Tin thế giới 6/1: Đại sứ Nga tiết lộ một điều về Mỹ, nổ súng bất ngờ ở căn cứ quân sự Áo

Trung Quốc-Turkmenistan thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, Iran chặn đứng nỗ lực tấn công mạng …là một số tin quốc tế đáng chú ý 24 giờ qua.

Mỹ được cho là sẽ sớm gửi xe chiến đấu bộ binh Bradley cho Ukraine. (Nguồn: NARA)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

Nga-Ukraine

* Nga, Ukraine tiếp tục tấn công sau lệnh ngừng bắn: Ngày 6/1, viết trên mạng xã hội, Phó Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine Kyrylo Tymoshenko cho biết các lực lượng Nga đã tấn công thành phố Kramatorsk ở miền Đông Ukraine bằng tên lửa, sau khi tuyên bố ngừng bắn đơn phương.

Ông cho biết: “Một tòa nhà dân cư đã bị tấn công nhưng rất may không có thương vong. Về phần mình, Bộ Quốc phòng Nga cũng lên tiếng cáo buộc Ukraine tiếp tục nã pháo vào các khu vực dân cư và căn cứ quân sự của Nga, bất chấp lệnh ngừng bắn của xứ bạch dương. (Reuters)

* Đại sứ Nga: Mỹ không muốn giải pháp chính trị cho xung đột ở Ukraine: Ngày 5/1, bình luận về quyết định của Nhà Trắng chuyển giao xe chiến đấu bộ binh Bradley cho Kiev, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov nhận định: “Điều này đã xác nhận rằng những người đối thoại với chúng tôi ở Mỹ đã không cố lắng nghe lời kêu gọi của chúng tôi về hậu quả từ cách cư xử nguy hiểm của Washington”.

Ông khẳng định “không ai nên buộc ai phải chịu trách nhiệm cho cuộc xung đột kéo dài này. Tất cả những hành động của chính quyền Mỹ cho thấy họ không có bất kỳ mong muốn nào về một giải pháp chính trị ở Ukraine”.

Trước đó cùng ngày, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ công bố một gói hỗ trợ quân sự khác cho Ukraine trong ngày 6/1 trị giá tới 3 tỷ USD, bao gồm các xe chiến đấu bộ binh Bradley. (Sputnik)

* Đức muốn chuyển giao 40 xe thiết giáp Marder cho Ukraine quý I/2023: Ngày 6/1, người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Hebestreit cho biết Berlin muốn cung cấp 40 xe thiết giáp Marder cho Ukraine trước khi kết thúc quý đầu tiên trong năm nay. Khóa đào tạo sử dụng Marder sẽ diễn ra ở Đức và kéo dài 8 tuần.

Ngoài ra, ông Hebestreit cũng cho biết Đức sẽ chuyển giao một một hệ thống tên lửa phòng không Patriot trong kho vũ khí tới Ukraine trong quý I/2023. (Reuters)

* Thủ tướng Nhật Bản lên tiếng về lời mời đến thăm Ukraine: Ngày 6/1, ông Kishida cho biết ông sẽ xem xét việc thực hiện chuyến thăm Kiev trên cơ sở “cân nhắc nhiều yếu tố”, sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky có lời mời. Trong cuộc diện đàm với nhà lãnh đạo Kiev, ông Kishida cũng đã một lần nữa khẳng định lập trường của mình, đồng thời cam kết hỗ trợ người dân Ukraine vượt qua mùa Đông khắc nghiệt.

Trước đó, tiếp Đại sứ Nhật Bản tại Ukraine Kuninori Matsuda hôm 5/1, Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine Andriy Yermak đã truyền đạt lời mời của ông Zelensky tới ông Kishida. Ông Yermak cũng chúc mừng Nhật Bản đảm nhận chức Chủ tịch Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) năm 2023, hy vọng của Kiev về việc tiếp tục hợp tác với các thành viên nhóm này.

Về phía Nhật Bản, Chánh văn phòng Nội các Hirokazu Matsuno đã xác nhận thông tin trên. Ông nêu rõ: “Nhật Bản sát cánh với người dân Ukraine... và sẽ có những bước đi phù hợp với tư cách là Chủ tịch luân phiên G7 trong năm nay”. (Kyodo)

Đông Nam Á

* Tổng thống Indonesia có thể sớm cải tổ Nội các: Phát biểu ngày 6/1, Tổng thống Indonesia Joko Widodo “(Việc cải tổ) có thể diễn ra trong ngày 6/1 - hoặc trong ngày 9/1, 10/1, 11/1 tới”. Tuy nhiên, ông không cung cấp thêm chi tiết.

