Tinh thần nhập thế của Hòa thượng Như Hiển – Chí Thiền

Hòa thượng Như Hiển - Chí Thiền, không những là một người đức độ, một trí thức, học thức uyên thâm, mà còn thể hiện tinh thần nhập thế cao cả, sống vì tha nhân, ông đã đóng góp sức lực và trí tuệ trong công cuộc hoằng pháp độ sinh, đóng góp công sức rất lớn cho phong trào chấn hưng

Mục lục bài viết

Hòa thượng Như Hiển – Chí Thiền, không những là một người đức độ, một trí thức, học thức uyên thâm, mà còn thể hiện tinh thần nhập thế cao cả, sống vì tha nhân, ông đã đóng góp sức lực và trí tuệ trong công cuộc hoằng pháp độ sinh, đóng góp công sức rất lớn cho phong trào chấn hưng

1. Thân thế và sự nghiệp của Hòa thượng Như Hiển – Chí Thiền
2. Tinh thần nhập thế của Hòa thượng Như Hiển – Chí Thiền

Hòa thượng Như Hiển – Chí Thiền, không những là một người đức độ, một trí thức, học thức uyên thâm, mà còn thể hiện tinh thần nhập thế cao cả, sống vì tha nhân, ông đã đóng góp sức lực và trí tuệ trong công cuộc hoằng pháp độ sinh, đóng góp công sức rất lớn cho phong trào chấn hưng

TT.TS.Thích Lệ Quang
Trưởng ban Giáo dục Phật giáo quận Tân Bình, Tp.HCM

TÓM TẮT: Trong lịch sử phát triển của Phật giáo Việt Nam nói chung, Phật giáo miền Tây Nam bộ nói riêng, Hòa thượng Thích Chí Thiền là một danh tăng tiêu biểu của Phật giáo Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX; cuộc đời của ông gắn liền với những thăng trầm của đất nước và sự thịnh suy của Phật giáo lúc bấy giờ.

Một trong những điểm nổi bật mà Hòa thượng Thích Chí Thiền để lại cho thế hệ Tăng, Ni về sau, đó là tinh thần nhập thế phụng sự đạo pháp và dân tộc. Bài viết tập trung phân tích làm rõ về cuộc đời, sự nghiệp của ông; tinh thần nhập thế, góp phần tham gia vào sự nghiệp chấn hưng Phật giáo, giáo dục, đào tạo Tăng, Ni; lấy triết lý đạo đức nhân sinh của Phật giáo phục vụ cho đời sống nhân dân và lợi ích của dân tộc.

Từ khóa: Thích Chí Thiền, tinh thần nhập thế, cuộc đời, sự nghiệp Thích Chí Thiền.

Phật giáo Việt Nam đã đồng hành cùng dân tộc Việt nam trong suốt chặng đường đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Trong mỗi giai đoạn lịch sử của dân tộc, Phật giáo luôn luôn thể hiện tinh thần yêu nước, góp phần cống hiến sức lực và trí tuệ, phục vụ lợi ích cho đồng bào, bảo vệ quốc gia, dân tộc.

Trong dòng chảy của lịch sử Phật giáo Việt Nam, vào nửa đầu thế kỉ XX, tại vùng đất Nam bộ, đã xuất hiện các bậc danh tăng, các thiền sư, các nhà trí thức… với những tư tưởng tiến bộ, tâm tư hoài bão hết sức cao cả, nhằm góp phần chấn hưng Phật giáo trong giai đoạn suy tàn.

Một trong những nhà tư tưởng lớn ghi dấu ấn sâu sắc ở miền Tây Nam bộ, đó là Hòa thượng Như Hiển – Chí Thiền (1861-1933). Ông không chỉ là một nhà sư yêu nước, một vị thiền sư đắc đạo, mà còn là một tăng sĩ với tư tưởng nhập thế phụng sự đạo pháp và dân tộc hết sức sâu sắc, mang đậm tính nhân văn của Phật giáo thời hiện đại.

