'Tôi từng bị tẩy chay vì dám bán truyện tranh bản quyền'

Độc giả chưa quen trả tiền để đọc truyện trên mạng, các trang web truyện không bản quyền tràn lan và vô vàn khó khăn khi nhóm bạn trẻ xây dựng webtoon đầu tiên của Việt Nam.

Với bạn yêu truyện tranh Việt, cái tên Nguyễn Khánh Dương không hề xa lạ. Anh là thành viên nhóm Phong Dương Comics, tác giả bộ truyện Long thần tướng từng khơi dậy phong trào sáng tác truyện tranh Việt và hình thức gây quỹ xuất bản (crowdfunding) vài năm trước. Comi webtoon là một nền tảng được Khánh Dương phát triển từ tình yêu dành cho truyện tranh. Anh có những chia sẻ về hình thức mới của truyện tranh tại Việt Nam.

Công nghệ giúp ngành sáng tạo nội dung phát triển

- Theo dõi thị trường xuất bản thế giới, anh thấy webtoon đang phát triển ra sao?

- Đối với thế hệ 8X, 9X như chúng tôi, những cuốn truyện tranh in đen trắng, bìa màu là kỷ niệm tuổi thơ. Tuy nhiên, có một sự thật là, thị trường truyện tranh trên thế giới đang chuyển dịch rất nhanh từ định dạng xuất bản giấy sang định dạng số hóa. Và webtoon là sản phẩm thời đại số, chính xác hơn là thời đại thiết bị di động.

Vẫn là những khung truyện tranh truyền thống, nhưng được sắp xếp, bố cục lại để phù hợp với màn hình nhỏ và cuộn dọc của thiết bị di động. Ban đầu, độc giả của truyện tranh truyền thống cũng khó khăn trong việc tiếp nhận webtoon. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, webtoon đã phát triển mạnh mẽ, đặc biệt ở Hàn Quốc, Trung Quốc và một số nước châu Á như Indonesia, Thailand.

Tác giả Khánh Dương (ngoài cùng bên phải).

- Anh có thể nói thêm về hình thức webtoon còn khá mới mẻ ở nước ta?

- Webtoon không phải là “truyện tranh digital”. Webtoon là một định dạng hoàn toàn khác. Nhiều đơn vị xuất bản sau khi phát hành sách giấy cuốn truyện tranh của mình thì số hóa nó, đưa lên nền tảng đọc trực tuyến. Đấy được gọi là ebook. Nhưng webtoon không chỉ là ebook. Webtoon là một sự tổng hợp của nghệ thuật kể chuyện, hình vẽ, và khả năng sắp xếp khung truyện để tận dụng tối đa lợi thế của màn hình thiết bị smartphone (chạm cảm ứng, cuộn dọc).

- Điều gì khiến anh xây dựng nền tảng Comi webtoon?

- Tôi làm truyện tranh được 15 năm, thuộc thế hệ tác giả trẻ ở Việt Nam bắt đầu làm truyện tranh, sau khi cơ chế xuất bản tại Việt Nam có sự mở cửa.

15 năm qua, càng làm, tôi càng thấu hiểu sự khó khăn, có lúc là bất lực của những tác giả trẻ ở Việt Nam khi muốn đưa được tác phẩm của mình ra với công chúng. Khó khăn về tài chính, cơ chế, đôi khi là những thứ mơ hồ không có định nghĩa rõ ràng như “thuần phong mỹ tục”.

Tôi học kỹ sư công nghệ thông tin (CNTT). Tôi có niềm tin vào việc CNTT sẽ là công cụ giúp phát triển ngành sáng tạo nội dung trong nước. Năm 2015, nhằm hỗ trợ các tác giả trẻ đưa tác phẩm của mình đến với công chúng, tôi thành lập công ty Comicola để xây dựng hệ thống gây quỹ cộng đồng trực tuyến. Chỉ sau hơn 2 năm chúng tôi đã đưa được ra thị trường số lượng tác phẩm truyện tranh Việt Nam nhiều hơn hẳn 10 năm trước đó.

Chuyển dịch sang kỹ thuật số là sự chuyển dịch tất yếu. Tôi không muốn, sau vài năm nữa, chúng tôi sẽ phải xuất bản truyện tranh của người Việt, trên một nền tảng của nước ngoài. Đó là lý do chúng tôi tạo ra ứng dụng Comi.

Đọc truyện trên ứng dụng Comi webtoon.

- Xây dựng nền tảng webtoon, anh gặp những khó khăn gì?

- Khó khăn chứ. Chúng tôi là những người làm nội dung. Công nghệ không phải là thế mạnh. Do vậy, những ngày đầu ra mắt, ứng dụng của chúng tôi gặp nhiều trục trặc kỹ thuật.

Độc giả của Comicola, những người đã theo chúng tôi nhiều năm, cũng tỏ ý kiến không hài lòng khi ứng dụng gặp những lỗi rất khó hiểu trong mấy tuần đầu tiên.

Chúng tôi làm ra một sản phẩm chưa hoàn hảo, nhưng chúng tôi luôn cầu thị và ghi nhận ý kiến người dùng, để cải tiến sản phẩm hàng ngày.

Từ việc bị tẩy chay đến góp phần thay đổi thói quen đọc truyện

- Sau một thời gian ra mắt, webtoon của anh đạt được những thành tựu gì?

- Đầu tiên, tôi tự hào là người đi đầu trên thị trường. Các đơn vị sản xuất truyện tranh ở Hàn Quốc, Trung Quốc khi sang thị trường Việt Nam tìm đến công ty chúng tôi để đề xuất hợp tác.

