Tình quân - dân, nghĩa đồng bào giữa cơn sóng dữ

11 thuyền viên mắc kẹt trên tàu Vietship 01 với hơn ba ngày ba đêm lênh đênh trên vùng biển Cửa Việt, huyện Gio Linh từ ngày 8 - 11/10/2020 đã được giải cứu vào bờ an toàn. Đối với họ, đó là những ngày kinh hoàng và ám ảnh không thể nào quên. Còn với những ngư dân quả cảm, kiên cường của vùng biển Cửa Việt đã tích cực tham gia công tác cứu hộ cứu nạn cùng các lực lượng chức năng, ngày mai khi trời yên biển lặng, tiếp tục bám thuyền, bám biển mưu sinh, sự kiện ấy rồi cũng trở thành việc làm bình thường như bao lần họ đã từng tham gia cứu nạn trên biển.

 Máy bay trực thăng đưa người xuống cứu các thuyền viên mắc kẹt trong tàu - Ảnh: TT

Máy bay trực thăng đưa người xuống cứu các thuyền viên mắc kẹt trong tàu - Ảnh: TT

Những thời khắc kinh hoàng

Thuyền viên Đặng Văn Nghị (33 tuổi), trú Hậu Lộc, Thanh Hóa là một trong 6 người còn bám trụ lại cuối cùng trên tàu Vietship 01 mắc cạn ở khu vực biển Cửa Việt được cứu vào bờ bằng máy bay trực thăng. Chưa hết bàng hoàng vì biến cố mình vừa trải qua, khi sự sống và cái chết cận kề trong gang tấc, anh Nghị kể mình đã khóc, cười không kiểm soát được cảm xúc khi ngồi trên máy bay để vào bờ. Anh Nghị nhớ lại thời điểm tàu Vietship 01 bị sóng đánh trôi ra cửa biển Cửa Việt: “Khoảng 3 giờ ngày 8/10/2020, tàu Vietship 01 bị sóng cuốn trôi ra cửa biển Cửa Việt, cách vị trí neo đậu khoảng 400 m. Đến 9 giờ sáng 8/10, tàu trôi về phía Nam cửa biển rồi chìm dần. Khi phát hiện tàu bị trôi, tôi vội lấy máy điện thoại gọi điện về thông báo cho gia đình, nhưng tàu chìm thì nhanh quá, không kịp nói gì. Mọi người chỉ kịp trèo lên nóc ca bin và vội vã mặc áo phao”. Các thuyền viên chỉ kịp bám víu vào phần ống khói của tàu còn nhô lên khỏi mặt nước để cầm cự.

Trong sáng 9/10/2020, trời mưa rất to, tầm nhìn bị hạn chế, công tác cứu hộ gần như ngưng trệ mặc dù các lực lượng đã được huy động triển khai tổng lực. Gần cuối buổi chiều ngày 9/10/2020, đài quan sát của lực lượng cứu hộ thông báo giàn sắt phía trên cabin tàu Vietship 01 đổ sập, sóng phủ tràn cabin. Các phương án được khẩn trương bàn bạc. Với sự chỉ huy của ông Võ Văn Thụ, ở thị trấn Cửa Việt, hai ngư dân xung phong ra khơi cứu nạn. Sử dụng chiếc thuyền đánh cá, mang theo nhiều áo phao, cuộn dây thừng lớn và thực phẩm, với sự trợ lực của hơn hai mươi người, tàu nổ máy ra khơi. “Chúng tôi nỗ lực tiếp cận tàu, cách khoảng 20m nhìn vào cabin không thấy người, bên trong ngập nước, sóng đánh rất mạnh, trời tối cộng gió to nên hai anh em đành quay ngược vào bờ”, anh Nguyễn Hoài Minh, một trong hai người tham gia ứng cứu kể lại.

Thêm một đêm dài phải đối mặt với sóng dữ, mưa, lạnh, sự sống mong manh đối với các thuyền viên trên tàu, thậm chí đã có nhận định tình huống xấu nhất đã xảy ra với họ.