Như C. Mác đã nói: “Các triết gia không mọc lên như nấm từ trái đất, họ là sản phẩm của thời đại mình, của dân tộc mình, mà dòng sữa tinh tế nhất, quý giá và vô hình được tập trung lại trong những tư tưởng triết học” [1]. Tư tưởng của Ông là ngọn đuốc tinh thần cho thế hệ tăng, ni Phật giáo miền Tây Nam bộ tiếp thu, kế thừa và tiếp bước trong sứ mệnh hoằng pháp lợi sinh.

1. Thân thế và sự nghiệp của Hòa thượng Như Hiển – Chí Thiền

Hòa thượng Thích Chí Thiền[2], thế danh là Nguyễn Văn Hiển. Ngài sinh tháng 02 năm Tân Dậu (1861) tại xã Chiêm Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, trong một gia đình nhiều đời làm quan triều đình và có lòng kính tin Phật pháp. Ông nội là Hộ Quốc Công Nguyễn Công Thành, dưới triều Tự Đức, thân phụ là quan Tổng Trấn Quảng Nam.

Tương truyền cuộc đời ngài còn gắn liền với những huyền bí, mầu nhiệm, mẹ ngài nằm mộng thấy Bồ tát Quan Âm dắt vị Bồ tát giáng trần nhập thai. Khi ngài sinh ra, thì trong nhà có hương thơm tràn đầy, cả nhà ai nấy cũng đều hoan hỷ[3]. Ngài lớn lên trong sự giáo dục truyền thống lễ giáo, gia phong, được đào tạo văn võ một cách song toàn. Tuy nhiên, thân phụ mất sớm, ngài phải sống nương tựa vào mẹ và tiếp tục phấn đấu học hành để lo cho cuộc sống.

Năm 1878 (Mậu Dần), khi ngài 18 tuổi, vua sắc chỉ trọng dụng con công thần làm quan, ngài được bổ nhậm làm quan Hậu Bố tại hạt Khánh Hòa. Tuy làm quan, có tài kinh lược; song, ngài vẫn không cảm thấy thích thú với con đường quan lộ như truyền thống của gia đình.

Vốn có tinh thần yêu nước, yêu dân tộc, ngài bí mật tham gia phong trào khởi nghĩa Văn Thân, một phong trào quần chúng do các nho sĩ Việt Nam lãnh đạo với mục đích phản đối thực dân Pháp xâm chiếm nước ta. Tuy nhiên phong trào Văn Thân bị thất bại, tan rã, ngài phải lánh nạn vào miền Nam ở đất Gia Định để tránh sự theo đuổi của quan quân triều đình và mật thám Pháp.

Năm 1881 (Tân Tỵ), trong thời gian ở đất Gia Định, ngài cảm nhận cuộc đời là vô thường, danh lợi như chiếc bóng thoáng qua, đời người chỉ là giấc mộng, phù hoa. Ngài đến chùa Giác Viên xin xuất gia học đạo với tổ Phương Minh, húy Minh Mai, được Tổ thâu nhận làm đệ tử với pháp húy Như Hiển, hiệu Chí Thiền nối pháp đời thứ 39 của dòng thiền Lâm Tế Gia Phổ.

Sau đó, ngài được bổn sư giới thiệu đến học đạo và cầu pháp với tổ Minh Khiêm – Hoằng Ân – bậc danh tăng lỗi lạc đương thời (chùa Giác Lâm). Từ đó, ngài theo thầy để học đạo, phát nguyện bửa củi, gánh nước, giã gạo v.v… không nề gian lao, khổ cực suốt một thời gian dài. Mặt khác, ngài phát nguyện nhập thất ba năm và được thầy ban pháp ấn.

Chùa Giác Sơn sau khi xây dựng hoàn thành, ngài được cắt cử làm Thủ tọa chăm sóc trong ngoài. Năm 1899, sau khi Hòa thượng Bổn sư viên tịch, ngài được đề cử trụ trì chùa Giác Sơn.

Năm 1900 (Nhâm Ngọ), sau khi sắp đặt mọi chuyện trong chùa xong, ngài cùng đệ tử từ giã hết tất cả huynh đệ đi thẳng vào vùng núi Thất Sơn (thuộc tỉnh An Giang ngày nay) để ẩn dật tu hành. Ban đầu ngài ở tại núi Cấm (ở vị trí đặt Phật Di Lặc hiện nay), một thời gian sau ngài được thỉnh về trụ trì tại chùa Phi Lai (hay còn gọi là Phi Lai cổ tự) tại Châu Đốc.

