Tinh thần là cố gắng sớm nhất, nhưng phải khả thi!

Cho ý kiến với các Tờ trình của Chính phủ về ba dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1) tại phiên họp chiều qua, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đồng tình với đề xuất của Chính phủ về sự cần thiết của cả dự án, nhưng còn một số vấn đề cụ thể về vốn thực hiện, khả năng giải ngân cũng như tính hợp lý của hướng tuyến… cần được làm rõ. Như lưu ý của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, 'tinh thần là cố gắng sớm nhất, nhưng phải bảo đảm tính khả thi'.

Nguồn vốn chưa rõ ràng

Theo các Tờ trình của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ba dự án đều sử dụng 5 nguồn vốn thực hiện. Đó là từ nguồn vốn thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã được phân bổ của Bộ Giao thông Vận tải; từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; nguồn ngân sách địa phương tham gia đầu tư; nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021; nguồn vốn năm 2026 được ưu tiên bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030. Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải cũng báo cáo số lượng cụ thể các nguồn vốn có thể huy động được từ 5 nguồn nêu trên.

Tuy nhiên, khả năng giải ngân, hấp thụ vốn, tính khả thi trong huy động nguồn vốn thực hiện của 3 dự án nêu trên là vấn đề mà các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, đề nghị làm rõ. Lý lẽ là bởi việc đề nghị triển khai thực hiện nhiều dự án đường cao tốc trong cùng một thời gian, trong đó tập trung chủ yếu vào giai đoạn 2022 - 2025 sẽ cần một nguồn lực vô cùng lớn. Thẳng thắn chỉ ra tính thiếu khả thi về nguồn vốn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, nhiều nội dung vẫn chưa được xác định rõ khi nhìn vào phương án huy động vốn của từng dự án cụ thể.

Dẫn ví dụ từ dự án Buôn Mê Thuột - Khánh Hòa, Chủ tịch Quốc hội nêu vấn đề: Tổng mức đầu tư của dự án dự kiến là 17.553 tỷ đồng, nhưng lập luận đưa ra là sẽ tiến hành chỉ định thầu xây lắp tiết kiệm được 5%, cho nên sẽ dôi ra 708 tỷ đồng và như vậy tổng mức đầu tư sẽ chỉ còn 16.845 tỷ đồng. "Tôi chưa thấy trong lịch sử về làm đầu tư công mà đi trình kiểu này". Thẳng thắn chỉ ra điều này, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, "708 tỷ đồng này là chưa xác định, nếu chúng ta tiết kiệm được thì khi quyết toán mới biết, còn bây giờ quyết cái chưa biết có hay không, tôi thấy rất không xác định, nó là một biến số thì làm sao Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết để trình Quốc hội xem xét, quyết định 708 tỷ đồng này". Cho nên, "theo tôi dứt khoát phải có đủ 17.553 tỷ đồng...", Chủ tịch Quốc hội nói.

Tương tự như vậy, trên cơ sở chỉ rõ những điểm "chưa xác định", "chưa thuyết phục", "thiếu khả thi" về nguồn vốn, điều kiện chuẩn bị đầu tư cũng như năng lực của các địa phương trong trường hợp được chỉ định phân cấp vốn đầu tư... Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ, bộ, ngành có liên quan "nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, giải trình thuyết phục, bảo đảm được tính khả thi khi chúng ta quyết định các dự án quan trọng này".

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể phát biểu tại phiên họp
Ảnh: Quang Khánh

Phải có cam kết trách nhiệm

Tuy còn một số vấn đề cần nghiên cứu, giải trình làm rõ, song về quan điểm, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều khẳng định sự cần thiết, cấp thiết của ba dự án quan trọng này đối với sự phát triển của các địa phương cũng như cả khu vực có dự án đi qua.