Sáng sớm ngày 10/10/2020, nhóm ngư dân của ông Võ Văn Thụ có cuộc hội ý chớp nhoáng để tính toán các phương án triển khai thuyền đi cứu hộ. Ngư dân Nguyễn Đức Bằng, ở Khu phố 5, thị trấn Cửa Việt được giao trọng trách là người cầm lái, cùng với ba người nữa lên thuyền xuất phát lúc 8 giờ 50 phút. Giằng co, vật lộn với những con sóng lớn để ra được cửa biển chưa bao giờ gian nan hơn lúc này. Trên bờ, tiếng reo hò cổ vũ của người dân vang lên không ngớt, những ánh mắt lo âu, những giây phút căng thẳng đến nghẹt thở khi thuyền liên tục bị sóng lớn đổ ập, đẩy lùi vào bờ. Chỉ còn cách tàu gặp nạn chừng hai mươi mét, thuyền của các ngư dân đột ngột bị sóng đánh úp. Ngư dân Nguyễn Đức Bằng bị rơi xuống biển, sóng đánh dạt về bắc tàu bị nạn, còn lại ba người nỗ lực bám vào ụ sắt lớn giữa tàu, cách ca bin khoảng 10m. “Tôi là người cầm lái, nhưng khi ra đến nơi, sóng đánh mạnh quá, các anh em còn lại không cách gì quăng dây vào tàu gặp nạn, thấy vậy tôi quyết định nhanh là mình phải tận dụng làm ngay vì khó khăn mới tiếp cận được khoảng cách này, nhưng người giữ lái hộ không cầm cự được nên chỉ một tích tắc thuyền lật, tôi bị quăng ra khỏi thuyền. Một mình vật lộn với sóng lớn để bơi vào bờ, lúc ấy tôi chỉ nghĩ phải hết sức tỉnh táo tính toán để cố gắng xuôi theo dòng nước cho đỡ mất sức. May mắn là vào được bờ an toàn”, ông Bằng kể lại.

Thêm ba người đi cứu hộ bị mắc kẹt ở khu vực tàu Vietship 01, công tác cứu hộ cứu nạn càng trở nên cam go. Theo kinh nghiệm của ngư dân, thời gian “vàng” để triển khai thuyền ra cứu hộ là từ 10 giờ - 16 giờ, sau đó thủy triều lên nhanh sẽ rất khó khăn.

Nhiều cuộc hội ý của Trung tâm chỉ huy cứu nạn dã chiến tại bờ liên tục được triển khai. Công tác cứu nạn được đẩy lên quy mô cao hơn. 12 giờ trưa, phương án đưa máy bay rực thăng cứu hộ được Bộ Quốc phòng quyết định sau khi nhận định tình hình thời tiết có thể phù hợp để máy bay xuất phát từ Hà Nội vào. Cùng với đó, xuồng cao su đặc chủng của Cục Hàng hải được vận chuyển cấp tốc từ Đà Nẵng ra, cùng với sự hỗ trợ của xe cảnh sát để có thể đi với tốc độ nhanh nhất. Lúc này, nhân viên cứu hộ của Trung tâm cứu nạn, Cục Hàng hải đã kịp ra đến để phối hợp hỗ trợ công tác ứng cứu. Phương án đưa đưa ra là tiếp tục dùng thuyền gỗ, ngư dân sẽ chở nhân viên cứu hộ ra tiếp cận tàu bị nạn để dùng súng bắn dây mồi cứu nạn, đồng thời mang theo thực phẩm ra tiếp ứng.

Cuộc giải cứu nghẹt thở

Mỗi phút trôi qua rất chậm. Những ngư dân cũng không thể ngồi yên. Rất khó khăn và chật vật, ông Võ Văn Thụ tìm kiếm khắp các đội tàu thuyền ở các khu phố của thị trấn Cửa Việt và xã Gio Việt để thương lượng, tìm cho được chiếc thuyền gỗ đảm bảo tiêu chuẩn có thể ra khơi ứng cứu. Đến 3 giờ chiều 10/10, một chiếc thuyền gỗ được chở xuống. Phương tiện đã có, lúc này nảy sinh khó khăn khác là phải tìm cho đủ ít nhất ba ngư dân để cùng nhân viên cứu hộ ra ứng cứu.

