Tổng quan về quan hệ Việt Nam - Áo

Quan hệ song phương giữa hai nước những năm gần đây phát triển tích cực, đặc biệt là trong hai năm qua. Các mặt hàng ta xuất sang Áo là điện thoại các loại và linh kiện, giầy dép, gỗ và sản phẩm gỗ, hàng dệt, may, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác... và nhập từ Áo dược phẩm, máy móc, thiết bị, sắt thép và sản phẩm từ sắt thép, giấy, thức ăn gia súc và nguyên liệu

I. QUAN HỆ CHÍNH TRỊ:

- Ngày 01/12/1972, khi chiến tranh ở Việt Nam còn chưa kết thúc, Áo là một trong những nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam.

- Tháng 7/1991, Việt Nam mở Đại sứ quán thường trú tại Áo.

- Ngày 21/9/1998, Áo mở Đại sứ quán thường trú tại Việt Nam.

Trao đổi đoàn cấp cao:

Đoàn Áo thăm Việt Nam: Tổng thống Liên bang Thomas Klestil tháng 3/1995; Chủ tịch Quốc hội Liên bang Heinz Fischer tháng 4/1997; Thủ tướng Liên bang Wolfgang Schuessel dự Hội nghị ASEM 5 tại Hà Nội tháng 10/2004; Chủ tịch Hội đồng Liên bang Sissy Roth-Halvax tháng 5/2006; Tổng thống Áo tháng 5/2012. Bộ trưởng Ngoại giao Áo Alexander Schallenberg thăm chính thức tháng 4/2023.

Nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Áo Alexander Schallenberg đã có chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 16-18/4/2023. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Đoàn Việt Nam thăm Áo: Thủ tướng Phan Văn Khải thăm chính thức tháng 4/1998; Phó Chủ tịch Quốc hội Mai Thúc Lân tháng 5/2002; Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa tháng 9/2005; Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm cấp nhà nước tháng 6/2008; Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tháng 2/2009; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên tháng 4/2010; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Gia Khiêm tháng 6/2011; Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tháng 12/2011; Trưởng Ban Dân vận Trung ương Hà Thị Khiết tháng 8/2014; Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn tháng 9/2014; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức tháng 10/2018; Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn thăm chính thức tháng 9/2022.

Tiếp xúc bên lề: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gặp Thủ tướng Áo Christian Kern bên lề Hội nghị Davos 2017 (01/2017), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp Tổng thống Áo Alexander van der Bellen tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, (New York 9/2021), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính điện đàm với Thủ tướng Áo Sebastian Kurz (16/9/2021).

Tham vấn Chính trị: Hai bên chưa có MOU về hợp tác giữa Bộ Ngoại giao hai nước. Hai bên đã tiến hành Tham vấn Chính trị cấp Thứ trưởng lần đầu tháng 5/2019 tại Hà Nội; cấp Tổng Vụ trưởng Vụ khu vực Bộ Ngoại giao lần đầu vào tháng 10/2013 tại Áo và lần thứ hai vào tháng 11/2017 tại Hà Nội. Hai bên đã tiến hành Tham vấn chính trị trực tuyến vào tháng 3/2023.

Tháng 6/2022, sau thời gian ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, hai bên nối lại Khóa họp Ủy ban Hỗn hợp về Hợp tác Kinh tế và Thương mại Việt Nam – Áo lần thứ 10 (cấp Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Bộ Kinh tế và Kỹ thuật số Áo phối hợp tổ chức tại Áo.

II. QUAN HỆ KINH TẾ:

a. Thương mại:

- Thương mại song phương giữa hai nước những năm gần đây phát triển tích cực, đặc biệt là trong hai năm qua. Các mặt hàng ta xuất sang Áo là điện thoại các loại và linh kiện, giầy dép, gỗ và sản phẩm gỗ, hàng dệt, may, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác... và nhập từ Áo dược phẩm, máy móc, thiết bị, sắt thép và sản phẩm từ sắt thép, giấy, thức ăn gia súc và nguyên liệu. - Năm 2021, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Áo đạt 3,35 tỷ USD, tăng 5,5% so với năm 2020. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Áo đạt 3.0 tỷ USD, tăng 4,8%; kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Áo đạt 332 triệu USD, tăng 11%.

- Năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Áo đạt 2,79 tỷ USD, giảm 16,7% so với năm 2021. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Áo đạt khoảng 2,46 tỷ USD, giảm 18.6%; kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Áo đạt 334 triệu USD, tăng 0.6%.

- Tính đến hết tháng 4/2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Áo ở mức hơn 1 tỷ USD, giảm 5,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu ở mức trên 936 triệu USD, giảm 6,6%; nhập khẩu từ Áo đạt trên 122 triệu USD, tăng 5,3%.