Một số nguồn tin giấu tên cho hay ông Widodo có thể sẽ sa thải một số bộ trưởng hoạt động kém hiệu quả và thực hiện cuộc cải tổ cuối cùng trước thềm bầu cử vào năm 2024. Đồn đoán về sự kiện này đã gia tăng kể từ khi Nasdem, một trong 7 đảng chính trị trong liên minh cầm quyền, tuyên bố sẽ ủng hộ cựu Thống đốc Jakarta Anies Baswedan trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2024. Chính trị gia Baswedan được coi là đối thủ lớn của người kế nhiệm ông Widodo. (Reuters)

Đông Bắc Á

* Trung Quốc điều chỉnh các quy trình phòng Covid-19, kêu gọi EU “khách quan và công bằng” với du khách: Ngày 6/1, trong thông cáo thứ 10, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết các cơ quan y tế của Trung Quốc đã điều chỉnh các quy trình kiểm soát và phòng ngừa dịch Covid-19 mới nhất. NHC sẽ tối ưu hóa hơn nữa phương pháp phân loại và điều trị lâm sàng người nhiễm virus SARS-CoV-2, đồng thời bổ sung xét nghiệm kháng nguyên trong chẩn đoán.

Cùng ngày, trả lời câu hỏi liên quan tới khuyến nghị của Liên minh châu Âu (EU) về tái áp dụng biện pháp xét nghiệm Covid-19 đối với du khách từ Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh kêu gọi khối này nên xem xét “một cách khách quan và công bằng” tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc. Trước đó, giới chức EU cũng đã gợi ý rằng các du khách đến từ Trung Quốc nên có kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính trước khi khởi hành. (Reuters)

* Tổng thống Hàn Quốc sẽ cân nhắc khiển trách quân đội sau vụ UAV Triều Tiên: Ngày 6/1, một quan chức Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc nêu rõ: “Việc kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội vẫn đang diễn ra. Vì vậy, khi có kết quả cuối cùng, dự kiến (Tổng thống Yoon Suk Yeol) sẽ xem xét tình hình chung và quyết định”. Quan chức này cũng nhấn mạnh rằng vùng cấm bay là khu vực bán kính 3,7 km quanh Văn phòng Tổng thống, “hoàn toàn khác” với "”vùng an ninh” là khu vực có bán kính 500 mét.

Bộ trưởng Quốc phòng và giới lãnh đạo quân đội Hàn Quốc đang đối mặt với lời kêu gọi phải chịu trách nhiệm khi không bắn hạ vật thể được cho là máy bay không người lái (UAV) Triều Tiên vào tuần trước và thừa nhận muộn màng rằng một UAV Triều Tiên đã bay vào khu vực xung quanh Văn phòng Tổng thống. (Yonhap)

* Nhật Bản Anh sắp ký thỏa thuận hợp tác quốc phòng: Yomiuri Shimbun (Nhật Bản) dẫn các nguồn tin chính phủ nước này ngày 6/1 cho hay Tokyo và London đang lên kế hoạch ký Thỏa thuận Tiếp cận Đối ứng (RAA) để tạo thuận lợi cho hợp tác quốc phòng và an ninh trong chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tới Anh vào tuần tới.

Thỏa thuận này được cho là sẽ cung cấp một khuôn khổ pháp lý để tạm thời miễn thị thực cho quân nhân và giảm bớt việc kiểm tra hải quan đối với các thiết bị trong các cuộc tập trận chung giữa Nhật Bản và Anh. Các cuộc thảo luận hiện đang ở giai đoạn cuối cùng. Nếu kịch bản này thành hiện thực, Anh sẽ trở thành quốc gia thứ 2 có RAA với Nhật Bản nếu thỏa thuận này được ký kết. Nhật Bản đã ký RAA với Australia hồi tháng 1/2022.

Dự kiến, ông Kishida Fumio sẽ thăm Anh từ ngày 9-10/1 như một phần trong chuyến công du tới một số nước châu Âu, Canada và Mỹ từ ngày 9-13/1. (Sputnik)

Trung Á

* Trung Quốc, Turkmenistan nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện: Theo Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) ngày 6/1, trong hội đàm tại Đại lễ đường Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Turkmenistan Serdar Berdimuhamedov đã thông báo nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện. (TASS/Tân Hoa xã)

* Nga huấn luyện khoảng 1.000 quân nhân Tajikistan: Ngày 6/1, Văn phòng báo chí Quân khu miền Trung của Ngathông báo chuyên gia nước này thuộc căn cứ quân sự 201 ở Tajikistan sẽ đào tạo 1.000 chuyên gia cho lực lượng vũ trang nước sở tại trong năm 2023.

Thông cáo nêu: “Công tác huấn luyện sẽ được thực hiện đồng thời ở hai bãi tập - Lyaur và Sambuli - trong 14 chuyên ngành quân sự”. Nội dung huấn luyện sẽ tiến hành với xe tăng T-72, bệ phóng tên lửa đa năng BM-2, pháo tự hành 2S1 và xe bọc thép chở quân BTR-80.

Các giảng viên quân sự của Nga cũng sẽ tham gia huấn luyện trinh sát, lính bắn lựu đạn và các quân nhân chuyên nghiệp khác. Sau khóa đào tạo 3 tháng, các binh sĩ Tajikistan sẽ thử vận hành vũ khí, vũ khí hạng nhẹ và súng phóng lựu của phương tiện chiến đấu.

