Tổ chức bộ máy hoạt động Hội Nhà báo địa phương: Danh có chính, ngôn mới thuận

Vấn đề tổ chức bộ máy hoạt động của Hội Nhà báo địa phương từ lâu luôn là một trong những chủ đề “nóng” được nêu ra tại nhiều kỳ Đại hội, hội nghị, hội thảo hay tại các cuộc làm việc giữa Hội Nhà báo Việt Nam (HNBVN) với các ban, ngành chức năng và chính quyền địa phương. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành rất nhiều văn bản quan trọng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tạo đủ điều kiện tinh thần và vật chất cho HNBVN các cấp hoạt động. Tuy nhiên, trên thực tế các văn bản của Đảng, Nhà nước hiện hành về công tác Hội Nhà báo Việt Nam khi “xuống” đến cấp tỉnh đã gặp không ít khó khăn trong việc tổ chức thực hiện.

Vì sao khó?

Hơn 10 năm trở lại đây, Đảng và Chính phủ đã rất quan tâm đến hoạt động của Hội Nhà báo. Điều này thể hiện thông qua việc ban hành nhiều văn bản chỉ đạo như: Chỉ thị 37 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc “Tiếp tục nâng cao vai trò, chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cấp Hội Nhà báo Việt Nam trong thời kỳ mới”; Thông báo kết luận số 221-TB/TW của Ban Bí thư (khóa X); Chỉ thị 919- CT/TTg; Quyết định số 68/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ… Thông báo số 294/TB-VPCP về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc làm việc với lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam ngày 23/7/2013, gồm 12 điểm… trong đó có Điểm 3 đã chỉ đạo các Bộ, ngành địa phương tạo đủ điều kiện tinh thần và vật chất cho HNBVN các cấp hoạt động… Có thể khẳng định, đây là hệ thống các văn bản có tính nguyên tắc và pháp quy cơ bản nhất từ trước đến nay của Đảng, Chính phủ đối với HNB các cấp. Tuy nhiên, các văn bản này đến nay vẫn chưa được thực hiện đầy đủ trong thực tế.

Sau Đại hội HNBVN lần thứ X cả nước đã thống nhất sử dụng một Điều lệ chung. Đây sẽ là văn bản pháp lý quan trọng để các địa phương có cơ sở quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi, cụ thể là vấn đề tổ chức bộ máy để HNB địa phương hoạt động.

Bên cạnh đó, Đề án 422 của Hội Nhà báo VN ban hành từ năm 2009, trong đó có giải pháp củng cố và hoàn thiện bộ máy tổ chức, điều kiện hoạt động của HNB cấp tỉnh, tuy nhiên, khi triển khai thực hiện đã gặp phải không ít vướng mắc, nhất là về thể chế, cơ chế, chính sách. Thường trực HNB các địa phương đã căn cứ các văn bản của Trung ương, Chính phủ, Hội Nhà báo Việt Nam và các ngành liên quan để tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh về tổ chức bộ máy biên chế, chế độ chính sách đối với cán bộ chuyên trách, kinh phí hoạt động thường xuyên và mua sắm trang thiết bị. Cùng với đó, lãnh đạo HNBVN cũng đã có nhiều buổi làm việc với lãnh đạo các tỉnh về việc thực hiện Chỉ thị 919/ CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ… song ở rất nhiều địa phương kết quả vẫn chưa đạt được như mong muốn. Lý do không có văn bản nào của Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan quy định rõ tổ chức bộ máy, biên chế, kinh phí hoạt động. Đặc biệt, Chỉ thị 37- CT/TW ngày 18/3/2004 của Ban Bí thư T.Ư Đảng ra đời như một cột mốc quan trọng, như phao cứu sinh cho các cấp HNB vì nó đáp ứng được một số yêu cầu quan trọng cho hoạt động, song do việc chưa cụ thể hóa được Chỉ thị này nên hiệu quả vẫn còn rất khiêm tốn, mặc dù thời gian gần đây HNBVN đã rất tích cực để chỉ thị đi vào cuộc sống…

Phải định hình “mô hình” tổ chức bộ máy HNB địa phương

Tình trạng nhiều năm qua chúng ta không định hình được một mô hình chuẩn cho bộ máy HNB địa phương, theo nhà báo Trần Trọng Nghĩa- Ủy viên Ban Chấp hành HNBVN, TBT Báo Hải Phòng, có rất nhiều nguyên nhân, nhưng trước hết là do chúng ta còn thiếu những giải pháp, cơ chế cụ thể hóa những nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Đảng, Nhà nước về điều kiện hoạt động của các cấp Hội, nhất là các cấp Hội địa phương.