(Đơn vị: triệu USD; nguồn: Tổng Cục Hải quan Việt Nam)

Tháng 5/2019, Áo mở Phòng Kinh tế Áo (WKO) trực thuộc Đại sứ quán Áo tại thành phố Hồ Chí Minh với mục đích tăng cường hợp tác kinh tế song phương và đón đầu những cơ hội do EVFTA mang lại.

b. Đầu tư:

- Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế đến 20/5/2023, Áo đứng thứ 44/143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 41 dự án có hiệu lực trị giá 148 triệu USD.

- Phân theo lĩnh vực: Vốn đầu tư tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 12 dự án và 131,25 triệu USD vốn đăng ký, chiếm 88,7% tổng vốn đầu tư; đứng thứ hai là lĩnh vực hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ với 14 dự án, tổng vốn đăng ký 7,27 triệu USD, chiếm 4,9% tổng vốn đầu tư.

- Phân theo địa phương: Áo đã đầu tư vào 8/63 tỉnh thành của Việt Nam, trong đó đứng đầu là Bình Dương chỉ với 4 dự án nhưng tổng vốn đăng ký lên tới 70,25 triệu USD (47,5% tổng vốn đầu tư), tiếp theo là thành phố Hồ Chí Minh (19 dự án, tổng vốn đăng ký 41,75 triệu USD, 28,2% tổng vốn đầu tư).

- Dự án tiêu biểu: Dự án Nhà máy của Công ty TNHH thiết bị dầu khí Schoeller Bleckmann Việt Nam, được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư năm 2008 tại tỉnh Bình Dương, tổng vốn đầu tư đăng ký 40 triệu USD.

- Năm 1995, hai nước thỏa thuận thành lập Tổ công tác hỗn hợp nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư. Tháng 8/2010, hai bên đã chính thức nâng cấp lên thành Ủy ban hỗn hợp liên Chính phủ cấp Thứ trưởng về hợp tác kinh tế và thương mại. Cuộc họp lần thứ 10 được nối lại vào tháng 6/2022 tại Viên.

- Đầu tư của Việt Nam vào Áo: Lũy kế đến tháng 5/2023, Việt Nam đã có 02 dự án đầu tư tại Áo với tổng vốn đăng ký đạt gần 0,8 triệu USD, xếp thứ 62/80 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư của Việt Nam.

III. Hợp tác phát triển:

- Vốn vay ODA của Áo là tín dụng xuất khẩu có mức độ ưu đãi trung bình, phía Áo cam kết yếu tố không hoàn lại cho các dự án Áo tài trợ ít nhất đạt 35% theo quy định của OECD. Hàng hóa dịch vụ xuất xứ từ Áo cần đạt tối thiểu 50%. Nguồn vốn ODA vay của chính phủ Áo thích hợp cho các dự án cần nhập khẩu trang thiết bị, công nghệ hiện đại, chất lượng cao. Tín dụng ưu đãi của Áo đang được sử dụng để thực hiện các dự án trong các lĩnh vực như giao thông đường sắt, trang thiết bị y tế, phòng cháy chữa cháy, đào tạo nghề. Nhìn chung, các dự án ODA Áo triển khai tương đối nhanh do đã xác định nhà cung cấp từ khâu chuẩn bị dự án.

- Chính phủ Áo và Chính phủ Việt Nam đã ký kết Hiệp định hợp tác tài chính khung từ năm 2015 và được gia hạn hiệu lực đến tháng 8/2023. Theo đó, Chính phủ Áo cam kết tổng số vốn sẽ tài trọ ưu đãi cho Chính phủ Việt Nam trong giai đoạn hiệu lực của Hiệp định từ tháng 8/2019 đến tháng 8/2023 là 100 triệu Euro. Trong khuôn khổ Hiệp định, tháng 6/2021, Bộ Tài chính đã thay mặt Chính phủ Việt Nam ký kết Hiệp định vay Ngân hàng UniCredit (Áo) với giá trị 12 triệu Euro cho Dự án Đầu tư trang thiết bị y tế cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long. Trước đó, Chính phủ Áo đã tài trợ nguồn vốn để đầu tư trang thiết bị y tế cho Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Quảng Trị, Trung tâm Điều hành phòng cháy, chữa cháy – Bộ Công an…

IV. QUAN HỆ VĂN HÓA, GIÁO DỤC, KHOA HỌC – CÔNG NGHỆ, DU LỊCH:

1. Văn hóa:

Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam và Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội có quan hệ hợp tác chặt chẽ với trường Đại học Âm nhạc và Biểu diễn nghệ thuật Graz (Áo). Hàng năm, phía Bạn cử chuyên gia, giáo sư giảng dạy tại khoa Sân khấu, Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội và khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.

