Tính gia trưởng của các đại gia châu Á

Điều thật sự không thể phủ nhận về các bố già là, họ duy trì quyền thống trị của đàn ông, truyền thống gia trưởng của gia đình ở một mức độ cao hơn bình thường.

Hình ảnh trong Reborn Rich - phim về giới tài phiệt Hàn Quốc.

Trong việc điều hành doanh nghiệp của gia đình, họ yêu cầu một sự phục tùng triệt để từ những người thân và sử dụng nhiều chiến thuật để bảo đảm điều đó. Một trong số chiến thuật hiệu quả nhất để giữ cho con cái và người thân khác trung thành với viễn cảnh quyền thừa kế to lớn là kiểm soát để họ luôn không có nhiều tiền mặt.

Hoàng Đình Phương, chủ đất tư nhân lớn nhất Singapore và sở hữu nhiều tỷ đôla là một trường hợp điển hình. Con trai cả của ông là Robert, điều hành Sino Land ở Hong Kong, là một trong những nhà đầu tư phát triển lớn nhất tại lãnh thổ này.

Khi còn nhỏ, Robert được giáo dục trong một trường nội trú nói tiếng Anh và bây giờ đang ở độ tuổi 50, ông sống trong một căn hộ thuê và chỉ sở hữu riêng khoảng 1 triệu đôla cổ phần tại Sino Land. Trong khi đó, cha ông luôn liên lạc qua điện thoại mỗi ngày để kiểm tra bản thu chi tiền mặt của doanh nghiệp. Tương tự, người em trai là Philip cũng được giữ bằng một sợi dây xích chặt chẽ như thế tại Singapore.

Michael Vatikiotis, nhà báo, cựu biên tập viên của Far Eastern Economic Review (Tạp chí Kinh tế Viễn đông) là người tiếp cận gần nhất với gia đình Chearavanont ở Thái Lan. Ông nhớ lại bữa ăn tối với người đứng đầu gia đình và các con trai của ông ta, trong đó những người này không được phép nói chuyện với khách.

Một chủ ngân hàng đầu tư từng làm việc với nhà Chearavanont đã vẽ nên một bức tranh tương tự, trong đó những người con trai “phải cầu xin để được mua một chiếc xe mới”.

Một yếu tố khác đảm bảo quyền lực gia trưởng trong các gia đình Trung Quốc là không có quy tắc ai sẽ được bàn giao phần nào trong tài sản của gia đình. Một nhận thức sai lầm thường xảy ra cho rằng, có một số hình thức quyền con trưởng trong công việc.

Trong thực tế, người con trưởng có thể là người thừa kế doanh nghiệp nếu anh ta được nhìn nhận xứng đáng với cương vị của mình. Điều hoàn toàn bình thường là, có thể một người khác trong số anh chị em được lựa chọn làm người thừa kế, mặc dù nam giới luôn được xếp trước nữ giới.

Chẳng hạn, đại gia sòng bạc Malaysia Lâm Ngô Đồng đã chọn Lâm Quốc Thái thừa kế chứ không chọn con trai cả. Lâm Thiệu Lương đã bỏ qua con trai cả là Albert khi chỉ định Anthony Salim làm người thừa kế.

Henry Hoắc cũng loại bỏ Timothy là con trai trưởng và chọn người con trai thứ là Ian. Những người con trai nhỏ tuổi hơn ít có khả năng rời bỏ gia đình khi họ biết rằng họ không nhất thiết phải tách ra khỏi việc điều hành các hoạt động để trở thành ông chủ lớn.

Văn hóa của doanh nghiệp gia đình có thể gây ngột ngạt khó thở, và thường là nguyên nhân của nhiều nỗi bất hạnh, nhưng nó hầu như không bao giờ bị thách thức. Hơn nữa, sự giao nhau trên tất cả các loại hình xã hội học không bị ảnh hưởng bởi một gia đình có pha trộn chủng tộc hay không, hoặc bố già có được đi học ở trường thuộc địa hay không.

Người đứng đầu gia tộc luôn là vua. Nhìn từ bên ngoài, điều này được Helmut Sohmen, chàng rể người Áo của đại gia vận tải biển Bao Ngọc Cương đã quá cố, chứng kiến tận mắt. Anh ta gọi đó là “tình yêu đối với sự xuất sắc”.

Có thể hiểu được khái niệm tương tự thông qua các mô tả thường xuyên của Lý Gia Thành về “những con sư tử thân thiện”. Ở góc độ này, các đại gia ở Đông Nam Á khao khát địa vị cha đỡ đầu hiền lành, nhân hậu.

Nhưng, trong khi điều này có thể xảy ra trong nhận thức chung của công chúng, thì trên thực tế, quyền trung hạn trong các gia đình - và thường là trong các công ty - tất cả được vận dụng bằng sự bắt nạt rất con người. Những người con đã lớn tuổi của các bố già như Lý Gia Thành và Robert Quách thường sống trong sợ hãi mỗi khi cha mình giận dữ.

Một người quản lý của Lý nhớ lại, con trai cả của ông là Victor đang ngủ gật trong một cuộc họp đã bị đánh thức bằng một tiếng thét, như tiếng sấm, của cha mình.

Các thành viên Hội đồng quản trị của công ty South China Morning Post, do Robert Quách kiểm soát, không biết phải nhìn đi đâu nữa trong một cuộc họp đáng hổ thẹn hồi tháng hai năm 2003, khi đại gia mất bình tĩnh với cậu con trai Ean, khi đó đã 48 tuổi, la mắng cậu ta trước mặt các giám đốc có mặt trong phòng họp. Trong khi đó, một đại gia sở hữu nhiều tỷ đôla đã tìm cách kiểm soát những cơn giận dữ của mình với sự trợ giúp của một bác sĩ liệu pháp hành vi.

Joe Studwell/NXB Thế giới & Alpha Books

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tinh-gia-truong-cua-cac-dai-gia-post1442744.html