Tinh hoa Làng nghề làm bột gạo Sa Đéc

ĐTO - Nghề làm bột gạo là một trong những nghề truyền thống lâu đời ở TP Sa Đéc. Dù trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, nhưng với nhiều yếu tố tự nhiên thuận lợi, hơn một thế kỉ qua, người dân nơi đây đã tạo nên sản phẩm bột gạo mang những giá trị riêng, khó có nơi nào sánh kịp, góp phần lưu giữ và phát huy một làng nghề truyền thống nổi tiếng nhất vùng.

Bột gạo tươi của cơ sở sản xuất bột gạo Tư Nương (Phường 2, TP Sa Đéc)

KHẲNG ĐỊNH THƯƠNG HIỆU BỘT GẠO SA ĐÉC

Theo con rạch Ngã Bát dẫn vào Phường 2 và xã Tân Phú Đông là đến làng nghề làm bột gạo, những người có thâm niên ở làng nghề cho biết, nơi đây có nguồn nước sông với độ PH trung tính, nhờ dòng nước sông ngọt lành này, khi kết hợp với hạt gạo của đồng bằng sông Cửu Long, đã tạo nên thương hiệu bột Sa Đéc nức tiếng nhờ chất lượng và hương vị đặc trưng riêng biệt với từng thớ bột trắng, mịn, dẻo, thơm, không nơi nào sánh kịp.

Ông Nguyễn Văn Nương - chủ Cơ sở sản xuất bột Tư Nương (Phường 2, TP Sa Đéc), cho biết: “Đây là nghề truyền thống của gia đình, từ đời ông nội tôi đến nay, tôi nối tiếp gìn giữ và phát triển nghề. Nghề làm bột đã góp phần đáng kể vào việc nâng cao đời sống của nhiều gia đình và sự thành đạt của nhiều thế hệ”.

Trước đây, người dân làm bột chủ yếu làm bằng thủ công nên sản lượng và chất lượng bột chưa được đảm bảo. Những năm gần đây, người dân đã đưa cơ giới hóa vào quy trình sản xuất nên vừa giảm được công lao động, hạ giá thành sản phẩm, vừa nâng cao sản lượng và uy tín, chất lượng của thương hiệu bột Sa Đéc.

Là người tiên phong trong việc chuyển đổi sản xuất bột theo hướng cơ giới hóa, ông Nguyễn Văn Nương cho biết, khi các công việc như vo gạo, xay bột bằng tay được thay bằng máy đã giúp năng suất lao động tăng gấp 4 - 5 lần, chất lượng sản phẩm bột nâng cao, hợp vệ sinh thực phẩm, người tiêu dùng ưa chuộng hơn. Mỗi tháng, cơ sở cung ứng hàng chục tấn bột nguyên liệu cho các doanh nghiệp chế biến thực phẩm như: Công ty CP Thực phẩm Bích Chi; Công ty CP Xuất nhập khẩu Sa Giang; Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất thương mại Hòa Hưng, Công ty CP Tinh Bột Xanh...

Sử dụng nguồn nguyên liệu địa phương nhiều năm qua, các doanh nghiệp chế biến thực phẩm sau bột trên địa bàn TP Sa Đéc đánh giá cao chất lượng bột Sa Đéc. Anh Phạm Thế Hải - Giám đốc Công ty CP Tinh Bột Xanh (Phường 2, TP Sa Đéc) cho biết, nhận thấy chất lượng nguyên liệu bột gạo Sa Đéc, tôi đã mạnh dạn thành lập Công ty CP Tinh Bột Xanh tại Làng bột Sa Đéc. Sản xuất, kinh doanh các sản phẩm sau bột, tôi nhận thấy thành công của các sản phẩm sau bột thì nguồn nguyên liệu bột quyết định phần lớn.

“Hiện nay, công ty đã sản xuất thành công một số sản phẩm từ bột gạo Sa Đéc, trong đó phải kể đến là ống hút gạo; nui các loại: (ngũ sắc, gạo lứt, khoai lang, chùm ngây, tinh bột gạo; bánh canh, mì, bún, phở. Trong đó, ống hút gạo của công ty đã đạt OCOP 3 sao và đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Quốc gia năm 2021. Hiện sản phẩm đã có mặt tại hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước. Ngoài ra, còn xuất sang các nước: Ba Lan, Hà Lan, Pháp, Đức, Úc, Newzealand, Nhật... Các sản phẩm: nui, bún, phở đã có mặt tại 2 thị trường: Hong Kong và Newzealand, đang xúc tiến thêm một số thị trường khác”, anh Hải chia sẻ.

Ứng dụng công nghệ vào quy trình sản xuất bột gạo

Quy trình sản xuất tại Làng nghề bột Sa Đéc ngày càng được nâng cao, tư duy người làm bột dần được đổi mới. Tuy nhiên, cái khó của làng nghề hiện nay là giá sản phẩm chưa ổn định, khi thăng khi trầm, người dân sản xuất bột còn manh mún, nhỏ lẻ nên chưa tìm được thị trường. Ông Trương Thanh Hỷ - chủ Cơ sở sản xuất bột gạo Thanh Hỷ (xã Tân Phú Đông), cho biết, những năm gần đây, do tình hình khó khăn nên nhiều hộ đã chuyển đổi nghề, hiện làng nghề truyền thống này còn trên 160 hộ, cơ sở sản xuất, sản lượng bình quân trên 30 ngàn tấn bột/năm.

