Tình người Quảng Trị

Mỗi con người đều có những miền đất gắn bó với cuộc đời mình. Quảng Trị - Vĩnh Linh đối với tôi là vùng đất như vậy.

Cho đến bây giờ, tôi vẫn nhớ, trước khi chiến dịch tổng tiến công 1972 bắt đầu, lần đầu tiên trong đời tôi đứng bên cầu Hiền Lương. Hình ảnh cây cầu gẫy nhịp đứng chơ vơ giữa dòng sông nhỏ nơi đất nước bị cắt chia in đậm trong trí nhớ của tôi những năm tháng sau này.

Cầu Hiền Lương thời đất nước chia cắt. Ảnh: Tư liệu

Cầu Hiền Lương thời đất nước chia cắt. Ảnh: Tư liệu

Tôi đã sống qua những ngày tháng gian nan, chứng kiến nhiều sự hy sinh, mất mát trên vùng đất này. Những ngày chiến dịch dữ dội và ác liệt. Niềm vui giải phóng, đoàn tụ, nước mắt và những nụ cười. Những ngày chống phản kích cam go trên đất Triệu Phong, Hải Lăng và ở thị xã Quảng Trị... Năm tháng qua đi, nghĩa tình với đất và người Quảng Trị vẫn luôn đi cùng tôi trong suốt cuộc đời.

Nhiều số phận con người để lại dấu ấn sâu đậm: Nữ du kích bám trụ trên vành đai Hoàng Thị Chẩm, sau chiến tranh vượt lên gây dựng cuộc sống cho mình. Nữ giao liên Lê Thị Phiếu, người đã đưa tôi từ Gio Linh sang Cam Lộ những ngày đầu chiến dịch vô vàn hiểm nguy, hòa bình lại nỗ lực hộc tập để trở thành cán bộ ngân hàng. Người yêu của chị khi ấy là anh Nguyễn Văn Bố, một cán bộ an ninh huyện Cam Lộ, sau có thời gian là chủ tịch thị xã Đông Hà. Chị Nguyễn Thị Khuya, cán bộ ở Triệu Trạch, Triệu Phong, bám dân ở hầm mấy năm, những ngày đầu giải phóng không dám ra đường vì không quen ánh sáng mặt trời... và nhiều số phận khác nữa.

Cùng đồng nghiệp thăm bác Phan Chung (trái) tại Đông Hà (năm 2010).

Một người để lại ấn tượng sâu đậm nhất với tôi là bác Phan Chung. Trong thời kỳ chiến tranh bác là bí thư huyện Gio Linh, sau này là Phó bí thư tỉnh ủy Quảng Trị. Trước tổng tiến công năm 1972, tôi sang Gio Linh. Khi đó bác Phan Chung đã giúp chúng tôi đi thực tế ở một số địa bàn giáp ranh. Trong chiến dịch, những phóng viên TTXVN lại được bác tạo điều kiện nắm tình hình, phản ánh về phong trào nổi dậy ở Gio Linh và từ đấy đi theo các mũi tiến công giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị. Năm 1973, sau khi ngừng bắn, tôi lại có dịp gặp bác khi đi viết về việc xây dựng chính quyền cách mạng và cuộc sống mới ở vùng giải phóng. Năm 1983, khi bác Phan Chung làm bí thư huyện Bến Hải (gồm đặc khu Vĩnh Linh, huyện Gio Linh, Cam Lộ sáp nhập), tôi lại có dịp về địa bàn bác phụ trách, chia sẻ với bác những việc Bến Hải đã làm, những suy nghĩ, trăn trở thời kỳ trước Đổi Mới trên vùng đất chịu nhiều đau thương mất mát của chiến tranh.

Nhà báo Trần Mai Hưởng ở Quảng Trị năm 1972.