 Khẩn trương đưa người bị nạn đi cấp cứu - Ảnh: TT

Khẩn trương đưa người bị nạn đi cấp cứu - Ảnh: TT

Có đối mặt với tình thế hiểm nguy trước mắt mới hiểu, mỗi quyết định thật khó khăn bởi không chỉ liên quan mỗi bản thân mình mà còn cả gia đình, người thân phía sau. Nhiều ngư dân đã tình nguyện quyết tâm lên tàu. Anh Nguyễn Hoài Minh khẳng khái mặc áo phao lên tàu, tham gia cứu hộ lần hai, nét mặt rất bình thản giữa bầu không khí căng thẳng tại hiện trường. Ngư dân Võ Văn Dũng, Khu phố 6, thị trấn Cửa Việt, người nhỏ thó, quả quyết mình sẽ là người cầm lái. Đội cứu hộ vượt sóng ra khơi, khi tiếp cận được gần thì bắn ba quả pháo dây mồi về phía tàu bị nạn. Mỗi quả pháo được bắn thành công, tiếng hò reo của hàng nghìn người dân theo dõi từ bờ vang dội. Sau nhiều nỗ lực, đội cứu hộ đưa được hai trong số ba ngư dân ra cứu nạn sáng cùng ngày vào bờ an toàn. Lúc này, ngoài 6 thuyền viên vẫn bám trên ống khói tàu bị nạn, Trần Xuân Cường, cậu thanh niên mới 27 tuổi đầu, chưa có nhiều kinh nghiệm đi biển, tham gia chuyến cứu hộ đầu tiên vẫn tiếp tục bị mắc kẹt trên ụ sắt lớn giữa tàu, cách cabin khoảng 10 m, trơ trọi chống chọi với hiểm nguy.

Đến cuối chiều, máy trực thăng tiếp ứng đã bay ra, nỗ lực đáp xuống gần và thả một loạt phao tròn cứu sinh, thực phẩm và dây cứu hộ xuống tàu gặp nạn. Trời tối cộng với mưa lớn nên công tác cứu hộ phải tạm dừng đến sáng sớm hôm sau, 11/10/2020. Thêm một đêm vô vọng và hiểm nguy với những người gặp nạn ngoài khơi.

Trải qua một đêm một ngày dài thập tử nhất sinh trên biển, khi đã vào đến bờ an toàn, anh Trần Xuân Cường kể lại: “Thấy tôi bám trụ đơn độc nguy hiểm nên thuyền viên Nguyễn Hữu Tú (Hương Khê, Hà Tĩnh) còn khỏe đã bơi ra, cả hai cùng dìu nhau bơi qua phía mũi tàu. Ở đây có một khu vực bằng phẳng, nhưng sát mực nước biển, sóng đánh dữ dội nên cả hai chọn leo lên giàn sắt phía trước dễ bám trụ hơn. Suốt đêm hai anh em không dám ngủ, tay gồng bám vào lan can sắt để trụ lại trước sóng dữ, mắt dõi vào bờ mong trời sáng. Khát quá, chúng tôi vắt nước mưa ở áo để uống, gió lạnh suốt đêm. Có lúc không thể chịu đựng thêm sóng gió, Tú muốn bơi vào đất liền, nhưng tôi can ngăn vì bơi vào buổi tối, không có người phát hiện hỗ trợ sẽ rất nguy hiểm. Trong đêm, chúng tôi vớt được 2 cái phao do các tàu cứu nạn đưa ra, với ý nghĩ phòng bị cho bản thân và giúp đỡ thuyền viên phía cabin nếu không may bị sóng đánh rơi”.

Cầm cự qua một đêm, đến sáng 11/10, hai anh Tú và Cường quyết định nhảy xuống nước, ôm phao bơi về phía bờ. Lúc này, lực lượng đặc công hải quân cũng triển khai quân bơi ra tiếp ứng. Sau khoảng một tiếng rưỡi vật lộn với sóng dữ, với sự hỗ trợ của ba đặc công hải quân từ bờ bơi ra, cả Tú và Cường đã được đưa vào bờ an toàn.