Năm 1927 (Đinh Mẹo), ngài chứng minh lễ khai giảng lớp học Tăng ở chùa Giác Hoa tỉnh Sóc Trăng.

Năm 1929 (Kỷ Tỵ), ngài chứng minh Đại giới đàn chùa Trùng Khánh ở Phan Rang.

Năm 1932 (Nhâm Thân), sau khi Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học được thành lập, ngài tham gia vận động trực tiếp cổ xúy cho Hội, khuyến khích Phật tử tích cực ủng hộ hầu làm cho ngôi nhà chính pháp thêm vững mạnh, huy hoàng.

Năm 1933, ngài thọ bệnh và an nhiên thâu thần thị tịch, vào ngày rằm tháng 2 năm Quí Dậu. Ngài trụ thế được 73 năm, hành đạo 52 năm. Bảo tháp của ngài được xây tại chùa Phi Lai Châu Đốc.

Hơn 50 năm hành đạo, Hòa thượng Như Hiển – Chí Thiền, không những là một người đức độ, một trí thức, học thức uyên thâm, mà còn thể hiện tinh thần nhập thế cao cả, sống vì tha nhân, ông đã đóng góp sức lực và trí tuệ trong công cuộc hoằng pháp độ sinh, đóng góp công sức rất lớn cho phong trào chấn hưng và giúp đỡ các phong trào yêu nước chống Pháp, vì lợi ích của quốc gia, dân tộc.

2. Tinh thần nhập thế của Hòa thượng Như Hiển – Chí Thiền

Tinh thần nhập thế được xem là một trong những đặc điểm của Phật giáo Việt Nam. Khái niệm nhập thế (入世) được định nghĩa là: “Vào trong cuộc đời, nghĩa là người làm công việc với xã hội, trái với xuất thế là những người đi tu đi ẩn, không gánh vác việc đời” [4]; tuy nhiên, Đại từ điển tiếng Việt thì khái niệm nhập thế được định nghĩa là: “Vào gánh vác việc đời, không xa lánh cõi đời” [5].

Khái niệm nhập thế được cho là xuất phát từ quan niệm của trường phái Nho giáo, để chỉ cho hành động của một con người bước vào xã hội gách vác công việc của xã hội. Song, khái niệm nhập thế cũng xuất hiện trong Phật giáo, từ thời đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Trong Tương Ưng bộ kinh, ngài đã khuyên dạy các tỳ kheo hãy đem giáo pháp truyền bá khắp nơi, mục đích là vì sự an lạc, hạnh phúc, giải thoát khổ đau của loài người.

Nhập thế theo tinh thần Phật giáo là đem cái hiểu biết về đạo của mình phổ độ cho chúng sinh, cứu giúp cho đời, đó gọi là nhập đạo vào đời sống con người bằng tinh thần Từ, Bi, Hỷ, Xả của đạo Phật. Cụm từ “Phật giáo nhập thế” ngày càng phổ biến, ngày càng hòa quyện trong đời sống, như một chất keo kết dính cộng đồng.

Ngày nay khái niệm “Engaged Buddhism”, được dịch nghĩa là “đạo Phật dấn thân”, “Phật giáo nhập thế”, hay “đạo Phật đi vào cuộc đời”. Khái niệm đã được thiền sư Nhất Hạnh giới thiệu về Phật giáo ở các nước phương Tây. Phật giáo nhập thế, nghĩa là Phật giáo tham gia vào xã hội bằng nhiều hình thức khác nhau, để đóng góp về mặt tinh thần lẫn vật chất, giúp ích cho con người, xã hội ngày càng tốt hơn, hoàn thiện hơn.

Qua đó cho thấy, Phật giáo nhập thế ngày càng tham gia sâu rộng trong đời sống xã hội; đồng thời, Phật giáo cũng góp phần giải quyết những vấn đề đang tồn tại trong xã hội con người như lối sống, tình cảm, đạo đức, tâm lý… Một học giả phương Tây B. King, trong công trình nghiên cứu về Phật giáo “Socially Engaged Buddhism- Dimensions of Asian Spirituality”, cũng đã có nhận xét rằng Phật giáo nhập thế ngày nay, là một hình thức của “Phật giáo đương đại”.

