Tin tức Đời sống 23/11: Dấu hiệu cho thấy chứng hay quên của bạn không bình thường

Cập nhật tin tức đời sống ngày 23/11: Những dấu hiệu cho thấy chứng hay quên của bạn không bình thường; Thực hư điều trị đột quỵ bằng cạo gió...

Những dấu hiệu cho thấy chứng hay quên của bạn không bình thường

Carmen Carrion, nhà tâm lý học thần kinh và là giảng viên về thần kinh học tại Trường Y Yale của Mỹ chia sẻ: “Mất trí nhớ ở một mức độ nào đó có thể được coi là bình thường, đặc biệt theo tuổi tác.”

Tuy nhiên, sẽ là bất thường nếu bạn có một số dấu hiệu dưới đây:

Thứ nhất, không còn khả năng học hỏi những điều mới.

Các chuyên gia cho biết nếu bạn thấy mình gặp khó khăn trong việc học bất cứ điều gì mới, điều đó có thể đáng lo ngại.

Tiến sỹ Charles Bernick, nhà thần kinh học tại Trung tâm Sức khỏe Não bộ Lou Ruvo tại Phòng khám Cleveland, cho biết: “Dấu hiệu phổ biến của mất trí nhớ là khi bạn có một thiết bị mới và không thể học cách sử dụng nó.”

“Sử dụng thiết bị mới sẽ cần một chút thời gian để làm quen. Nhưng nếu bạn vẫn không thể sử dụng nó trong một thời gian dài, cần cân nhắc việc đến gặp bác sỹ.”

Thứ hai, gặp khó khăn khi hiểu và thực hiện những việc cũ.

Nếu bạn cảm thấy khó khăn trước những việc mà mình từng cảm thấy dễ dàng, đây cũng là một dấu hiệu đáng lo ngại.

Theo Tiến sỹ Bernick: “Nếu bạn gặp khó khăn trong các hoạt động hằng ngày, đó có thể là dấu hiệu báo động cho thấy có vấn đề đang xảy ra.”

Tình trạng quên làm vệ sinh cá nhân, quên các việc vặt trong nhà hay các cuộc hẹn với bác sỹ cũng có thể là điều đáng lo.

Thứ ba, nhanh chóng quên các cuộc trò chuyện.

Sẽ là bình thường nếu bạn không thể nhớ hết các cuộc trò chuyện đã diễn ra. Bạn cũng không nên lo lắng nếu thỉnh thoảng quên các cuộc trò chuyện.

Bạn chỉ nên cảm thấy lo lắng và tìm cách điều trị, nếu lập tức quên đi các cuộc trò chuyện vừa diễn ra.

Thứ tư, bị lạc ở những nơi quen thuộc.

Chuyện thỉnh thoảng đi lạc là hoàn toàn bình thường, chẳng hạn như khi bạn khám phá một nơi chưa từng đến. Nhưng việc bị lạc ở những nơi quen thuộc đôi khi là dấu hiệu của tình trạng mất trí nhớ.

Ulrich Mayr, Giáo sư khoa học thần kinh tại Đại học Oregon, cho hay: “Một dấu hiệu dễ nhận biết là bạn bị lạc ở ngay chính nơi mình đang sống.”

Thứ năm, thường xuyên lặp lại những câu chuyện cũ.

Việc thỉnh thoảng nhắc lại một câu chuyện hay sự kiện nào đó cho những ai đã từng nghe trước đây là điều bình thường. Nhưng nếu bạn lặp lai điều này quá thường xuyên thì đó lại là dấu hiệu bất thường.

"Nếu bạn lặp lại các câu hỏi, hoặc câu chuyện trong cùng một ngày, hoặc đôi khi trong vòng vài phút, đó có thể là dấu hiệu của tình trạng mất trí nhớ bất thường” - nhà tâm lý học Carrion nhận định.

Thứ sáu, người thân chỉ ra rằng có điều gì đó không ổn

Nếu người thân nói rằng họ lo lắng về trí nhớ của bạn, đừng cố gắng biện hộ.

Thay vào đó, hãy xem xét những lời này một cách nghiêm túc.

"Những gì người khác chú ý đến bạn có thể chính xác hơn những gì bạn tự nhận thấy về bản thân," Giáo sư Mayr nói.

Xác định được chủng vi rút gây gia tăng bệnh viêm hô hấp cấp tính ở trẻ

Ngày 23/11, Sở Y tế Tp.HCM thông tin về kết quả xét nghiệm tác nhân gây bệnh viêm hô hấp cấp tính ở trẻ em trên địa bàn. Theo đó, tác nhân vẫn là các loại vi rút phổ biến có từ nhiều năm qua.

Kết quả này xóa tan nghi ngờ và dư luận gần đây cho rằng, việc gia tăng số ca bệnh viêm hô hấp cấp tính ở trẻ tại Tp.HCM có thể do có sự xuất hiện của chủng vi rút mới.

Cụ thể, kết quả xét nghiệm của đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) từ các mẫu bệnh phẩm của các bệnh viện nhi Tp.HCM cho thấy, hiện tại không ghi nhận tác nhân nào nổi trội bất thường.

Các tác nhân được tìm thấy qua xét nghiệm bao gồm vi rút cúm mùa, RSV, Enterovirus và các vi khuẩn H. Influenza, Strep. pneumonia và Mycoplasma pneumonia, là các tác nhân gây bệnh hô hấp thường gặp trong nhiều năm qua tại Tp.HCM.