Trong sáng 11/10/2020, Trung tâm chỉ huy cứu hộ quyết định áp dụng hai hình thức cứu hộ cao nhất, sử dụng lực lượng đặc công hải quân và máy bay trực thăng chuyên dụng cùng đội cứu hộ kết hợp các lực lượng khác để nỗ lực hoàn tất việc cứu nạn. Sau gần ba mươi phút đồng thời triển khai cả hai phương án, các lực lượng Không quân và Hải quân đã giải cứu thành công, đưa 8 người vào bờ an toàn, trong đó có 7 thuyền viên của tàu Vietship và một ngư dân tham gia cứu tàu gặp nạn ngày 10/10/2020 bị mắc kẹt.

Chị Nguyễn Thị Hoa Mai, một người dân chứng kiến cuộc giải cứu nghẹt thở các thuyền viên và ngư dân trong sáng 11/10 không giấu nước xúc động: “Dõi theo diễn biến máy bay trực thăng nỗ lực tiếp cận gần tàu rồi lại phải cất cánh bay lên vì sóng to, gió lớn, chúng tôi thấy như ai bóp nghẹt ở tim. Đến khi các anh cứu hộ đáp được xuống tàu, lần lượt đưa được người lên máy bay, tôi khóc òa vì sung sướng. Mình không thân thích họ hàng gì với người bị nạn mà còn cảm thấy đau lòng và mất ngủ vì lo lắng, huống hồ gì người nhà nạn nhân. Cảm ơn các lực lượng cứu hộ và những ngư dân đã tham gia cứu nạn, toàn bộ người bị nạn trên tàu vào bờ an toàn, các anh thật tuyệt vời!”.

Đối diện với thiên tai, con người rất nhỏ bé. Không thể chủ quan trước thiên tai, càng không thể coi thường được việc tuân thủ các hướng dẫn, cảnh báo của cơ quan chức năng về phòng chống thiên tai trong điều kiện thời tiết diễn biến ngày một bất thường. Từ vụ việc này, các lực lượng chức năng cũng rút được nhiều bài học kinh nghiệm trong công tác cứu hộ, cứu nạn.

Vĩ thanh

Chị Võ Thị Hạnh, vợ ngư dân Võ Văn Dũng khóc ngất khi đón chồng trở về sau chuyến cứu nạn đầy mạo hiểm. Trước khi anh Dũng lên thuyền, chị chỉ dám bấu vào vai người hàng xóm, nhìn anh và cắn chặt răng cho khỏi khóc thành tiếng. Con gái đang đi học ở Nhật, chị biết mình không thể can ngăn chồng được. Nhiều năm trước anh Dũng cũng đã từng tham gia cứu nạn và suýt mất mạng trên biển. Ngư dân Nguyễn Hoài Minh thì kể lại, mình không nói với vợ sẽ tiếp tục đi thêm chuyến cứu hộ lần hai sau hiểm nguy đi chuyến đầu trở về. Đến khi về nhà an toàn, vợ vừa mừng vừa trách, anh mới nói rằng, làm ngư dân mà sợ sóng dữ, ngại cứu người gặp nạn thì mình không phải là mình.

Trong suốt ba ngày tham gia tác nghiệp bên bờ biển, ngóng trông ra biển, dõi theo từng chi tiết sự việc, chúng tôi nhận được cuộc gọi từ Hương Khê, Hà Tĩnh, nơi trong cùng một thôn có ba thuyền viên mắc kẹt trên tàu Vietship. Cố gắng cập nhật thông tin lạc quan nhất cho người nhà các gia đình đang tập trung chờ đợi thông tin về cuộc cứu hộ nghẹt thở này, nhưng thật buồn khi đã có một thuyền viên bị rơi xuống biển thiệt mạng trước khi lực lượng cứu hộ tiếp cận được, một người hiện đang chưa rõ tung tích. Còn lại anh Nguyễn Hữu Tú được cứu hộ thành công, khỏe mạnh trở về.

Thanh Trúc

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=152297