Sản phẩm bột được chia thành 2 loại: bột ướt được cung cấp trực tiếp cho các nhà máy, cơ sở chế biến thực phẩm; bột khô có thể dùng để dự trữ, chế biến dần. Từ bột, các doanh nghiệp địa phương đã chế biến ra hàng trăm mặt hàng như: bánh phở, hủ tiếu, miến, bún, bánh canh...; thị trường tiêu thụ đa số trong nước và xuất khẩu ngoài nước thông qua các công ty, doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn.

Đặc biệt, “Hủ tiếu Sa Đéc” được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu chứng nhận tập thể. Hủ tiếu Sa Đéc giờ đây không chỉ là món ăn quen thuộc của người dân mà còn “níu chân” du khách, bạn bè bốn phương mỗi khi có dịp đến với TP Sa Đéc.

Năm 2023, Kỷ lục Guinness Việt Nam đã xác lập kỷ lục 102 món ăn và bánh dân gian được làm từ bột gạo. Ngày 21/2 vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa Nghề làm bột gạo Sa Đéc ở xã Tân Phú Đông và Phường 2, TP Sa Đéc vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia: Nghề thủ công truyền thống - Tri thức dân gian. Qua đó, góp phần phát huy tinh hoa làng nghề truyền thống bột gạo Sa Đéc, mang lại nhiều lợi ích về kinh tế cho người dân địa phương.

Từ bột gạo, người dân Sa Đéc chế biến ra nhiều loại bánh dân gian từ bánh ngọt cho đến bánh mặn. Khách du lịch đến với Sa Đéc, ngoài tham quan làng hoa, du khách còn rất thích thưởng thức các loại bánh dân gian của vùng đất Nam bộ như: bánh bò, bánh chuối, bánh đúc, bánh ít trần, bánh tằm, bánh canh, bánh xèo... Đây là những món bánh gắn liền với tuổi thơ của biết bao thế hệ.

Bột gạo Sa Đéc trắng, mịn, dẻo, thơm

NÂNG TẦM GIÁ TRỊ VÀ THƯƠNG HIỆU BỘT GẠO SA ĐÉC

Theo bà Võ Thị Bình - Phó Chủ tịch UBND TP Sa Đéc, để giữ gìn và phát huy Nghề làm bột gạo Sa Đéc - Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, UBND thành phố có nhiều chính sách để vực dậy làng nghề, định hướng theo Đề án phát triển Làng nghề bột Sa Đéc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Trong đó, thành phố sẽ vận động các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất tổ chức, bố trí lại khu sản xuất bột đảm bảo điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm và hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất bột, sản xuất sản phẩm sau bột từ chính sách khuyến công và chính sách có liên quan như: máy đánh tơi, máy li tâm, máy hút chân không... Cùng với đó, tạo điều kiện cho cơ sở, doanh nghiệp và Làng nghề bột Sa Đéc có sản phẩm bột và chế biến sau bột tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Từ đó giúp nâng cao năng suất, tăng chất lượng sản phẩm phù hợp với yêu cầu của thị trường.

Thành phố cũng tăng cường quan tâm công tác truyền dạy nghề trong bối cảnh nghề làm bột gạo đang dần bị mai một. Tiếp tục hình thành và phát triển kinh tế hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ, làm tiền đề khi có điều kiện thuận lợi phát triển thành Hợp tác xã Làng nghề bột Sa Đéc. Đồng thời xây dựng mô hình phát triển du lịch cộng đồng và trải nghiệm dựa trên điểm nhấn chính là kết hợp Làng nghề truyền thống sản xuất bột và Làng hoa Sa Đéc. Khai thác các tour, tuyến du lịch tham quan Làng hoa Sa Đéc kết hợp tham quan, trải nghiệm quy trình sản xuất bột truyền thống cùng các nghệ nhân làng bột. Việc kết hợp 2 làng nghề truyền thống góp phần thu hút khách du lịch, quảng bá hình ảnh, giới thiệu nét văn hóa độc đáo cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế cho địa phương.

Sản phẩm ống hút gạo của Công ty CP Tinh Bột Xanh đạt OCOP 3 sao

“Mặc dù vẫn còn nhiều thách thức, song công tác bảo tồn di sản văn hóa gắn với sự phát triển có thể kết hợp với nhau một cách hài hòa và cân bằng để vừa bảo vệ và phát huy tốt vai trò của di sản vừa phát triển kinh tế - xã hội, đưa di sản văn hóa trở thành động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của thành phố nói riêng và tỉnh Đồng Tháp nói chung”, bà Bình chia sẻ thêm.

Hơn 100 năm hình thành và phát triển, Nghề làm bột gạo Sa Đéc trở thành một trong những điểm nhấn của TP Sa Đéc - sản phẩm từ bàn tay của các nghệ nhân làng bột đã tạo nên thương hiệu với hương vị đặc trưng đi vào lòng du khách gần xa.

SÔNG NGÂN

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/kinh-te/tinh-hoa-lang-nghe-lam-bot-gao-sa-dec-120707.aspx