Tổng Bí thư Tô Lâm: Kiên trì xây dựng văn hóa liêm chính trong cán bộ, đảng viên
Nhấn mạnh quan điểm nếu không phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thì sẽ không thể phát triển kinh tế - xã hội, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu phải triển khai quyết liệt, toàn diện… trong năm 2025.
Ngày cuối cùng của năm 2024 (31-12), Tổng Bí thư Tô Lâm đã chủ trì phiên họp thứ 27 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) và tổng kết công tác ngành nội chính Đảng.
Ban Nội chính Trung ương, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, ngay trong chiều cùng ngày cũng đã tổ chức gặp gỡ báo chí để thông tin các nội dung của phiên họp này.
Đẩy mạnh hơn công tác phòng, chống lãng phí
Chia sẻ tại buổi họp báo, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Đặng Văn Dũng cho biết đây là cuộc họp nhằm tổng kết công tác năm 2024, xây dựng chương trình năm 2025. Các ý kiến thảo luận tại phiên họp thống nhất rằng Đảng đã thể hiện là một khối đoàn kết, thống nhất, bản lĩnh, vững vàng. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đã tiếp tục được thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt, không ngắt quãng, không ngừng, không nghỉ và còn có những nét mới, nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Một trong những điểm mới ấy là từ tầm nhìn của Tổng Bí thư Tô Lâm, Bộ Chính trị đã quyết định đẩy mạnh hơn công tác phòng, chống lãng phí. Bổ sung chức năng, nhiệm vụ này cho Ban Chỉ đạo với tinh thần đưa phòng, chống lãng phí lên tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Thường trực Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo những chủ trương, định hướng lớn và yêu cầu triển khai thực hiện quyết liệt những việc cần làm ngay. Bộ Chính trị đã cho ý kiến tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, nhiều “điểm nghẽn” cản trở phát triển kinh tế - xã hội, gây lãng phí tiền và tài sản của Nhà nước.
Một trong những việc cần làm ngay là rà soát, xử lý các dự án tồn đọng, kéo dài với nguyên tắc “không hợp pháp hóa sai phạm” nhưng phải xuất phát từ hiện trạng để tiếp tục phát triển.
Bộ Chính trị cũng đã cho ý kiến về cơ chế xử lý các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, TP.
Cũng từ các đề án được Bộ Chính trị thông qua, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết thí điểm cơ chế xử lý tài sản, vật chứng ngay trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, góp phần giải tỏa, đưa vào lưu thông, tránh thất thoát, lãng phí.
Năm 2024, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương tiếp tục có chuyển biến rõ nét, ngày càng đồng bộ với trung ương, không còn “trên nóng, dưới lạnh”.
Xử nghiêm sai phạm nhưng cũng nhân văn
Trong năm 2024, công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án tiếp tục được triển khai theo phương châm “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”. Xử lý nghiêm sai phạm nhưng rất nhân văn, có lý, có tình, đúng cả quy định, tạo đồng thuận, đồng tình trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
“Tại phiên họp, Tổng Bí thư Tô Lâm đã biểu dương các cơ quan chức năng đã nỗ lực lớn, quyết tâm cao, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, làm rõ nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực. Trong đó đã làm rõ bản chất sai phạm, xử lý nghiêm minh, có lý, có tình, chú trọng phân hóa, phân loại chính sách hình sự để xử lý các đối tượng sai phạm liên quan đến các vụ án, vụ việc xảy ra ở các tập đoàn Phúc Sơn, Thuận An, Công ty AIC, dự án Sài Gòn - Đại Ninh” - ông Dũng cho biết.
Một nét mới nữa theo đánh giá của Ban Chỉ đạo là công tác phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đã gắn hơn với công tác cán bộ, công tác sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy, chuyển đổi số mà những ngày này đang diễn ra mạnh mẽ.
Đề án 06 về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối với 85 bộ, ngành, địa phương, các thủ tục hành chính đến nay gần như đã được thực hiện hoàn toàn trên môi trường trực tuyến, không còn hiện tượng nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp. “Nếu cứ thực hiện theo cách truyền thống, không ứng dụng công nghệ thì không bao giờ có thể làm được điều này” - Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh trong phiên họp.