Thực hư điều trị đột quỵ bằng... cạo gió

ThS.BS Phạm Nguyên Bình, Phụ trách Phó khoa Bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115 (TPHCM) cho hay, trong đột quỵ, có bệnh lý đột quỵ thiếu máu não (hay còn gọi là nhồi máu não). Đây là tình trạng mạch máu não bị tắc nghẽn do những huyết khối và biểu hiện là bệnh nhân nói ngọng, méo miệng, yếu liệt tay chân.

Theo bác sĩ Nguyên Bình, các dấu hiệu như đau đầu, chóng mặt thật ra không phải là các triệu chứng điển hình của bệnh lý đột quỵ. Nó có thể nằm trong các bệnh lý khác của thần kinh như: Bệnh nhân có thể bị rối loạn tiền đình, mệt mỏi, suy nhược thần kinh...

“Thực chất, thuốc tăng tuần hoàn não không giúp ích cho việc điều trị đột quỵ. Do đó, chúng ta không nên lạm dụng các thuốc tăng tuần hoàn não mà nên đến các bác sĩ để tư vấn điều trị đúng chuyên khoa”, ThS.BS Phạm Nguyên Bình khuyến cáo.

Bác sĩ Phạm Nguyên Bình chia sẻ, trong quá trình điều trị cho bệnh nhân đã gặp những trường hợp xử trí ở nhà như bôi dầu nóng, cạo gió, cắt lể. Đây là những cách thường làm qua phương thức truyền miệng. Tuy nhiên, theo chuyên gia này, bôi dầu nóng, cạo gió, cắt lể là những phương thức không có cơ sở khoa học trong điều trị đột quỵ.

“Khi chúng ta áp dụng những phương thức đó cho người thân, có thể không giúp được họ. Thậm chí, việc thực hiện những phương pháp đó sẽ làm chậm trễ thời gian đưa người bệnh đến bệnh viện và giảm hiệu quả điều trị trong đột quỵ. Chúng ta nên tận dụng ‘thời gian vàng’ để đưa người thân đến bệnh viện nơi có đơn vị đột quỵ để điều trị càng sớm càng tốt”, ThS.BS Phạm Nguyên Bình nhấn mạnh.

Cũng theo bác sĩ Bình, trong quá trình điều trị cho các bệnh nhân bị đột quỵ, một số trường hợp đã cắt lể trước đó. Tuy nhiên, thực tế, khi đến bệnh viện, với bệnh nhân có chỉ định điều trị thuốc như tiêm xử lý vùng tĩnh mạch, thì việc cắt lể gây biến chứng chảy máu. Điều đó hoàn toàn không có lợi cho bệnh nhân trong điều trị đột quỵ.

PGS.TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai) cho rằng, bên cạnh những nguyên nhân khách quan như giao thông không thuận lợi, bệnh nhân ở xa trung tâm cấp cứu đột quỵ, phải kể đến những quan niệm sai lầm về sơ cứu đột quỵ vẫn còn phổ biến. Thông thường, khi thấy ai bất tỉnh, nhiều người cứ tưởng họ bị “trúng gió” và dùng những biện pháp dân gian thay vì lập tức chuyển đến cơ sở y tế gần nhất.

Chuyên gia nhấn mạnh, các phương pháp dân gian chữa đột quỵ như chích máu 10 đầu ngón tay, nằm dốc ngược đầu, đứng một chân... hay trường hợp người nhà cho bệnh nhân uống nước đường, nước chanh hoặc thuốc Đông y... đều không được khoa học chứng minh là có hiệu quả. Việc chần chừ đưa người bệnh đi viện sẽ làm mất thời gian cấp cứu tốt nhất, để lại những hậu quả đáng tiếc.

Theo Cục Quản lý Khám chữa bệnh, thời gian vàng trong điều trị đột quỵ là từ 4 - 6 tiếng. Do đó, việc nhận biết sớm được các triệu chứng của đột quỵ là vô cùng quan trọng.

Người bị đột quỵ thường gặp phải các tình trạng như: Cảm thấy mất thăng bằng, loạng choạng; Mờ hoặc mất thị lực một phần hay hoàn toàn; Khuôn mặt bị mất cân đối, chảy xệ một bên mặt, nhân trung bị lệch; Cơ thể mệt mỏi, không sức lực, khó khăn trong vận động, bị liệt một bên người.

Ngoài ra, người đột quỵ cũng có thể bị thay đổi giọng nói, khó khăn trong phát âm, nói ngọng bất thường.

Khi bắt gặp những triệu chứng trên, người dân cần gọi ngay cho số cấp cứu 115 hoặc đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời. Để dự phòng đột quỵ và đảm bảo sức khỏe, người dân cần giữ cân nặng hợp lý, tập thể dục thường xuyên (30 phút/ngày, 150 phút mỗi tuần).

Đồng thời, có chế độ ăn đúng như: Giảm chất béo, giảm muối, tăng cường rau và trái cây. Hạn chế rượu bia và các chất kích thích. Ngoài ra, cần khám sức khỏe định kỳ và tuân thủ các chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là duy trì điều trị ở những bệnh lý mãn tính như rung nhĩ, tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu.

T.M (tổng hợp)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/dau-hieu-cho-thay-chung-hay-quen-cua-ban-khong-binh-thuong-a637331.html