'Tôi xúc động khi được xem những hình ảnh về cha ông mình tại Đệ tứ chiến khu'

Không chỉ là vị chỉ huy tài tình của Đệ tứ chiến khu Đông Triều, Trung tướng Nguyễn Bình còn là con người rất ân nghĩa với gia đình, dòng họ và quê hương. Nhân kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, phóng viên Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh đã có cuộc trò chuyện với chị Nguyễn Thị Châu Thủy, cháu gọi Trung tướng Nguyễn Bình là ông họ.

Chị Nguyễn Thị Châu Thủy.

Chị Nguyễn Thị Châu Thủy.

- Chào chị! Chị có thể cho biết cảm xúc của mình như thế nào khi đến thăm chùa Bắc Mã?

+ Ông nội tôi là anh ruột ông Nguyễn Bình. Là những người cháu của Trung tướng Nguyễn Bình, chúng tôi rất xúc động khi đến Bắc Mã lại thấy được một khu lưu niệm trang trọng về Chiến khu Đông Triều, trong đó có những hình ảnh, hiện vật của ông cụ nhà tôi, người lãnh đạo Chiến khu. Kỷ niệm 75 năm thành lập Đệ tứ chiến khu Đông Triều là dịp rất ý nghĩa để chúng tôi đến đây tưởng nhớ cụ Nguyễn Bình.

- Chắc hẳn đây không phải lần đầu chị đến với Đông Triều?

+ Tôi sinh ra và lớn lên ở Hưng Yên, đi học ở Hải Phòng. Hải Phòng là mảnh đất mà cụ Bình cũng để lại nhiều dấu ấn. Khi mới lên 7 tuổi, cụ Bình đã được anh trai cả làm ở Hải Phòng đưa ra.

Riêng với Quảng Ninh, chúng tôi cũng đã từng cùng với người nhà đến Đông Triều nhiều lần rồi. Chúng tôi đến trong các buổi lễ kỷ niệm, đến khi Đông Triều đặt tên cụ Nguyễn Bình cho một ngôi trường. Lần nào đến đây thấy lại những hình ảnh cụ Nguyễn Bình chúng tôi đều rưng rưng xúc động.

- Chị cảm nhận thế nào về sự tri ân của Đông Triều nói riêng và Quảng Ninh nói chung với công lao của Trung tướng Nguyễn Bình cho mảnh đất này?

+ Quảng Ninh đã làm rất tốt điều đó. Tên ông cụ được đặt cho đường phố như tại thị xã Quảng Yên, Đông Triều, cụ còn được đặt tên trường; được đúc tượng và xây nhà lưu niệm. Quảng Ninh tri ân cụ như vậy là rất xứng đáng với những đóng góp của cụ cho Đệ tứ chiến khu.

Chúng tôi vô cùng biết ơn tỉnh Quảng Ninh và thị xã Đông Triều vì những điều đó. Nhìn những tư liệu hiện vật về cụ Nguyễn Bình nhiều người trong gia đình chúng tôi phải kìm nén mới không rơi nước mắt.

- Đấy là những hiện vật, còn trong ký ức của chị, những câu chuyện về Trung tướng Nguyễn Bình vẫn được kể như thế nào?

+ Từ tấm bé chúng tôi đã được nghe cha tôi và những người cao tuổi kể về Trung tướng Nguyễn Bình. Quê tôi ở thôn Yên Phú, xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Cụ Nguyễn Bình sinh năm 1908 trong một gia đình hiếu học, yêu nước. Ông nội tôi là anh ruột Nguyễn Bình.

Ông tổ nhà chúng tôi đến cụ Nguyễn Bình là 6 đời, trước kia là một vị khoa bảng. Với họ hàng, làng xóm ông luôn tỏ ra là người biết kính trên nhường dưới, kính già yêu trẻ, luôn giúp đỡ và bênh vực người nghèo. Tình cảm của cụ Nguyễn Bình với quê hương thật ấm áp và sâu đậm.

Trận đánh đầu tiên của cụ Nguyễn Bình đã diễn ra ở thị trấn Bần Yên Nhân (Mỹ Hào). Đêm ngày 12/3/1945, cụ trực tiếp chỉ huy và tham gia đánh trận đồn Bần Yên Nhân, thu được nhiều thắng lợi. Tôi nghe nhiều người sau này đánh giá rằng, trận đánh đồn Bần Yên Nhân được coi là trận đánh du kích kiểu mẫu ở đồng bằng Bắc Bộ.

Cô và trò Trường THPT Nguyễn Bình, thị xã Đông Triều, ôn lại lịch sử Đệ tứ Chiến khu.