Một điểm nhấn của năm 2024 là công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương tiếp tục có chuyển biến rõ nét, ngày càng đồng bộ với trung ương, cơ bản không còn “trên nóng, dưới lạnh” như trước đây. Một số địa phương như TP.HCM, Đồng Nai đã xử lý được những vụ án liên quan đến trách nhiệm của cán bộ của cơ quan trung ương. Qua đó cho thấy khi trung ương mạnh dạn phân cấp thì địa phương sẽ làm được.
“Khi kết quả đấu tranh tốt và thực chất như vậy thì số lượng thông tin xấu, độc, chống đối đã giảm đi rõ rệt. Và điều đáng chú ý là với những thông tin xấu, độc còn lại thì giờ không còn nhận được sự quan tâm của dư luận” - ông Dũng chia sẻ nhận định, đánh giá của Ban Chỉ đạo.
Hoàn thành rà soát các công trình, dự án tồn đọng, kéo dài
Quá trình thảo luận, các thành viên Ban Chỉ đạo đã bàn về các nhiệm vụ trọng tâm năm 2025. Đây là năm sẽ diễn ra nhiều sự kiện quan trọng, được xác định là năm tăng tốc, bứt phá, không chỉ nhằm thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội XIII đã đề ra, mà còn phải hoàn thành cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy và tổ chức Đại hội Đảng các cấp.
Thời gian rất gấp gáp và nhiều việc cần phải làm ngay, không thể chậm trễ, củng cố các nền tảng để tiến tới Đại hội XIV, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình. Yêu cầu của kỷ nguyên mới là rất cao, là phát triển kinh tế, tăng trưởng GDP phải hai con số liên tục trong nhiều năm. Vậy công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực phải làm gì để góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đầy thách thức này?
Kết luận phiên họp, Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng ban Chỉ đạo, cho rằng đầu tiên phải khẳng định dứt khoát quan điểm là nếu không phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thì sẽ không thể phát triển kinh tế - xã hội được. Đồng thời phải phê phán những ý kiến, quan điểm mang tính ngụy biện, rằng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực mạnh tay quá thì sẽ ảnh hưởng tới phát triển, khiến cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám làm.
Với tinh thần như thế, Ban Chỉ đạo cần rà soát Nghị quyết Đại hội XIII, các chương trình, kế hoạch từ đầu nhiệm kỳ, xem còn nội dung gì chưa được triển khai để đưa vào nhiệm vụ năm 2025. Quá trình này cũng đồng thời phải đánh giá toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cả nhiệm kỳ để bổ sung, hoàn thiện dự thảo văn kiện Đại hội XIV.
Cũng trong năm 2025 cần triển khai quyết liệt, toàn diện, tạo chuyển biến mạnh mẽ, đột phá trong công tác phòng, chống lãng phí. Theo đó, phải hoàn thành rà soát các công trình, dự án chậm tiến độ, tồn đọng, kéo dài, hiệu quả thấp, gây thất thoát, lãng phí lớn, đồng thời có cơ chế, chính sách đột phá giải quyết dứt điểm.
Trong quá trình này phải kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra một số dự án điển hình về thất thoát, lãng phí để răn đe, cảnh tỉnh, cảnh báo chung. “Tổng Bí thư nhấn mạnh tất cả đều là tiền, tài sản của Nhà nước, của nhân dân. Để lãng phí, nhân dân, dư luận rất bức xúc. Vì vậy phải có người chịu trách nhiệm” - ông Dũng cho biết.
Năm 2025 cũng phải là năm gắn công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực với tinh gọn bộ máy của cả hệ thống chính trị.
Tổng Bí thư nhấn mạnh tuyệt đối không để xảy ra “chạy chọt”, lợi ích nhóm, lợi dụng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế để tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Đồng thời phải khẩn trương hoàn thiện thể chế liên quan đến tổ chức, bộ máy để ngay sau sắp xếp là vận hành hiệu lực, hiệu quả, hiệu năng được ngay, không để phát sinh lãng phí, tiêu cực mới.
Cần tập trung kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc tham nhũng, lãng phí, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, nhất là các vụ án, vụ việc liên quan đến nhân sự cấp ủy các cấp và nhân sự Đại hội XIV của Đảng.