Một kỷ niệm không quên: Khi Đài TNVN đọc bài ký “Những đàn cò trắng bên sông Hiển Lương” của tôi (bài đăng trên báo Văn Nghệ), bác đã cho tiếp âm trên hệ thống truyền thanh của huyện để đông đảo người dân Bến Hải cùng nghe. Sau đó, bác còn cho người mang ra Hà Nội tặng tôi một miếng vải và gửi cho nghệ sĩ Tuyết Mai, người đọc bài ký đó, một gói mì chính. Nghệ sĩ Tuyết Mai đã rất xúc động khi tôi đến chuyển món quà nặng tình nghĩa Bến Hải ấy cho chị... Sau này, tôi còn có một số lần gặp bác Phan Chung mỗi khi có dịp qua Đông Hà. Bác luôn dành cho tôi tình thân quý như một người em. Tôi nhớ nhất lần cùng một số nhà báo của TTXVN vào thăm lại Quảng Trị. Bác đến dự cuộc gặp mặt rất vui và mang theo bức ảnh bác đứng ở đầu cầu Hiền Lương năm 1972 khi Gio Linh vừa giải phóng. Bác nói với mọi người:

- Bức ảnh này nhà báo Trần Mai Hưởng chụp cho mình, mình vẫn giữ như một kỷ niệm quý!

Lần ấy, bác hát tặng chúng tôi rất say sưa bài “Câu hò bên bến Hiền Lương”. Bác còn đi cùng tôi về lại Gio Linh, lên Dốc Miếu, ra cầu Hiền Lương, ra Cửa Tùng...

Mới cách đây ít ngày, tôi rất buồn khi nghe tin bác đã mất. Một con người thuộc thế hệ gắn bó sâu sắc với vùng đất ấy, cả cuộc đời giành cho sự nghiệp giải phóng và xây dựng quê hương đã ra đi. Tôi rất xúc động khi con trai bác, anh Phan Văn Phụng, giờ cũng đã nối nghiệp cha, là Ủy viên thường vụ tỉnh ủy Quảng Trị , cho biết: Ba cháu lúc còn sống vẫn nhắc đến chú với kỷ niệm về "Những đàn cò trắng bên sông Hiền Lương"!

Liệt sĩ Thu Hồng.

Nữ liệt sĩ Thu Hồng đối với tôi cũng là một người rất đặc biệt. Trong chuyến công tác về xa Gio Mỹ, Gio Linh trước tổng tiến công, tôi có chụp chân dung Thu Hồng, nữ du kích xã, đang luyện tập. Bức ảnh ấy đã đăng trên báo Quân đội Nhân dân ngay trước khi chiến dịch bùng nổ. Sau đó ít ngày, khi đi công tác ngang qua Gio Mỹ, tôi biết tin Thu Hồng hy sinh ngay trong ngày đầu chiến dịch khi tham gia đánh đồn Bến Ngự. Tôi được các anh ở đội du kích gửi mang cuốn nhật ký của Thu Hồng về cho ba má cô: Bác Nguyễn San, Ủy viên thường vụ tỉnh ủy, Trưởng ban dân vận tỉnh và bác gái Lê Thị Toàn, Phó Chủ tịch Hội phụ nữ tỉnh. Sau chiến tranh, tôi đã qua Huế một số lần đều ghé thăm hai bác.

Cách đây mấy năm, khi tôi đăng bức ảnh và bài thơ “Tuổi hai mươi” viết về Thu Hồng trên Fb, tôi nhận được tin nhắn liên lạc của Thu Lan, người em liền sau của Thu Hồng. Qua gặp gỡ, trò chuyện, tôi hiểu thêm nhiều về người nữ liệt sĩ trong bức ảnh của mình.

Thu Hồng đang học ở trường học sinh miền nam Đông Triều thì tình nguyện xin về quê hương chiến đấu và hy sinh. Thu Lan cùng hai em trai ở lại miền Bắc học tập. Sau đó cô đi học ở Liên Xô, về nước công tác trong ngành du lịch. Cô vẫn lưu giữ rất trân trọng những hình ảnh, kỷ niệm về người chị gái của mình. Tôi đã nghe Thu Lan kể chuyện hai chị em những ngày ở với ông bà ngoại; chuyện hai chị em vượt ra vùng giải phóng khi còn nhỏ tuổi để gặp lại bố mẹ...

Thu Lan bên mộ chị gái - liệt sĩ Thu Hồng.

