Tín hiệu vui trong dạy và học ngoại ngữ

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, nhu cầu học ngoại ngữ ngày càng cao và bức thiết. Các cơ sở giáo dục, đội ngũ giáo viên của Cần Thơ đã có nhiều sáng tạo để đáp ứng yêu cầu về chất lượng dạy và học ngoại ngữ hiện nay.

Đều đặn mỗi thứ hai, tư, sáu hằng tuần, gia đình anh Nguyễn Văn Kiên (phường An Bình, quận Ninh Kiều) đưa con gái (hiện đang học lớp 5) đến trung tâm để học tiếng Anh. Nhà cách khá xa nơi học khoảng 5km nhưng vợ chồng anh đều đặn luân phiên chở con đi học. Anh Kiên nói: “Con tôi học tiếng Anh ở trung tâm ngoại ngữ từ năm lớp 1. Cháu thích học nên dù bệnh cũng không chịu nghỉ”. Còn vợ chồng anh Nguyễn Văn Cường (phường An Khánh) có 2 con gái (học lớp 6 và 7) học tiếng Anh tại Trung tâm Anh ngữ Gia Việt từ 5 tuổi. Anh còn khuyến khích con tham gia câu lạc bộ tiếng Anh tại trường; chở con đi công viên để thực hành với người nước ngoài... Anh Cường nói: “Vốn từ, kỹ năng nghe nói của 2 con tiến bộ nhanh, nên gia đình thấy công sức bỏ ra là xứng đáng”.

Học sinh Trường THCS Bình Thủy xem thiệp chúc mừng thầy cô bằng tiếng Anh, tiếng Pháp.

Tại các trường phổ thông trên địa bàn thành phố Cần Thơ cũng đã và đang lồng ghép môn tiếng Anh, tiếng Pháp vào hoạt động phong trào, giao lưu văn, thể, mỹ; giúp học sinh vừa chơi, vừa học tốt ngoại ngữ. Đơn cử tại Trường THCS An Thới (quận Bình Thủy), mỗi tháng một lần Tổ Ngoại ngữ lồng ghép với phong trào Đội tổ chức các hoạt động liên quan đến môn Tiếng Anh. Còn Trường THCS Lê Bình (quận Cái Răng) thông qua hoạt động sáng kiến từ chương trình WINDY, hội thi trưng bày sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp trường, học sinh tận dụng tấm lịch, tấm bìa cũ để làm những bức tranh bằng tiếng Anh, tiếng Pháp. Dịp Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam năm 2019, Trường THCS Bình Thủy phát động trong học sinh viết thiệp chúc mừng thầy cô bằng tiếng Anh, tiếng Pháp... Theo Ban Giám hiệu Trường THCS Bình Thủy, phong trào này tạo sân chơi, vừa giúp học sinh rèn luyện kỹ năng ngoại ngữ. Đây là nền tảng để nhà trường tổ chức Ngày hội Tiếng Anh cấp trường, làm báo tường bằng ngôn ngữ thứ hai...

Ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố khuyến khích các đơn vị, trường học có đủ điều kiện và nguồn lực triển khai thực hiện lồng ghép dạy và học ngoại ngữ qua các cuộc thi hay sinh hoạt của các bộ môn. Tại Trường THPT Thực hành Sư phạm, Trường Đại học Cần Thơ, vào buổi sáng mỗi tuần, học sinh học các môn văn hóa; buổi chiều thì học chương trình nâng cao, chuyên đề tiếng Anh, môn năng khiếu. Tiếng Anh được trường ưu tiên, cam kết các em đủ năng lực ngoại ngữ để du học sau tốt nghiệp THPT. Ở từng môn học, giáo viên lồng ghép dạy tiếng Anh. Như môn Lịch sử, 3 năm nay, học sinh đã làm bài tập nhóm, thuyết trình bằng tiếng Anh. Theo thạc sĩ Nguyễn Văn Kham, giáo viên dạy Lịch sử của trường, lúc đầu triển khai, học sinh chưa quen, nên chỉ chọn lớp giỏi về ngoại ngữ thực hiện và chọn vấn đề từ dễ đến khó để học sinh thảo luận…, dần dần lan tỏa cách học mới này. “Chúng tôi nỗ lực để sau khi tốt nghiệp, các em đủ năng lực giao lưu bạn bè quốc tế, dự tuyển đại học hay du học”, thầy Kham nói.

***

Theo báo cáo sơ kết học kỳ I năm học 2019-2020 của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, việc dạy và học ngoại ngữ ở các trường phổ thông hiện nay có những bước tiến đáng kể. Ngành tiếp tục triển khai Chương trình Thí điểm tiếng Anh bậc tiểu học; duy trì dạy học ở các lớp song ngữ tăng cường tiếng Pháp. Bậc trung học, việc triển khai dạy và học ngoại ngữ theo lộ trình của Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020, tiếp tục đổi mới hình thức, phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá năng lực ngoại ngữ của học sinh theo chuẩn đầu ra... Nổi bật là sự kiện gắn biển “FrancEducation” (Trường Xuất sắc trong giảng dạy song ngữ tiếng Pháp) cho Trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng - trường thứ 5 của Việt Nam gia nhập Label France Education, với 395 thành viên xuất sắc trên thế giới. Các cơ sở đào tạo được gắn biển này sẽ nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ Pháp, thông qua Viện Pháp tại các nước sở tại về thông tin du học, học bổng, giao lưu văn hóa… Điều này đồng nghĩa, học sinh tốt nghiệp từ Trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng (môn tiếng Pháp) được các trường trong Label France Education công nhận chất lượng, cơ hội du học Pháp cao hơn.

Hiện nay, đại diện các trường phổ thông ở Cần Thơ (Thái Bình Dương, Thực hành sư phạm - Trường Đại học Cần Thơ...) sang Bang Victoria của Úc, bàn thảo mua bản quyền chương trình VCE (Victorian Certificate of Education) - chứng chỉ của Bộ Giáo dục Bang Victoria, Úc. Sau khi tốt nghiệp, học sinh có chứng nhận này sẽ được công nhận như là một chứng chỉ tốt nghiệp THPT cấp quốc gia, có thể nộp vào học bất cứ trường nào trên thế giới. Những trường thụ hưởng chương trình sẽ mở thêm một số chương trình chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế. Những học sinh giỏi ngoại ngữ, có điều kiện về kinh tế có thể đăng ký học - mở ra cơ hội cho học sinh du học tại chỗ.

Bài, ảnh: B.Kiên

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/tin-hieu-vui-trong-day-va-hoc-ngoai-ngu-a117794.html