Tư tưởng nhập thế của Phật giáo Việt Nam góp phần cùng với dân tộc chống lại sự đồng hóa của ngoại bang, góp phần tạo nên bản sắc truyền thống văn hóa Việt Nam. Có thể nói, nếp sống văn hóa Phật giáo đi sâu vào mỗi cá nhân, gia đình, xã hội như nước thấm vào lòng đất mẹ một cách tự nhiên, chan hòa, khoan dung, phù hợp với điều kiện, thực tiễn lịch sử của dân tộc.

Trên tinh thần đó, Hòa thượng Chí Thiền đã ra sức tham gia, hoạt động các phong trào xã hội như cứu tế giúp dân nghèo vượt qua khó khăn, tham gia vận động phong trào chấn hưng Phật giáo, hơn thế nữa là thể hiện tinh thần yêu nước, yêu dân tộc trong những năm đất nước bị đô hộ của thực dân Pháp.

Năm 1892, nhân dân Gò Công gặp bão lụt lớn, đây được xem là trận bão lụt lớn nhất miền Nam, làm chết khoảng 16.000 người, ngài đã vận động ghe thuyền với sự trợ sức của tăng sĩ, các tín đồ tỉnh Gò Công, ra sức cứu giúp gần một vạn người đang bị nước cuốn trôi.

Sau khi bão lụt đi qua, ngài tổ chức lễ cầu siêu cho những người đã mất. Theo Việt Nam Phật giáo sử luận ghi lại công hạnh của ngài: “Một mình ông đi thu thập được năm mười thi hài nạn nhân, đem khâm liệm, mai táng và tụng kinh siêu độ” [6]; đồng thời vận động xây cất nhà cửa, dọn dẹp những căn nhà đổ nát và cấp phát thuốc men ngừa bệnh cho mọi người.

Năm 1895, tại Châu Đốc, một thảm họa do nước lũ ngập úng, cây cối hoa màu không sinh sôi nảy nở, mùa màng tổn thất. Ngài đã đem lương thực của chùa ra phân phát, kêu gọi dân chúng lên núi vào ở ngay trong chùa, đợi cho đến khi nước rút mới thôi, theo Việt Nam Phật giáo sử luận ghi rằng: “Ông đốc suất ghe xuồng ra cứu vớt được hơn 500 người và cho về chùa, nuôi cho đến khi nước rút” [7]. Do đó, mà người dân đã thoát qua được những trận thiên tai địa ách. Trong Lịch sử Đại đức Hòa thượng Phi Lai, thầy Thiện Minh đã viết:

“Lê dân gặp lúc thảm sầu,
Nước lên quá lẹ khỏi đầu mái hiên,
Đại-đức truyền bảo dọn thuyền,…
Rao cho dân chúng hay đều,
Thuyền ông Đại-đức ra kêu rước về,
Ở đây sợ nổi canh khuya,
Gió dông bất trắc mau lia lên thuyền…
Mấy trăm nhơn số chay trường,
Vào chùa cứ việc dưa tương mà dần…”.[8]

Nét đẹp của ngài đã để lại cho người dân miền sông nước Tây Nam bộ một ấn tượng sâu sắc về một con người thánh thiện, một nghĩa cử cao đẹp với hình ảnh chống chọi với thiên nhiên, vật lộn với lũ dữ để cứu lấy từng mạng sống con người. Nó thể hiện tinh thần Từ bi cao cả của ngài, mang đậm tính nhân văn của Phật giáo.

Cùng với đó, không những ngài Chí Thiền (Thành) biểu hiện ở những hành động, việc làm thiết thực, bình dị thường nhật trong cuộc sống cứu giúp dân nghèo thoát khỏi cơn đói rét, cung cấp thuốc men, xây dựng nhà cửa cho dân, mà ông còn thể hiện tinh thần hoằng pháp, lợi sinh, chấn hưng Phật pháp.