Thứ hai, tôi nhận ra rằng, độc giả Việt sẵn sàng trả tiền cho các tác phẩm truyện bản quyền online. Khi làm Comi, những ngày đầu tiên, chúng tôi nhận được vô vàn những đánh giá 1 sao, bình luận tẩy chay vì “dám bán truyện bản quyền”.

Nhưng càng về sau, nhận thức của độc giả Comi càng thay đổi. Độc giả inbox chúng tôi, hỏi cách nạp tiền để mua truyện bản quyền. Độc giả phản biện với những bình luận tiêu cực đòi tẩy chay, một cách văn minh và có lý lẽ.

Chúng tôi đăng tải 100% truyện tranh bản quyền. Và chúng tôi cũng góp chút sức lực, thay đổi hành vi đọc truyện của độc giả trẻ, theo hướng văn minh và tích cực hơn.

Đọc truyện tranh về Lý Chiêu Hoàng trên webtoon Comi.

- Sách lậu, đặc biệt là truyện tranh không bản quyền là vấn nạn lớn của ngành sách nước ta. Anh phải đối mặt với vấn nạn này ra sao?

- Trong lĩnh vực online, khi không phải chịu chi phí in ấn, phân phối, dễ dàng ẩn danh và dễ dàng xóa bỏ dấu vết, thì vấn nạn truyện không bản quyền còn nan giải và nhức nhối hơn nhiều. Chi phí cực thấp, lợi nhuận qua quảng cáo cao nên nhiều đơn vị đăng truyện không bản quyền.

Nếu chỉ dựa vào sức lực của các công ty sáng tạo như chúng tôi thì không bao giờ có thể giải quyết được các vấn đề bản quyền. Tôi luôn mong chờ sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng, các đơn vị quản lý nhà nước.

Những năm qua, chúng tôi vẫn tự thân vận động. Chúng tôi đã cố gắng tìm ra thông tin của các đơn vị ẩn danh đứng sau những trang truyện lậu lớn nhất Việt Nam và thu lợi hàng trăm triệu mỗi năm. Tuy vậy, chúng tôi chỉ có thể thông báo tới cơ quan chức năng.

- Một số ý kiến cho rằng bỏ ra 3.000 đồng để đọc 1 tập truyện trên Comi là đắt, anh nghĩ sao?

- Chúng tôi hoàn toàn hiểu và thông cảm với độc giả, khi chuyển dịch từ thói quen đọc truyện tranh trên mạng miễn phí, đến việc phải thu phí sẽ có chút lấn cấn về mức giá. Giá cả một tập truyện trên webtoon của chúng tôi luôn được linh động điều chỉnh, dựa trên quy luật cung và cầu của thị trường.

Chúng tôi là đơn vị trung gian, đứng giữa tác giả và độc giả. Chúng tôi sẽ bằng mọi cách có thể để đem đến cho độc giả những sản phẩm truyện tranh có mức giá tốt, nhưng vẫn đảm bảo thu nhập chính đáng của tác giả.

Chúng tôi từng làm một khảo sát hơn 5.000 bạn đọc về hình thức hoạt động và mức giá dành cho mỗi tập truyện webtoon. Con số mức giá hiện tại là tổng hợp ý kiến, góp ý của 5.000 độc giả đó.

- Anh nghĩ gì về cơ hội phát triển webtoon tại Việt Nam trong những năm tới?

- Tôi có 2 cơ sở để tin vào việc webtoon sẽ phát triển tại Việt Nam trong những năm tới. Thứ nhất, từ kinh nghiệm làm truyện tranh nhiều năm qua, tôi hiểu được thói quen đọc của độc giả.

Thói quen đọc, hình thức thanh toán trực tuyến đa dạng, sự ủng hộ của quản lý nhà nước giúp webtoon phát triển thần kỳ ở Hàn Quốc.

Thứ hai, sự chuyển dịch tương tự đang diễn ra mạnh mẽ ở Hàn Quốc, Trung Quốc và Thái Lan… Thậm chí ở thành trì truyện tranh giấy là Nhật Bản cũng đang dịch chuyển lên webtoon. Khi các nước lân cận, tương đồng văn hóa với chúng ta họ chuyển dịch, thì không sớm thì muộn, chúng ta cũng sẽ chuyển dịch theo.

- Theo anh, vì sao webtoon có sự phát triển thần kỳ ở các quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc…?

- Có nhiều lý do dẫn tới việc webtoon có sự phát triển thần kỳ: Dân số trẻ, tỷ lệ dân số sử dụng điện thoại di động nhiều. Thứ hai là sự phát triển của các hình thức thanh toán trực tuyến. Thay vì phải ra hiệu sách mua và trả bằng tiền mặt, người trẻ ở Trung Quốc, Hàn Quốc dễ dàng thanh toán cho tác phẩm mình yêu thích thông qua một cú chạm vào màn hình điện thoại.

Thứ ba là sự ủng hộ của cơ quan quản lý nhà nước. Hàn Quốc là cái nôi khai sinh ra webtoon. Khi có dịp sang Hàn Quốc, tôi nhận thấy, chính phủ Hàn Quốc rất tự hào về loại hình kể chuyện mới này, và đầu tư rất nhiều, kể cả về tiền, và cả về chính sách để hỗ trợ cho các tác giả truyện tranh.

Tần Tần

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/toi-tung-bi-tay-chay-vi-dam-ban-truyen-tranh-ban-quyen-post1066168.html