Năm 2022, nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước, Đại sứ quán Áo tổ chức Triển lãm “Arrnold Schonberg và Trường phái Vienna mới” tại Thư viện quốc gia Việt Nam từ ngày 08/7 đến ngày 23/7/2022. Đại sứ quán Áo phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chương trình hòa nhạc “Music from Vienna” tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào tháng 11/2022. Tháng 9/2022, tại Vienna (Áo), Bộ Ngoại giao và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Áo, chương trình biểu diễn nghệ thuật khai mạc Ngày Văn hóa Việt Nam tại Áo do các nghệ sĩ Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam biểu diễn, “Không gian văn hóa Việt Nam” tại dinh Palais Pálffy, Vienna.

2. Giáo dục:

Việt Nam và Áo đã ký kết một số văn bản hợp tác cấp Bộ, nhưng do đặc thù phân cấp tuyệt đối về giáo dục đại học nên quan hệ hợp tác giữa hai bên chưa có những dự án lớn mang tầm quốc gia.

Ngoài ra, Áo hỗ trợ cho Đại học Khoa học ứng dụng Krems (IMC Krems) – một trường đại học tư có thế mạng về các ngành ứng dụng để mở rộng thị trường đào tạo tại Việt Nam. Đến nay, Đại học IMC Krems có chương trình liên kết đào tạo với 05 trường đại học của Việt Nam.

3. Khoa học – công nghệ:

Hai bên đã xúc tiến một số dự án hợp tác giữa một số trường đại học của Áo với trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Huế. Bộ Khoa học và Công nghệ đã thiết lập quan hệ hợp tác chính thức với một số bộ ngành có tiềm năng hợp tác của Áo, như Bộ Khoa học và Nghiên cứu, Bộ Giao thông, Sáng kiến và Công nghệ, Hội đồng chính sách KHCN Quốc gia, Viện Công nghệ Áo.

4. Du lịch:

Số lượng khách du lịch Áo vào Việt Nam chưa nhiều. Nguyên nhân chính là vì người Áo còn ít biết về Việt Nam. Hiện Phòng Kinh tế Đại sứ quán Áo (WKO) đang phối hợp cùng với phía Việt Nam để tổ chức các hội chợ, hội thảo quảng bá du lịch ở Việt Nam.

IV. CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT NAM TẠI ÁO:

Cộng đồng người Việt Nam ở Áo hiện có khoảng 6.000 người, hình thành từ sau năm 1975 và phát triển những năm 1990. Nhìn chung, cộng đồng người Việt tại Áo tập trung vào kinh doanh, làm ăn chăm chỉ, không vi phạm pháp luật nước sở tại và được chính quyền sở tại đánh giá cao.

- Các tổ chức, hội đoàn người Việt tại Áo:

Hiện có 7 hội đoàn người Việt tại Áo gồm: Hội Phụ nữ Việt Nam, Hội Sinh viên, Hội Đồng hương Hải Phòng, Hội Văn hóa Xã hội Phật tử, Hội Công giáo TP. Viên, Hội Công giáo TP. Linz và Câu lạc bộ Hương Việt, chưa có Hội người Việt. Ngoài những Hội được thành lập với sự hướng dẫn, hỗ trợ của ĐSQ như Hội Phụ nữ, Hội Sinh viên và Câu lạc bộ Hương Việt, các hội đoàn còn lại chưa có quy chế hoạt động cụ thể; chủ yếu tổ chức các hoạt động giao lưu, văn hóa, thể thao. Một số hội đoàn người Việt có hoạt động nổi bật bao gồm:

- Hội Phụ nữ Việt Nam: Được thành lập năm 2005, Hội là nòng cốt trong phong trào cộng đồng tại Áo. Hội đã tổ chức nhiều hoạt động hướng về quên hương, đất nước như phát động các đợt quyên góp ủng hộ đồng bào trong nước chịu ảnh hưởng bởi bão lụt, ủng hộ trẻ em bị nhiễm chất độc dioxin và trẻ nghèo vượt khó, tổ chức các lớp học tiếng Việt, tổ chức đội văn nghệ phục vụ kiều bào nhân dịp các ngày lễ, tết…

- Hội Đồng hương Hải Phòng: Hội được thành lập năm 2015 với mục đích kết nối, chia sẻ kinh nghiệm sống và làm việc cho kiều bào Hải Phòng tại Áo, đồng thời kết nối đồng hương Hải Phòng với cộng đồng người Việt tại Áo và châu Âu.

V. MỘT SỐ HIỆP ĐỊNH ĐÃ KÝ GIỮA HAI NƯỚC:

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

Vân Anh

Nguồn PetroTimes: https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/tong-quan-ve-quan-he-viet-nam-ao-689917.html