Vào thập niên 30, 40 của thế kỷ XX, khi công cuộc phục hưng Phật giáo, dưới sự khởi xướng của Hòa thượng Khánh Hòa và các vị thiền sư danh tiếng như thiền sư Từ Phong ở chùa Giác Hải, thiền sư Huệ Quang, thiền sư Khánh Anh…bắt đầu đi vào hoạt động, Hòa thượng Khánh Hòa đã đi vận động khắp miền Nam để tìm kiếm sự ủng hộ về tài chính của các chùa, các vị có tâm huyết nhằm sáng lập tòng lâm Phật học hội, xây dựng trường Phật học.

Trước lời thỉnh cầu của Hòa thượng Khánh Hòa về việc thành lập Thư xã và Phật học đường, ngài Chí Thiền đã ủng hộ 300 đồng tiền Đông Dương, ngài nói: “Hôm tháng Giêng có ông giáo Thiện Tòng lên đây xin Đại tạng kinh để vào Thư xã, tôi chịu cúng 300 đồng. Tôi định số tiền ấy để làm trường học, vì trường học là cần thiết” [9].

Tại Châu Đốc, ngài đã tiếp lửa cho phong trào chấn hưng bằng việc mở các lớp Phật học tại chùa, giảng dạy cho tín đồ Phật tử, đào tạo thế hệ tăng trẻ, mở rộng thêm trường Phật học dành cho Ni giới ở Bạc Liêu.

Theo Việt Nam Phật giáo sử luận, Nguyễn Lang, viết:“ Tại chùa Phi Lai ở Châu Đốc, thiền sư Chí Thành quy tụ tăng sĩ về giảng dạy hàng năm. Dưới sự hướng dẫn của ông, một trường Phật học dành cho Ni giới được tổ chức tại chùa Giác Hoa ở Bạc Liêu, có trên một trăm học Ni tham dự” [10].

Ngài đã đào tạo nhiều thế hệ tăng trẻ có tài đức, nối tiếp sự nghiệp của Tổ, trùng hưng Phật giáo, có thể thấy tiêu biểu như: HT. Hồng Pháp, Hồng Diệu, Hồng Nhẫn, Hồng Nhơn, Hồng Tôi, Hồng Xứng, Hồng Mão, Hồng Nở, Hồng Minh, Hồng Tòng, Hồng Thông, Hồng Sáng, Hồng Chương, Hồng Trung…

Đặc biệt, trong số những người đệ tử, có vị đã trở thành bậc danh tăng đương thời như đức Tăng Thống GHPG Lục Hòa Tăng Việt Nam từ năm 1952, là Hòa thượng Thích Hồng Tòng – Đại Tăng trưởng; Viện trưởng Viện Hóa đạo GHPGVN Thống Nhất (giai đoạn 1966 – 1973), là Hòa thượng Thích Hồng Nở; Chủ tịch HĐTS GHPGVN (giai đoạn 1984 – 2014) là Hòa thượng Thích Nhựt Bình; Chủ tịch HĐTS GHPGVN từ năm 2014 đến nay, là Hòa thượng Thích Lệ Huy.

Có thể thấy đức độ và tài năng của ngài trong các hoạt động xã hội, xả thân vì chúng sinh, nhất là đối với đồng bào miền Tây Nam bộ hết sức cao cả, chính vì thế ngài đã được Lục Cả chùa Tà Lạp ở Campuchia hiến cúng pho tượng Phật cổ hàng trăm năm bằng vàng, với ý nghĩa hết sức trân quý đối với Hòa thượng, thể hiện tinh thần “linh sơn cốt nhục” và tình hữu nghị giữa hai nước láng giềng.

Mặt khác, ngài từ nhỏ vốn đã có tinh thần yêu nước nồng nàn, có ý thức trách nhiệm đối với dân tộc, ngài đã từng tham gia hoạt động trong phong trào Văn Thân để chống thực dân Pháp. Yêu nước là nền tảng tinh thần quý báu của dân tộc ta trong suốt chặng đường đấu tranh chống giặc ngoại xâm; là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ lịch sử của dân tộc Việt Nam từ cổ chí kim.

