Tổng kết Dự án 'Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến' Giai đoạn 2

Sáng nay (20/12) tại Thư viện Hà Nội đã diễn ra Lễ Tổng kết Dự án 'Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến' Giai đoạn 2. Sau 7 năm thực hiện, đến nay Dự án đã đi vào giai đoạn hoàn thành và kết thúc.

Sau nhiều giai đoạn điều tra, sưu tầm, Dự án đã biên soạn và xuất bản 40 đầu sách (74 tập sách) thuộc các mảng: Địa lý, Lịch sử, Kinh tế - Văn hóa - Xã hội, Văn học nghệ thuật, Tư liệu tổng hợp với dung lượng hơn 50.000 trang.

Dự án đã biên soạn và xuất bản 40 đầu sách (ảnh: Bảo Thoa)

Các đầu sách của Tủ sách được tổ chức chặt chẽ, nghiêm túc như thực hiện các đề tài khoa học thông qua một quy trình nghiêm túc từ khâu đề cương cho đến hoàn thiện bản thảo nghiệm thu. Ngoài ra, Tủ sách còn xuất bản 20 đầu sách phổ thông phục vụ rộng rãi bạn đọc nhiều lứa tuổi, thành phần.

Đánh giá về Tủ sách, ông Lê Tiến Dũng, Tổng Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Hà Nội, Trưởng ban Quản lýDự án cho biết, Dự án thể hiện chủ trương đúng đắn của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội trong công tác nghiên cứu xây dựng Thủ đô phát triển.

Tủ sách là tập đại thành về văn hiến Thăng Long - Hà Nội, tổng kết, hệ thống hóa và bảo tồn lưu giữ tư liệu về văn hiến Thăng Long - Hà Nội, có giá trị bền vững, phục vụ nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu về Thăng Long - Hà Nội trước mắt cũng như lâu dài.

Tủ sách cung cấp cho độc giả trong và ngoài nước những kiến thức cần thiết về lịch sử, địa lý môi trường thiên nhiên và cư dân trên vùng đất này để từ đó nhìn thấy được những bước phát triển về mọi mặt của Thăng Long qua 1.000 năm lịch sử.

Lễ Tổng kết Dự án "Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến" Giai đoạn 2 (ảnh: Bảo Thoa)

Tủ sách cũng nêu được những đặc trưng của văn hóa và con người Thăng Long, những phẩm chất tốt đẹp về đạo đức và lối sống, về trí tuệ và tài năng được hình thành và phát triển từ đời này qua đời khác tạo nên niềm tự hào cho nhân dân Thủ đô và đất nước.

Ở Giai đoạn 2, Dự án đã tiếp tục quy tụ được một đội ngũ đông đảo hàng trăm cộng tác viên là các nhà khoa học, các giáo sư đầu ngành ở Trung ương và địa phương trên các lĩnh vực tham gia vào các hạng mục công việc.

Các nhà khoa học cũng như độc giả đánh giá cao về chủ trương cùng sự quan tâm, đầu tư cho văn hóa Thủ đô của lãnh đạo Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố. Đây là sự đầu tư hiệu quả, có ý nghĩa thiết thực, lâu dài cho việc nghiên cứu, khai thác giá trị văn hiến Thăng Long - Hà Nội, góp phần phát triển Thủ đô ngàn năm văn hiến ngang tầm với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/tong-ket-du-an-tu-sach-thang-long-ngan-nam-van-hien-giai-doan-2-101190.html