Tổng thống Trump một lần nữa bị cô lập trong vấn đề Jerusalem
Kết quả bỏ phiếu tại Hội đồng Bảo an và Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đều cho thấy có quá ít sự ủng hộ ông Trump trong vấn đề Jerusalem.
Sự đe dọa vô nghĩa của Mỹ
Cuộc bỏ phiếu tại Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc diễn ra trong bối cảnh, trước đó, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley đã lên tiếng cảnh báo Mỹ “sẽ nhớ mặt” các nước chống lại mình.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP
“Tôi phải nói rằng, khi chúng tôi có những đóng góp hào phóng cho Liên Hợp Quốc, chúng tôi cũng kỳ vọng mình sẽ được tôn trọng. Nếu những khoản đầu tư của chúng tôi không mang lại hiệu quả gì, chúng tôi sẽ buộc phải đầu tư theo cách khác. Nước Mỹ sẽ nhớ ngày hôm nay”, bà Haley nhấn mạnh.
Bất chấp lời đe dọa đó, có tới 128 quốc gia trong tổng số 193 quốc gia thành viên bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết của Liên Hợp Quốc về vấn đề quy chế đối với Jerusalem- thành phố được cả Israel và Palestine coi là thủ đô của mình.
Đáng chú ý, trong số này có những nước đang “nhận viện trợ chủ yếu từ Mỹ” như Ai Cập, Afghanistan và Iraq. Ngoài ra, 22 trong tổng số 28 quốc gia EU, trong đó có Anh, Pháp và Đức- từ trước đến nay vẫn ủng hộ nhiệt thành cho Israel- cũng bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết này.
Trong khi đó, trừ Mỹ và Israel, chỉ còn 7 quốc gia khác bỏ phiếu chống, bao gồm Togo, Micronesia, Nauru, Palau, Marshall Islands, Guatemala và Honduras.
35 nước bỏ phiếu trắng bao gồm 5 nước EU cùng các đồng minh khác của Mỹ như Australia, Canada, Colombia và Mexico. Dù vậy, Đại sứ của một số nước trong số này, trong đó có Mexico, đã dành khá nhiều thời gian trong bài phát biểu của mình trước Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc để chỉ trích quyết định đơn phương của Tổng thống Trump trong việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.
Tuy nhiên, vẫn có 21 thành viên không tham gia cuộc bỏ phiếu tại Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc. Điều này cho thấy sự đe dọa của Mỹ và những nỗ lực vận động hành lang của Israel phần nào vẫn có tác dụng, dù là rất nhỏ bé.
Có thể thấy, việc chỉ gom được 9 phiếu ủng hộ trong cuộc bỏ phiếu dù không mang tính ràng buộc pháp lý nhưng vẫn có sức nặng rất lớn về mặt chính trị này là “một đòn giáng mạnh” vào những nỗ lực ngoại giao của cả Mỹ và Isael trong vấn đề Jerusalem.
Palestine hoan hỷ, Israel hậm hực ra mặt
Phát biểu ngay sau cuộc bỏ phiếu, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas mô tả kết quả này là “thắng lợi lớn đối với người Palestine”. Đại sứ Palestine tại Liên Hợp Quốc Riyad Mansour khẳng định đây là “một bước lùi lớn đối với Mỹ”.
“Mỹ đã cố tình khơi ra vấn đề này [Jerusalem-ND] nhưng lại không muốn đưa ra cộng đồng quốc tế và dù đã ra sức vận động, họ cũng chỉ nhận được 8 phiếu ủng hộ. Tôi nghĩ rằng, chiến dịch của họ đã thất bại hoàn toàn”, ông Mansour nói.
Trước đó, cảm nhận được khả năng Mỹ và Israel sẽ phải gánh chịu thất bại nặng nề. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã “đánh đòn phủ đầu” bằng việc gọi Liên Hợp Quốc là “ngôi nhà của những dối trá”.
“Ngay từ thời điểm này, Israel đã phản đối cuộc bỏ phiếu ngày hôm nay, Jerusalem là thủ đô của chúng tôi. Chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng các công trình tại đây và Đại sứ quán nhiều quốc gia sẽ chuyển về Jerusalem.
Jerusalem là thủ đô của Israel dù Liên Hợp Quốc có công nhận điều này hay không. Phải mất tới 70 năm để Mỹ chính thức công nhận điều này và sẽ phải mất từng ấy năm để Liên Hợp Quốc có hành động tương tự”, ông Netanyahu nói.
Sau đó, Thủ tướng Israel Netanyahu lại một lần nữa lên tiếng bác bỏ kết quả cuộc bỏ phiếu tại Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc. Ông Netanyahu tuyên bố: “Israel cám ơn Tổng thống Mỹ Donald Trump vì quan điểm rõ ràng của ông trong vấn đề Jerusalem và cảm ơn các nước đã bỏ phiếu ủng hộ Israel, cũng là bỏ phiếu cho sự thật”.
Trong khi đó, Đại sứ Israel tại Liên Hợp Quốc Danny Danon cáo buộc những nước ủng hộ nghị quyết của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc về Jerusalem là “những con rối trong tay những ông chủ Palestine”.
Mỹ lần thứ 2 bị cô lập chỉ trong 1 tuần
Trước đó, tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Mỹ cũng đã bị cô lập trong vấn đề Jerusalem khi 14 /15 nước thành viên bỏ phiếu ủng hộ dự thảo nghị quyết do Thổ Nhĩ Kỳ và Yemen soạn thảo trong đó kêu gọi giữ nguyên quy chế đối với Jerusalem, đi ngược lại với mong muốn của Tổng thống Donald Trump.
Bản dự thảo nghị quyết nhấn mạnh, quyết định của ông Trump về Jerusalem là “không có hiệu lực” và tái khẳng định 10 nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về Jerusalem, trong đó nêu rõ, quy chế cuối cùng của thành phố này phải được thông qua bằng con đường đối thoại trực tiếp giữa Israel và Palestine.
Bản dự thảo nghị quyết cũng yêu cầu tất cả các quốc gia phải tôn trọng các nghị quyết của Hội đồng Bảo an liên quan đến thánh địa Jerusalem và không công nhận bất kỳ hành động nào đi ngược lại các nghị quyết đó.
Rất nhiều quốc gia đã bày tỏ thái độ không hài lòng với “những lời đe dọa thái quá” từ phía Mỹ, đặc biệt là từ Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikky Haley trước thềm cả 2 cuộc bỏ phiếu tại Hội đồng Bảo an và Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc.
Đại sứ Bolivia tại Liên Hợp Quốc Sacha Llorenty tuyên bố thẳng với bà Haley rằng, Bolivia sẽ là “quốc gia đầu tiên có tên trong sổ đen của bà”. Nhiều quốc gia khác tại Trung Đông và Mỹ Latin khẳng định, họ cảm thấy “vinh dự” khi bỏ phiếu chống lại “quyết định đầy bất công của Mỹ”.
Một số quốc gia được cho là thân với Mỹ như Ai Cập, Pháp và Saudi Arabia lại chọn cách phản ứng âm thầm hơn. Dù vậy, kết quả của cả 2 cuộc bỏ phiếu đều cho thấy, bà Haley sẽ phải ghi tới 128 cái tên vào “sổ đen” của mình. Con số quá lớn đã cho thấy Mỹ đang “cô đơn” hơn bao giờ hết trong vấn đề Jerusalem./.
Trần Khánh/VOV.VN