Lòng yêu nước, ý chí độc lập, tự cường dân tộc được biểu hiện qua các cuộc khởi nghĩa của bà Triệu chống ách đô hộ nhà Ngô năm 248, khởi nghĩa của Lý Bí vào năm 542 đánh tan nhà Lương, chiến thắng của Ngô Quyền đánh giặc Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 939, hay những chiến công vang vội, ba lần chiến thắng quân xâm lược Nguyên – Mông của quân và dân nhà Trần…

Tinh thần yêu nước và đoàn kết dân tộc đã được tiếp thu, kế thừa trong những sứ mệnh cao cả của các nhà hoạt động cách mạng, các sĩ phu yêu nước, các tăng sĩ Phật giáo, chống lại sự đô hộ của thực dân Pháp xâm lược.

Trong những năm 30,40 của thế kỷ XX, thực dân Pháp đã chia cắt đất nước ta; đồng thời mang theo văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo phương Tây truyền bá vào Việt Nam, với những mục đích khác nhau, nhằm đồng hóa dân tộc Việt Nam theo văn hóa phương Tây, xóa dần tín ngưỡng, tôn giáo, văn hóa truyền thống của người Việt. Cùng với đó, là Phật giáo bị chèn ép, kỳ thị, hạn chế sinh hoạt tôn giáo trong cộng đồng.

Do đó, phong trào chấn hưng Phật giáo là một trong những hoạt động mang nhiều ý nghĩa thiết thực, kêu gọi toàn dân đoàn kết, bảo vệ văn hóa truyền thống dân tộc, góp phần đấu tranh giải phóng dân tộc. Đoàn kết đấu tranh bảo vệ dân tộc khỏi ách thống trị của thực dân, chính là bảo vệ Phật giáo trường tồn.

Bởi vì: Thứ nhất, nước mất, nhà tan thì Phật giáo không thể hoằng pháp độ sinh; thứ hai, đời sống người dân cơ cực, mất tự do, sống trong đói nghèo thì Phật giáo không thể an vui trong cảnh khổ đau của đồng bào; thứ ba, là tăng sĩ thì phải có tinh thần trách nhiệm đối với dân tộc, với đạo pháp.

Do đó, chư Tôn đức đã ý thức được rằng muốn bảo vệ văn hóa truyền thống dân tộc, bảo vệ Phật giáo trường tồn, thì chỉ có một con đường đó là đoàn kết, tập hợp trong một tổ chức tạo nên sức mạnh nhằm chấn hưng đạo pháp trong giai đoạn khó khăn của đất nước.

Do vậy, các bậc tôn túc lúc bấy giờ, các nhà tri thức Phật giáo, các cư sĩ có tâm huyết đã quyết tâm chỉnh đốn lại bằng cách mở trường Phật học, dịch kinh điển sang chữ quốc ngữ cho Tăng – Ni, xây dựng các cơ sở từ thiện xã hội, xuất bản các tờ tạp chí với mục đích giúp đỡ nhau cùng học Phật và hoằng pháp, nêu cao tinh thần dân tộc.

Có thể nói, một trong những giá trị vàng son của truyền thống dân tộc Việt Nam từ thời dựng nước và giữ nước đó là giá trị tinh thần đoàn kết dân tộc, tinh thần yêu nước, yêu quê hương đã trở thành dòng chủ lưu trong đời sống dân tộc Việt Nam, nó trở thành một dạng triết lý xã hội và nhân sinh trong tâm hồn con người Việt Nam, là truyền thống quý báu của dân tộc ta, trong đó có Phật giáo Việt Nam được hun đúc trong thực tiễn lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Ngài có những hoạt động bí mật với những sĩ phu yêu nước, như Phan Bội Châu, Phan Đình Phùng, hoàng thân Cường Để… nhằm hỗ trợ cho phong trào yêu nước; mặt khác chùa Phi Lai là nơi bí mật để gặp gỡ các nhà hoạt động chống thực dân Pháp.

Năm 1903, ngài đã có buổi gặp mặt với nhà hoạt động Phan Bội Châu và có những lời khuyên hết sức sâu sắc: “… Phàm muốn làm việc gì bí mật, có bàn bạc với nhau, chỉ nên ở giữa trời xanh, ngày trắng, hoặc ở đồng trống đường to, không nên ở chỗ đêm khuya, nhà kín, tai mắt mình không thể phòng được xa, chỉ làm thêm cơ hội những ai muốn rình xét…”.