Trong thời gian tới cần tập trung điều tra, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc liên quan đến các tập đoàn Phúc Sơn, Thuận An, Thái Dương, dự án Sài Gòn - Đại Ninh, Công ty AIC, các vụ việc liên quan đến điện lực...
Để phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thấm vào từng đảng viên
Về nhóm giải pháp phòng ngừa, Tổng Bí thư Tô Lâm lưu ý phải đưa công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thấm vào từng chi bộ, từng đảng viên. Cần kiên trì xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Hình thành trong cán bộ, đảng viên, nhân dân ý thức, trách nhiệm làm việc trong sáng, làm người trong sạch.
Tổng Bí thư đặc biệt nhấn mạnh giải pháp chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ để đổi mới phương thức điều hành, quản trị. Giải pháp này đã ngày càng được chứng minh tính hiệu quả thông qua việc triển khai Đề án 06, nay được khẳng định bởi Nghị quyết 57 mà Bộ Chính trị ban hành vào ngày 22-12-2024 về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, sắp tới là Đề án chuyển đổi số trong Đảng.
Tổng Bí thư cũng yêu cầu các cấp ủy tăng cường hơn nữa vai trò giám sát của nhân dân với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Phải xây dựng được “thế trận lòng dân” vững chắc, nhân dân không chỉ giám sát mà có thể trực tiếp phản ánh, tố giác.
******
Bộ Công an tập trung thu hồi triệt để tài sản trong các vụ án tham nhũng
Tại buổi họp báo vào chiều 31-12-2024 của Ban Nội chính Trung ương thông báo kết quả phiên họp thứ 27 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) tổ chức vào sáng cùng ngày, PV Pháp Luật TP.HCM đã đặt câu hỏi về kết quả của công tác phòng, chống lãng phí thời gian qua.
Trả lời vấn đề này, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Đặng Văn Dũng cho biết giữa tháng 10-2024, Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết nhấn mạnh yêu cầu phòng, chống lãng phí trong tình hình mới thì cuối tháng, Bộ Chính trị đã quyết định bổ sung nhiệm vụ cho Ban Chỉ đạo. Trên cơ sở đó, các ban Chỉ đạo địa phương cũng chủ động mở rộng hoạt động.
Nhiều địa phương như Hà Nội, Thái Bình, Hà Nam, Bạc Liêu, Đồng Tháp… đã tích cực rà soát để chỉ ra các dự án chậm tiến độ, có nguy cơ gây thất thoát, lãng phí. Chỉ riêng Hà Nội đã lên danh sách hơn 800 dự án. Trong thời gian rất ngắn đã quyết đáp thủ tục với ba dự án, nhờ đó ngân sách thu được hơn 42.000 tỉ đồng.
Về giải pháp “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố vụ án xảy ra tại Công ty Hưng Thịnh liên quan đến khai thác khoáng sản, vụ án liên quan đến dự án hồ chứa nước Bản Mồng (Nghệ An).
Còn Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, người phát ngôn Bộ Công an, cho biết trong năm 2024 (tính từ ngày 15-12-2023 đến 14-12-2024), cơ quan điều tra trong toàn ngành đã phát hiện gần 5.700 vụ với hơn 10.200 đối tượng có dấu hiệu phạm các tội về trật tự quản lý kinh tế, tham nhũng, chức vụ. Trong số này có gần 1.000 vụ về tội tham nhũng, chức vụ, tăng gần 14% so với cùng kỳ năm trước đó.
Qua hoạt động, lực lượng công an đã chủ động nhận diện, phát hiện các nguy cơ gây thất thoát, lãng phí nguồn lực.
Nay xác định công tác phòng, chống lãng phí phải đẩy mạnh tương đương phòng, chống tham nhũng, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên cho hay Bộ Công an đã chỉ đạo toàn lực lượng tăng cường các biện pháp nhận diện. Từ đó tham mưu, đề xuất, kiến nghị chấn chỉnh, khắc phục các sơ hở, thiếu sót là nguyên nhân gây thất thoát, lãng phí.
“Bộ Công an sẽ tập trung xác minh các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, điều tra làm rõ bản chất, ngăn chặn kịp thời các vụ án, vụ việc gây thất thoát, lãng phí, thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước” - người phát ngôn Bộ Công an nhấn mạnh.