.

Toyota từ lâu đã theo đuổi chiến lược "đa hướng" nhằm thúc đẩy xe hybrid và plug-in hybrid cũng như xe điện, một lập trường ngày càng chứng tỏ tiên đoán trước những lo ngại của người tiêu dùng về phạm vi lái xe điện và tính sẵn có của các trạm sạc.

Để thúc tăng trưởng năm tài chính hiện tại, Toyota có kế hoạch đầu tư 1,7 nghìn tỷ yên vào các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo và phần mềm.

"Dự báo lợi nhuận trên (Toyota - BTV) có vẻ đáng thất vọng", ông James Hong, giám đốc bộ phận nghiên cứu chuyển đổi năng lượng và hàng hóa châu Á tại tập đoàn tài chính Macquarie (Australia), nhận xét. "Chi phí tăng thêm cho nhà cung cấp cộng với đầu tư là điều không mong đợi", ông Hong nói thêm.

Hãng xe Nhật Bản đang gặp thách thức, đặc biệt là tại các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, nơi họ đang phải vật lộn để theo kịp tốc độ ngày càng nhiều nhà sản ô tô nội địa tung ra các dòng xe điện có cài phần mềm hỗ trợ.

Toyota đã đi tiên phong trong lĩnh vực xe hybrid hơn một phần tư thế kỷ trước với chiếc Prius. Xe hybrid chiếm hơn 1/3 trong số 10,3 triệu xe Toyota bán ra trong năm tài chính vừa qua, bao gồm cả thương hiệu xe sang Lexus.

Thế nhưng, xe điện chạy bằng pin chỉ chiếm 1% doanh số toàn cầu của Toyota trong năm, tương đương khoảng 116.500 xe, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đã công bố trước đó là 202.000 xe. Hãng xe Nhật dự tính sẽ bán ra 171.000 chiếc xe điện chạy pin trong năm tài chính hiện tại.

Hoạt động kinh doanh của Toyota tại Trung Quốc có thể phải gắn chặt với chiến lược xe điện của họ. Hãng xe Nhật vừa công bố hợp tác với "gã khổng lồ" công nghệ Trung Quốc Tencent. Và tại triển lãm ô tô Bắc Kinh vào cuối tháng trước, Toyota đã giới thiệu hai mẫu xe điện chạy pin dành cho thị trường Trung Quốc.

Đông Phong

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/toyota-gap-thach-thuc-o-trung-quoc-doanh-so-toan-cau-thang-4-sut-giam-d216421.html