Chính vì vậy, sau vụ ông Bảy Do – Chưởng giáo Nam Cực Đường bị bắt vào năm 1917, mật thám Pháp bắt đầu nghi ngờ Hòa thượng có liên hệ, hỗ trợ cho các sĩ phu yêu nước hoạt động chống chính quyền. Do đó, chính quyền Pháp đã bắt giam Hòa thượng tại khám lớn Sài Gòn hơn 10 tháng để điều tra về thân thế của ông. Tuy nhiên, do không đủ chứng cứ để ghép tội, nên chính quyền Pháp buộc trả tự do cho Hòa thượng về chùa Phi Lai.

Tóm lại, trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Thích Chí Thiền là một trong những người yêu nước, một danh tăng nổi tiếng của Phật giáo miền Tây Nam bộ thế kỷ XX.

Là một người yêu nước, ông luôn luôn có tinh thần trách nhiệm với đồng bào, với dân tộc, không tham phú quý, vinh hoa, không an phận cảnh giàu sang mà quên đi cuộc sống bị áp bức của dân tộc mình, ông đã tham gia vào phong trào Văn Thân chống thực dân Pháp xâm lược.

Là một vị tăng sĩ, ngài luôn luôn nghiêm trì giới pháp, tinh tấn tu trì thiền quán, có đức an nhẫn, mật hạnh và khiêm cung sâu dày; do đó mà Hòa thượng Khánh Anh xem ngài là “bậc chân tu bậc nhất” [11] đương thời.

Trên cơ sở đặc điểm, yêu cầu của thực tiễn lịch sử – xã hội Việt Nam vào thập năm 30, 40 của thế kỷ XX, ông đã dấu thân vào đời bằng tinh thần nhập thế hết sức tích cực như cứu tế dân nghèo, cứu giúp đồng bào bị lũ lụt, xây nhà tình thương, cung cấp thuốc men cho người dân bị tai nạn, mở đàn cầu siêu cho những nạn nhân đã mất trong các trận thiên tai, lũ lụt.

Cao hơn nữa, đó là tham gia vào phong trào chấn hưng Phật giáo; một phong trào mang nhiều ý nghĩa to lớn, thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc và chỉnh đốn lại đoàn thể tăng già đang trên đà suy thoái về phẩm chất đạo đức, chư Tăng phần lớn nghiên về cúng tế, mà bỏ quên nghiên cứu triết lý của Phật giáo; Phật giáo lúc này nặng về tín ngưỡng hơn tư duy.

Ông cùng với các vị danh tăng đương thời mở trường dạy học, đào tạo tăng tài phục vụ Giáo hội. Song song đó, là kêu gọi mọi người đoàn kết với nhau để bảo vệ Phật giáo, bảo vệ dân tộc trong giai đoạn đất nước chiến tranh loạn lạc.

Tinh thần yêu nước, đoàn kết một lòng tham gia hoạt động chống thực dân Pháp của các vị danh tăng đương thời nói chung, Hòa thượng Như Hiển – Chí Thiền nói riêng hết sức cao cả, mang đậm tính nhân văn của Phật giáo, nó mang ý nghĩa đạo đức của Phật giáo, có tính giáo dục con người trong việc khuyên răn mọi người làm việc thiện, giúp ích cho đời, sống không vì bản thân, mà vì tha nhân “Thương người như thể thương thân”, đoàn kết thương yêu nhau, lo cho dân cho nước.

Nhằm mục đích khuyên răn mọi người sống tốt đời, đẹp đạo, sống có đạo đức, xây dựng xã hội trên triết lý đạo đức nhân sinh của Phật giáo và cao hơn nữa là xây dựng tinh thần đoàn kết, bảo vệ dân tộc, bảo vệ ngôi nhà Phật giáo trong thời đại ngày nay.

TT.TS.Thích Lệ Quang
Trưởng ban Giáo dục Phật giáo quận Tân Bình, Tp.HCM

***

PDF PRINT

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/tinh-than-nhap-the-hoa-thuong-nhu-hien-chi-thien.html