Lý giải về nguyên nhân này, nhiều cán bộ Hội cho rằng: Các văn bản của Đảng, Nhà nước về HNBVN sau khi ban hành chưa thực sự được coi trọng trong việc tổ chức thực hiện, từ phía các cơ quan hữu quan T.Ư, đến cấp ủy, chính quyền, cơ quan tham mưu cấp tỉnh (từ nhận thức vai trò, vị trí tổ chức Hội đến trách nhiệm lãnh đạo, quản lý, chu cấp các điều kiện hoạt động).

Bên cạnh đó, các văn bản “thể chế hóa” của Nhà nước, chủ yếu chỉ định tính, không định lượng. Thêm vào đó, các văn bản của Nhà nước về công tác Hội ở một mặt nào đó còn góp phần làm “phân tán” sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, do đánh đồng giữa Hội chính trị, xã hội, nghề nghiệp với các Hội ngành nghề khác…(như NĐ 88/NĐ-CP năm 2003). Thêm vào đó, tình trạng thực hiện không nghiêm túc các văn bản của Đảng, Nhà nước cũng đang diễn ra ở nhiều lĩnh vực trong hệ thống chính trị… vì thế mà việc thực hiện các chính sách đối với HNB cũng không là ngoại lệ.

Do đó, việc định hình cho được “mô hình” tổ chức bộ máy HNB địa phương là điều vô cùng cần thiết, đây chính là cái gốc cần giải quyết kịp thời. Nhà báo Phạm Thành- Phó Chủ tịch Thường trực HNB tỉnh Hưng Yên cho rằng: HNBVN muốn mạnh thì trước hết bộ máy HNB địa phương cần phải đảm bảo sự thống nhất cơ bản. Vì vậy, Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam cần tích cực chủ động, và làm bằng được việc cụ thể hóa Chỉ thị 37- CT/TW; tiếp tục phối hợp, đề nghị các bộ, ngành như Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính… sớm cụ thể hóa định mức về biên chế, kinh phí thường xuyên, trụ sở, phương tiện hoạt động ở các HNB địa phương; từ đó có văn bản liên ngành gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và chỉ đạo các Hội địa phương thực hiện.

Nhiều HNB địa phương nêu đề xuất: Về tổ chức bộ máy HNB địa phương cần được quy định một cách thống nhất. Đó là biên chế ổn định cho cơ quan Văn phòng Hội ít nhất cũng là 5 người gồm Chủ tịch, hoặc Phó Chủ tịch chuyên trách và các viên chức như cán bộ nghiệp vụ, kế toán, văn phòng… Những Hội có nhiều hội viên, nhiều Chi hội thì số lượng cán bộ viên chức Văn phòng Hội có thể nhiều hơn. Đồng thời, cần quy định cụ thể về nguồn kinh phí hỗ trợ hàng năm của Nhà nước đối với tổ chức HNB, tránh tình trạng mỗi năm, HNB phải vất vả xin kinh phí hoạt động.

Được biết, hiện nay, Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã và đang nỗ lực triển khai các kết luận chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc ngày 23/7/2013, đặc biệt là điểm 6: “ HNB VN căn cứ quy định hiện hành về quản lý biên chế và yêu cầu, nhiệm vụ mới được giao, xây dựng Đề án về việc tăng biên chế cho văn phòng các cấp HNBVN, trong đó làm rõ các vị trí, chức danh theo quy định, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, gửi Bộ Nội vụ thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”. Một điều vô cùng quan trọng là sau Đại hội HNBVN lần thứ X, HNBVN đã thống nhất sử dụng một Điều lệ chung cho tất cả các cấp Hội. Đây sẽ là văn bản pháp lý quan trọng, tạo nhiều điều thuận lợi, để các địa phương có cơ sở quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ về tinh thần, các điều kiện vật chất quan trọng, thuận lợi cho các cấp Hội Nhà báo trong các hoạt động và xây dựng, phát triển trước tình hình mới.

Dẫu biết rằng, điều kiện “cần và đủ” của HNB các tỉnh, thành phố có thể không giống nhau, do đặc điểm, điều kiện của từng địa phương nhưng việc sớm hoàn thiện được cơ cấu bộ máy tổ chức chính là điều kiện vô cùng quan trọng để Hội Nhà báo địa phương hoạt động một cách vững chắc và hiệu quả.

Danh mới chính, ngôn mới thuận” là điều mà các cấp Hội địa phương đang rất cần. Vì từ đó, hành lang pháp lý , điều kiện hoạt động cho các cấp Hội, nhất là các cấp Hội tỉnh, thành phố mới được thiết lập, thuận lợi và đồng nhất, tạo điều kiện cho Hội địa phương thoát khỏi tình trạng ba không, từng bước phát triển bền vững, góp phần tạo nên sức mạnh tổng thể của Hội Nhà báo Việt Nam. Vì các cấp Hội địa phương mạnh thì Hội Trung ương mới mạnh.

Ngọc Lành

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/danh-co-chinh-ngon-moi-thuan/