Đóng tại các thành phố Dushanbe và Bokhtar của Tajikistan, căn cứ quân sự 201 là cơ sở quân sự ở nước ngoài lớn nhất của Nga, bao gồm các đơn vị bộ binh, xe tăng, pháo binh, trinh sát, phòng thủ viện trợ và thông tin liên lạc. (Sputnik)

Châu Âu

* Tổng thống Lukashenko thăm binh sĩ Nga đóng tại Belarus: Ngày 6/1, Bộ Quốc phòng Belarus thông báo, Tổng thống Alexander Lukashenko đã đến thăm một căn cứ quân sự, nơi binh sĩ Nga đóng quân. Trong cuộc gặp, ông Lukashenko và một đại diện giấu tên của quân đội Nga đã thảo luận về cuộc tập trận chung của hai nước này. Đại diện Nga nêu rõ: “Trong giai đoạn này, các đơn vị của Lực lượng vũ trang Nga sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch”.

Trước đó, hôm 5/1, Minsk cho biết sẽ nhận thêm vũ khí và trang thiết bị từ Moscow khi hai bên tăng cường hợp tác quân sự. Diễn biến này khiến phương Tây lo ngại rằng Belarus có thể là bàn đạp để Nga tấn công Ukraine từ phía Bắc. (Reuters)

*Nổ súng tại căn cứ quân sự ở Áo: Đăng tải trên Twitter ngày 6/1, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Áo Michael Bauer đã nêu rõ: “Tại doanh trại không quân ở Wiener Neustadt, một lính gác đã thiệt mạng và một binh sĩ khác đã bị thương trong cuộc đọ súng khoảng 7h hôm nay”.

Hãng thông tấn APA (Áo) đưa tin một người lính gác đã nổ súng trong một cuộc tranh cãi và sau đó anh ta bị viên sĩ quan quân đội cấp cao hơn bắn. (Reuters)

Trung Đông-châu Phi

* Iran chặn đứng cuộc tấn công mạng vào Ngân hàng Trung ương: IRNA (Iran) ngày 6/1 dẫn lời ông Amir Mohammadzadeh Lajevard, Giám đốc Công ty Cơ sở hạ tầng truyền thông Iran cho biết nước này đã chặn đứng một cuộc cuộc tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) vào Ngân hàng Trung ương Iran tối ngày 5/1. Thủ phạm đứng đằng sau các cuộc tấn công này đã cố gắng gây tràn địa chỉ truy cập bằng lưu lượng truy cập lỗi, làm website hoạt động kém đi hoặc khiến website bị ngoại tuyến hoàn toàn. Tuy nhiên, các nỗ lực này đã nhanh chóng bị ngăn chặn.

Hồi tháng 9/2022, Ngân hàng Trung ương Iran cho biết một cuộc tấn công mạng đã khiến trang web của Ngân hàng này ngừng hoạt động trong thời gian ngắn.

Trước đó, hồi tháng 10/2022, nhóm tin tặc Anonymous và cùng nhiều nhóm tin tặc toàn cầu khác từng qua đe dọa tiến hành nhiều đợt tấn công mạng nhằm vào các tổ chức và quan chức Iran ủng hộ biểu tình chống chính phủ Iran. (Reuters)

* Trung Quốc ủng hộ đối thoại về vấn đề vũ khí hóa học ở Syria: Ngày 6/1, phát biểu trong cuộc họp Hội đồng Bảo an, Tham tán Công sứ phái bộ thường trực Trung Quốc tại Liên hợp quốc (LHQ) Sun Zhiqiang nhấn mạnh, Chính phủ Syria và Ban thư ký về kỹ thuật của Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW) nên tăng cường hợp tác và liên lạc, đồng thời thỏa hiệp để giải quyết kịp thời các tồn đọng.

Ông nói: “Chúng tôi hoan nghênh việc gia hạn thành công thỏa thuận ba bên giữa Chính phủ Syria, Ban thư ký về kỹ thuật và Văn phòng dự án của LHQ... Về cuộc gặp giữa lãnh đạo OPCW và Ngoại trưởng Syria, Trung Quốc khuyến khích Chính phủ Syria và Ban thư ký về kỹ thuật tăng cường phối hợp để cùng thúc đẩy việc chuẩn bị cho cuộc gặp này”.

Trung Quốc cũng kêu gọi Ban thư ký về kỹ thuật xem xét đầy đủ tình hình thực tế mà Syria phải đối mặt và tạo điều kiện cho nước này tham gia vòng tham vấn kỹ thuật lần thứ 25. Thông tin do Damascus cung cấp về việc các tổ chức khủng bố sở hữu và sử dụng vũ khí hóa học phải được Ban thư ký xem xét đầy đủ. (Tân Hoa xã)

Minh Vương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-61-dai-su-nga-tiet-lo-mot-dieu-ve-my-no-sung-bat-ngo-o-can-cu-quan-su-ao-212462.html