- Có vẻ như người ta ít nói về đời sống riêng tư của cụ, nhất là chuyện vợ con, phải không thưa chị?

+ Thực ra, đây là điều làm chúng tôi luôn tiếc nuối. Cụ công trạng như vậy lẫy lừng như vậy nhưng ba lần lấy vợ đều không có con. Tôi nghe các cụ kể rằng, cụ Nguyễn Bình được các cụ nhà tôi gọi về quê cưới vợ. Đó là cụ bà Ngô Thị Cậy, người làng An Lạc (nay là xã Lạc Hồng, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) và là cháu nội cụ Ngô Quang Huy, đồng lãnh đạo nghĩa quân Bãi Sậy với cụ Tán Thuật. Cụ bà là người con gái nết na, xinh đẹp.

Năm 1929, ông cụ nhà tôi bị địch bắt ở Mác-xây, về Sài Gòn, bị Tòa đề hình Sài Gòn kết án 5 năm tù đày ra Côn Đảo. Trong thời gian bị đi đày, ông cụ đã nhiều lần viết thư về khuyên cụ bà đi lấy chồng khác, vì đời ông cụ trôi nổi vất vả chưa biết sau ra sao. Các cụ ở quê cũng khuyên cụ bà như vậy. Nhưng cụ bà kiên quyết đợi chồng, chăm sóc bố mẹ chồng.

Lãnh đạo tỉnh và thị xã Đông Triều trò chuyện với chị Nguyễn Thị Châu Thủy.

Hết hạn tù, từ năm 1935 đến 1937, cụ Bình bị quản thúc ở quê nhà. Cụ vẫn khuyên vợ như vậy, nhưng cụ bà không nghe. Cực chẳng đã, cụ ông phải vờ dùng hình thức nặng nề hơn tuyên bố ly dị và đuổi cụ bà trở về nhà cha mẹ đẻ.

Sau đó cụ bà Cậy tái giá nhưng không có con. Cụ Cậy càng già càng đẹp, đẹp như một bà tiên, tóc cụ bạc trắng dài tới khoeo chân, gương mặt rất thánh thiện. Trong những ngày cuối đời của cụ Cậy, gia đình chúng tôi đã coi cụ bà như mẹ, như bà chăm sóc tận tình rồi tổ chức đám tang cho cụ khi cụ mất.

Các cháu của Trung tướng Nguyễn Bình bên tượng ông tại Nhà lưu niệm Chiến khu Đông Triều.

Chúng tôi nghe kể, cụ Bình lấy hai người vợ sau nhưng đều không có con. Sau này một trong hai cụ tái giá và sinh con với người chồng sau. Cụ Bình suốt đời lo làm cách mạng chẳng chú tâm đến cuộc sống riêng tư. Lại còn chịu bao nhiêu đòn roi đánh đập của chốn ngục tù nên có thể sức khỏe của cụ không tốt. Nhưng thôi... không sao, tất cả chúng tôi bây giờ đều là con cháu của cụ. Cụ vẫn còn những người cháu gọi bằng chú ruột, còn dòng tộc, còn cả quê hương.

Nhà nước, Chính phủ phong cụ quân hàm Trung tướng, và là Trung tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Nhà thờ Trung tướng Nguyễn Bình đang được xây dựng tại quê nhà, bên cạnh Khu lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.

Cả đại gia đình dòng họ nhà chúng tôi đều tự hào về cụ. Tôi tin nhiều người con Hưng Yên và các nơi khác cũng thế. Anh trai tôi đang ở mảnh đất hương hỏa tổ tiên để lại hàng ngày đều lo chăm sóc hương khói phụng thờ cụ Nguyễn Bình.

Nhà lưu niệm Chiến khu Đông Triều.

- Chị nghĩ gì về việc giáo dục truyền thống gia đình, dòng tộc từ tấm gương của Trung tướng Nguyễn Bình?

+ Di sản mà cụ Nguyễn Bình để lại cho con cháu là lòng biết ơn, tự hào và luôn yêu thương nhau để cùng nhau sống tốt. Chúng tôi luôn tâm niệm phải học tập và noi theo tấm gương sáng về đạo đức, ý chí, nghị lực cách mạng của Trung tướng Nguyễn Bình.

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ thường xuyên đưa con cháu của mình quay lại địa điểm này để kể cho lớp trẻ những câu chuyện lịch sử về cha ông chúng tôi đã tham gia cách mạng như thế nào.

- Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!

Phạm Học (Thực hiện)

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/202008/toi-xuc-dong-khi-duoc-xem-nhung-hinh-anh-ve-cha-ong-minh-tai-de-tu-chien-khu-2496108/