Điều đáng nói là Thu Lan, sau rất nhiều năm xa quê, vẫn gắn bó với mảnh đất và con người Quảng Trị. Qua cô, tôi đã có liên lạc với những đội viên du kích Gio Mỹ thời kỳ chiến tranh như các anh Hoàng Văn Tiếp, Nguyễn Văn Em, các chị Mai Thị Hương, Nguyễn Thị Thủy...; biết được cuộc sống của họ ngày nay với nhiều ân tình, chia sẻ. Cũng từ những gặp gỡ ấy, chị Nguyễn Thị Thủy, một nữ du kích Gio Mỹ khi ra Hà Nội đã đến thăm tôi, khi về Gio Linh đã gửi cả gạo từ ruộng nhà ra làm quà cho tôi.

Câu chuyện liên quan đến nhà báo Thanh Phong, nguyên trưởng Phân xã TTXGP tại Quảng Trị mới đây càng làm tôi quý trọng Thu Lan. Nhà báo Thanh Phong là người gắn bó, thân thiết với tôi khi từ những năm 1972-1973. Sau này, anh chuyển về công tác ở Khánh Hòa và nghỉ hưu ở đấy. Nhà báo Thanh Phong cũng là người Gio Mỹ và thân thiết với gia đình Thu Lan. Khi nghe tin Thanh Phong lâm trọng bệnh, nhớ anh, tôi viết bài “Nhà báo Thanh Phong - một thời lửa đạn” (bài đó sau đã đăng trên báo Tin Tức và trong cuốn hồi ký “Chúng tôi - Lính xung kích” của Ban biên tập tin Trong nước - TTXVN).

Nhà báo Trần Mai Hưởng ở cầu Hiền Lương, 1/2019.

Khi biết anh Thanh Phong khó qua khỏi, tôi rất muốn anh kịp đọc những dòng tôi viết mà do hoàn cảnh riêng tôi chưa vào thăm anh được. Đúng lúc ấy, Thu Lan đã thu xếp vào ngay Nha Trang để thăm gia đình anh. Cô đã đến bệnh viện thăm nhà báo Thanh Phong và chị Nguyễn Thị Nguyệt, vợ anh, người từng là chính trị viên huyện đội Gio Linh trong chiến tranh. Thu Lan mang theo vào bệnh viện bài báo của tôi. Cô tự mình đọc bài báo đó cho anh Phong, chị Nguyệt cùng nghe rồi nối điện thoại để tôi nói chuyện với nhà báo Thanh Phong. Tôi cảm nhân được sự xúc động, thanh thản của người trưởng phân xã gắn bó với mình từ những năm tháng xuân gian khó, ác liệt qua cuộc nói chuyện ấy.

Mỗi lần về Quảng Trị, Thu Lan đều mang cho tôi những món quà quê hương, đặc biệt nhất là những củ khoai môn to, bùi rất đặc trưng cho Vĩnh Linh. Cô bảo:

- Em đọc trong bài “Những đàn cò trắng bên sông Hiền Lương”, thấy anh viết về khoai môn và tình cảm chú Phan Chung dành cho anh khi vào công tác. Em mang khoai môn ra để anh nhớ về những ngày tháng ấy và tình người Quảng Trị qua năm tháng vẫn thủy chung gắn bó!

Tôi đã viết bài thơ nhỏ “Khoai môn Vĩnh Linh” để nhớ về những ngày ấy:

KHOAI MÔN VĨNH LINH

Gửi Thu Lan

Hồn quê trĩu nặng đường dài

Bao nhiêu thơm thảo vị khoai đất lành

Quà em mang đến cho anh

Nhắc về năm tháng đã thành xa xôi

Thiếu cơm khoai đã sẵn rồi

Nhà hầm địa đạo một thời chiến tranh

Khoai trong tầm pháo lên xanh

Mặc lửa cháy vẫn mát lành sinh sôi

Bóng ai qua những vạt đồi

Đất bazzan níu chân người bâng khuâng

Quảng Trị gian khó hy sinh

Nghĩa tình sâu nặng Vĩnh Linh một thời

Đã đi đến cuối cuộc đời

Ngọt bùi vẫn ấm theo người tháng năm

Trần Mai Hưởng

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/ban-doc/tinh-nguoi-quang-tri-20190722074259326.htm