Như giải trình của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, thì "ba dự án này đều hết sức cần thiết". Ví dụ, dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu thì "cần thiết gấp lắm để làm sao đưa hàng xuống cảng Cái Mép - Thị Vải, giảm ùn tắc giao thông trên Quốc lộ 51. Quốc lộ 51 hiện đã quá tải nghiêm trọng và không còn khả năng để vận chuyển hàng xuống Cái Mép - Thị Vải". Hay với dự án đường bộ cao tốc Buôn Mê Thuột - Khánh Hòa, thì "cả một vùng Tây Nguyên hiện nay chưa có 1km đường cao tốc nào. Vùng Tây Nguyên địa hình rất rộng, rất thuận lợi. Do đó, với dự án này sẽ có hơn 117km kết nối trực tiếp với cảng Vân Phong - như vậy Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Gia Lai có thể đột phá về phát triển kinh tế - xã hội...". Riêng "Châu Đốc - Cần Thơ - Trần Đề, chúng ta kết nối một trục trung tâm đồng bằng sông Cửu Long. Đồng bằng sông Cửu Long hiện là một trong những vùng rất ít cao tốc... Trục này sẽ chuyển đổi cơ cấu kinh tế rất lớn cho cả vùng, bởi sẽ kết nối với sân bay Cần Thơ, cảng Trần Đề, đặc biệt là kết nối qua Campuchia, cùng với trục dọc là TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Cà Mau hình thành nên trục giao thông rất quan trọng". "Chúng tôi nghĩ ba dự án này mang tính chất hết sức chiến lược trước mắt cũng như lâu dài để thúc đẩy phát triển kinh tế", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định.

Liên quan đến các dự án, đến nay mới có HĐND tỉnh Sóc Trăng ban hành nghị quyết phân bổ vốn tham gia đầu tư thực hiện dự án đường bộ cao tốc đi qua địa bàn địa phương. Tuy nhiên, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo UBND các tỉnh Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hậu Giang, An Giang, Đắk Lắk, Sóc Trăng và UBND TP. Cần Thơ đều đưa ra cam kết cụ thể về việc bố trí vốn đầu tư cũng như các công tác khác để bảo đảm tiến độ thực hiện từng dự án nếu được chấp thuận. “Khi nghe có đoạn đường cao tốc đi qua Châu Đốc, kết thúc ở Sóc Trăng thì Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân An Giang rất vui mừng. Bởi nếu như nhìn vào hệ thống cao tốc từ Bắc tới Nam hiện nay rõ ràng chưa có đoạn nào qua An Giang”. Nêu thực tế này, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình khẳng định, “nếu có được trục cao tốc Đông - Tây này sẽ giúp An Giang phá vỡ thế biệt lập nằm sâu trong nội địa”; đồng thời, "sẽ rất thuận lợi để mời gọi đầu tư cũng như giúp cho An Giang phát triển".

Ba dự án đường bộ cao tốc Chính phủ trình Quốc hội lần này đều là những dự án quan trọng. Khẳng định tính cần thiết cũng như cấp thiết của các dự án, song Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng thể hiện rõ quan điểm: "Chúng ta muốn làm nhanh, nhưng phải tương xứng với năng lực, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế". Tất cả các ý kiến của cơ quan thẩm tra như Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Kiểm toán Nhà nước đều cho rằng tiến độ phân kỳ như đề nghị của Chính phủ là không khả thi. Bởi xác định đến năm 2025 là xong mà bây giờ đã giữa năm 2022, cùng một lúc "ào ạt" nhiều dự án như thế này, sau này nếu không xong được thì ai chịu trách nhiệm? Phải chăng trong Nghị quyết phải có cam kết về trách nhiệm chính trị, trách nhiệm hành chính, từng cấp cam kết với nhau, "địa phương cấp dưới thì cấp dưới cam kết với cấp trên, cấp trên thì cam kết với Chính phủ, Bộ cam kết với Chính phủ, còn Chính phủ cam kết với Quốc hội". Khẳng định "phải có cam kết, quyền phải đi với trách nhiệm", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, "không phải những việc đại sự như thế này chúng ta chỉ đưa ra bấm nút, rồi sau đó làm đến đâu hay đến đấy, được chăng hay chớ, có lẽ là không hoàn thành trách nhiệm".

"Tinh thần là cố gắng sớm nhất nhưng phải bảo đảm tính khả thi", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Thanh Hải

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/tinh-than-la-co-gang-som-nhat-nhung-phai-kha-thi-i288431/